trongdongvietnam

Trống là
một cổ vật của chung miền Nam Á, gồm cả Tầu, Việt, Miên,
Thái, Phi, Miến, Mã Lai, Nam Dương… mà trung
tâm phát xuất lớn nhất là Việt Nam. Trống đã
xuất hiện lu bù ngay từ thời khuyết sử, dưới rất nhiều
hình thức như trống đất, trống gỗ, trống đồng, trống cầu mưa,
trống sấm, trống vu hích, trống cầm canh… kể ra không
hết. Huyền thoại có nói đến trống da quì (giao
long) của Hoàng Đế, trống một chân của nhà Hạ
(túc cổ), trống có lỗ thông giữa của nhà
Thương (doanh cổ)… lịch sử Tư Mã Thiên có nhắc
tới vụ vua nhà Chu cho Tần Mục Công một chiếc trống đồng
vào năm 623 trước công nguyên. Riêng với Việt
Nam, năm 43, lúc Mã Viện sang đánh Trưng Nữ Vương
đã thu hết trống đồng đưa về tặng bạn bè, hoặc phá
ra đúc ngựa mẫu. Từ đấy, trống bị quên lãng dần
dưới ách ngoại bang… Trong Lĩnh Nam Trích Quái,
có truyện “Minh chủ Đồng cổ sơn thần truyện” nhắc tới trống theo
khía cạnh này. Đến thời Pháp thuộc, vào lối
1885-1895, thực dân mới nhận ra trống đồng là một di vật
rất quý, nên tìm mua khắp nơi. Xin ghi lại
đây mấy chiếc nổi tiếng. Trước hết là 2 chiếc loại thời
danh nhất: Một do Moulié lấy được của bà góa quan
lang người Mường ở miền Sông Đài tỉnh Hoà
Bình. Chiếc này được đem trưng bày ở Hội Chợ Quốc
Tế Paris 1889 rồi mất tích. Đến năm 1936 thấy xuất hiện ở bảo
tàng viện Guimet. Hai, là chiếc trống Khai Hóa, do
Gillet lấy được ở một tù trưởng Miêu tộc trên
Vân Nam, cũng đưa đi đấu xảo ở Paris, rồi mất tích. Sau
thấy xuất hiện ở bên Đức, tại bảo tàng viện dân tộc
học thành Vienne. Chiếc trống đồng thứ ba là trống Ngọc
Lũ của chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà
Nam. Năm 1901, trường Viễn Đông Pháp đã nhờ trung
gian chánh sứ Phủ Lý lấy trống ấy về Viễn Đông
Bác Cổ, nay ở Hà Nội. Chiếc trống thứ tư là trống
Hoàng Hạ, tìm được vào năm 1932, nhân
lúc khai sông gần làng Hoàng Hạ, tỉnh
Hà Đông. Trống được trao cho trường Viễn Đông
Pháp, để ở bảo tàng viện Finot, nay cũng ở Hà Nội.
Đó là cặp trống đẹp nhất, cổ nhất, hơn cả 2 trống
Sông Đà và Khai Hóa… Có thể kể ở
đây chiếc trống thứ năm, gọi là Trống Hà Nội, được
Anderson mua, đưa về Stockhom. Và chiếc thứ sáu là
trống Lào, tìm được bên đường cái Oubon
bên Lào vào năm 1924. Theo Goloubew, chiếc trống
này rất đẹp, cũng vào hạng cổ nhất, vì ít
bị kiểu thức hóa. Mặt trống rộng 86 cm, cao 54 cm. Vòng 1
có 5 cặp vật giống giao long châu đầu vào nhau.
Có nai và cả cá nữa. Về loại to nhất có
trống Đông Hiếu (Nghệ An) rộng 89 cm, hiện ở Hà Nội. Theo
Goloubew, còn một chiếc trống rộng tới 1 mét (3 ft) của
một tay chơi người Pháp tên là Nelson trước ở Bắc
Xế, Lào. Nghe nói ở bên Mỹ có một trống to
cả thước mặt, hay là chiếc trống nói ở đây chăng?
(Chúng tôi thấy có một trống rất lớn ở bảo
tàng Chicago. Hay là chính nó?). Phân
Loại Trống Đồng Bên Tây Âu có dấu vết
đã biết về trống đồng từ năm 1682 (xem Asie du Sud Asiatique,
Tome II Le Vietnam, L. Bezacier, Paris, Picard 1972). Nhưng mãi
tới cuối thế kỷ 19 mới có học giả bàn về trống đồng như
Hirth (1890) mà ông cho là bởi Tầu. Rồi De Grooth
(1901) cho là của Việt Tộc. Ông Franz Heger, một học giả
người Đức làm cố vấn trong hội nghị nghiên cứu về Viễn
Đông ở Hà Nội năm 1902 đã cho xuất bản tại Leipzig
2 quyển về trống đồng cổ ở Đông Nam Á. Sách in khổ
lớn, có 45 hình và một bản mục lục về tất cả
các diễn đề. Ông Heger chống lại ý kiến của Hirth
cho trống đồng là sản phẩm của Tầu, ủng hộ ý kiến của
Grooth cho là của Việt Tộc, quả quyết trung tâm các
cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở Bắc
Việt, và xin người Pháp chú ý đến di vật
đầy tính chất văn hóa này. Ông Heger
phân chia 165 chiếc trống được biết đến lúc ấy
thành 4 loại. Vì sự phân chia này được
các học giả công nhận, nên chúng ta cần duyệt
qua để có một ý niệm khái quát: Loại I
thường lớn, thân trống hình trụ thẳng đứng. Mặt dưới để
trống, mặt trên có hình sao đúc nổi với 12
cánh. Trên một số trống, chỉ có 8 cánh sao,
như trống Quảng Xương. Hoặc 14 cánh như trống Ngọc Lũ,
Sông Đà, Thượng Lâm. Hoặc 16 cánh như trống
Hoàng Hạ, Salayar. Loại I này tìm được nhiều nhất
ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ,
Hoàng Hạ, và Sông Đà. Loại II thân
trống chỉ có 2 phần, không có hình người hay
vật nữa, thay vào đó toàn là hoa văn
hình học. Trên mặt trống thường có hình khối
4 con cóc, đôi khi 6 con. Mặt trời có 8 tia. Loại
này tìm thấy nhiều ở Việt Nam cũng như mạn Nam Trung Hoa.
Loại III quai nhỏ đẹp. Mặt trời có 12 cánh. 4 góc
mặt có cóc, thường là 3 con chồng lên nhau
thành 12. Trang trí toàn bằng đồ án
hình học và hoa văn. Dưới chân có
đoàn voi đúc nổi đi chung quanh cây “đời sống”.
Đôi khi ốc thay voi. Người ta tìm thấy loại này ở
Miên. Loại IV riêng của Tầu như được chứng tỏ bằng hồi văn
gẫy khúc. Kích thước thường nhỏ, không có
cóc. Ngôi sao bao giờ cũng 12 tia, nhiều khi nói
rõtên 12 con vật địa chi. Loại này cũng như loại
III, đều xuất hiện muộn, nhưng chưa xác định được niên
đại. Ngoài 4 loại trên có thể kể thêm loại
trống Trấn Ninh (Vân Nam) mới tìm được hồi năm 1955,
trên mặt có những khối hình người và
thú (bò, ngựa, chó) diễn lại những cảnh sống: săn,
chiến, lễ… Loại này khác hẳn ở chỗ thân trống
cao, trên mặt thêm nhà cùng hình khối,
quai là 2 con hổ.

Xổ số miền Bắc