UNESCO tôn vinh Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Ngày 25/11, tại Paris (Pháp), Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) đã trao bằng công nhận “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản thiên nhiên và văn hóa được tổ chức quốc tế UNESCO công nhận.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mang bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Không biết cồng chiêng ra đời từ khi nào, nhưng sự trường tồn qua bao đời nay của văn hóa cồng chiêng thực sự gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng đã ăn sâu vào máu thịt, tiềm thức của mỗi con người từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc trở về với cõi vĩnh hằng. Hầu như không có lễ hội nào của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Từ lễ hội đâm trâu, lễ “pơ thi” (bỏ mả), mừng lúa mới, cưới hỏi đến mừng nhà mới…

Bảy di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản thế giới:

1- Vịnh Hạ Long.

2- Quần thể hang động  Phong Nha – Kẻ Bàng.

3- Quần thể Cố đô Huế.

4- Phố cổ Hội An.

5- Di tích Mỹ Sơn.

6- Nhã nhạc cung đình Huế.

7- Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xem cồng chiêng như những vị “thần linh” đặc biệt đã mang đến cho bà con buôn làng một đời sống tinh thần tuyệt diệu không thể thiếu được. Cồng chiêng còn là thứ ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt giữa con người với thần linh và thế giới siêu nhiên. Tiếng ngân vang tuyệt diệu của cồng chiêng đã đi vào lòng người với niềm đam mê và ấn tượng sâu sắc, ăn sâu vào trong tiềm thức, đời sống tâm linh của mỗi con người và cộng đồng.

Ngoài chức năng là loại nhạc cụ đặc sắc, cồng chiêng còn được xem là một linh khí giúp con người giao tế, chuyển tải những tâm tư, tình cảm với mọi người. Cồng chiêng có nhiều loại, mỗi bộ thường có 8, 9 chiếc hoặc 11 chiếc… trong đó được phân hai loại cồng và chiêng, loại có núm và không có núm. Trong một bộ cồng chiêng thường kèm theo một chiếc trống, đôi khi còn có cả lục lạc, chẽm… và mỗi chiếc chiêng đều được đặt tên thường gắn với các thành viên trong gia đình, dòng tộc như chiêng bố, chiêng mẹ, anh, chị… Tổng hợp của các thành viên ấy sẽ tạo nên bộ chiêng và giao hòa những âm thanh đặc sắc.

Cồng chiêng còn là lời “hiệu triệu” có uy lực nhất đối với bà con buôn làng. Mỗi khi âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng cất lên, dù ở đâu, đang làm gì bà con cũng tập hợp đến để tham dự, để xoang và vít cần rượu cùng với cộng đồng buôn làng trong các buổi lễ hội, ma chay… Âm vang cồng chiêng thường gắn liền với những điệu múa bên bếp lửa hồng và men rượu cần đằm thắm nghĩa tình.

Tuy trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, cồng chiêng luôn trường tồn với thời gian, gắn chặt với đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng để bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa đặc sắc ấy, mỗi chúng ta đều phải biết trân trọng và giữ gìn nó một cách khoa học, không nên để “chảy máu” cồng chiêng như thời gian qua.

NSND Y Brơm: ” Tôi đã lớn lên trong văn hoá cồng chiêng”

Ngay sau khi văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm đã nói trong niềm sung sướng tột cùng: “Tôi xúc động vô cùng vì tôi đã sống và lớn lên từ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Những năm tháng chiến tranh, cồng chiêng Tây Nguyên bị mất mát, bị kẻ thù tàn phá. Hòa bình lập lại, cồng chiêng được bảo tồn và phát triển không ngừng. “Tôi sinh ra, niềm cảm xúc đầu đời là tiếng cồng, tiếng chiêng, lớn lên và trở thành nghệ sĩ từ cồng chiêng, một ngày không nghe tiếng cồng chiêng thì buồn như thiếu vắng một cái gì đó không thể chịu được”- Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm tâm sự.

Xổ số miền Bắc