Từ SEA Games đến SEA Games: Lào 2009 – Vuột mất vị trí số 1

TAM NGUYÊN

  –  

Thứ năm, 12/05/2022 16:01 (GMT+7)

SEA Games 25 là 1 trong 2 kỳ Đại hội mà thể thao Việt Nam có thành tích cao nhất khi thi đấu trên sân khách.

Từ SEA Games đến SEA Games: Lào 2009 - Vuột mất vị trí số 1
SEA Games 26 là lần đầu tiên Đại hội thể thao Đông Nam Á tổ chức tại Lào. Ảnh: Tư liệu

Năm 2009, SEA Games lần đầu tiên tổ chức tại Lào. Không giống như Brunei, trong điều kiện khó khăn, quốc gia này chỉ tổ chức 25 môn thi đấu, diễn ra từ ngày 9 đến 18.12. Đây cũng là kỳ SEA Games mà không quốc gia nào có số huy chương vàng vượt qua mốc 100, khi Thái Lan nhất toàn đoàn cũng chỉ đạt đến con số 86.

Với thể thao Việt Nam, mặc dù số môn thi đấu hạn chế nhưng đây lại là kỳ SEA Games đoàn thể thao Việt Nam có số lượng vận động viên lớn nhất so với những Đại hội trước đó trên sân khách – 671 người, tranh tài đủ 25 môn. Hẳn nhiên, với nhiều môn thế mạnh, Điền kinh, Bắn súng, Vật, Taekwondo, Judo, Karatedo, Wushu, Lặn, Vovinam… đã có đóng góp lớn vào thành tích tổng 83 huy chương vàng, 75 huy chương bạc và 57 huy chương đồng.

Đây cũng là một trong số ít kỳ SEA Games mà số huy chương đồng của đoàn thể thao Việt Nam ít hơn số huy chương vàng (cùng các sự kiện năm 2003 trên sân nhà và ở Singapore năm 2015.

Thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 2 toàn đoàn – vị trí cao nhất từ trước đến nay ở các kỳ SEA Games trên sân khách.

Trên thực tế, thể thao Việt Nam năm đó đã có thể giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp nếu không để vuột mất những tấm huy chương vàng một cách đáng tiếc ở môn Cử tạ và Wushu. Thậm chí, môn Bóng đá nam cũng có thể giải cơn khát cho người hâm mộ sớm hơn 10 năm nếu tận dụng được cơ hội.

Năm đó, U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia ở chung kết và người hâm mộ rất tin tưởng vào chiến thắng sau khi thắng đối thủ 3-1 ở vòng bảng. Thế nhưng, bàn phản lưới nhà đã phá hỏng bữa tiệc của bóng đá nam, trong khi tuyển nữ giành chức vô địch.

Xổ số miền Bắc