Vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc – vhnt.org.vn

Bản sắc văn hóa dân tộc đã được Đảng cộng sản Việt Nam coi như là một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lại càng trở thành yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là việc giữ gìn những giá trị tinh hoa cốt lõi của dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

         Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ rõ: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ðó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” (1).           Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý…của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và tỏa sáng trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng, để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại.

         Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về thực chất là hoạt động tự giác của các chủ thể để bảo vệ, giữ vững, bổ sung, phát triển và quảng bá những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm tăng cường sức nội lực, tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Trong thời gian qua, thanh niên chúng ta đã phát huy được vai trò của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu thì thanh niên, sinh viên tình nguyện là những người đã bám sát địa bàn, đi vào tận nhà dân để phân tích, chứng minh, giải thích cho bà con hiểu rõ hơn về giá trị của những lễ hội truyền thống, về phong tục, lối sống, cốt cách của con người Việt Nam, từ đó bà con hiểu rõ hơn, nghiêm chỉnh chấp hành và tích cực thực hiện. Không chỉ có vậy, thanh niên còn phát huy được vai trò của mình trên mặt trận văn hóa, thực sự trở thành chiến sĩ văn hóa trong cuộc đấu tranh chống lại các sản phẩm xấu độc, lai căng làm phương hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và chính họ đã cùng nhân dân làm cho âm mưu diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc bị thất bại, góp phần quan trọng làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, khiến nó đã thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

         Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập quốc tế, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông du nhập vào nước ta một cách tràn lan, bên cạnh văn hóa trong sạch, lành mạnh thì sản phẩm xấu độc cũng nhanh chóng thâm nhập, len lỏi vào mọi ngõ ngách, tâm hồn, đời sống của con người Việt Nam trong đó có thanh niên. Thanh niên là đối tượng tiếp thu và đón nhận văn hóa đó một cách nồng nhiệt và nhanh chóng nhất. Hiện tượng thanh niên ăn mặc theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản xuất hiện rất nhanh, với những chiếc quần xước nửa tây, nửa ta, tóc thì nhuộm cho giống với phong cách thần tượng của mình. Có một bộ phận không nhỏ thanh niên đi tham gia vào những lễ hội truyền thống chỉ với mục đích đi giải trí là chính, họ đến với lễ hội truyền thống không phải với thái độ thành tâm hướng về cội nguồn, hiện tượng đùa cợt trong lễ hội, xem bói, xem quẻ xuất hiện ngày càng trở nên phổ biến… Đây là những hiện tượng cần được chú ý trong quá trình giáo dục thanh niên hiện nay.

         Để phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thiết nghĩ cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

         Thứ nhất, thanh niên phải nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng thì mới giúp thanh niên có những hành động đúng trong việc đề ra chương trình, kế hoạch hành động có hiệu quả nhất. Không chỉ có vậy, nó còn là cơ sở, động lực cho thanh niên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia vào các lễ hội với một thái độ nghiêm túc, cầu thị và biết tiếp thu chọn lọc có phê phán tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới, thấy được cái hay, cái tiến bộ cần phải trân trọng giữ gìn, quảng bá.

         Thứ hai, phải đề ra chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thiết thực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sau khi đã có nhận thức đúng thì thanh niên phải xây dựng kế hoạch, đề ra những biện pháp cụ thể hữu ích để làm cho những di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, lễ hội chùa Hương ở Hà Nội…. được thăng hoa có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, thanh niên cần ý thức và giúp người dân biết giữ gìn những gì đã có, hiểu rõ đâu là cái cần phải giữ gìn, bảo vệ không những cho hôm nay mà còn cho mãi mãi về sau và cái gì cần phê phán, loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Ở những cuộc thi, những chương trình, những lễ hội là dịp tốt nhất để cho thanh niên phát huy hết vai trò, sở trường, năng lực của bản thân góp phần định hướng những giá trị về đạo đức, lối sống có văn hóa cho thanh niên và các tầng lớp khác.

         Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều kiện bên ngoài có thuận lợi bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu bản thân mỗi thanh niên không tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thì sẽ không bao giờ phát huy được vai trò của bản thân mình. Không ai hết mà chính thanh niên phải là người chiến sĩ xung phong trên mặt trận văn hóa như Hồ Chí Minh đã từng nói: Mỗi người phải là một chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống lại văn hóa lai căng, xấu độc từ bên ngoài. Thấy được vai trò của mình, có những bạn sinh viên đã vượt qua chặng đường hàng mấy trăm cây số để lên vùng cao đem cái chữ đến với đồng bào, góp phần xóa mù chữ, giúp đồng bào biết được ánh sáng của sự văn minh tiến bộ và tích cực ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

         Thứ tư, thanh niên phải tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Hiện nay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa và chúng coi đây là mũi nhọn xung kích làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng của thanh niên. Những biểu hiện xấu của văn hóa phương Tây với lối sống thực dụng, sống chỉ có biết hôm nay, không biết đến có ngày mai; những hành vi đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc; sự thích thú những bộ phim nước ngoài với nội dung chém giết, võ thuật và nhiều tệ nạn trong thanh niên hiện nay chính là những phản văn hóa, những việc làm và hành động tác động rất mạnh đến tâm lý của thanh niên. Sự tác động xấu đó dễ làm cho một bộ phận thanh niên chúng ta quay lưng lại với lịch sử dân tộc, với phong tục tâp quán của con người Việt Nam, với văn hóa Việt Nam. Thanh niên là những người hàng ngày hàng giờ phải đối mặt, phải tiếp xúc với văn hóa đó nhiều nhất cho nên phải chủ động kế thừa những cái tiến bộ và lọc bỏ những cái không phù hợp, đi ngược lại với văn hóa của dân tộc. Thanh niên phải nhận thức rõ văn hóa Việt Nam là thành quả của sự kết tinh văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới, phải trang bị cho mình một hệ thống tri thức vững vàng, đầy đủ để không bị động bất ngờ, thường xuyên tìm hiểu văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới để tạo hành trang tri thức, góp phần xây dựng đất nước.

         Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, gian khổ, phức tạp đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình hội nhập mở cửa, chúng ta phải luôn coi trọng việc bảo tồn, giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới không đánh mất mình, hòa nhập nhưng không hòa tan và giữ được lối sống cốt cách tâm hồn của con người Việt Nam. Văn hóa còn thì đất nước còn, mất văn hóa thì mất tất. Câu nói đó không chỉ có ý nghĩa trong hiện tại, tương lai mà còn mãi mãi về sau. Nó luôn nhắc nhở thế hệ ngày hôm nay, trong đó có thanh niên chúng ta, hãy biết giữ gìn, trân trọng nền văn hóa của dân tộc đồng thời phải không ngừng bổ sung, phát triển, quảng bá cho văn hóa tương lai của dân tộc.

         _______________

         1. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGUYỄN VĂN MẠNH

Đánh giá post

Xổ số miền Bắc