.:Trường Đại học Tiền Giang:.

1. Chiến Lũy Pháo Đài

Chiến lũy Pháo Đài nằm ngay Cửa Tiểu thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân,huyện Tân Phú Đông.

Vào năm 2000, Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã tiến hành tôn tạo di tích Pháo Đài. xung quanh là thành đất đắp cao, bờ thành lục giác. Nhà bia xây dựng cũng với cột bê tông,  với chiều cao 9,4m và rộng 84m2, mái ngói cong trang trí lưỡng long tranh châu.

Là di tích lịch sử dân tộc được xếp hạng cấp quốc gia năm 1987.

2. Đền thờ Trương Định

Tọa lạc tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đền thờ thuộc loại hình di tích lịch sử dân tộc, nơi thờ cúng vị anh hùng dân tộc Trương Định – người có công khai phá mở mang vùng đất Gò Công.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và cũng để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tu bổ lại toàn bộ đền thờ Trương Định – Gia Thuận với qui mô và khang trang như ngày nay.

 

Di tích Đền thờ Trương Định ở Gia Thuận  được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2004 cùng với di tích Ao Dinh và di tích Đám lá tối trời.

3. Lăng mộ Trương Định

Tọa lạc tại phường 1, thị xã Gò Công, tỉnhTiền Giang, mộ Trương Định là di tích lịch sử dân tộc, thuộc loại hình di tích lịch sử nơi lưu niệm danh nhân lịch sử nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giữa những năm 1860 của thế kỷ 19. Ngôi mộ được xây dựng ngay khi ông mất năm 1864. 

Lăng Trương Định là di tích lịch sử là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ.

Ngôi mộ tuy không nguy nga, lộng lẫy vì chính sách phản dân tộc của kẻ xâm lược và chế độ cũ, nhưng nói lên sự tôn kính và ngưỡng mộ công đức của nhân dân địa phương đối với người anh hùng.    

Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984.

4. Lăng Hoàng Gia 

Lăng được xây trên gò Sơn Quy thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; bao gồm khu  lăng mộ và nhà thờ của dòng họ Phạm Đăng “Thích lý” (bà con nhà vua) của triều Nguyễn.

Nằm cách lăng 30m về bên phải là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành thái và  năm 1921 thời vua Khải Định.

– Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

– Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.

– Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.

– Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.

– Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Ngày 2 tháng 12 năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích cấp Quốc gia.

5. Nhà Đốc Phủ Hải

Di tích tọa lạc tại số 49 đường Hai Bà Trưng, phường 1, thị xã Gò Công.

Toàn cục ngôi nhà thành thể cách nội công ngoại quốc rất đặc biệt. Địa cuộc bên ngoài quay về phía Bắc, sau lưng quay về phía Nam. Gồm ba phần: nhà chính có diện tích là 533,26m2, hai nhà vuông 196,4m2 và lẫm lúa. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, gạch, xi-măng, ngói.

Nhà Đốc Phủ Hải là một trong những ngôi nhà địa chủ phong kiến tiêu biểu nhất ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Ngôi nhà được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.

6. Đình Đồng Thạnh

Đình Đồng Thạnh được thành lập vào cuối thế kỷ XIX, sơ khai đình được xây dựng bằng tre lá đơn sơ. Đầu thế kỷ XX, nhân dân trong vùng đóng góp tiền của trùng tu đến năm 1914 mới hoàn thành và có qui mô đồ sộ, khang trang với lối kiến trúc có sự kết hợp độc đáo phong cách Đông – Tây, mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền và địa phương.

Di tích đình Đồng Thạnh tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, cách trung tâm tỉnh Tiền Giang 25km về hướng Đông Bắc.

Hằng năm Chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội kỳ yên vào 16 tháng 3 và 16 tháng 11 âm lịch.

Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2008.

7. Di tích khảo cổ Gò Thành

Di tích Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước chừng 200 m.

Năm 1941, L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành và sau đó ông đã thu thập được một số hiện vật.

Trong các năm 1988 – 1990, Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện KHXH Quốc gia) tiến hành liên tục 3 lần khai quật, khảo sát di tích này.

Tham quan khu di tích, du khách sẽ chiêm ngưỡng nhiều di tích cổ xưa nằm dưới giồng đất cát pha sét sâu từ 2-3 m, trong một gò đất rộng hơn 1 ha với nhiều mảnh gốm cổ bị vỡ; nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết của những đền tháp bằng gạch được xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Người ta cho đây có thể là những bệ thờ hoặc mộ táng của người Phù Nam là một vương quốc thuộc vào loại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ,  thuộc nền văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỉ IV đến thế kỉ VIII.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích khảo cổ Gò Thành là “Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia” vào ngày 12/12/1994.

8. Chùa Vĩnh Tràng

Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chùa được ông bà Bùi Công Đạt bắt đầu xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ về trụ trì đã đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”.

Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa, pha hòa cả nét kiến trúc Á – Âu.

Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ, được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1984 và trở thành một điểm hành hương và du lịch nổi tiếng.

9. Chùa Bửu Lâm

“Về sông Bảo Định bờ đông

có ngôi chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm”

Chùa Bửu Lâm toạ lạc tại số 162B, khu phố 7, đường Anh Giác, Phường 3, Tp. Mỹ Tho.

Chùa Bửu Lâm là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo được xây dựng gồm 03 phần: Tiền đường, Chính điện, Hậu Tổ. 

Trải qua 10 đời truyền thừa hơn 200 năm tồn tại, nhiều lần tu sửa nhưng chùa vẫn còn giữ được nét kiến trúc ban đầu và còn lưu giữ khá nhiều hiện vật chạm khắc gỗ tinh xảo, có giá trị được làm từ những bàn tay của các nghệ nhân vùng Nam bộ.

Chùa Bửu Lâm được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1999.

10. Đình Điều Hòa

Di tích tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong.

Đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ, và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII – XIX. Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ đuợc dáng vẻ ban đầu, trông rất khang trang và còn sử dụng được lâu dài.

Nơi đây, hàng năm tổ chức lễ hội Kỳ Yên vào 16-17-18 tháng 02 và 16-17-18 tháng 10 âm lịch.

Di tích đình Điều Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận di tích cấp quốc gia năm 2009.

11. Mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân

Mộ và đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tọa lạc tại ấp Hoà Quới, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Ban đầu, mộ ông được đắp bằng đất, năm 1927 con cháu của ông xây lại bằng đá xanh, gồm hai phần: nấm mộ và bia mộ.

Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân Đền thờ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có diện tích 3.500 m2. Ngoài ra tượng Thủ Khoa Huân được xây tại vườn hoa Lạc Hồng ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho nay là công viên Thủ Khoa Huân.

Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1987.

12. Bến đò Phú Mỹ

Di tích Bến đò Phú Mỹ thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Là di tích lịch sử Cách mạng – nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta vào những năm 1945 – 1947 trong giai đoạn Pháp trở lại xâm lược nước ta. 

Đồng bào ở đây đã chứng kiến những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Pháp, nổi cộm nhất là tên giặc Pháp có biệt danh là “Tây Búa” do trong người nó lúc nào cũng có lận một cây búa nhỏ làm biểu tượng thị uy trang sức của nó. Chúng đã dùng búa chặt đầu những đồng chí, những người dân nghèo khó mà chúng tình nghi có quan hệ kháng chiến hoặc không chịu vào lính Cao Đài rồi bêu trên các cọc tre, treo cổ, xỏ xâu vào bàn tay từng xâu đem bắn, có trường hợp chúng đeo đá vào cổ rồi xô xuống kinh gọi là đi “mò tôm”…

Đã hơn 60 năm qua, nhưng mỗi khi nhắc đến là người dân nơi đây không khỏi bàng hoàng nhớ về một thời kỳ đầy man rợ mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân làng Phú Mỹ.

Di tích được được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1994.

13. Chợ Giữa – Vĩnh Kim

Thuộc ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim là di tích lịch sử cách mạng nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta nói chung và nhân dân Mỹ Tho (Tiền Giang) nói riêng.

Tại di tích này, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng một tượng đài với chất liệu bằng đồng, cao 8 mét, biểu tượng một phụ nữ một tay bồng con, một tay cầm cây đòn gánh bị gãy với những đường nét mạnh mẽ, đầy căm thù, phía sau tượng đài là tranh gốm sứ tái hiện cảnh thảm sát năm xưa, phía trước là công viên được trồng cây cảnh, kiểng rất đẹp mắt.

Lễ giỗ tập thể diễn ra hằng năm vào ngày 05 tháng 12.

Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhân là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2003.

14. Rạch Gầm – Xoài Mút

Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ (thường gọi là rạch) đổ ra sông Tiền.

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Khu di tích được xây dựng để kỷ niệm cho trận đại thắng của anh hùng Nguyễn Huệ và pháo binh Tây Sơn đánh đuổi hàng vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi.

Với tổng diện tích hơn 02 ha, khu di tích gồm tượng đài Nguyễn Huệ, nhà trưng bày (số 1 và số 2), và một nhà cổ Nam Bộ. Đây là một khu di tích đẹp, thoáng mát,  nằm cạnh bờ sông Tiền.

Di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993.

15. Chiến thắng Giồng Dứa

Giồng Dứa là một bộ phận của Ba Giồng ở Tiền Giang (cánh én, kỳ lân và qua qua) chạy theo hướng Bắc – Nam, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy đến cặp lộ Đông Dương (quốc lộ I) thuộc ấp Đông xã Long Định huyện Châu Thành, do quá nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.

Di tích Giồng Dứa nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 10km về phía Tây, thuộc ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành.

Đây là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trong giai đoạn 1945-1954.

Năm 2000  trên cơ sở di tích cũ nhà nước đã cho xây dựng trong một khuôn viên gần 1 ha với các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu chất liệu bêtông cốt thép cao 7 m dài 24 m.

Di tích Giồng Dứa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm  2003.

16. Đình Long Hưng

Đình Long Hưng tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành.

Đình được xây dựng cách đây hơn 160 năm. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo cùng cờ búa liềm đã tung bay phất phới ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Năm 2005, tỉnh Tiền Giang khánh thành khu di tích đình Long Hưng.Tại đây vẫn còn cây bàng cổ thụ đã từng được cắm lên ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên. Bên phải đình là nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Nhà trưng bày hiện vật lịch sử về cuộc khởi nghĩa năm 1940.

Di tích được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1995.

17. Chiến thắng Ấp Bắc

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 02 tháng 01 năm 1963.

Khu di tích là một quần thể rộng lớn với hai phân khu chức năng, gồm có tượng đài, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, và Nhà trưng bày hiện vật, quảng trường và công viên được trồng cây cảnh…

Di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1993.

18. Đình Long Trung

Trước đây Đình được gọi là Mỹ Đông Trung Đình.

Đình được lập cạnh Rạch Ông Bảo, tại khu phố chợ Ba Dừa, thuộc ấp 17 xã Long Trung, huyện Cai Lậy vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 để thờ cúng các vị thần Thành Hoàng cùng những người có công khai khẩn đất hoang lập làng.  

Đình Long Trung thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật cổ, có giá trị về lịch sử. Theo sắc phong của Triều Nguyễn vào năm 1811 (thời vua Thiệu Trị) phong cho Thần làng Mỹ Đông Trung là Thượng Đẳng Thần, gồm có 6 lá sắc thần, 03 lá Đại Càn thờ ở Miếu, 03 lá thờ ở đình.

Đình còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất độc đáo ở Tiền Giang.

Mỗi năm đình có 03 lần cúng vào các ngày 12/01; 16-17/11 và 12/12 (AL). Lần cúng vào ngày 16-17/11 là lệ cúng Kỳ Yên. Đây là lần cúng quan trọng và lớn nhất ở Đình Long Trung.

Đình Long Trung được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999.

19. Lăng Tứ Kiệt

Lăng Tứ Kiệt nằm trên đường 30 tháng 04 thuộc khu phố I, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Lăng Tứ Kiệt là tên gọi mộ và đền thờ của bốn vị anh hùng chống Pháp ở Cai Lậy gồm: Nguyễn Thanh Long; Trần Công Thận (Trần Quang Thận); Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước (Đức).

“Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm.

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn”.

Hằng năm Chính quyền, các Đoàn thể và nhân dân huyện Cai Lậy cúng bốn vị anh hùng dân tộc vào ngày 14/02 tại Lăng Tứ Kiệt.

Di tích được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1999.

20. Chiến thắng Cổ Cò

Di tích chiến thắng Cổ Cò nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Chiến thắng Cổ Cò là trận đánh lớn đầu tiên trên chiến trường Khu 8, kể từ khi hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Cổ Cò làm cho nhân dân ta liên tưởng đến chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa của Hoàng Đế Quang Trung .

Khu di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò được xây dựng với diện tích trên 5.000m bao gồm tượng đài chiến thắng và khu công viên cây cảnh 

Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2001.

BBT

Xổ số miền Bắc