Ứng dụng họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống trong thiết kế bao bì sản phẩm lưu niệm tại Đà Nẵng – Tạp chí Kiến Trúc

Nằm trên dải đất miền Trung, với nhiều danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử và hệ thống khách sạn cao cấp nằm dọc theo bãi biển, với hệ thống thông tin, giao thông thuận lợi, trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã trở thành điểm du lịch được rất nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài lựa chọn.

Các sản phẩm lưu niệm và quà tặng hiện nay ở Đà Nẵng khá phong phú và đa dạng về mặt chủng loại, màu sắc và chất liệu như đá, đồ gỗ, thực phẩm… Tuy nhiên, ở mảng quà tặng nói chung và quà lưu niệm nói riêng, lại chưa được quan tâm về hình thức của mẫu mã bao bì, hoặc nếu có cũng chưa tạo được dấu ấn riêng và chưa thực sự gây được ấn tượng với khách du lịch.

Trong nghệ thuật tạo hình, một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa là tranh dân gian Hàng Trống. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống không chỉ mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội mà còn rất Việt Nam, không bị trộn lẫn với bất cứ quốc gia nào khác.

Một trong những giải pháp để tôn vinh và bảo tồn giá trị nghệ thuật của tranh Hàng Trống là khai thác họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống trong thiết kế các sản phẩm lưu niệm của thành phố Đà Nẵng, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời mang lại nét đẹp mới cho những gói quà lưu niệm, lưu lại dấu ấn khó quên cho khách du lịch đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống là một loại tranh dân gian của Việt Nam, do người Hà Nội sản xuất ra, tuy được làm và bày bán ở nhiều phố khác nhau như Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt,… nhưng mỗi khi giáp Tết người ta lại đưa về bán tập trung tại đình Hàng Trống, vì vậy được gọi là tranh Hàng Trống.

Cũng như hai dòng tranh khác là tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống cũng có 2 loại tranh chính là tranh thờ và tranh tết, trong đó chủ yếu là tranh thờ phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng, phục vụ đền phủ của Đạo giáo. Ngoài ra tranh hàng Trống còn có nhiều thể loại tranh khác như tranh truyện, tranh thế sự, tranh chúc tụng đều mang nét đẹp tinh tế, trau chuốt, màu sắc đậm đà và trang trọng.

Thực trạng việc ứng dụng họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống trong thiết kế bao bì sản phẩm lưu niệm tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng

Ra đời vào khoảng giữa thế thời kỳ hoàng kim nhất của tranh Hàng Trống là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng sau đó bắt đầu mai một, do khó khăn về kinh tế và do thị hiếu thay đổi của người mua tranh. Hầu hết các nhà làm tranh Hàng Trống đều bỏ nghề, nhiều nhà còn đốt hết những dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc, chỉ còn một người duy nhất còn làm tranh Hàng Trống là nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Việc sưu tập, mua lại các bản khắc gỗ hay nghiên cứu về dòng tranh này chỉ với mục đích chủ yếu là phân tích, đánh giá nét đẹp trong tranh Hàng Trống và lưu giữ những bức tranh còn lại. Không có thiết kế nào ứng dụng màu sắc và họa tiết tranh Hàng Trống.

Từ năm 2014 trở lại đây thú chơi tranh dân gian đang có xu hướng gia tăng trở lại cùng với sự phát triển của đời sống. Con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cũng bắt đầu tham gia vào việc sản xuất và phục chế dòng tranh này.

Năm 2018, họa sĩ Nguyễn Xuân Lam có cuộc triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” trong đó có một số bức tranh Hàng Trống được vẽ lại theo nguyên bản gốc bằng bút chì, có trang trí thêm và được đổ màu bằng kỹ thuật đồ họa để làm cho bức tranh mới mẻ và hiện đại hơn nhưng vẫn giữ lại được phong cách tạo hình của các nghệ nhân xưa

Cũng năm 2018, cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” của NTK Trịnh Thu Trang được phát hành. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam cung cấp những phân tích sâu sắc và phương pháp cụ thể cũng như tiềm năng ứng dụng về việc sử dụng màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống trong thiết kế đương đại. Những người làm dự án đã số hóa các dữ liệu thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng những gợi ý phối hợp màu sắc, minh họa bằng các ứng dụng trên thiết kế nhằm mục đích mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam.

Từ đó đến nay việc ứng dụng tranh dân gian Hàng Trống để thiết kế sản phẩm, trong đó có bao bì đã bắt đầu khởi sắc, tạo ra một xu hướng mới trong ngành thiết kế Việt Nam.

Về cơ bản, việc triển khai màu sắc và họa tiết trong tranh Hàng Trống vào thiết kế có các đặc điểm sau:

Về họa tiết:

  • Các hình vẽ và họa tiết trong tranh Hàng Trống được phân tích, phân loại và vector hóa để có thể ứng dụng linh hoạt trong thiết kế đồ họa và sản xuất công nghiệp.
  • Các họa tiết được cách điệu, biến đổi thành các họa tiết mới bằng nhiều cách: Nhân bản đối xứng hoặc nối tiếp nhau; giản lược, xoay, kéo giãn hoặc thay đổi màu sắc; kết hợp nhiều họa tiết với nhau hoặc trích từ một hình ảnh trong tranh để tạo ra họa tiết mới.
  • Các họa tiết gốc được cách điệu, giản lược, sắp xếp lại theo đường thẳng, so le hay đảo ngược tạo ra các pattern độc đáo, hoặc được bố cục lại để ứng dụng vào các sản phẩm thiết kế.

Có thể thấy rằng, các họa tiết được sử dụng linh hoạt và ngẫu hứng nhưng rất hài hòa, thể hiện được tinh thần vốn có của tranh Hàng Trống là hồn nhiên, phóng khoáng nhưng lại rất hiện đại và có tính ứng dụng cao.

Về màu sắc:

Tranh Hàng Trống không chỉ tinh tế về nét vẽ, chặt chẽ về bố cục, mà còn độc đáo về màu sắc làm mê hoặc người xem bởi nó hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện những nét đẹp của văn hóa Việt. Để ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế, màu sắc trong tranh Hàng Trống đã được tổng hợp và mã hóa thành 6 bộ màu: Xanh da trời, xanh lá cây, vàng, cam, hồng và đỏ điều.

Các thiết kế mới vẫn sử dụng 6 bộ màu nhưng đã có sự thay đổi mã màu hoặc kết hợp khác nhau giữa các màu tạo ra các pattern mới nhưng không làm mất đi đặc trưng cơ bản của tranh Hàng Trống là rực rỡ và tươi vui. Màu sắc được sử dụng trong các thiết kế theo đó được linh động hơn, có thể sử dụng theo tone nóng, lạnh hoặc tương phản tùy theo mục đích và sản phẩm ứng dụng.

Hiện nay, các ứng dụng thiết kế được thực hiện bằng cách in ấn trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy (tranh vẽ, bao bì sản phẩm), vải (khăn, áo, túi, gối, giày), nhựa (giày, bọc điện thoại),…

Nhu cầu ứng dụng họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống vào thiết kế bao bì sản phẩm lưu niệm đá quý Non Nước tại Đà Nẵng

Theo khảo sát, đa phần khách du lịch đến Đà Nẵng hài lòng với sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là các mặt hàng mang đặc thù riêng, có nguồn gốc địa phương và dấu ấn du lịch của TP. Một số các mặt hàng lưu niệm được đánh giá cao có thể kể đến như sản phẩm là đồ mộc mỹ nghệ (tượng gỗ, tranh sơn mài,…) hoặc hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ ốc, mây tre và đặc biệt là đá Non Nước. Sản phẩm lưu niệm từ đá mỹ nghệ Non Nước phong phú và đa dạng về chủng loại, kích cỡ và các dấu ấn thể hiện các địa danh nổi tiếng, sự hiện đại, năng động của một TP trẻ như Ngũ Hành Sơn, cầu Rồng, cầu Sông Hàn,… được khách du lịch đánh giá rất cao.

Mặc dù vậy, sản phẩm đá Non Nước nói chung và đá quý Non Nước nói riêng hiện nay chưa có bao bì riêng, phần lớn được đựng trong các hộp bìa cứng hoặc các pallet gỗ không có in nhãn mác, chỉ có tác dụng chính là bảo vệ sản phẩm khỏi sứt, vỡ. Những họa tiết và màu sắc trong tranh Hàng Trống vừa đẹp mắt, vừa phóng khoáng và rực rỡ rất thích hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với biểu tượng của Đà Nẵng nói chung và đá Non Nước nói riêng, nên ứng dụng họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống trong thiết kế bao bì đá quý Non Nước là điều cần thiết và có thể thực hiện được, tạo ra dòng sản phẩm mang tính truyền thống đặc thù của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần gìn giữ và quảng bá được nét độc đáo của dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Thị trường thiết kế bao bì sản phẩm đá quý Non Nước

Một trong những thuận lợi lớn nhất của việc thiết kế bao bì là đã có kho nguyên liệu truyền thống dành cho ngành thiết kế của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và nhóm S-River. Thêm nữa, là khách du lịch ngày càng ưa chuộng các sản phẩm truyền thống nói chung và đá Non Nước nói riêng, cả về mặt chất liệu, chủng loại và thiết kế.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn biểu tượng đặc trưng cho TP Đà Nẵng sao cho phù hợp với sản phẩm đá, phù hợp với các họa tiết và màu sắc trong tranh Hàng Trống. Mặt khác còn phải cách điệu các họa tiết đã có thêm cho phù hợp với tổng thể thiết kế với sự kết hợp các yếu tố địa phương.

Trong thiết kế bao bì SPLN đá quý Non Nước từ họa tiết và màu sắc tranh Hàng Trống, một thách thức lớn là phải làm thế nào để cân bằng giữa việc truyền tải thông điệp của sản phẩm, thương hiệu hiện đại và yếu tố truyền thống để tạo nên những thiết kế mang nét truyền thống nhưng tinh thần hiện đại lại rất mạnh mẽ.

Và cuối cùng, quan trọng không kém là phải làm sao để tăng được giá trị sản phẩm nhiều hơn so với tăng giá thành để được người tiêu dùng đón nhận.

Tiêu chí thiết kế

  • Thể hiện được biểu tượng đặc trưng của TP Đà Nẵng và đá Non Nước

Lựa chọn 3 biểu tượng phù hợp nhất là núi Ngũ Hành Sơn (Non Nước), cầu Rồng và Cá chép hóa rồng.

  • Phối hợp màu sắc và họa tiết trang trí trong tranh Hàng Trống vào thiết kế

Họa tiết: Cả 4 họa tiết mây, sóng, xoáy và hoa đều phù hợp với sản phẩm đá quý nên có thể lựa chọn bất kỳ họa tiết nào. Các họa tiết cần được cách điệu để trở thành các họa tiết mới, trộn lẫn và thay thế cho nhau.

Màu sắc: Sử dụng 6 bộ màu cơ bản của tranh hàng Trống, không thay đổi mã màu để gìn giữ được đặc trưng của tranh Hàng Trống, đồng thời kết hợp các mã màu theo các cách khác nhau để sản phẩm thêm sinh động và đẹp mắt. Việc phối hợp các họa tiết và biểu tượng cách điệu dựa trên xu hướng thiết kế hiện đại, kết hợp hài hòa với nhau để vừa phát huy giá trị truyền thống vừa đảm bảo tính hiện đại và làm tăng tính thẩm mỹ cho bao bì sản phẩm.

  • Quan tâm đến công năng và môi trường sử dụng

Đưa ra phương án thiết kế

a. Các phương án cách điệu họa tiết tranh Hàng Trống

  • Họa tiết Xoáy
  • Họa tiết Mây
  • Họa tiết sóng
  • Họa tiết hoa

b. Các phương án cách điệu biểu tượng Đà Nẵng

  • Núi Ngũ Hành Sơn
  • Cầu Rồng
  • Tượng Cá chép hóa rồng

Từ các họa tiết đã được cách điệu, tác giả đã sắp xếp, bố cục và thiết kế nên các mẫu bao bì sản phẩm khác nhau. Từ các họa tiết đã được cách điệu, tác giả đã sắp xếp, bố cục và thiết kế 06 phương án bao bì sản phẩm khác nhau. Trải qua quá trình khảo sát khách du lịch, cơ sở Sản xuất & KD cũng như là lấy ý kiến từ các chuyên gia, các thiết kế đã được tổng hợp và chỉnh sửa lại, cho ra kết quả của bộ sản phẩm mẫu.

Các sản phẩm lưu niệm được du khách quan tâm chủ yếu là những mặt hàng có tính đặc thù riêng, với nguồn gốc và chất liệu từ địa phương hoặc mang dấu ấn của địa phương đó. Trong những năm gần đây, khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm truyền thống nói chung và đá Non Nước nói riêng, nhưng các sản phẩm này gần như chưa có bao bì, hoặc có nhưng chưa thể hiện được tính chất và đặc điểm của sản phẩm, cần có những thiết kế riêng và phù hợp với đặc điểm của nó.

Chọn lựa họa tiết, màu sắc trong tranh Hàng Trống để thiết kế bao bì sản phẩm đá quý Non Nước vừa nhằm nâng cao giá trị của dòng sản phẩm này, vừa quảng bá được nét độc đáo của dòng tranh dân gian Hàng Trống đến du khách. Sử dụng các họa tiết và màu sắc trong tranh Hàng Trống để thiết kế bao bì cho sản phẩm đá quý Non Nước không chỉ đơn thuần là bóc tách các họa tiết nguyên gốc mà được cách điệu, biến chuyển theo phong cách hiện đại mà vẫn giữ được nét dân gian và tươi sáng của dòng tranh này. Các biểu tượng của thành phố Đà Nẵng cũng được cân nhắc kỹ và 3 biểu tượng được lựa chọn cho thiết kế là núi Non Nước, cầu Rồng và cá chép hóa rồng vì chúng phù hợp với sản phẩm đá quý, thể hiện được cái hồn của đá Non Nước nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Các phương án thiết kế cũng xem trọng việc kết hợp hài hòa giữa các họa tiết và màu sắc trong tranh hàng Trống với các biểu tượng đặc trưng của Đà Nẵng, đảm bảo vừa truyền tải thông điệp của sản phẩm, vừa cân bằng giữa thương hiệu hiện đại và yếu tố truyền thống. Có thể nói thiết kế có tính thực tế cao, nếu được thực hiện sẽ góp phần làm tăng sức hút của sản phẩm, thu hút chi tiêu, tăng doanh thu cho ngành du lịch Đà Nẵng. Từ đó có thể ứng dụng để thiết kế bao bì cho các sản phẩm lưu niệm khác tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

THS.KTS Vũ Phan Minh Trang
Khoa kiến trúc – ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Đức. (2003). Nghề tranh Hàng Trống. Tạp chí Mỹ thuật (73). Hà Nội.
[2] Huỳnh Quốc Thắng. (2014). Những yếu tố cơ bản tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng trong du lịch. Tạp chí Thiết kế Mỹ thuật – trường ĐHDL Văn Lang, số 6/2014.
[3] Kadinsky. (2019). Về cái tinh thần trong nghệ thuật. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
[4] Lê Như Hoa. (2008). Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước thử thách của thời kỳ mới. Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 10/2008.
[5] Lê Huy Văn và Trần Từ Thành. (2010). Cơ sở tạo hình. Nhà xuất bản Mỹ thuật. Hà Nội.
[6] Nhiều tác giả. (1960). Tranh – tượng dân gian Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội.
[7] Nguyễn Vũ Tuấn Anh. (2002). Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội.
[8] Nguyễn Du Chi. (2000). Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông. Viện Mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật. Hà Nội.
[9] Nguyễn Tiến Chung. (1971). Nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian Việt Nam. Tác phẩm mới (Số 15). Hà Nội.
[10] Nguyễn Thị Thu Hòa. (2020). Dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.
[11] Nguyễn Quân. (1989). Mỹ thuật của người Việt. Nhà xuất bản Mỹ thuật. Hà Nội.
[12] Nguyễn Trân. (1990). Tranh khắc dân gian Việt Nam. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Số 19). Hà Nội.
[13] Phan Ngọc Khuê. (2016). Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội.
[14] Phùng Thu Loan. (2017). Giá trị thẩm mỹ của tranh dân gian Hàng Trống trong dạy học mỹ thuật tại trường THCS Sơn Tây (Luận văn thạc sĩ). Trường Đại Học sư phạm nghệ thuật Trung ương.
[15] Trang Thanh Hiền. (2019). Tranh Tết – Nét tinh hoa truyền thống Việt. Nhà xuất bản Thế giới.
[16] Trần Mai Thanh. (2011). Tranh dân gian Hàng Trống. Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học. Học viện Khoa học Xã hội. Hà Nội.
[17] Trịnh Thu Trang. (2018). Họa sách Việt từ tranh Hàng Trống. Nhà xuất bản Thế giới.
[18] Võ Văn Hòe. (2011). Địa danh thành phố Đà Nẵng. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
[19] Ambrose Gavin and Harris Paul . (2011). Packaging the Brand: The Relationship Between Packaging Design and Brand Identity (Required Reading Range). AVA Publishing.
[20] Artbook. (2012). Vietnamese folk paintings. Nhà xuất bản lao động. Hà Nội.

Xổ số miền Bắc