tuyengiaogialai

Du lịch Gia Lai: Tiềm năng và triển vọng

Thắng cảnh Biển Hồ – Pleiku. Ảnh: TM

  

Gia Lai còn là vùng đất có bề dày văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù trải qua biết bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, trên mảnh đất Gia Lai vẫn duy trì được một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên, thể hiện qua văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà Rông, nhà Mồ và các lễ hội truyền thống (lễ đâm trâu, lễ bỏ mã, lễ hội mừng lúa mới…), qua y phục, nhạc cụ dân gian… Đặc biệt với “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại” đã được UNESCO công nhận càng khẳng định hơn nữa giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó những di tích một thời hào hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường của nhân dân các dân tộc Gia Lai từ ngàn xưa đến nay vẫn còn lưu lại, như: khu di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo, chiến thắng Pleime, chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr… Bên cạnh đó, sự nổi tiếng của các thương hiệu như: Phở khô Gia Lai, Hồ tiêu Chư Sê, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai… và các công trình: quảng trường Đại Đoàn Kết, thủy điện Ia Ly, chùa Minh Thành… đã thu hút sự chú ý của du khách mọi miền đất nước về xứ sở cao nguyên này, góp phần tạo nên thế mạnh cho sự phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Thác nước trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc

  

Những đặc điểm về thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Gia Lai là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái – du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển của du lịch trên thế giới, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, cải thiện đời sống kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Chùa Minh Thành – phường Hội Phú, thành phố Pleiku.

  

Thực hiện Quyết định số 525/QĐ-UBND, ngày 04/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch của Gia Lai, công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

  

– Tập trung xây dựng 1 số làng văn hóa – du lịch điểm như làng Ốp (Pleiku), làng Kép (Chư Păh), có đề án khai thác Du lịch tại Vườn Quốc gia KonKaKinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên KonChưRăng, xây dựng tuyến du lịch Biển Hồ – Núi lửa ChưĐăngYa, tham quan di chỉ khảo cổ tại thị xã An Khê, Học kỳ bóng đá tại Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai…

  

– Phát triển các loại hình du lịch, vừa khai thác được thế mạnh tài nguyên của vùng, vừa phù hợp với xu hướng phát triển du lịch chung và nhu cầu của du khách như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tham quan và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch MICE…

  

– Chú trọng nâng cấp các khu du lịch, điểm du lịch hiện đang khai thác, đồng thời nghiên cứu để đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch mới tạo sự khác biệt trong sản phẩm ở mỗi khu, điểm du lịch .

  

– Liên kết các tuyến và tour du lịch, tranh thủ nguồn khách từ các vùng lân cận và các đầu mối có lượng khách lớn như: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… để khai thác các tuyến du lịch liên vùng.

  

– Phối hợp tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao với quy mô lớn. Duy trì sự kiện “Festival cồng chiêng quốc tế” thành thương hiệu lễ hội văn hóa – du lịch của Gia Lai, các lễ hội về ẩm thực, đặc sản Tây Nguyên… góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch.

  

– Thường xuyên tổ chức xúc tiến điểm đến, tuyên truyền quảng bá du lịch, cung cấp thông tin quản lý và tình hình thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch.

  

– Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, thông tin liên lạc…) của khu, điểm du lịch, khu Cửa Khẩu Quốc tế Lệ Thanh để vừa phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vừa là cửa ngõ để đón khách du lịch vào Việt Nam. Xin chủ trương nâng cấp sân bay Pleiku thành sân bay quốc tế để thuận lợi khai thác du lịch đường hàng không. Trang bị và đầu tư các phương tiện vận chuyển đường bộ đạt chất lượng phục vụ du lịch tạo sự đồng bộ trong dịch vụ.

  

– Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch về chuyên môn, ngoại ngữ để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trao đổi kinh nghiệm về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí…

  

– Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ với các nước láng giềng: Lào, Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch khi tham gia các tour “Caravan”.

  

– Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững đối với doanh nghiệp, cộng đồng nhằm bảo vệ được môi trường sinh thái, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa.

  

– Có phương án phối hợp trong công tác an ninh chính trị, an toàn xã hội của khu vực đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững về mặt xã hội, tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách.

   Hy vọng khi thực hiện được đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên sẽ giúp Du lịch Gia Lai phát triển nhanh và bền vững để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xây dựng thương hiệu Du lịch Gia Lai “Du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa”, phấn đấu đưa Gia Lai trở thành 1 địa chỉ du lịch hấp dẫn và thân thiện trong Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai

In bản tin này

Xổ số miền Bắc