Truyền thông văn hóa và văn hóa truyền thông

Báo chí truyền thông của bất kỳ quốc gia nào cũng có nhiệm vụ truyền thông về nền văn hóa của chính quốc gia mình. Ở Việt Nam cũng vậy, nhiệm vụ xuyên suốt của báo chí là truyền thông về nền văn hóa Việt.

Từ góc nhìn văn hóa Việt hôm nay, có thể thấy, người Việt đã và đang hiện diện những thói hư tật xấu (lỗi văn hoá); ở các đô thị, hiện tượng lệch chuẩn về thẩm mỹ đang diễn ra. Những lệch chuẩn đó cần phê phán và loại bỏ. Muốn vậy, truyền thông Việt phải biết truyền thông một cách đích đáng, trên cơ sở nhận chân được bi kịch của sự phát triển. Tuy nhiên, đáng tiếc, lệch chuẩn thẩm mỹ của người Việt lại đang có một phần lỗi của văn hóa truyền thông. Câu hỏi mà tác giả đưa ra: các nhà truyền thông, nhất là các văn nghệ sĩ, đã nghĩ gì và làm gì để chế ngự những vấn đề bức bối đang đặt ra?

Không một nền văn hóa của quốc gia nào trên trái đất này lại không được/phải được truyền thông, qua nền báo chí truyền thông của chính mình. Và như thế, nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí hiện đại Việt Nam, từ khi ra đời, đương nhiên phải là truyền thông về nền văn hóa Việt, với toàn bộ sinh hoạt văn hóa của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dựa trên nền tảng hai mối quan hệ lớn nhất về ứng xử văn hóa: đó là ứng xử của người Việt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm tạo lập hai loại giá trị lớn nhất trong lịch sử tồn tại của mình: giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, theo quy luật văn hóa chung của toàn nhân loại, được hiển thị trong sự phát triển riêng biệt và đặc thù của từng quốc gia, và tùy thuộc vào quốc gia ấy thuộc một trong hai vùng văn hóa: phương Đông hoặc phương Tây.

Không ngẫu nhiên, tổ chức quốc tế UNESCO đã công nhận di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới chính là di sản văn hóa thuộc về tài sản chung của toàn nhân loại và kể từ năm đầucho đến năm 2014, Việt Nam đã có vài chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là tài sản chung của toàn thế giới và số di sản văn hóa này, trong thực tế, đã ngày càng tăng.

Văn hóa Việt phải được truyền thông

Trong sự phát triển nền báo chí truyền thông Việt Nam hiện đại, việc truyền thông giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo Việt Nam muốn truyền thông về văn hóa Việt Nam, đương nhiên phải giải mã được bản sắc văn hóa Việt, nếu không sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ căn cơ này của nền báo chí truyền thông Việt.

Kể từ tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ thuộc nửa đầu thế kỉ 20 ra đời, văn hóa Việt Nam đã được nhận diện và truyền thông, dù lúc bấy giờ, Việt Nam là thuộc địa Pháp. Và trong giao lưu với văn hóa phương Tây,Việt Nam đã lâm tình huống bị cưỡng đoạt về văn hóa. Song, dù muốn dù không, Việt Nam cũng phải bị/chịu “Âu hóa” như một xu hướng văn hóa không tránh khỏi. Điều này đã dẫn Việt Nam, ngay từ trong lòng xu hướng này, đến bi kịch của sự phát triển, đã được học giả Đào Duy Anh nhận thực về bản chất trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (Nxb. Quan hải Tùng thư, Huế, 1938, tái bản đã nhiều lần). Học giả Đào Duy Anh khẳng định rằng, về bản chất, văn hóa Việt Nam truyền thống vẫn là nền văn hóa nông nghiệp căn cơ. Bi kịch xuất hiện, khi nền văn hóa nông nghiệp ấybị cưỡng đoạt về văn hóa, khi thực dân Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp, và Việt Nam buộc phải chuyển sang một nền văn hóa mới và khác, mang bản chất “Âu hóa”, theo mô hình của văn hóa văn minh phương Tây.


Văn hóa Việt phải được truyền thông 

Trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, Đào Duy Anh nhận định chính xác: “Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”. Song, Đào Duy Anh cũng nhận rằng: “sinh khí mạnh” ấy được nảy sinh trong xã hội nông nghiệp, là “xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy”.

Sinh thời, khi định danh nền văn hóa nông nghiệp truyền thống đặc thù này, GS Trần Quốc Vượng đã chỉ đích tên bằng “ba hằng số”: nông dân – nông nghiệp – nông thôn (báo chí thời nay gọi tắt là “tam nông” và thường xếp đặt lộn xộn: nông nghiệp – nông dân – nông thôn, mà quên rằng, nông dân, phải đứng đầu trong ba hằng số này,  với tư cách chủ thể văn hóa nông nghiệp Việt Nam, họ ngàn đời làm nghề nông và nơi cư trú truyền thống của họ là ở làng (nông thôn). Và chính GS Trần Quốc Vượng cho rằng, 3 hằng số này đã để lại cho sự phát triển văn hóa Việt hôm nay một hành trang khá nặng nề, đó là căn tính nông dân, với phép tư duy truyền thống nghiêng lệch hẳn về duy tình mà coi nhẹ lý lẽ của lý trí. Học giả Đào Duy Anh gọi đó là cách ứng xử cơ bản của người Việt “luôn lấy cái cảm tình mà đặt lên hàng đầu”. Dân gian Việt thì thẳng thắn cho biết: “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”…

Bởi thế, trong giao lưu ban đầu với văn hóa phương Tây, dù bị ép trong tình thế bị cưỡng đoạt về văn hóa, những trí thức Việt Nam tiêu biểu vẫn không ngừng nghiên cứu, không ngừng cảnh báo về bi kịch của sự phát triển, mà người Việt vẫn đang trằn mình mà giải quyết hôm nay, khi Việt Nam đang bước vào thập niên thứ 2 của thế kỉ XXI. Đào DuyAnh, do tiên liệu bi kịch này từ nửa đầu thế kỉ XX, nên chính Đào Duy Anh cho rằng, muốn phát triển trong quan hệ văn hóa Đông – Tây phức tạp đầu thế kỉ XX thì Việt Nam phải nỗ lực giải quyết bi kịch này, bằng cách “nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”.

Cho đến cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt vẫn tiếp tục nghĩ suy để làm sao giải quyết cái bi kịch về sự phát triển này, đặc biệt là trên diễn đàn báo chí truyền thông, khi muốn nhận diện văn hóa truyền thống một lần nữa, thật thẳng thắn khách quan, trung thực, nhằm thúc đẩy văn hóa hiện đại phát triển, hội nhập trong bối cảnh mới đang bộn bề phức tạp hôm nay.

Vậy, từ góc nhìn văn hóa Việt hôm nay, phải thấy một sự thật: trong ứng xử với môi trường tự nhiên, từ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại… là 4 khu vực căn cơ của cái sống hằng thường, vốn tạo lập giá trị văn hóa vật chất cho sự phát triển xã hội hiện đại Việt, thì người Việt hiện đại đã và đang hiện diện những thói hư tật xấu (lỗi văn hoá), cần phê phán và loại bỏ khỏi hành trang phát triển của chính mình. Rồi cách ứng xử văn hóa với môi trường xã hội hiện đại Việt, bắt đầu từ ứng xử trong tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình, cho đến rộng ra ngoài xã hội, từ xã hội trong nước đến xã hội người Việt ở nước ngoài (với hơn 4 triệu người gốc Việt đang định cư ở nước ngoài), tất thảy đều đang có những chuyện đáng quan ngại, đáng âu lo, nhất là đáng suy tư, để cần phải rút kinh nghiệm sửa đổi và gấp gáp điều chỉnh… Không phải không hữu lý khi GS Trần Quốc Vượng chỉ ra “căn tính nông dân” đã và đang gây cản trở cho sự phát triển văn hóa Việt hiện đại. Và căn tính này liên quan đến “bi kịch” của phát triển mà Đào Duy Anh chỉ ra trong “Việt Nam văn hóa sử cương”.

Và truyền thông phải có văn hóa

Vậy thì câu hỏi lớn nhất đặt ra cho chính văn hóa Việt hiện đại, trong phát triển và hội nhập quốc tế hôm nay là văn hóa Việt sẽ phát triển theo cách nào khả thi nhất?

Thiết nghĩ, phải bắt đầu ngay bằng cách đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy ngay trong lĩnh vực quan trọng nhất của xã hội Việt hôm nay, đó là giáo dục, và phải đổi mới với khát vọng đổi mới căn bản và toàn diệngiáo dục Việt nam hiện đại. Về cuộc đổi mới này, có lẽ nên đặc biệt lưu ý đến phát kiến của GS Ngô Bảo Châu (Bài “Sách giáo khoa, ngân sách và Wikipedia” đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần, 11.5.2014), khi tham góp việc đổi mới sách giáo khoa phổ thông, vừa gây phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội. Theo GS Châu, sở dĩ dư luận bất bình, bởi “cái gây ra sự bất bình không phải là bản thân số tiền (34.000 tỷ), mà là cảm giác bất công. Tại sao phải dùng ngân sách để làm ra những quyển sách mà người dân vẫn phải mua, vẫn bắt buộc phải mua hàng năm với số lượng lớn”. GS Châu tự trào, cho mình là “người làm toán thích những suy nghĩ đơn giản và ngây thơ, tôi thấy có một phương án đơn giản, ngây thơ để giải quyết sự bất công kể trên: đó là công bố hoàn toàn nội dung sách giáo khoa lên mạng” và GS quả quyết: việc này “dưới một hình thức phù hợp, có thể còn là lời giải cho một bài toán khó khác, đó là tính ổn định của chương trình và sách giáo khoa. Từ đó, Châu “nghĩ về mô hình vikipedia (từ điển mở) cho sách giáo khoa”. Nhưng muốn có mô hình mở kiểu này, cái cần nhất theo ý Châu lại phải xuất phát từ một“tư duy hiện đại”, mới có thể giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Ta có thể hoàn toàn đồng thuận với tinh thần triết học của ý kiến này, song, trên một vấn đề còn lớn hơn đổi mới sách giáo khoa, đó là việc cần phải có tư duy hiện đại mới giải quyết được bi kịch về văn hoá trong sự phát triển mới của văn hóa Việt hôm nay. Chỉ có tư duy kiểu mới này mới có thể nhận rõ bản chất của bi kịch trong sự phát triển và hội nhập của văn hoá Việt hôm nay, mà tiền nhân từ lâu đã chỉ ra. Và chỉ có kiểu tư duy ấy mới có thể gạn lọc, buông bỏ những yếu tố bất cập trong hành trang “căn tính nông dân”, để chỉ gìn giữ và bảo tồn những yếu tố tinh hoa, căn cốt nhất của hành trang này trên đường phát triển và hội nhập.

Và đây là nhiệm vụ lớn nhất mà giới truyền thông Việt phải đảm đương hôm nay. Đó là phải truyền thông về sự phát triển văn hóa Việt một cách đích đáng, trên cơ sở nhận chân được bi kịch của sự phát triển, chỉ khi ấy mới có văn hóa thực sự trong truyền thông. Vì thế, nhà báo Mỹ Thomas Friedman, tác giả sách “Thế giới phẳng” đã phát biểu trên báo Nhân Dân cuối tuần ngày 1.6.2014: “Thế giới càng “phẳng” văn hóa càng cần được đầu tư!” Báo Nhân Dân đã ủng hộ ý kiến đó và khẳng định: “nền văn hóa của quốc gia, dân tộc nào cũng cần được đầu tư kĩ càng”. Và việc đầu tư văn hóa “không chỉ để tăng cường “sức đề kháng” mà sâu hơn là nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đương nhiên, văn hóa Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó”…

Tuy nhiên, ở các đô thị Việt Nam hiện nay, đang diễn ra khá nhiều hiện tượng lệch chuẩn về thẩm mỹ, mà giới truyền thông Việt đang phải đương đầu.

Lệch chuẩn thẩm mỹ đang là lỗi văn hóa của truyền thông

Một loạt các hiện tượng như: hai ca khúc với ca từ nội dung tục tĩu, phản cảm, bộ phim sitcom Căn hộ số 69 tự gắn mác 18+ có nhiều hình ảnh thô tục được tung lên mạng, hút hàng triệu lượt người xem, hay cảnh nhiều nam thanh nữ tú sẵn sàng trút bỏ xiêm y, tạo dáng quằn quại lõa lồ, chụp ảnh trong đầm sen Hồ Tây Hà Nội đang gây bất bình trong dư luận xã hội. Từ góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, tôi cho rằng đã đến lúc gọi đó là sự sụp đổ về giá trị thẩm mỹ…

Không ngẫu nhiên mà hai ca khúc và bộ phim truyền hình có nội dung phản cảm trên đã chọn cách phát hành trên mạng xã hội, nhanh chóng thành “hiện tượng”, thu hút hàng triệu lượt người xem. Điều này có thể lý giải: trong vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, thì cũng tự nhiên hiển thị một độ chênh nhất định giữa trình độ dân trí và văn hóa mạng. Mạng xã hội bị sử dụng tùy tiện, không có cơ chế điều hành, giám sát, kiểm soát hiệu quả, và hiện nay, các mạng xã hội đều đang trong tình trạng người sử dụng thoải mái muốn làm gì thì làm. Vì vậy, sẽ dẫn đến sự tùy tiện ngày càng quá trớn, quá mù ra mưa. Và do không kiểm soát được mọi sự xuất hiện trên mạng, nên thông tin trên mạng hiện đang trở thành “đống rác” khổng lồ, trong đó, lẫn lộn vàng thau, thậm chí “vàng ròng” (dù rất hiếm và rất đáng tiếc). Song phần nhiều vẫn là rác, đặc biệt, rác mang danh sáng tạo. Mạng đang thành nơi chứa tất cả những thứ gì người ta có thể nghĩ ra, tưởng tượng ra, kiểu “xả xú páp”, bất chấp cái ngưỡng cần phải có, các giới hạn về cái đẹp mà chẳng sợ bị ai phản ứng hay kiểm định về chất lượng, hiệu quả, hậu quả thông tin…

Dân tộc Việt vốn có truyền thống thẩm mỹ trong quan niệm kín đáo về chuyện phòng the. Khi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Pháp thì chuyện phòng the riêng tư của cá nhân đã được nhìn nhận theo cách khác, được/bị Tây hóa, Âu hóa, sau này là được/bị Mỹ hóa. Đó có thể là điều khó tránh và dễ xảy ra trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của xã hội Việt hiện đại. Tuy nhiên, những quan niệm Tây hóa ấy, về bản chất, vốn khác biệt hẳn với quan niệm của văn hóa Á Đông,và khá là xa lạ, là trái ngược với văn hóa Á Đông, nên một dân tộc nông dân như dân tộc Việt Nam, đã rất dễ gặp phải bi kịch của sự phát triển, do chưa được chuẩn bị kĩ về tâm lý, thẩm mỹ, lại do tình thế bị động ngay từ đầu thế kỉ XX, khi tiếp xúc với phương Tây, trong tình thế bị cưỡng về văn hóa, nên người nông dân Việt đã thật vướng vít, lúng túng, nghiêng ngả, chênh chao trong làn sóng Âu hóa lúc bấy giờ. Và ngay cả hôm nay, khi thế kỉ XXI đã hiện diện ở Việt Nam đến đầu thập niên thứ hai, Việt Nam đã tự chủ, độc lập trong phát triển và giao lưu văn hóa với toàn cầu, thì vẫn có khá nhiều người đang tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ các nước ngoài với sự vọng ngoại thái quá, với thái độ lệch lạc, khi hào hứng “nhặt về” nhiều sản phẩm của văn hóa phương Tây mà không phân biệt được rác và văn hóa.

Cư dân mạng Việt Nam hiện đang rất đông đúc và nhạy cảm. Họ đông đến mức nếu ai đó nổi tiếng trên mạng, thì cũng đã là một giá trị. Thế giới mạng lại đang trong tình trạng hoàn toàn tự do, tự do tuyệt đối, nên những hiện tượng xả rác quá vô tư, tung tẩy trên mạng là có thể hiểu và lý giải được, từ góc nhìn văn hóa…

Gần đây, tại Hà Nội, một số cư dân thủ đô đang say sưa với những bộ ảnh được chụp bên đầm sen Hồ Tây. Những bộ ảnh này được tung lên mạng, khiến nhiều người thật ngỡ ngàng về sự “bạo dạn”, phóng túng của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay. Phải chăng họ tôn thờ hình thể của mình đến mức sẵn sàng làm nhiều điều cốt có được khuôn hình đẹp? Tôi nghĩ giản dị rằng, hoa sen rất đẹp. Và Hồ Tây Hà Nội rất đẹp vì có hoa sen. Và đặc biệt có đường đi vòng quanh Hồ Tây thật lãng mạn. Năm nào tôi cũng cùng bạn bè lên đó ngắm sen hồng nở ở Đầm Trị thuộc Hồ Tây. Nhưng đầm sen năm 2013 vẫn là nơi thanh tao, không xuất hiện một mảnh yếm, một mảng da thịt nào lộ liễu của thiếu nữ Hà Nội chụp ảnh với sen.

Giờ thì da thịt phụ nữ Hà Thành đều phơi lộ ngồn ngộn, không giấu che cho thợ ảnh chụp… Nhiều bạn trẻ không ngần ngại mặc yếm lộ liễu khoe da thịt, thậm chí còn trút bỏ xiêm y. Chứng tỏ thẩm mỹ hiện nay đã xuống tới đáy dung tục, của sự cố ý khoe thân lộ liễu, và rất đáng kinh ngạc vì… phản cảm. Nó cho thấy một đảo lộn về chuẩn thẩm mỹ, về sự đạp đổ phũ phàng ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, giữa thẩm mỹ và phản thẩm mỹ, giữa đạo đức và phi đạo đức. Từ câu chuyện chụp ảnh ở Hồ Tây với hoa sen, có thể nhìn thấy hai trạng thái tâm lý từ hai phía: người chụp ảnh và đối tượng (là Thượng Đế), đã chi tiền triệu để chụp ảnh. Một bên dựa trên nhận thức đơn giản, không phân biệt được đâu là cái đẹp. Và một bên (người chụp ảnh) thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận, bất chấp các ngưỡng về thẩm mỹ, đạo đức. Tiền đã leo lên trên cả chuẩn mực về cái đẹp (tôi được biết, mỗi thợ ảnh có thể thu được từ 3-4 triệu/ ngày; người trang điểm cũng có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày). Song điều đáng ngạc nhiên nhất là: thế giới mạng lại đẩy xa hơn ranh giới của những điều có thể. Đáng suy nghĩ là, những điều đó lại tạo được hiệu ứng rộng rãi trong một bộ phận giới trẻ. Tôi nghĩ: Cái đẹp là phạm trù thẩm mỹ và cũng là cái thường nhật hiển thị trong con người và cuộc đời quanh ta, nếu không nhìn ra và thấu hiểu nó thì sẽ làm cho cái đẹp tổn thương hoặc trở nên sống sít, thô bạo. Hoa sen đẹp và thiếu nữ, thiếu phụ Hà thành không hiếm người dẹp. Nhưng phô diễn và thể hiện cái đẹp như chuyện chụp ảnh trên, cùng các hiện tượng lệch chuẩn đang diễn ra hiện nay, có thể gọi là sự sụp đổ về thẩm mỹ, và điều đó sẽ gây hệ lụy khó lường, kéo theo  sụp đổ của một số giá trị tinh thần khác, vì đương nhiên, trong thẩm mỹ có đạo đức – đạo đức phương Đông, vẻ đẹp phương Đông, vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.

Nói rõ hơn, thẩm mỹ liên quan đến tri thức và nhận thức. Có tri thức tốt mới hướng đạo được nhận thức. Những điều đó không tự nhiên có, mà phải được học hành tử tế, được giáo dục tử tế từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Ai cũng phải/được trưởng thành trong tam giác: gia đình – nhà trường – xã hội. Xã hội hiện đại Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập. Ngay từ thập niên đầu của thế kỷ XX, nhà văn hóa Đào Duy Anh đã cảnh báo: sự phát triển của xã hội nông nghiệp Việt Nam đi theo xu hướng phương Tây – công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa thì chắc chắn phải nhận chịu bi kịch của sự phát triển – từ góc nhìn văn hóa. Sự khủng hoảng về thẩm mỹ hiện nay chính là một biểu hiện rõ của sự xuống cấp giá trị đạo đức thẩm mỹ, nằm ngay trong cái bi kịch ấy.

Chiếc “yếm lụa sồi, chiếc khăn lưng đũi, chiếc áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” của cô gái quê ra tỉnh chỉ trong một ngày trời, bị thay thế bằng “khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng” trong bài thơ của Nguyễn Bính, chính là phản ánh sự va đập, đổi dời giữa văn minh phương Tây và phương Đông trong văn hóa mặc. Song, câu chuyện hiện tại cho thấy sự va đập, sự đổi dời giữa truyền thống với hiện đại, và khi bị đứt gãy về các giá trị thẩm mỹ dân tộc, thì người ta dễ trở thành những kẻ học đòi mù quáng, mà chưa được thanh tẩy trong sự Việt hóa, để hình thành chuẩn thẩm mỹ mới, phù hợp với căn tính dân tộc mình. Muốn tránh được những hệ lụy này, không gì bằng việc giáo dục thẩm mỹ. Tôi cho rằng, hiện trạng này có lỗi của những người quản lý văn hóa và lỗi của những người làm giáo dục, vì họ đã không giáo dục cho thế hệ trẻ biết được cái ngưỡng – sự dừng lại nào thì vẫn cứ là cái đẹp, sự sảy chân nào thì sẽ sa vào vực thẳm của cái xấu. Thế giới mạng tự do,  vậy nên mỗi người phải tự tạo ra cái ngưỡng đẹp cho chính mình.

Từ nhiều năm nay, quá mải mê chạy theo thay đổi của kinh tế thị trường, chúng ta đã bỏ quên sự giáo dục mang tính định hướng. Phó mặc cho nhà trường và xã hội, chúng ta đang để cho lớp trẻ tự do phát triển.

Xã hội nào cũng có những quy chuẩn riêng, và cũng đầy lổ hổng cần phải trám. Với xã hội Việt hiện tại, lỗ hổng đó chính là sự tác động của cha mẹ, và sự chuẩn bị về tâm lý để có thể độc lập, khẳng định cái tôi trong thế giới phẳng hiện nay. Bên cạnh đó, cần có người chịu trách nhiệm quản lý và ngăn chặn, chế ngự những rác thải trên mạng, gây hại cho người sử dụng. Truyền thông có nhiệm vụ phải nhắc nhở. Nhưng truyền thông chỉ có thể nhắc nhở bằng các loại hình ngôn ngữ truyền thông, còn người quản lý văn hóa phải nhắc nhở bằng cách khác: ví dụ, thưởng phạt đích đáng. Như thảm họa báo mạng chẳng hạn, nếu chỉ phạt 5 triệu thì ngay hôm sau sẽ lại tiếp tục mắc lại lỗi cũ, nhưng nếu phạt 50 triệu, hay thậm chí 500 triệu thì sẽ không thể có chuyện đó nữa. Với mạng xã hội, đây là câu chuyện liên quan cả thế giới. Song, không ít quốc gia, dân tộc đã tìm được cách chế ngự nó.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa ý thức được đầy đủ nguy cơ này, và chưa dành quan tâm thích đáng cho sự phát triển của mạng xã hội. Mọi ứng xử vẫn mang giải pháp tình thế. Sẽ có người nói: Cứ mặc cho phát triển, đến đâu thì đến. Nhưng tôi nghĩ khác: Tôi quan tâm đến sự phát triển tự do, phóng túng này, nên mong muốn điều chỉnh nó theo hướng lành mạnh, trong sáng, vì thấy nó ngăn cản sự phát triển của dân tộc tôi, làm xấu đi hình ảnh của dân tộc tôi, làm méo mó, tầm thường thẩm mỹ của dân tộc tôi.

Phải có cách nào đó để hạn chế nó, tránh sự tổn thương cho dân tộc, nhất là về thẩm mỹ trong cái sống của người Việt hôm nay…

Vậy các nhà truyền thông và nhất là các văn nghệ sĩ đang sáng tạo hôm nay đã nghĩ gì và làm gì để chế ngự những vấn đề bức bối đang đặt ra từ bi kịch của sự phát triển này của xã hội Việt Nam hôm nay? Và xã hội Việt Nam hiện tại đang nóng lòng chờ đợi sự trả lời này với những tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ?

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái

(Theo Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 3/2015)

Xổ số miền Bắc