Văn hoá trang phục nơi công sở

Văn hoá trang phục nơi công sở

1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Khi nước ta vừa bước vào kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quy định về trang phục công sở khi làm việc, khi tiếp khách, chiêu đãi; trong đó có việc cấm mang dép lê khi đến làm việc tại công sở, khuyến khích dùng dày da khi giao tiếp với khách nước ngoài. Do đó, tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hàng trăm trẻ em gia nhập đội quân đánh giày, dần già khôi phục nghề truyền thống đã mai một khi mọi người chỉ sử dụng dép cao su, dép nhựa.

Cách đây khoảng 15 năm, tại một phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã đăng đàn về trang phục của các nữ ca sĩ. Ông ta phê phán một số nữ ca sĩ ăn mặc thiếu văn hóa, nhất là váy quá ngắn. Ông ta cho biết Bộ Văn hóa sẽ quy định về kích thước váy của nữ ca sĩ; tuy vậy cái khó là chiều cao của họ không giống nhau, người thì chỉ cao 1,5m, người thì cao đến 1,70- 1,75m, thành ra không thể quy định váy dài bao nhiêu phân, mà tùy theo chiều cao của từng người. Có lẽ vì quá khó nên mãi không thấy bộ này ban hành quy định; thế là câu chuyện cái váy bị quên lãng.

Những năm gần đây nhiều bộ, địa phương ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở. Ngày 6/2/2020 Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định: “Khi thực thi công vụ, nhiệm vụ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục. Đối với những ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng”. Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định về trang phục đảm bảo văn minh, lịch sự phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc.

Có lẽ thế là quá đủ bởi vì công chức, viên chức sẽ thấu hiểu và tự giác thực hiện.

Mấy ngày gần đây trang phục công sở lại được dư luận xôn xao, khi Bộ Nội vụ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ với quy định những điều “không được làm”.

Về trang phục của công chức, viên chức, người lao động khi đi làm, Bộ Nội vụ yêu cầu phải lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu.Với quần, áo phải mặc kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, áo phông không có ve cổ và đặc biệt là không được mặc quần bò.

Tại sao váy phải dài quá đầu gối và không được mặc quần bò (?). Váy dài hay ngắn và vải may quần bò có tội gì cơ chứ (!). Cần lưu ý các vị lãnh đạo rằng, giữ gìn nếp sống văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc là cần thiết, nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự do của công chức trang phục thích hợp với sở thích của họ, miễn là không vi phạm quy tắc văn minh, lịch sử tại công sở.

Tôi muốn nhắc lại một kỷ niệm buồn trong ngành giáo dục vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi phong trào “quần loe, tóc dài” bị lên án. Không ít trường đại học giao cho Đội Thanh niên cờ đỏ buộc những nam sinh viên có tóc dài phải cắt tóc ngắn, mặc quần loe phải sửa thành quần ống thẳng. Khó tưởng tượng được cách làm như vậy đưa lại hậu quả gì cho đội ngũ trí thức tương lai (!).

Vào thời gian đó, tôi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, tôi không cho phép Đội Thanh niên cờ đỏ làm như vậy, mà thay bằng những buổi lên lớp môn giáo dục thẩm mỹ cho tất cả sinh viên do một giáo viên có năng lực trình bày. Khi thầy giáo vẽ lên bảng một thanh niên gầy gò. mặt choắt có mái tóc dài che kín gáy và mặt; một nam sinh viên chỉ cao 1,5m mang quân ống loe nên người càng lùn tịt thì cử tọa ồ lên thấy phản cảm. Chỉ vài buổi lên lớp về thẩm mỹ của giáo viên đã làm thay đổi nhận thức về cái đẹp trong trang phục, thế là không cần sự can thiệp của Đội Thanh niên cờ đỏ, sinh viên trường tôi đã tự giác không dùng quần loe và tóc dài nữa.

Lãnh đạo, quản lý thật sự là công việc rất khó khăn vì đối tượng là con người với tư duy, phong cách, nếp sống rất khác nhau, nên các quyết định quá đơn giản dựa trên quyền lực mà không quan tâm đến yếu tố tâm lý của hàng trăm, hàng nghìn người tất yếu sẽ thất bại.

Nâng cao trình độ dân trí là cần thiết, nhưng thiết tưởng nâng cao quan trí còn cần thiết hơn.

Xổ số miền Bắc