Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình- Kỳ 3

 

bia-tuc-ngu-ca-dao-1624922325.jpg
 

Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình- Kỳ3

CHƯƠNG HAI

NHỮNG QUAN HỆ CHÍNH  TRONG GIA ĐÌNH NGƯỜI VIỆT

THỂ HIỆN QUA TỤC NGỮ

 

Sau khi thu thập và nhập 7.040 câu tục ngữ vào phần mềm, chúng tôi tiến hành đánh dấu theo tiêu chí thể loại, nội dung, ghi chú những câu tục ngữ nói về gia đình, trong đó có các quan hệ: Vợ chồng, Cha mẹ con, Anh chị em ruột, dâu rể.

Trong việc khảo sát, phần mềm về tục ngữ đã giúp chúng tôi thống kê, tổng hợp nhanh chóng các câu có cùng một tiêu chí. Chúng tôi đã đếm được số câu về gia đình là 730 câu,  bằng  10,36% tổng số câu tục ngữ. Đây là một tỷ lệ khá cao, chứng tỏ người Việt rất quan tâm đến vấn đề gia đình. (Có thể lấy một trường hợp để so sánh: Nói về vấn đề thương nghiệp, tục ngữ chỉ có 239 câu, bằng 3,39% tổng số câu tục ngữ, hoặc bằng 32,73% số câu nói về gia đình).

Chiếm số lượng cao nhất là số câu nói về vợ chồng – gồm 285 câu, chiếm  39,17% số câu nói về gia đình, có 229 câu về quan hệ cha mẹ con, tiếp đến là anh chị em (40 câu), dâu rể (39 câu). Nhìn qua số lượng, có thể nhận thấy rằng đối với người Việt, trong gia đình, đáng quan tâm nhất là quan hệ vợ chồng, tiếp đó là quan hệ cha mẹ con, anh chị em, cuối cùng là dâu rể. Đó là lối định giá trị rất thực tế, bởi vì suy cho cùng thì phải có vợ chồng mới có thể hình thành nên các quan hệ khác trong gia đình, vợ chồng là trụ cột của một gia đình. Cách định giá trị này rất phù hợp với gia đình cổ truyền người Việt, một gia đình mà theo PGS. Nguyễn Từ Chi,  “trong đại đa số các trường hợp, chung quy là gia đình hạt nhân: một cặp vợ chồng và con cái chưa vợ chưa chồng của họ.” [330]

    Sau đây là phần đi sâu khảo sát từng loại quan hệ trong gia đình qua tục ngữ.

    Phân loại 285 câu tục ngữ nói về quan hệ vợ chồng theo nội dung, thấy như sau:

    – 31 câu nói lên sự gắn bó vợ chồng, 4 câu ngược lại.

    – 93 câu về mối quan hệ vợ – chồng, 46 câu về mối quan hệ chồng – vợ.

    – 20 câu về cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng.

    – 87 câu về các tình huống tạo sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng.

    – 3 câu về vợ chồng trong mối quan hệ với cha mẹ.

    – 2 câu về vợ chồng trong mối quan hệ với làng nước.

    – 44 câu về những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng.

    (Xin lưu ý: có những câu tục ngữ mang nhiều ý nghĩa nên nhiều trường hợp một câu được thống kê ở 2, 3 tình huống khác nhau, do đó tổng số câu tục ngữ trên đây không trùng hợp với tổng số câu tục ngữ được thống kê).

    Thống kê trên cho thấy người Việt xưa quan tâm nhìn nhận quan hệ vợ chồng ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến quan hệ ứng xử giữa vợ và chồng, giữa vợ chồng với các thành viên trong gia đình và với hàng xóm láng giềng.

    1.1.Tình cảm vợ chồng

    Nét đặc trưng của người Việt là thủy chung, gắn bó với nhau. Điều này được thể hiện nhất quán trong ca dao, dân ca, truyện cổ tích. Khi khảo sát tục ngữ, chúng tôi cũng có kết quả tương tự. Về số lượng, số câu tục ngữ phản ánh sự gắn bó vợ chồng nhiều gấp 5,25 lần số câu có nội dung ngược lại (31/4). Tuy mang đặc tính là thiên về lý trí, nhưng khi đúc kết về sự gắn bó, chung thủy trong quan hệ vợ chồng, tục ngữ lại biểu hiện được chiều sâu tình cảm của người Việt xưa. Có 10 cách thức thể hiện sự gắn bó, thủy chung. Cụ thể như sau:

    Gắn bó trên phương diện vật chất: “Đói bụng chồng, hồng má vợ”, “Đói bụng chồng, đau lòng vợ”, “Đói no một vợ một chồng, chia niêu sẻ đấu đau lòng nát gan”.

    Gắn bó trong sự hoà quyện thân thể và tinh thần: “Vợ chồng đầu gối tay ấp”, “Vợ chồng chăn chiếu chẳng rời.”, “Vợ chồng đồng tịch đồng sàng, đồng sinh đồng tử cưu mang đồng lần”, “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, “Vợ giống tính chồng, người ở giống tông chủ nhà”, “Vợ chồng biết tính nhau”, “Làm quan hay quân, làm chồng hay vợ”, “Làm tướng hay quân, làm chồng hay vợ”.

    Gắn bó trong sự tương hợp, hỗ trợ nhau: “Chồng như đó, vợ như hom”, “Chồng như giỏ, vợ như hom”, “Vợ có chồng như rồng có vây, chồng có vợ như cây có rừng”, “Vợ chồng như đũa có đôi”, “Xấu chàng hổ ai, xấu thiếp hổ chàng”.

    Gắn bó trong sự sở hữu: “Nhường cơm nhường áo không ai nhường chồng”, “Đổi quần đổi áo thời hay, đổi chồng đổi vợ xưa nay chẳng lành”.

    Gắn bó như một sự tất yếu: “Bà phải có ông, chồng phải có vợ”, “Triều đình có văn có vũ, trong nhà có mụ có ông”.

    Gắn bó trong sự an phận: “Ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người”.

    Gắn bó bằng nhân nghĩa: “Tôi tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa”,”Vợ chồng là nghĩa già đời”, “Vợ chồng là nghĩa trả đời, ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn”.

    Gắn bó bằng tình thương: “Thương ai cho bằng thương chồng”. “Thương ai ví bằng gái son nhớ chồng”, “Thương chồng nên phải gắng công”, “Thương chồng nên phải lầm than”, “Thương chồng phải bồng con ghẻ”, “Thương chồng phải khóc mụ gia”, “Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”, “Gái thương chồng đang đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, “Chồng ta áo rách ta thương”.

    Gắn bó trọn đời: “Vợ chồng là nghĩa già đời”, “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, “Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương”, “Sống quê cha, ma quê chồng.”

    Gắn bó tạo nên sức mạnh: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”.

    Tóm lại, sự thuỷ chung, gắn bó vợ chồng mà tục ngữ đúc kết thành quy luật được biểu hiện cả trên phương diện vật chất và phương diện tinh thần, cả ở góc độ đạo lý và góc độ tình cảm, cả ở trong sự hành xử và trong kết quả của sự hành xử ấy. Về mặt đạo lý, các tác giả dân gian đã nhìn ra sự tất yếu của việc gắn bó vợ chồng: đã là vợ chồng thì phải gắn bó, đã có chồng thì phải có vợ; chính sự gắn bó ấy làm cho cuộc sống được cân bằng và phát triển. Mối quan hệ tương hỗ giữa hai vợ chồng cũng đã được chỉ ra: phẩm chất, hành động của người này bao giờ cũng tác động sang người kia, cả vinh và nhục, cả thành công và thất bại; qua sự đúc kết này, tục ngữ gián tiếp khuyên răn các cặp vợ chồng trước khi hành động phải suy xét cho kỹ tác động của việc mình làm đến người kia thế nào, và nói chung là hãy sống có trách nhiệm với nhau. Về phương diện vật chất, tục ngữ nhìn nhận quan hệ vợ chồng trên hai yếu tố cơ bản nhất của cuộc sống là ăn và mặc, biểu hiện qua hai cặp trạng thái đói – no, lành – rách, thể hiện cách sống đạm bạc của người nông dân, cũng thể hiện nhu cầu khá đơn giản của người nông dân về vật chất; mặt khác nói lên một phẩm chất đáng quý của vợ chồng người Việt là do thủy chung, gắn bó, càng khốn khó, họ càng thương yêu nhau. Mặc dù bị quan niệm phong kiến đè nặng, coi việc nói về chuyện chăn gối là điều cấm kỵ, thế nhưng các tác giả dân gian vẫn mạnh dạn chỉ ra rằng không những vợ chồng cần gần gũi với nhau về tình cảm, mà còn phải gần gũi về thân thể – ấy là không những “quen hơi”, “biết tính” mà còn phải “chăn chiếu chẳng rời”, là “đầu gối tay ấp”. Tuy vậy, đậm đà nhất trong quan hệ vợ chồng vẫn là tình cảm. Đáng lưu ý là trong số 285 câu tục ngữ nói về vợ chồng, chỉ có một câu có từ yêu, còn chiếm ưu thế là các từ thương, nghĩa (10 câu có từ thương, 3 câu có từ nghĩa). Có lẽ, đây cũng là một biểu hiện của đặc trưng thể loại – tục ngữ thiên về lý trí, đòi hỏi trách nhiệm cao trong quan hệ vợ chồng: trọng nhân nghĩa, giàu tình thương. Suy nghĩ sâu hơn, có thể thấy từ thương có nghĩa rộng hơn từ yêu, trong thương đã bao hàm cả yêu, và có thương, có nhân nghĩa là có sự bảo đảm cho một quan hệ lâu bền giữa vợ chồng. Cùng với năm tháng, tình yêu có thể phai nhạt, nhưng trong quan hệ vợ chồng của người Việt, thì tình nghĩa lại ngày một đậm đà hơn. Vì có tình thương, có nhân nghĩa, nên cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng  người Việt dù có nhiều sắc thái nhưng rất nhất quán: nếu may mà vợ chồng hòa hợp thì “giữ” nhau, không “nhường” cho người khác, nhưng rủi mà vợ chồng không cân xứng, người ta vẫn cam chịu, không “thay”. Chính vì thế, tục ngữ đã khẳng định một tất yếu là vợ chồng phải gắn bó đến già, gắn bó trọn đời, không những vậy còn gắn bó với nhau khi đã sang thế giới bên kia. Sự gắn bó ấy tạo nên sức mạnh giúp gia đình vượt qua mọi sóng gió cuộc đời, làm nên được nghiệp lớn, mà câu tục ngữ tiêu biểu là “tát biển Đông cũng cạn”.

    Cuộc sống vốn phong phú, đa dạng, đa phương. Xuất phát từ cuộc sống, đúc kết kinh nghiệm sống, tục ngữ cũng có những câu mang nội dung trái ngược nhau. Trong 285 câu nói về vợ chồng, có 4 câu ngược lại với sự gắn bó: “Vợ chồng như áo cởi ngay nên lìa”, “Vợ với chồng như hồng với cốm, nào ngờ như chó đốm mèo khoang”, “Trai chê vợ mất của tay không, gái chê chồng một đồng trả bốn.”, “Chồng ăn chả, vợ ăn nem.” Sự không gắn bó còn thể hiện ở chỗ mâu thuẫn vợ chồng có thể nẩy sinh khi làm ăn thất bát: “Lúa tháng bảy vợ chồng rẫy nhau.”, “Lúa trỗ thập thòi, vợ chồng đánh nhau lòi mắt.”, “Cấy tháng bảy, vợ chồng rẫy nhau.” Xem ra, sự không gắn bó được thể hiện một cách khá gay gắt, tới mức chia lìa lứa đôi. Tuy vậy, cần chú ý trong cách thức diễn đạt của tục ngữ: thường một câu có hai vế, trong đó một vế mang tính chất tạo cớ để dẫn đến vế thứ hai mang tính đúc kết, nghĩa là nội dung được thể hiện ở một vế, còn vế kia chỉ là cái cớ để giúp khẳng định nội dung mà thôi. Thường thì, với lối nói thậm xưngđưa đẩy của dân gian, vế tạo cớ mang nội dung khá cực đoan (nói ngoa), không nên coi đó là nội dung đích thực của câu tục ngữ. Ví dụ  trong câu “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, thì vế đầu chỉ mang tính tạo cớ đưa đến ý cần đúc kết trong vế thứ hai nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc làm cỏ cho lúa, chứ không phải nhằm phủ định công cấy. Do chưa nắm vững đặc tính đưa đẩy của lối nói dân gian, đã có người chữa câu tục ngữ trên thành “Công cấy là công nhỏ, công làm cỏ là công lớn”, làm giảm hẳn cái hay của câu tục ngữ. Trở lại câu tục ngữ về mâu thuẫn vợ chồng nói trên, thì vế “Vợ chồng rẫy nhau” là vế có lối nói thậm xưng, chỉ để dẫn dắt, nội dung đích thực nằm ở vế “Cấy tháng bẩy”, có  nghĩa là cấy sai thời vụ thì sẽ gặp tai họa. Nhìn chung, về số lượng, sự gắn bó, chung thuỷ trong quan hệ vợ chồng chiếm ưu thế tuyệt đối so với sự bội phản được thể hiện qua tục ngữ. Điều đó thể hiện tâm thức dân gian Việt hướng mạnh về sự chung thuỷ, nhân ái, coi trọng nghĩa tình trong quan hệ vợ chồng. Tuy vậy, về nội dung, câu tục ngữ về sự bội phản và mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng cũng khá gay gắt, chứng tỏ đó là một thực tế trong xã hội xưa, các tác giả dân gian đã phản ánh một cách khách quan. Điều này lại nói lên cách thức ứng xử của người Việt trong quan hệ vợ chồng là rành mạch, dứt khoát, không thích mập mờ, dây dưa (trong ca dao, người Việt cũng thể hiện cách cư xử dứt khoát như vậy:

    Có yêu thì nói rằng yêu

    Không yêu thì nói một điều cho xong).

    1.2. Vợ trong mối quan hệ với chồng

    Các tác giả dân gian rất tinh tế, phản ánh mối quan hệ vợ chồng trên nhiều phương diện, từ tinh thần tới vật chất, từ cảnh có chồng đến cảnh không chồng:

    Xúc cảm của vợ xuất phát từ chồng: “Đói bụng chồng, đau lòng vợ”.

    Vợ được nhờ chồng,  phải dựa vào chồng: “”Có ông chồng siêng, như có ông tiên nho nhỏ”,”Gái mạnh về chồng”, “Lấy chồng nhờ hồng phúc nhà chồng”, “Phận gái theo chồng”, “Thuyền mạnh về lái, gái mạnh về chồng”

    Trong hôn nhân, người phụ nữ phải chịu may rủi: “Tốt duyên lấy được chồng hiền”, “Tốt mối lấy được chồng sang”, “Vô duyên lấy phải chồng đần”, “Chê chồng trước đánh đau, gặp chồng sau mau đánh”

    Giá trị, phẩm chất của người vợ được quy định bởi người chồng: “Chồng yêu cái tóc nên dài, cái duyên nên đẹp, cái tài nên khôn.”, “Phu quý, phụ vinh”, “Chồng sang vợ được đi giầy, vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.”, “Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe”, “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt, vợ phải rẫy tiu ngỉu như mèo lành mất tai.”

    Như vậy, trong quan hệ với người chồng, thì người vợ đóng vai trò bị động nhiều hơn, là người phải chịu đựng, phải hy sinh.

    Sự bị động của người vợ thể hiện ở những yếu tố sau: Bước vào hôn nhân là chịu sự may rủi – may thì lấy được chồng hiền, chồng sang, không may thì lấy phải chồng đần, chồng vũ phu; nhiều khi muốn trốn tránh cũng không được, vì số phận đã định đoạt rồi. Về ở với chồng, người vợ phải dựa vào chồng, nhờ chồng mà có phúc, có sức mạnh, được nhờ vả trong việc nhà, vì vậy cứ phải theo chồng. Nhiều khi, giá trị riêng của người phụ nữ không còn phụ thuộc vào bản thân họ nữa, mà bị thay đổi theo cách nhìn, cách ứng xử, vị thế của chồng – chồng yêu thì mọi điều ở người vợ đều tốt đẹp, chồng chiều thì vênh vang, chồng rẫy thì tiu nghỉu, chồng giàu sang thì vợ cũng phú quý. Chồng cũng là nguồn cảm xúc của vợ – sắc thái tình cảm của người vợ biểu hiện theo tình trạng của chồng, nhưng không thấy một câu tục ngữ nào nói đến những xúc cảm vui mà chỉ có xúc cảm buồn, ấy là khi chồng khốn khó thì vợ đau lòng.

    Trên đây là những biểu hiện tiêu biểu cho chế độ phụ hệ.

    Sống với chồng bị phụ thuộc, chịu hy sinh như vậy, nhưng giữa có chồng và không có chồng thì đằng nào hơn? Các tác giả dân gian đã phản ánh sinh động cả hai cảnh huống để ngày nay chúng ta có thể so sánh như sau:

    – Có chồng thì:

    * Gò bó: “Có chồng chẳng được đi đâu, có con chẳng được đứng lâu một giờ”, “Có chồng như ngựa có cương”, “Gái có chồng như gông đeo cổ”

    * Trách nhiệm nặng nề: “Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”.

    * Phải chịu đựng: “Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay”.

    * Có môi trường tốt: “Vợ có chồng như rồng có mây.”

    * Được hạnh phúc: “Có chồng thương kẻ nằm không một mình”.

    – Không có chồng thì:

    * Thiếu sức sống, chông chênh: “Gái không chồng như cối xay chết ngõng”, “Gái không chồng như phản gỗ long đanh”, “Gái không chồng như thuyền không lái”, “Voi trên rừng không bành không tróc, gái không chồng như cóc cụt đuôi”.

    So sánh, có thể thấy như sau: Nếu có chồng, cái mất của  người phụ nữ là mất tự do, gánh trách nhiệm nặng nề với nhà chồng, phải âm thầm chịu đựng những điều đắng cay, còn cái được không được nói ra cụ thể, tuy thế cũng có thể hiểu là được nhiều, vì thế mới thương kẻ không chồng. Nếu không chồng, thì chỉ mất chứ không được gì: mất động lực, mất chỗ dựa. Từ sự so sánh ấy, tục ngữ dẫn đến một kết luận tất yếu là có chồng vẫn hơn.

    1.3. Chồng trong mối quan hệ với vợ

    Giống như trong mối quan hệ vợ – chồng, tuy số lượng không nhiều bằng, mối quan hệ chồng – vợ được xem xét ở nhiều góc độ, và tục ngữ cũng phản ánh cả hai tình trạng có vợ, không có vợ.

    Trong mối quan hệ với vợ, thì người chồng:

    Được nhờ cậy: “Nhà khó cậy vợ hiền, nước loạn nhờ tướng giỏi”, “Chồng sang vì bởi vợ ngoan”, “Làm ruộng phải có trâu, làm giầu phải có vợ”, “Gái ngoan làm quan cho chồng”, “Giầu về bạn, sang về vợ”

    Chịu vất vả: “Trâu đẻ tháng sáu, vợ đẻ tháng mười”

    Tổn hại sức khoẻ: “Trai phải hơi vợ như cò bợ gặp trời mưa”, “Vợ đẹp kém ngủ”, “Vợ đẹp mặt, chồng đau lưng”

    Chịu rủi ro: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”, “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”, “Có phúc lấy được vợ già, sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh”.

    Chịu gánh nặng của cuộc sống: “Một là vợ, hai là nợ”, “Một vợ không khố mà mang, hai vợ bỏ làng mà đi”, “Con là nợ, vợ là oan gia”.

    Có lúc yếu thế: “Tay không chẳng thèm nhờ vợ”.

    Bị vợ chi phối: “Lệnh ông không bằng cồng bà”.

    Xem như trên, thấy rằng trong mối quan hệ với vợ, nếu là vợ tốt, người chồng được nhờ cậy trong việc lo kinh tế cho gia đình, được tiếng tốt, được đóng góp trong công việc nhà nước, nhưng nếu người vợ không tốt, người chồng cũng phải chịu đựng rất nhiều. Người chồng cũng chịu sự rủi ro – nếu lấy phải vợ dại cũng đành chịu, còn muốn được chăm chiều lại phải lấy vợ già. Chồng còn phải gánh vác công việc khi vợ đẻ, chẳng may vào vụ mùa thì càng vất vả. Trong quan hệ với vợ, nếu thái quá, chồng bị tổn hại sức khỏe. Trong công việc chung, có khi chồng bị vợ lấn át. Tuy vậy, những điều mà người chồng phải chịu đựng không được tổng kết cụ thể bằng người vợ, trong khi đó, những kết luận khái quát lại rất nghiêm trọng: vợ là gánh nặng, là tai vạ oan của cuộc đời.

    Xem xét hai cảnh huống mà tục ngữ phản ánh, thấy như sau:

    Có vợ thì:

           * Gò bó: “Trai có vợ như rợ buộc chân”

           * Chỉn chu: “Trai có vợ như giỏ có hom”, “Trai có vợ như lỗ tiền chôn”

           * Lo việc nhà: “Trai có vợ tề gia nội trợ”, “Đàn ông học sẩy học sàng, đến cơn vợ đẻ phải làm mà ăn.”

           * Có môi trường tốt: “Chồng có vợ như cây có rừng.”

    Không có vợ thì:

           * Thiếu kỷ luật:  “Voi không nài như trai không vợ”.

        * Bơ vơ: “Không vợ đứng ở lề đường”.

    Như thế, có vợ thì người đàn ông mất tự do, phải lo việc nhà, người đàn ông được người vợ thu vén, giữ của cho; không có vợ thì người đàn ông thiếu kỷ luật (lại được tự do) và bơ vơ.

    Nhìn tổng quát mối quan hệ vợ – chồng, chồng – vợ, thấy như sau:

    CÓ CHỒNG

    CÓ VỢ

    Chẳng được đi đâu

    Như rợ buộc chân

    Như ngựa có cương

    Như giỏ có hom

    Như gông đeo cổ

    Như lỗ tiền chôn

    Gánh giang sơn nhà chồng

    Tề gia nội chợ

    Như rồng có mây

    Như cây có rừng

    Ngậm bồ hòn đắng cay

     

    Thương kẻ nằm không

     

    KHÔNG CÓ CHỒNG

    KHÔNG CÓ VỢ

    Như cối xay chết ngõng

    Như voi không nài

    Như phản gỗ long đanh

    Đứng ở lề đường

    Như thuyền không lái

     

    Như cóc cụt đuôi

     

     

    Như rác  như rơm

     

     

    -Những điểm tương đồng giữa hai vợ chồng trong hôn nhân:

    * Nương dựa lẫn nhau.

    * Mất tự do, phải vào khuôn phép.

    * Chịu vất vả, lo toan cho cuộc sống chung.

    * Chịu sự may rủi.

    – Những điểm khác biệt giữa hai vợ chồng trong hôn nhân:

           * Khi không có chồng, người phụ nữ chịu thiệt thòi, thậm chí mất động lực sống, còn khi không có vợ, người đàn ông chỉ mất sự ràng buộc hoặc cùng lắm là chịu bơ vơ.

           * Có chồng, người phụ nữ được hạnh phúc. Trong khi đó, tục ngữ chỉ nói đến việc có vợ thì chồng được môi trường phù hợp, nhưng bị tổn hại sức khỏe, không nói gì về việc có hạnh phúc hay không,

           * Người vợ phải có trách nhiệm nặng nề với nhà chồng, còn người chồng thì không có trách nhiệm gì với nhà vợ.

           * Khi không hài lòng đối với cuộc sống vợ chồng, thì thái độ của người vợ là âm thầm chịu đựng, còn thái độ của người chồng thì bung phá, phủ định.

    1.4. Cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng

    Các tình huống ứng xử  trong quan hệ vợ chồng:

     

    CHỒNG

    VỢ

     

    Trạng thái

    Phải làm

    Không được làm

    Trạng

    thái

    Phải làm

    Không được làm

    Nếu làm

    Hệ quả

    Giận

     

     

     

    Bớt lời

     

     

    Không bị chê

    Làm lành

     

     

     

    Lui

     

    Giận

    Bị hành hung

    Tới

     

     

     

    Lui

     

     

     

    Hiền

     

     

     

     

    Bắt nạt

     

     

    Hoà thuận

     

     

     

    Hoà thuận

     

     

    Hạnh phúc

    Hoà

     

     

     

    Thuận

     

     

     

    Ăn chả

     

     

    Ăn nem

     

     

     

     

    Bình thường

     

     

     

     

     

    Bắt nạt

    Bị phê phán

    Nuôi

     

     

     

    Chiều

     

     

    Có con

    Lấy vợ hai cho chồng

     

     

    Khôn

    Thương

     

     

    -Chờ

    – Gắng công

    – Lầm than

    – Bồng con ghẻ

    – Khóc mụ gia

    Theo

     

    Nối dối

     

    Chờ chồng

    Nhường chồng

     

     

     

     

    Đổi vợ đổi chồng

    Chẳng lành

    Chấp nhặt

     

     

     

    Chấp nhặt

     

     

     

    Cãi

    nhau

     

     

    Cãi nhau

     

    Êm ấm

     

     

     

     

     

    Chê chồng

    Chồng chê

    Nhiều vợ

     

     

     

    Một chồng

     

     

     

    Đói

     

     

     

    Thương

    xót

     

     

     

     

    Hưởng thụ

     

     

    Cãi nhau

     

     

     

     

    Cãi nhau

     

     

    Ngu si

     

     

     

    Cam chịu

     

     

     

    Thuận

     

     

     

    Thuận

     

     

    Có sức mạnh

     

    Không phụ

     

    Có công

     

     

     

     

     

     

     

    Ăn ngon

     

     

     

    Bị loại trừ

     

    Qua bảng trên ta thấy:

    – Chồng trong 12 trạng thái thì vợ có 16 cách phải làm, 6 cách không được làm, 4 cách nếu làm sẽ tạo hệ quả xấu, 2 trạng thái tương ứng, các tình huống này tạo ra 16 hệ quả khác nhau.

    – Vợ trong 1 trạng thái thì chồng có 1 cách đáp ứng, có 1 cách phải làm và 1 cách không được làm.

    Xem xét đơn thuần về số lượng đã thấy qua tục ngữ, người Việt quan tâm hơn đến trạng thái của người chồng để đòi hỏi người vợ phải đáp ứng, trong khi đó hầu như không quan tâm đến trạng thái của người vợ để đòi hỏi người chồng đáp ứng. Quan niệm này là biểu hiện của chế độ phụ hệ ở mức độ cao.

    Xem xét vào nội dung của cách thức ứng xử, có thể rút ra mô hình là:

    Chồng có biểu hiện A thì vợ phải có cách ứng xử B dẫn đến kết quả C

    – A gồm các trạng thái của chồng là bình thường, giận giữ, lấn lướt, hiền, hòa thuận, đói, ngu. đa thê.

    – B gồm các cách ứng xử của vợ là nhường nhịn, hòa thuận, nuôi, chiều, cam chịu, thương, theo, chờ, chung thủy.

    – C là hệ quả của các cách ứng xử của vợ chồng, gồm  phải hy sinh,  được hạnh phúc, êm ấm, có sức mạnh.

    Nghiên cứu sâu vào từng câu tục ngữ trong 20 câu nói về cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng, có thể rút ra 6 kiểu ứng xử như sau:

    Vợ phải biết điều, nhường nhịn: “Đừng thấy chồng hiền xỏ chân lỗ mũi”, “Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, ”Chê chồng chẳng bõ chồng chê”, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”, “Chồng giận thì vợ làm lành”, “Chồng giận thì vợ phải lui, chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng”, “Gái bắt nạt chồng, em chẳng có ngoan”

    Vợ phải cam chịu: “Có khôn thì lấy vợ hai cho chồng”, “Ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người”

    Vợ phải biết thương chồng: “Thương ai cho bằng thương chồng”, “Thương ai ví bằng gái son chờ chồng”, “Thương chồng nên phải gắng công”, “Thương chồng nên phải lầm than”, “Thương chồng phải bồng con ghẻ”, “Thương chồng phải khóc mụ gia”,”Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người.”, “Chồng ta áo rách, ta thương.”, “Thương ai cho bằng thương chồng.”, “Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.”

    Vợ phải chiều chồng: “Chiều người lấy của, chiều chồng lấy con”, “Chiều người lấy việc, chiều chồng lấy con”.

    Vợ phải chung thuỷ: “Trai làm nên năm thê bảy thiếp, gái làm nên thủ tiết chờ chồng.”, “Trai tân gái goá thì chơi, tránh nơi có vợ, xa nơi có chồng.”, “Gái chính chuyên chẳng lấy hai chồng.”

    Vợ phải cống hiến, chồng phải công bằng: “Gái có công chồng không phụ”

    Từ  6 cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng, có thể rút ra nhận xét như sau: Tục ngữ hướng vào việc yêu cầu người phụ nữ phải có cách ứng xử thích hợp với các trạng thái của chồng. Dù chồng ở trạng thái nào, ứng xử cụ thể thế nào, thì người phụ nữ cũng theo cái tình chứ không theo cái lý. Cái tình dẫn dắt khiến người phụ nữ bỏ qua mọi tiêu chí về một người đàn ông, chỉ cần người đó là chồng mình cũng đủ để mình tôn thờ. Theo cái tình, người phụ nữ phải chịu mọi éo le của cuộc đời, từ việc phải gắng công, phải chịu lầm  than, tới việc phải làm cái điều phi lý là lấy vợ lẽ cho chồng, bồng con riêng của chồng, phải chung thủy, trong khi chồng năm thê bảy thiếp. Theo cái tình, có lúc người vợ mù quáng theo chồng, vi phạm đạo làm con. Chỉ có một tình huống trong đó người vợ đóng vai trò chủ động là có công thì thái độ của người chồng phải là không phụ – cách đáp ứng này không tương xứng với hành động của người vợ, tục ngữ đòi hỏi người đàn ông quá ít. Duy có một câu mang sắc thái phản ứng tiêu cực của người phụ nữ là làm việc xấu để đáp lại việc xấu của chồng (ăn chả – ăn nem), có thể thấy đó là khi người phụ nữ đã bị đẩy đến tột cùng của sự chịu đựng nên phải phản ứng ngầm như vậy.

    Qua phần khảo sát về tục ngữ về quan hệ vợ chồng trên đây, chúng tôi có nhận xét như sau: Trong quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận là quan trọng nhất. Muốn có sự hòa thuận, thì phụ nữ phải nhường nhịn, hy sinh – phụ nữ đóng vai trò điều tiết quan hệ gia đình. Như thế, sống trong gia đình phụ hệ, nhưng người phụ nữ Việt  không bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng mà vẫn có vai trò trong gia đình, với cách thức ứng xử mềm mại, uyển chuyển, trọng tình nghĩa.

    1.5. Những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng

    Tục ngữ có lúc phản ánh trực tiếp, nhưng phần lớn là nói gián tiếp về những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng, với số lượng không ít – 44 câu, bằng 15,43% tổng số câu tục ngữ nói về quan hệ vợ chồng. Đúc rút lại, thấy có 6 loại tiêu cực như sau:

    Đa thê: “Lấy chồng làm lẽ khỏi lo, cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi”, “Lấy chồng làm lẽ khỏi lo, lương vua khỏi đóng, áo chồng khỏi may”, “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ nằm chuồng heo”, “Trai làm nên năm thê bảy thiếp, gái làm nên thủ tiết thờ chồng”, “Lắm con lắm nợ, lắm vợ nhiều cái oan gia”, “Lắm duyên nhiều nợ, lắm vợ nhiều cái oan gia”.

    Vũ phu: “Chê chồng trước đánh đau, gặp chồng sau mau đánh.”.

    Mất dân chủ:  “Muốn nói không, làm chồng mà nói.”

    Cờ bạc, rượu chè: “Bởi chồng cờ bạc nên lòng chẳng thương”, “Lấy chồng cờ bạc như voi phá nhà”, “Lấy chồng cờ bạc là tiên, Lấy chồng chè rượu là duyên nợ nần”, “Lấy chồng chè rượu là tiên, lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần”

    Phụ bạc: “Giầu đổi bạn, sang đổi vợ”, “Phụ vợ, không gặp vợ”, “Chồng ăn chả, vợ ăn nem”.

    Độc ác: “Tay tiêm thuốc cống, miệng mời lang quân.”, “Gái giết chồng chứ đàn ông không ai giết vợ.”

    Đề cập đến 6 loại tiêu cực nói trên, thái độ của các tác giả dân gian không gay gắt. Nói đến chế độ đa thê, tục ngữ không phê phán trực tiếp, mà chỉ châm biếm nhẹ nhàng, thậm chí châm biếm ngược đối tượng – châm biếm chính người phụ nữ.  Điều này có thể giải thích được vì trong chế độ phong kiến, đa thê được thừa nhận chứ không bị coi là vi phạm pháp luật như hiện nay. Đến thói vũ phu, tục ngữ cũng chỉ phản ánh gián tiếp, coi nó như một cách thử thách sự khôn ngoan của người vợ. Tệ cờ bạc bị phê phán khá nghiêm khắc, nhưng trong mối quan hệ vợ chồng, thói hư này cũng chỉ được nói gián tiếp, nhẹ nhàng. Điều này cho thấy tục ngữ phản ánh khá nhất quán thái độ ứng xử của người vợ đối với chồng – ứng xử theo tình chứ không theo . Chồng cờ bạc thì vợ chỉ không thương, chứ cũng không dùng lý lẽ để phê phán. Có một kết luận bất ngờ mà tục ngữ nêu ra khi nói về người phụ nữ là giết chồng, không những vậy, mà còn khẳng định chỉ phụ nữ mới giết chồng, còn đàn ông không ai giết vợ! Điều này có hai mặt: một mặt phản ánh rằng trong thực tế có hiện tượng phụ nữ giết chồng, mặt khác phản ánh sự khắt khe quá đáng của dư luận đối với tội lỗi của người phụ nữ. Thực ra, trong cuộc sống, các vụ án giết vợ không phải là không có, nhưng chỉ những vụ án giết chồng mới bị xã hội lúc đó coi là nghiêm trọng, trái với lẽ ứng xử thông thường của người phụ nữ. Chúng tôi nghĩ đây là câu tổng kết sai lầm nhất của các tác giả dân gian, thể hiện sự bất bình đẳng trong đối xử với phụ nữ, quá nghiệt ngã trong xem xét phụ nữ, cũng là biểu hiện của tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phụ quyền. Tuy nhiên, cách tổng kết sai lầm như thế chỉ xảy ra trong một trường hợp, cho thấy ảnh hưởng của Nho giáo vào xã hội Việt Nam tuy có mạnh nhưng không đều khắp, không có sức chi phối toàn bộ nhận thức dân gian.

    Qua tục ngữ thấy rõ đặc tính nổi bật của người phụ nữ Việt xưa là nhường nhịn, giàu tình thương, hy sinh, và tuy bị đối xử rất khắt khe vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, do chính sự phấn đấu vươn lên của người phụ nữ và do người Việt vẫn giữ được truyền thống của dân tộc là trọng mẫu.

    1.6. Những tình huống tạo sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng

    Tuy trong đa số tình huống, đa số cách ứng xử, người phụ nữ đều ở thế bị động, phải nhún nhường, chịu nhiều thiệt thòi, nhưng tục ngữ cũng nêu lên những tình huống nói về sự bình đẳng, vai trò chủ động của người vợ, lấy lại sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng.

    Vợ tốt là mơ ước của đàn ông: “Vợ hiền hoà, nhà hướng Nam.”

    – Vợ  chồng bình đẳng:

    * Bình đẳng trong hành động: “Chồng chèo thì vợ cũng chèo”, “Chồng cần vợ kiệm là tiên; ngông nghênh nhăng nhít là tiền bỏ đi.”, “Chồng ăn chả, vợ ăn nem.”, “Bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng.”, “Cơm chẳng lành canh chẳng ngon, chín đụn mười con cũng lìa.”, “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”,”Chồng hoà, vợ thuận.”

    * Bình đẳng trong sự đánh giá: “Gái có công, chồng chẳng phụ.”, “Tôi tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa”, “Chồng sang vợ được đi giầy, vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.”, “Của chồng công vợ.”, “Vợ chồng là nghĩa trả đời, ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn.”, “Vợ có chồng như rồng có mây, chồng có vợ như cây có rừng.”, “Vợ chồng như đũa có đôi.”

    Bình đẳng trong tâm lý, tình cảm: “Trai nhớ vợ cũ, gái nhớ chồng xưa”, “Vợ chồng biết tính nhau.”.

    Vợ có vai trò chủ động, có quyền lựa chọn, có giá trị, đòi hỏi giá trị tương ứng: “Đừng thấy chồng hiền, xỏ chân lỗ mũi.”,”Củi mục khó đun, chồng lành dễ khiến, chồng khôn dễ chiều.”, “Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài.”, “Nồi đồng dễ nấu, chồng xấu dễ sai.”, “Gái bắt nạt chồng, em chẳng có ngoan.”, “Lấy chồng cho đáng bù nhìn giữ dưa.”, “Lấy chồng cho đáng hình dong con người.”, “Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen.”, “Chẳng tham nhà ngói ba toà, tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành.”, “Chẳng tham nhà ngói rung rinh, tham về một nỗi anh xinh miệng cười.”, “Chẳng tham vựa lúa anh đầy, tham năm ba chữ cho tày thế gian.”, “Lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống.”, “Lấy chồng hơn ở goá.”, “Trai khôn kén vợ chợ đông, gái khôn kén chồng giữa đám ba quân.”

    Vợ có vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình: “Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”,”Giàu về bạn, sang về vợ.”, “Chồng sang vì bởi vợ ngoan.”, “Gái khôn thì chồng con nhờ, gái đần đơm đó thả lờ trôi sông.”, “Làm ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ.”, “Xấu thiếp, hổ chàng.”

    Vợ được đối xử công bằng: “Làm ruộng có trâu, làm dâu có chồng.” – chống lại tư tưởng phong kiến “thủ tiết thờ chồng”, trói buộc phụ nữ trong gia đình chồng, mặc dù không còn chồng nữa, chống lại quy định của chế độ phong kiến: “Trong 24 huấn điều của Lê Hiến Tông (1500) huấn điều thứ tám và thứ chín đã quy định như sau về phụ nữ: “Khi chồng chết, phải thương yêu con vợ trước hoặc con vợ lẽ của chồng, nếu có gia tài, không được chiếm đoạt làm của riêng mình.”, “Khi chồng chết mà mình chưa có con, thì phải ở lại nhà chồng, giữ việc tang lễ, không được giấu giếm chuyển vận tài sản nhà chồng đem về nhà mình”. [Dẫn theo 99:332]. Câu tục ngữ này nêu lên hướng ứng xử phù hợp với quy luật xã hội: người phụ nữ chỉ làm dâu khi có chồng, đã gián tiếp chống lại quy định của nhà nước phong kiến muốn trói buộc người phụ nữ với nhà chồng, kể cả những trường hợp không còn chồng (như chồng chết).

    Vợ điều tiết quan hệ gia đình: “Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời.”, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.”, “Chồng giận thì vợ làm lành.”, “Chồng tới vợ lui, chồng hoà vợ thuận.”

    Vợ chi phối chồng: “Lệnh ông không bằng cồng bà.”, “Nhất vợ nhì trời.”

    Vợ điều tiết cuộc sống của chồng: “Trai có vợ như giỏ có hom”, “Trai có vợ như rợ buộc chân.”, “Trai có vợ như lỗ tiền chôn.”, “Trai có vợ tề gia nội trợ.”

    Chồng cùng lo việc nhà: “Có ông chồng siêng như có ông tiên nho nhỏ.”, “Đàn ông học sẩy học sàng, đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn.”

    Chồng có lúc yếu thế: “Tay không chẳng thèm nhờ vợ.”, có lúc phải trả giá: “Phụ vợ, không gặp vợ.”

    Vợ chồng đều phải chịu sự may rủi: “Vợ chồng may rủi là duyên, vợ chồng hoà thuận là tiên trên đời.”

    * Chồng thì: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba rựa cùn.”, “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”, “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.”

    * Vợ thì: “Chồng dại, luống tổn công phu nhọc mình.”, “Chồng ăn giò vợ co chân chạy, chồng ăn mày mạy vợ lạy vợ về.”, “Vô duyên lấy phải chồng đần.”, “Tốt duyên lấy được chồng hiền.”, “Chồng tốt ai chẳng muốn lấy, biết giá chồng đáng mấy mà mua.”

    Vợ chồng chê nhau: “Chê chồng chẳng bõ chồng chê.”, “Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm.”

    Vợ chồng có nghĩa vụ với nhau: “Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn, gái nuôi chồng ốm béo tròn cối xay.”

    Vợ chồng có thể giáo dục lẫn nhau: “Mài gươm dạy vợ, giết chó khuyên chồng”, “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về.”, “Con hư bởi tại cha dung, vợ hư bởi tại anh chồng cả nghe.”, “Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe.” (Tuy nhiên, mức độ giáo dục có khác nhau, vợ chỉ khuyên, còn chồng thì được dạy.)

    Chấp nhận một sự tương đối: “Được cả đôi, Thiên Lôi đánh một.”, “Thế gian được vợ hỏng chồng, có đâu lại được cả ông lẫn bà.”, “Thế gian được vợ hỏng chồng, có đâu vợ chồng mà được cả đôi.”

    Từ những tình huống thể hiện sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng, có thể lập một bảng như sau:

    CHỒNG

    VỢ

    1. Chèo

    1. Chèo

    1. Cần

    1. Kiệm

    1. Sang

    1. Sang

    1. Ăn chả

    1. Ăn nem

    1. Có của

    1. Có công

    1. Hòa

    1. Thuận

    1. Chê vợ

    1. Chê chồng

    1. Không phụ

    1. Có công

    1. Thuận

    1. Thuận

    1. Nhớ vợ cũ

    1. Nhớ chồng xưa

    1. Nuôi vợ

    1. Nuôi chồng

    1. Đánh bạc

    1. Đánh bài

    1. Sang

    1. Sung sướng

    1. Cậy trông

    1. Ngoan

     

    1. Sai khiến chồng

     

    1. Bắt nạt chồng

     

    1. Ngủ tùy chồng

     

     18. Lấy chồng cho đáng (với mình)

    Bảng trên cho thấy:

    – Vợ chồng có 14 cặp tình huống thể hiện sự cân bằng trong quan hệ.

    – Riêng vợ còn có thêm 4 tình huống thể hiện vai trò chủ động của mình so với chồng.

    Những tình huống cân bằng giữa hai vợ chồng: Đũa có đôi, Nhân nghĩa, Biết tính nhau, Chịu may rủi, Hòa thuận, Có lúc xô xát, Mâu thuẫn thì chia lìa, Sức mạnh đoàn kết, Nghĩa trả đời.

    Cả nam và nữ đều góp phần làm hài hòa hoặc không hài hòa quan hệ vợ chồng:

     

    HÀI HÒA

    KHÔNG HÀI HÒA

    CHỒNG

    VỢ

    CHỒNG

    VỢ

    Đẹp

    Đẹp

    Lớn

     

     

     

     

    Cần

    Kiệm

    Dại

     

    Già

    Trẻ

    Trẻ

    Già

     

     

    Dữ

     

    Khôn (6)

    Ngoan (2)

    Ngu

     

    Lành (2)

     

     

     

    Lớn

    Lớn

    Sang (4)

     

    Hèn

     

     

     

    Thấp

    Cao

    Tốt

     

     

    Rẻ

    Có mẹ cha hiền lành

     

     

    Chửa hoang

    Tươi tắn

    Hiền

     

    Bắt nạt chồng

    Có học

     

     

     

    Con tông nhà nòi

    Con dòng

     

    Dại

    Trưởng nam (3)

    Khôn (3)

     

    Bị chồng rẫy

    Làm quan

     

    Là học trò

    Hay ăn ngon

    Nhà ở giữa làng (4)

     

    Đần

     

     

     

    Cờ bạc

     

     

     

    Rượu chè

     

     

    Chê chồng

     

    Bị chồng chê

    Con một

     

     

    Con một

    Cùng tuổi với vợ

    Cùng tuổi với chồng

     

     

    Hòa thuận

    Hòa thuận

     

     

    Từ những tình huống trên đây, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

    – Khi lựa chọn “đối tượng”, người đàn bà đòi hỏi ở người đàn ông nhiều nhất là vị thế xã hội (làm quan, trưởng nam, sang), người đàn ông đòi hỏi ở người đàn bà nhiều nhất là về tính nết: hiền hòa, đức hạnh. Các tác giả dân gian quan tâm nhiều hơn về tiêu chuẩn của người chồng so với người vợ (9 câu so với 5 câu), chứng tỏ để đi tới hôn nhân, người phụ nữ băn khoăn nhiều hơn đến giá trị của người chồng tương lai, điều này có thể được chứng minh thêm ở câu: “Chọn dâu thì dễ, chọn rể thì khó.”

    – Khi đã thành gia thất, tiêu chuẩn của một người chồng, quan trọng nhất là về trí (tiêu chuẩn khôn xuất hiện nhiều nhất, 6 lần), tiếp đó là sang, nhà ở giữa làng (đều 4 lần) – thực ra hai từ này đều thể hiện một nghĩa là vị thế xã hội của người chồng; trong cơ cấu làng ở nông thôn Việt Nam xưa, có dân bản quán và dân ngụ cư, dân chính cư là dân gốc, thường ở giữa làng, được coi trọng, còn dân ngụ cư là dân nơi khác đến, thường ở rìa làng, hay bị xem thường. Về người vợ, tiêu chuẩn cũng là trí tuệ (khôn – 3 lần), có đức tính tốt (hiền, ngoan).

    Những điều được coi là không tốt ở người chồng cũng thuộc về trí tuệ (đần, dại, ngu), về phẩm chất (dữ, hèn, cờ bạc, rượu chè), còn ở người vợ cũng là về trí tuệ (dại), về phẩm chất (chửa hoang, bị chồng rẫy, hay ăn ngon, bắt nạt chồng).

    So sánh với nhận định của các tác giả Thi ca bình dân Việt Nam, trong đó viết rằng về ý thức gia đình thể hiện qua tục ngữ, ca dao, người bình dân không coi tài năng là căn bản, thấy rằng đó là nhận định thiếu chính xác. Thực ra, người bình dân rất coi trọng tài năng, trí tuệ vì biết rằng đó cũng là một yếu tố đảm bảo cho cuộc sống gia đình có được hạnh phúc.

    Như vậy, trong khi nhìn nhận quan hệ vợ chồng, nhân dân lấy các tiêu chí về tinh thần chứ không căn cứ vào tiêu chí vật chất, thể hiện quan niệm rất đúng đắn về hạnh phúc lứa đôi – được quyết định ở những giá trị tinh thần chứ không phải do vật chất.

    Nhìn chung, có 16 cách thức tạo sự cân bằng trong quan hệ vợ chồng, trong đó vai trò của người phụ nữ được đề cao. Qua các cách thức này, hình ảnh người phụ nữ được hiện lên tương xứng với nam giới, bằng những hành động bình đẳng với nam giới và được đánh giá ngang hàng với nam giới.

    1.7. Vợ chồng trong mối quan hệ với cha mẹ

    Tục ngữ ít xem xét vợ chồng trong mối quan hệ với cha mẹ, và sự tổng kết có những kết luận trái ngược nhau:

    – Nhìn chung, cha mẹ quan trọng hơn: “Mất mẹ mất cha thật là khó kiếm, chớ đạo vợ chồng chẳng hiếm gì nơi”

    – Người chồng coi trọng cha mẹ hơn: “Bình phong cẩn ốc xà cừ, vợ hư rầy vợ, đừng từ mẹ cha”.

    – Có lúc người vợ coi nhẹ mẹ: “Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo”.

    Một lần nữa, chúng ta thấy người phụ nữ thường ứng xử bằng tình chứ ít bằng , có khi vì tình lớn quá mà bỏ qua cả đạo lý làm con. Mặt khác, sự không thống nhất trong quan niệm được nêu ở những câu tục ngữ khác nhau là chuyện bình thường, bởi vì tục ngữ là sản phẩm của tập thể, diễn ra trong một không gian rộng và thời gian dài, không phải chỉ thể hiện quan niệm của một người hay một loại người, mà thể hiện quan niệm của rất nhiều người, rất nhiều loại người khác nhau trong xã hội, từ đó có những câu tục ngữ đem đến những nhận thức trái ngược nhau.

    1.8. Vợ chồng trong mối quan hệ với xã hội

    Nông thôn Việt Nam xưa bị phân chia thành nhiều làng, với cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ, có phần cô lập với xã hội nói chung. Theo tài liệu Nông thôn Việt Nam của nhóm Nghiên nông thôn công bố ở Sài Gòn tháng 11 năm 1974 (in rô nê ô), thì tại nông thôn Việt Nam xưa,”- Làng là một đơn vị kinh tế tự túc và gần như biệt lập, làng này với làng kia ít liên lạc với nhau, làng cũng ít liên lạc với thành phố, làng nào cũng có sản xuất lúa gạo, rau trái, hoa quả, gà vịt, heo, bò…

    – Đơn vị sinh hoạt trong làng là gia đình: Gia đình là một định chế chi phối về mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục. Mọi sinh hoạt của cá nhân đặt trực tiếp dưới quyền điều khiển của một cá nhân là chủ gia đình” [70: 34].

    Trong điều kiện kết cấu xã hội như vậy, tư tưởng cục bộ là một đặc trưng của người nông dân xưa. Tư tưởng này được thể hiện đậm nét trong quan niệm về hôn nhân của người Việt thông qua tục ngữ. Người ta muốn mọi việc trên đời đều khép kín trong lũy tre làng, ngay cả việc xây dựng gia đình cũng vậy: “Chồng khó giữa làng hơn chồng sang thiên hạ”, “Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ” – tiêu chí đảm bảo cho sự cục bộ lớn hơn hẳn tiêu chí về phẩm chất của người chồng.

    Tuy vậy, khi nhấn mạnh cái tình trong quan hệ vợ chồng, tục ngữ đã mở rộng không gian: “Giàu trong làng trái duyên khôn ép, khó nước người phải kiếp cũng theo.” Một lần nữa, chúng ta thấy lối nói thậm xưng của dân gian: mở rộng vô cùng về không gian nhưng không nhằm đưa đến kết luận về không gian, mà chỉ nhằm nói cho cùng cái cần coi trọng là tình duyên.

    Số câu tục ngữ nói về quan hệ cha mẹ với con là 226 câu, chiếm 30,95% số câu nói về gia đình, trong đó có thể chia làm 4 mối quan hệ: quan hệ chung cha mẹ con, quan hệ con – cha mẹ, quan hệ mẹ con, quan hệ cha – con.

    2.1. Quan hệ chung cha mẹ với con

    Qua 108 câu tục ngữ, các tác giả dân gian nêu lên khá đầy đủ các mối quan hệ giữa cha mẹ với con.

    Cha mẹ bị động: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính.”, “Sinh con ai nỡ sinh lòng, mua dưa ai biết trong lòng quả dưa.”, “Sinh con ai nỡ sinh lòng, sinh con ai chẳng vun trồng cho con.”

    Cha mẹ là chỗ dựa cho con: “Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con.”,  “Cha sinh mẹ dưỡng.”

    Cha mẹ vất vả vì con: “Có con phải khổ vì con.”, “Có con tội sống, không có con tội chết.”, “Cha lừa, mẹ ngựa.”, “Hai vợ chồng son, đẻ một con hoá bốn.”, “Con là nợ, vợ là oan gia.”

    Cha mẹ tốn kém vì con: “Của mòn, con lớn.”

    Cha mẹ mất  tỉnh táo vì con: “Mấy ai biết lúa gon, mấy ai biết con ác.”

    Cha mẹ phải điều tiết quan hệ gia đình để đảm bảo quyền lợi cho con: “Yêu con cậu, mới đậu con mình.”

    Cha mẹ dựa vào con: “Giàu lúc còn son, giàu lúc con lớn.”, “Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con.”

    Cha mẹ ứng xử với con:

           * Phải dạy dỗ: “Có con không dạy để vậy mà nuôi”, “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng.”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”, “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn ngây thơ.”, “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về.”

           * Phải chăm lo về vật chất: “Có của để cho con, không có để nợ cho con.”

           * Phải hy sinh: – Nuôi con ai nỡ kể tiền cơm.”, “Nuôi con không phép kể tiền cơm.”

           * Phải gần gũi: “Con đâu cha mẹ đấy.”

           * Phải có trách nhiệm với con: “Đói lòng con héo hon cha mẹ”, “Sinh con ai chẳng vun trồng cho con”.

           * Có lúc bất công với con: “Con dòng thì bỏ xuống đất, con vật thì cất lên sàn.”

    Qua các nội dung trên đây, thấy tục ngữ phản ánh đầy đủ quá trình từ khi cha mẹ chưa sinh con, đến lúc nuôi con khôn lớn rồi về già nhờ con, cách thức ứng xử với con. Tục ngữ đúc kết quan hệ cha mẹ con theo nhiều chiều, từ tinh thần tới vật chất, từ chiều tích cực đến chiều tiêu cực.

    Tình trạng “sinh con trời sinh tính”, “ai nỡ sinh lòng” thể hiện sự bị động của cha mẹ  khi sinh con – ai cũng mong sinh được con tốt tính, nhưng nhiều khi lại sinh con trái tính. Có ý kiến phê phán hai câu này mang tính duy tâm, phủ nhận vai trò của con người. Nhưng cần hiểu rằng, trong quan niệm dân gian, con người bên cạnh tínhnết – “Cái nết đánh chết cái đẹp”… Vậy cái tính là do tự nhiên sinh ra, hoặc nói theo sinh học là do di truyền, còn nết thì do rèn mà nên. Chính vì vậy, tục ngữ coi trọng vai trò của giáo dục, việc dạy dỗ con được nêu lên hàng đầu trong trách nhiệm của cha mẹ với con – 4 câu tục ngữ nói về điều này – không những vậy, phải giáo dục từ rất sớm – “dạy con từ thủa con còn ngây thơ”, “dạy con từ thủa còn thơ”, bởi vì nếu không chịu giáo dục, cứ ”để vậy mà nuôi”, chắc chắn con sẽ chẳng nên người. Tục ngữ cũng đã khẳng định công lao to lớn của cha mẹ đối với con, nhìn chung, đó là sự hy sinh về tinh thần và vật chất, sự hy sinh vô tư, để may lắm khi già được “dựa vào con”. Đáng chú ý nhất là tục ngữ tổng kết 6 cách thức ứng xử của cha mẹ với con thì 5 cách thể hiện trách nhiệm cao với con, chỉ có 1 cách thể hiện sự bất công của cha mẹ trong ứng xử giữa con này với con khác. Căn cứ vào số lượng và nội dung của các câu tục ngữ, có thể thấy các tác giả dân gian đề cao nhất là trách nhiệm của cha mẹ đối với việc hình thành nhân cách của con, cũng là thể hiện trách nhiệm với gia tộc, với đời sau. Đây là cách mà nhân dân đã vận dụng khéo léo mặt tích cực của Nho giáo vào việc xây dựng gia đình Việt, làm cho nó trở thành yếu tố tích cực trong truyền thống của dân tộc, hiện nay đang được kế thừa và phát huy.

    Từ quan hệ cha mẹ con, tục ngữ chiếu qua quan hệ với đất nước, với một trách nhiệm tự giác: “Bé thì con mẹ con cha, lớn thì con vua con chúa.” (trong xã hội phong kiến, thì vua chúa đại diện cho đất nước). Chính nhờ ý thức trách nhiệm cao với đất nước như vậy, người Việt có tình yêu mạnh mẽ và dám xả thân cho đất nước, làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc từ thời dựng nước đến nay.

    2.2. Quan hệ con với cha mẹ

    Mối quan hệ giữa con với cha mẹ được tục ngữ đề cập đến ít hơn mối quan hệ giữa cha mẹ và con, với nội dung không phong phú bằng.

    Con dựa vào cha mẹ: “Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn không dây.”

    Con lợi dụng cha mẹ: “Con gái là cái bòn.”

    Con không thống nhất với cha mẹ: “Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha.”

    Coi trọng công mẹ hơn công cha:  “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng.”

    – Coi cha có giá trị hơn: “Cha vàng, mẹ bạc, bác đồng đen.” 

    – Con ứng xử với cha mẹ:

    * Biết điều hoà quan hệ với vợ: “Bình phong cẩn ốc xà cừ, vợ hư rầy vợ đừng từ mẹ cha.”, “Mất mẹ mất cha thật là khó kiếm, chớ đạo vợ chồng chẳng hiếm gì nơi.”

    * Biết ơn cha mẹ: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.”, “Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”, “Ơn cha là ba ngàn bảy, nghĩa mẹ là bảy ngàn ba.”

    * Quý trọng cha mẹ: “Nhất mẹ nhì cha, thứ ba bà ngoại.”

    Nội dung chủ yếu mà tục ngữ tổng kết về mối quan hệ giữa con với cha mẹ là lòng kính yêu, biết ơn; cả 3 cách thức ứng xử của con với cha mẹ đều hướng vào sự gắn bó, biết ơn, quý trọng của con với cha mẹ. Trong rất nhiều mối quan hệ trong gia đình, tục ngữ chỉ tổng kết về mâu thuẫn trong quan hệ giữa con-cha mẹ với vợ, và khẳng định rằng nếu phải lựa chọn giữa vợ và cha mẹ thì phải chọn cha mẹ. Như vậy, theo quan niệm dân gian, trong gia đình, yếu tố đe dọa quan hệ cha mẹ con chính là nàng dâu. Điều này mâu thuẫn với quan niệm phổ biến mà chính tục ngữ tổng kết về quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, đó là mối quan hệ khá tốt đẹp. Tuy vậy, nếu vận dụng quan niệm về hai vế trong tục ngữ, trong đó có vế tạo cớ thường chỉ để dẫn dắt, thì có thể thấy tục ngữ không có ý đối lập giữa cha mẹ và vợ, mà chỉ dùng khái niệm vợ như một công cụ về hình tượng để dẫn dắt đến ý cần đúc kết là con không được từ cha mẹ. Quan niệm này cũng phù hợp với quan niệm của Nho giáo là trọng cha mẹ.

    2.3. Quan hệ mẹ con

    Số câu tục ngữ nói về quan hệ mẹ con gồm 72 câu, nhiều hơn nói về cha con 23 câu. Điều đó nói lên vị trí, vai trò của người mẹ đối với việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, đồng thời cũng phản ánh đứa con có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời người mẹ. Mối quan hệ mẹ con biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Càng cụ thể hoá các mối quan hệ, tục ngữ, như tấm gương phản chiếu cuộc sống, càng tôn vinh hình ảnh cao cả của người mẹ hy sinh tất cả vì con. Những biểu hiện tiêu cực không phải dòng chảy chính của mối quan hệ này. Các nội dung của quan hệ mẹ con được biểu hiện như sau:

    Có trách nhiệm với con, hy sinh cho con, vất vả vì con: “Người chửa cửa mả”, “Sinh được một con, mất một hòn máu.”, “Có chồng chẳng được đi đâu, có con chẳng được đứng lâu một giờ.”, “Có con phải khổ vì con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.”, “Chỗ ướt mẹ nằm, ráo xê con lại.”, “Con biết nói, mẹ hói đầu.”, “Con biết ngồi, mẹ rời tay.”, “Con lên ba, mẹ sa xương sườn.”, “Con lên ba mới ra lòng mẹ.”, “Một con so bằng ba con đẻ.”, “Một con so bằng ba con dạ.”, “Một mẹ già bằng ba đứa ở.” 

    – Mẹ có trách nhiệm về phẩm chất của con: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.”, “Mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ ngoảnh lại con khôn.”, “Con dại cái mang.”

    Con phải dựa vào mẹ: “Đầu măng ngã gục vào tre, nương nhờ vào mẹ kẻo e bão gào.”, “Con có mạ như thiên hạ có vua.”, “Con có mẹ như măng ấp bẹ.”, “Con ấp vú mẹ”.

    Con phụ thuộc mẹ: “Mẹ ăn cơm chả, con lả bụng.”, “Canh suông khéo nấu thì ngon, mẹ già khéo nói thì con đắt chồng.”, “Con có (hoặc không) khóc, mẹ mới (hoặc chẳng) cho bú.”

    Mẹ không muốn dựa vào con: “Ăn của chồng thì ngon, ăn của con thì nhục.”, “Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng”.

    Mẹ dựa vào con: “Bé nhờ cha, lớn nhờ chồng, già nhờ con.”

    Sắc thái tinh thần phụ thuộc vào con: “Đẻ con khôn mát như nước, đẻ con dại thì rát như hơ.”

    Thích nhiều con: “Nhiều con giòn mẹ.”

    Không có con thì cô đơn: “Có chồng mà chẳng có con, khác nào hoa nở trên non một mình.”

    Chịu ảnh hưởng của đạo Nho: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.”

    Con coi trọng chồng hơn mẹ: “Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.”

    Mẹ con thắm thiết: “Ngầm ngập như mẹ gặp con, lon son như con gặp mẹ.”, “Mẹ con một lần da đến ruột.”, “Nhất mẹ nhì con.”, “Sành sẹ như mẹ với con, lon ton như con với mẹ.”, “Máu loãng còn hơn nước lã, chín đời họ mẹ còn hơn người dưng.”

    Mẹ chịu sự khó khăn, vất vả vì con: ”Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi được một mẹ.”, “Mẹ sớm chiều ngược xuôi tất tưởi, con đầy ngày đám dưới đám trên.”, “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày.”, “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.”, “Mẹ nuôi con dùng dùng nén nén, con nuôi mẹ không được một nẹn trong tay.”, “Mẹ lá rau lá má, con đầy rá đầy mâm.”, “Ngày sau con tế ba bò, sao bằng lúc sống con cho lấy chồng.”

    Tiêu cực trong quan hệ mẹ con: “Mẹ em tham giàu bắt chạch đằng đuôi.”, “Mẹ lừa ưa con ngọng.” Trong  thị trường, mẹ con cũng cạnh tranh: “Được mối hàng, mẹ chẳng nhường con.”, “Mẹ với con lúa non cũng lấy.”

    Những tình huống dẫn ra trên đây cho thấy trong quan hệ mẹ con, tục ngữ theo sát cuộc sống của người mẹ, từ lúc mang thai, đẻ con, tới khi con lớn, mẹ về già, mẹ goá chồng. Sự quan tâm của dân gian đối với người mẹ thể hiện tinh thần trọng mẫu của người Việt.

    Không can dự vào việc người khác: “Đình đám người, mẹ con ta.”

    Quan hệ nhân quả: “Mẹ ăn con trả.”

    ẢNH hưởng của mẹ tới con: “Mẹ đần lại đẻ con đần, gạo chiêm đem giã mấy lần vẫn chiêm.”, “Mẹ nào con ấy.”

    Con không chịu ảnh hưởng của mẹ: “Mẹ cú con tiên, mẹ hiền con xục xạc.”, “Mẹ tròn con méo.”, “Vợ dại đẻ con khôn.”, “Mẹ sống bằng hai bàn tay, con ăn mày bằng hai đầu gối.”

    Mẹ con đồng cảnh: “Con lở ghẻ, mẹ hắc lào.”

    Không có mẹ thì phải tự lo: “Không mẹ lẹ chân tay.”

    Cục bộ, mẹ chỉ biết con hoặc con chỉ biết mẹ: “Bà khen con bà tốt, một chạp bà biết con bà.”, “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn đẹp còn giòn hơn ta.”, “Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu.”, “Mẹ hát con khen hay.”, “Mẹ hát con khen, ai chen vô lọt.”

    Hạn chế trong cuộc sống với mẹ: “Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”

    Nhìn tổng quát, ta thấy: Theo quan niệm dân gian, sinh con là một tất yếu, đem lại hạnh phúc cho người mẹ, nếu không có con, cuộc sống người phụ nữ trở nên cô đơn, thiếu niềm vui. Có con, người phụ nữ phải chịu trách nhiệm nặng nề, phải hy sinh, vất vả vì con, đây là đặc trưng cơ bản nhất trong quan hệ mẹ con mà tục ngữ tổng kết (với 18 câu trong tổng số 64 câu, bằng 28,12%). Tuy vậy, sự hy sinh không được hoặc không đòi hỏi được đền đáp xứng đáng.

    2.4. Quan hệ cha con

    Số câu tục ngữ nói về quan hệ cha con là 49, với các nội dung chính như sau:

    Cha là chỗ dựa cho con: “Bé nhờ cha, lớn nhờ chồng, già nhờ con.”, “Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.”, “Còn cha ăn cơm với cá.”, “Trẻ cậy cha, già cậy con.”, “Một bát cơm cha bằng ba bát cơm rể.”, “Còn cha gót đỏ như son, Một mai cha thác, gót con như chì”.

    Cha có trách nhiệm về phẩm chất của con: “Con hư bởi tại cha dung.”

    Cha con giữ truyền thống: “Cha truyền, con nối.”

    Con không cha thì cuộc sống khó khăn: “Con không cha thì con trễ, cây không rễ thì cây hư.”, “Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.”, “Thứ nhất thì chết mất cha, thứ nhì buôn vã, thứ ba ngược đò.”, “Thứ nhất thì mồ côi cha, thứ nhì gánh vã, thứ ba buôn thuyền.”

    – Trách nhiệm của cha: “Cha muốn cho con hay, thầy mong cho con khá.”

    – Quan hệ nhân quả: “Đời cha đắp nấm, đời con ấm mồ.”, “Đời cha trồng cây, đời con ăn qủa.”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.”, “Một đời cha, ba đời con.”, “Phụ trái tử hoàn, tử trái phụ bất can.” (Cha mắc nợ thì con phải trả, con mắc nợ thì cha khỏi trả.)

    – Tình nghĩa: “Phụ tử tình thâm.”

    – Phép tắc: “Con có cha, nhà có chủ”

    – Thể hiện quan điểm phát triển: “Con hơn cha là nhà có phúc.”

    – Con xứng đáng với cha: “Cha anh hùng, con hảo hán.”, “Hổ phụ sinh hổ tử.”

    – Cha con làm điều xấu: “Cha đào ngạch, con xách nồi.”

    – Con dối cha: “Đi dối cha, về nhà dối chú.”

    – Tiêu cực trong quan hệ cha con:

           * Phá truyền thống: “Đời cha vo tròn, đời con bóp bẹp.”, “Cha hổ mang đẻ con liu điu.”, “Hổ phụ sinh cẩu tử.”, “Cha bòn con phá”.

           * Nghịch cảnh: “Cha trở ra trở vào, con ngồi cao gọi với.”, “Cha để nhà cho trưởng, cha ngất ngưởng đi ăn mày.”, “Cha thương con út, con út đái lụt chân giường.”, “Cha bưng mâm, con ngồi cỗ nhất.”

           * Cái khó làm mất tình cha con: “Khó thì hết thảo, hết ngay, công cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên.”

    – Thể hiện phong tục: “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy.”

    – Cục bộ: “Cha hát, con khen, ai chen vô lọt.”

    – Tình cảnh đáng ái ngại: “Cha già con cọc.”, “Cha già, con mọn.”

    – Ảnh hưởng Nho giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.”

    – Con bênh vực cha: “Chú đánh cha tôi, tôi tha gì chú.”, “Con giữ cha, gà giữ ổ.”

    – Coi trọng việc con gái giống cha: “Con gái giống cha giàu ba đụn.”

    – Con không thể thay thế mẹ trong việc chăm sóc cha: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.”

    Từ các nội dung trên đây, thấy nổi lên hai vấn đề là: vai trò quan trọng của người cha đối với con, những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ cha con. Về vai trò của người cha, tục ngữ khẳng định đó là vai trò trên những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống: toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của con, phẩm chất của con, tương lai của con, truyền thống gia đình. Những tiêu cực trong quan hệ cha con, tục ngữ khẳng định tác nhân là con: cả 14 câu tục ngữ thể hiện 4 kiểu biểu hiện của sự tiêu cực thì con đều đóng vai trò chủ thể, trong đó, nổi bật là sự cư xử bất hiếu và phá vỡ truyền thống, phá hoại thành quả do cha xây đắp nên.

    So sánh giữa quan hệ cha con và quan hệ mẹ con, thấy có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có những điểm khác nhau như sau:

    – Giống nhau:

    * Có trách nhiệm nặng nề với con, hy sinh cho con. Riêng trách nhiệm về phẩm chất của con, vai trò của người mẹ được nhấn mạnh hơn: về số lượng, số câu tục ngữ nói về trách nhiệm của mẹ khi con hư nhiều gấp 3 lần số câu tương tự đối với người cha, về nội dung, trách nhiệm của người mẹ được khẳng định ở nhiều khía cạnh hơn (con hư tại mẹ, mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm khi con dại, còn đối với người cha, tục ngữ không quy trách nhiệm, mà chỉ tìm ra nguyên nhân (con hư là do cha dung). Điều này cho thấy, trong việc dạy con, người cha chỉ “cầm cương”, còn người mẹ thì “chi tiết hoá”.

    * Bị con đối xử không tốt. Điều này cho thấy, trong truyền thống của người Việt, yếu tố tiêu cực đã chi phối quan hệ cha mẹ con, trong đó sự bất hiếu của con đối với cha mẹ thể hiện khá phổ biến, trên khá nhiều phương diện – từ ăn uống, vui chơi con giành phần hơn, đùn đẩy việc nặng nhọc cho cha mẹ, tới việc thiếu trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ về già, thậm chí còn ngăn cản việc đi bước nữa tìm hạnh phúc của mẹ góa. Hiểu rõ điều này, chúng ta nên có cách nhìn biện chứng hơn đối với tình trạng ngược đãi cha mẹ hiện nay đang phát triển trong xã hội, không nên đổ tại quá nhiều vào nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường chỉ là điều kiện thuận lợi cho việc bộc lộ và phát triển sự bất hiếu của con đối với cha mẹ chứ không phải là nguyên nhân của tình trạng này. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh biện pháp giáo dục, cần điều chỉnh cách ứng xử: không nên hy sinh một cách thái quá, có khi mù quáng, theo kiểu truyền thống, mà phải có trách nhiệm với con theo những điều kiện nhất định, phải phát huy tính tự lực, trách nhiệm của con đối với cuộc sống bản thân và gia đình.

    * Dựa vào con: Sẽ phải dựa vào con khi về già, nhưng không muốn dựa vào con.

    * Cục bộ: Từ quan hệ máu thịt dễ nảy sinh tư tưởng cục bộ, kìm hãm phát triển. Đây là phát hiện quan trọng của tục ngữ, chứng tỏ từ xưa, người Việt đã nhìn ra sự hạn chế của lối quan hệ khép kín, thiếu cởi mở của kiểu gia đình tiểu nông và mong muốn có sự mở rộng quan hệ ra ngoài xã hội, khách quan hơn, có điều kiện để phát triển.

    – Khác nhau:

           * Cha có vai trò quan trọng về truyền thống gia đình, truyền lại cho con.

           * Quan hệ mẹ con thắm thiết, thiên về tình cảm.

           * Trong những biểu hiện tiêu cực, thì với quan hệ cha con, con luôn đóng vai trò tác nhân, còn trong quan hệ với mẹ, thì đa số trường hợp, con đóng vai trò tác nhân, nhưng cũng có trường hợp mẹ đóng vai trò này.

    Có một điều đáng ngạc nhiên là mặc dù quan tâm sâu sắc đến người mẹ, nhưng tục ngữ chỉ có một câu nói về trạng thái của con khi không có mẹ – đó là phải “lẹ chân tay”, tức là phải năng động hơn trong cuộc sống, trong khi đó có tới 5 câu về trạng thái của con khi không có cha, nói chung đó là sự khốn khó, cùng cực. Phải chăng, các tác giả dân gian coi nhẹ vai trò của người mẹ trong việc là chỗ dựa cho con? Hoặc giả, tục ngữ thiên về lý trí, cho nên ở góc độ này, về mặt lý trí, thì người cha có vai trò quan trọng hơn người mẹ. Mặt khác, người cha có vai trò quan trọng hơn đối với số phận của người con, nhưng về tình cảm thì tình mẫu tử lại mạnh hơn.

    3. QUAN HỆ ANH EM, CHỊ EM RUỘT.

    Nói khái quát về quan hệ anh chị em, tục ngữ coi trọng tinh thần đoàn kết: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” Tục ngữ đúc kết  về anh em nhiều hơn so với về chị em (26/16 câu).

    3.1. Quan hệ anh em

    – Gắn bó: “Anh em hạt máu sẻ đôi.”, “Anh em như chân tay.”, “Anh em trai ở với nhau mãn đại, chị em gái ở với nhau một thời.”

    – Coi trọng sự hoà thuận: “Anh em chém nhau đằng dọng, không chém đằng lưỡi.”, “Anh em trong nhà, đóng cửa bảo nhau.”, “Anh thuận em hoà là nhà có phúc.”, “Em thuận, anh hoà là nhà có phúc.”

    – Những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ anh em:

           * Bị vật chất chi phối: “Anh em hiền thậm là hiền, bởi một đồng tiền nên mất lòng nhau.”, “Anh em gạo, đạo ngãi tiền.”, “Nghèo thì giỗ tết, giàu hết anh em.”

           * Mâu thuẫn nhau: “Anh em như chông, như mác.”

           * Em chịu thiệt thòi: “Phận đàn em ăn thèm vác nặng.”

    – Trách nhiệm của anh:

           * Thay thế cha: “Quyền huynh thế phụ.”

           * Chịu vất vả: “Làm chị phải lành, làm anh phải khó.”

           * Bao bọc em: “Của anh như của chú.”

     

           * Bất công: “Anh  ngủ, em thức; em chực, anh đi nằm.”

    – Quan hệ thân tộc:

           * Anh em trai gắn bó hơn: “Con cô con cậu thì xa, con chú con bác thật là anh em.”

           * Họ hàng giúp gắn bó anh em: “Đi việc làng giữ lấy họ, đi việc họ giữ lấy anh em.”

    – Ứng xử giữa anh em:

           * Anh em phải nghiêm khắc hơn người ngoài: “Anh em khinh trước, làng nước khinh sau.”

           * Phải thận trọng khi giải quyết công việc: “Anh em xem mặt cho vay.”

    – Anh em trong quan hệ với hàng xóm: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần.”

    – Dùng anh em để nói lên cách ứng xử chung: “Khôn với vợ, dại với anh em.” (giống như “Khôn nhà dại chợ.”)

    3.2. Quan hệ chị em

    – Quan hệ anh em trai lâu bền hơn chị em gái: “Anh em trai ở với nhau mãn đại, chị em gái ở với nhau một thời.”  (thể hiện phong tục: gái theo chồng).

    – Gắn bó: “Cắt dây bầu, dây bí, chẳng ai cắt dây chị, dây em.”, “Yêu nhau chị em gái, rái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể.”

    – Quan hệ tương hỗ, giúp nhau: “Chị dại đã có em khôn.”, “Chị ngã em nâng.”, “Con chị dắt con em.”

    – Tiêu cực trong quan hệ chị em:

    *Bị đồng tiền chi phối: “Chị em hiền thật là hiền, lâm đến đồng tiền mất cả chị em.”, “Chị em nắm nem ba đồng, muốn ăn thì trả sáu đồng mà ăn.”

    *Xa cách: “Chị em không thèm đến ngõ.”

    – Cách thức ứng xử:

    * Giữ nền nếp: – Chị em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc mọi đường yên vui.”

    * Chị chịu thiệt thòi: “Con chị cõng con em, con em lèn con chị.”, “Em ngã thì chị phải nâng, đến khi chị ngã em bưng miệng cười.”, “Làm chị phải lành, làm anh phải khó.”, “Tiền lĩnh quần chị không bằng tiền chỉ quần em.”

     

    * Coi thường em: “Chẳng khôn thể chị lâu ngày, chị đái ra váy cũng tày em khôn.”, “Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em.” (Thể hiện lối sống theo kinh nghiệm, “sống lâu lên lão làng”.)

    Khảo sát quan hệ anh – em, chị – em, thấy có những nét đáng chú ý như sau:

    Tục ngữ khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa anh em, chị em. Để giữ tình máu mủ, quan trọng nhất trong quan hệ anh chị em là hòa thuận. Một lần nữa, chúng ta thấy trong truyền thống, người Việt hết sức coi trọng sự hòa thuận.

    Trong trách nhiệm của anh, chị với em, thì anh thiên về trách nhiệm mang tính lý trí, chị thiên về tình cảm: Anh có thể thay thế cha, chị đỡ đần, nâng giấc em. Tuy cùng có trách nhiệm với em, nhưng anh được coi trọng hơn chị. Điều này thêm một lần nữa khẳng định gia đình người Việt xưa là gia đình theo kiểu phụ quyền.

    Trong những biểu hiện tiêu cực của quan hệ anh chị em, đáng chú ý nhất là bị vật chất chi phối. Cả anh, chị và em đều bị đồng tiền, hạt gạo làm biến dạng quan hệ. Như vậy, không đợi đến cơ chế thị trường ngày nay, những người trong gia đình mới bạc tình bạc nghĩa với nhau – nó đã được biểu hiện khá sớm, là mặt trái ẩn sâu trong truyền thống gia đình – do vậy, một lần nữa tục ngữ cho thấy chúng ta không nên quy kết mọi trách nhiệm về vấn đề đạo đức xuống cấp cho cơ chế thị trường, từ đó có giải pháp đúng đắn, như giáo dục đạo đức, lối sống, đồng thời có các biện pháp hạn chế sự chi phối trái chiều của vật chất đối với quan hệ gia đình nói riêng và quan hệ xã hội nói chung.

    4. QUAN HỆ DÂU RỂ VỚI GIA ĐÌNH

    Với 39 câu tục ngữ, các tác giả dân gian phản ánh khá sâu sắc quan hệ của gia đình đối với con dâu, con rể, trong đó nói nhiều hơn về quan hệ với con dâu.

    – Tinh thần dân chủ, rộng lượng:  “Dâu dâu rể rể cũng kể là con.”, “Dâu hiền hơn con gái, rể hiền hơn con trai.”, “Dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai.”.

    – Con dâu gắn bó với gia đình hơn con rể: “Dâu là con, rể là khách.”.

    – Chọn con dâu khó khăn, nhưng chọn con rể phải kỹ hơn: “Lựa được con dâu, sâu con mắt.”, “Kén dâu thì dễ, kén rể thì khó.”

    – Con dâu gần gũi hơn: “Nuôi dâu thì dễ, nuôi rể thì khó.” (Phù hợp với quan niệm “rể là khách”).

    – Gia đình chịu may rủi khi có con dâu: “Có phúc lấy được dâu hiền, vô duyên lấy phải dâu dại.”, “Có phúc là dâu, vô phúc là bâu là báo”, “Có phúc là nàng dâu, vô phúc là cái báo.”, “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng.” Điều này cũng chứng tỏ con dâu có tác động quan trọng đến cuộc sống gia đình.

    – Tiêu cực trong quan hệ với con dâu, con rể:

           + Bất công với con dâu, con rể: “Con dâu thì dại, con gái thì không.”, “Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu.”, “Con dâu mới về đan bồ chịu chửi.”, “Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi.”, “Của mình thì để, của rể thì bòn.”, “Thương con mà dễ, thương rể mà khó.”

          + Mâu thuẫn mẹ chồng – con dâu là phổ biến: “Ưa nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.”, “Chê mẹ chồng trước đánh đau, phải mẹ chồng sau mau đánh.”, “Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt mẹ chồng.”, “Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở yêu nhau bao giờ.”, “Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.”

        + Mẹ chồng dữ tính: “Chồng dữ thì lo, mẹ chồng dữ đánh co mà vào.”, “Mẹ chồng dữ mẹ chồng chết, nàng dâu có nết nàng dâu chừa.”, “Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao.” Đây cũng là cách nói ngược của dân gian để thể hiện một ý khác với vỏ ngôn ngữ được dùng (“ăn khao” không có nghĩa là mừng).

        + Con dâu đối xử không tốt: “Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.”, “Mẹ chồng vai gồng vai gánh, cưới dâu về để thánh lên thờ.”

    – Anh em rể không gắn bó: “Anh em rể đánh nhau sể đùi.”, “Yêu nhau chị em gái, rái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể.”

    – Anh em rể cư xử với nhau theo nghi lễ, con trai trưởng có vai trò quan trọng, uy quyền: “Anh em rể đúng lệ mà theo, sợ cái mắt nheo của ông con trưởng.”

    Nhìn chung, người Việt xưa có quan niệm khá công bằng về con dâu, con rể. Điều này có cơ sở xã hội – xưa kia, trong công xã nông thôn, với lũy tre làng bao bọc, quan hệ giữa các thành viên trong làng khá mật thiết, mà việc lấy vợ lấy chồng thường khép kín trong lũy tre làng, do đó, dâu rể không phải là những người xa lạ và việc họ trở thành thành viên chính thức trong gia đình là điều dễ chấp nhận. Tuy cùng là thành viên mới của gia đình sau khi thành hôn, nhưng người đàn ông không gắn bó với gia đình vợ bằng người đàn bà gắn bó với gia đình chồng – dâu là con, nuôi dễ, rể là khách, nuôi khó. Điều này cũng chứng minh cho chế độ phụ quyền của xã hội Việt Nam xưa, trong đó, khi đã thành gia thất, thì người phụ nữ phải trao thân gửi phận cho gia đình chồng. Tuy vậy, người phụ nữ không phải là kẻ phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng, ngược lại, vẫn có vai trò điều tiết quan hệ của gia đình chồng, bởi vì tục ngữ đã chỉ ra rằng lấy được dâu hiền là nhà có phúc, còn lấy phải dâu dại thì nhà thật vô duyên. Bên cạnh mặt tích cực nói trên, trong quan hệ dâu, rể, những biểu hiện tiêu cực cũng khá phổ biến: về số lượng, số câu tục ngữ nói về tiêu cực là 16, bằng 41,25% số câu nói về con dâu, con rể. Về nội dung, tính chất tiêu cực khá nghiêm trọng, trong đó quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có nhiều tiêu cực nhất, tới mức là phổ biến và không thể điều tiết được.

    TIỂU KẾT

    Qua khảo sát tục ngữ, chúng tôi đã tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt trong quan hệ gia đình ở những mối quan hệ cơ bản là vợ chồng, cha mẹ con, dâu rể và anh chị em ruột. 

    Về quan hệ vợ chồng: Nổi bật là sự thuỷ chung, gắn bó. Người Việt coi trọng sự hoà thuận, êm ấm. Người vợ thường đóng vai trò điều tiết quan hệ vợ chồng, mà biện pháp chính là khuyên bảo, nhường nhịn chồng. Trong quan hệ với người chồng, thì người vợ đóng vai trò bị động nhiều hơn, là người phải chịu đựng, phải hy sinh. Trong quan hệ với người vợ, người chồng đóng vai trò chủ động nhiều hơn, tuy vậy, không phải là sự chủ động của một vị thống soái, mang ý nghĩa tuyệt đối. Qua tục ngữ, người Việt đã tổng kết về cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng là: Vợ phải biết điều, nhường nhịn, thương chồng, chiều chồng, chung thuỷ. Vợ phải cống hiến, chồng phải công bằng.

    Về quan hệ cha mẹ con: Tục ngữ người Việt khẳng định cha mẹ là chỗ dựa cho con, phải vất vả, tốn kém vì con. Trách nhiệm chính của cha mẹ đối với con là nuôi nấng, dạy dỗ con thành người có ích cho xã hội. Sống trong chế độ phụ quyền, trong gia đình người Việt, người cha có vai trò quan trọng đối với con trên những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc con trong đời thường, tác động của người mẹ đến con chủ yếu là về tình cảm. Sự hy sinh của cha mẹ, đặc biệt là mẹ, với con là vô bờ bến. Con cái phải kính trọng và biết ơn cha mẹ. Điều cần phê phán là con cái đối xử không tốt với cha mẹ, có nhiều trường hợp phá vỡ truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    Về quan hệ anh chị em ruột: Tục ngữ khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa anh em, chị em. Để giữ tình máu mủ, quan trọng nhất trong quan hệ anh chị em là hòa thuận. Có một số trường hợp, do tranh giành kinh tế mà quan hệ anh chị em bị sứt mẻ. Cách thức giải quyết mâu thuẫn chủ yếu là “đóng cửa bảo nhau”.

    Về quan hệ dâu rể: Tục ngữ phản ánh quan hệ dâu rể với gia đình bên chồng hoặc vợ không nhiều, nhưng có nhiều sắc thái. Quan niệm về dâu rể của người Việt khá dân chủ, trọng tình nghĩa, nhưng trong hành xử, nổi bật là mâu thuẫn triền miên giữa con dâu và mẹ chồng.

    Nhìn tổng quát về quan hệ gia đình người Việt, ngoài mối quan hệ có phần căng thẳng giữa nàng dâu – mẹ chồng, còn lại các mối quan hệ khác được tục ngữ phản ánh với cái nhìn ấm áp, làm nổi bật sự gắn bó, hoà thuận, có trách nhiệm, coi đó là tiêu chí để xây dựng gia đình êm ấm và bền vững. Chính nhờ vậy, dòng chảy chính trong các câu tục ngữ về gia đình đã tạo nên âm hưởng của chủ nghĩa nhân đạo, cổ vũ cho tình yêu thương, gắn bó giữa những con người với nhau.

     

     

    Xổ số miền Bắc