Văn hóa không phải lĩnh vực ‘chỉ biết tiêu tiền’

Công nghiệp văn hóa phải chuyển hóa nguồn tài nguyên “mềm” thành sản phẩm và dịch vụ, tạo ra nguồn lực kinh tế để tái đầu tư, theo ông Nguyễn Xuân Thắng.

Sáng 17/12, phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng hiện nay chiến lược và nguồn lực cho phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển ngành và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể của quốc gia, vùng miền và địa phương.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển văn hóa hiện nay là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận, không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”. Thay vào đó, văn hóa là lĩnh vực trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hóa sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Ông nói, phát triển văn hóa cần kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Cơ quan quản lý phải xây dựng thể chế văn hóa giúp loại bỏ những yếu tố lỗi thời, trì trệ, hóa giải những mâu thuẫn, cú sốc văn hóa, tạo ra những bước chuyển nhịp nhàng giữa cái cũ và cái mới.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại hội thảo sáng 17/12. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại hội thảo sáng 17/12. Ảnh: Phạm Thắng

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, môi trường thể chế, hệ thống pháp luật giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển văn hóa, như khuyến khích tìm tòi và xây dựng những thiết chế phát triển sáng tạo, những mô hình quản lý văn hóa mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của cộng đồng, địa phương, vùng miền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương. Có nơi xây dựng chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực và cũng sẽ có nơi văn hóa chỉ là một trong những trụ cột phát triển, không thể có một chính sách phát triển chung cho tất cả các tỉnh, thành.

Cách tiếp cận mới đòi hỏi chiến lược phát triển toàn diện về cả phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, để địa phương nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hóa bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa hiện nay có thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, truyền hình và phát thanh, du lịch… Cơ quan quản lý cần tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt; tránh đầu tư dàn trải, nhỏ giọt.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

Trong tham luận gửi đến hội thảo, GS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng nhận định, hàng hóa văn hóa không nhằm thương mại hóa, làm tổn hại giá trị, nhân văn của văn hóa. Ngược lại, nó đem đến những cơ hội để chuyên nghiệp hóa, hỗ trợ người làm văn hóa xây dựng mối quan hệ thiết thực và gắn bó hơn với thị trường và công chúng, tạo thêm nguồn thu thông qua thực hành và hợp tác về văn hóa, nâng cao vai trò và giá trị của văn hóa trong xã hội.

“Văn hóa từ một ngành chỉ biết tiêu tiền, sống dựa vào bao cấp của ngành khác đã trở thành một ngành làm ra tiền, có tiềm năng, giá trị kinh tế và có thể có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước”, giáo sư Loan đúc kết.

Để khai thác công nghiệp văn hóa, bà cho rằng cần chuyển từ cơ chế “xin – cho” sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Từ cơ chế quản lý theo kiểu quan liêu, duy ý chí sang cơ chế kinh tế thị trường trong tất cả khâu như sáng tạo, sản xuất, lưu thông, phân phối.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần khuyến khích đơn vị văn hóa, nghệ thuật hoạt động kinh tế; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo loại hình ngoài công lập; cổ phần hóa doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật của Nhà nước hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên.

Chính sách đãi ngộ cần được chú trọng như về tiền lương, phúc lợi, tôn vinh văn nghệ sĩ; khen thưởng, giải thưởng đối với tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật; phát hiện, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan…

Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra cả ngày 17/12, nhằm rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa và việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra.

Sơn Hà

Xổ số miền Bắc