Văn hóa ứng xử trong cộng đồng

Sự hối thúc từ những điều trông thấy

Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội như hiện nay. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp những hành vi “chướng tai gai mắt” được người dân vô tư thể hiện. Nói tục, chửi bậy hay xả rác nơi công cộng có lẽ… vẫn còn là nhẹ. Cướp hoa, bẻ cành trong các lễ hội, hay chen lấn, xô đẩy bất kể trẻ em, người già dường như đã trở thành chuyện thường ngày. Văn hóa giao thông thật sự trở thành một mối nguy, với quyền chiếm ưu thế thuộc về những kẻ bất chấp luật lệ, khiến những người hiền lành luôn phải mang tâm lý chấp nhận thua thiệt để được yên thân, và tự nhủ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Trong bối cảnh ấy, mỗi khi thể hiện sự lo lắng, hoang mang trước những lối ứng xử không đẹp dù ở bất cứ đâu, người ta thường lấy Hà Nội ra lý giải cho tiếng thở dài đầy nuối tiếc. Rằng, ngay cả niềm tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” giờ cũng đã trở nên xa xưa rồi, thì có lẽ sự xuống cấp kia đã chạm đến giới hạn! Phải vậy chăng mà Hà Nội đã đi đầu cả nước trong việc đưa ra đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư”? Và cho dù Đề án này đang gây nhiều tranh cãi, thậm chí một số nhà nghiên cứu còn cho rằng đây là việc làm thiếu cơ sở khoa học, thì ít ra nó cũng cho thấy tính cấp bách của vấn đề.

Vẫn biết, văn hóa không phải lĩnh vực có thể dùng sự áp đặt. Trái lại, nó cần có môi trường lành mạnh để hình thành và phát triển. Song, nhìn rộng ra trên thế giới, việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử rất phổ biến. Theo Wikipedia, Quy tắc ứng xử (Code of Conduct) được hiểu là “một bộ quy tắc nhằm phác thảo tiêu chuẩn, quy tắc và trách nhiệm trong xã hội trong hành xử thực tế của cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Quy tắc ứng xử thông thường gắn với các khái niệm như đạo đức, danh dự hay tôn giáo”.

Năm 2007, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (International Federation of Accountants) đưa ra khái niệm khác, cụ thể hơn: “Bộ quy tắc ứng xử là những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực hoặc những quy tắc ứng xử để hướng dẫn việc ra quyết định, quy trình và hệ thống của một tổ chức nhằm (a) đóng góp cho phúc lợi của những người hưởng lợi chính của tổ chức ấy, và (b) tôn trọng quyền của tất cả những người chịu ảnh hưởng bởi công việc của tổ chức”.

Các công ty lớn trên thế giới đều có Bộ quy tắc ứng xử của mình như Coca Cola, Unilever… Đây là văn bản nhân viên phải được học trước khi làm việc ở công ty để bảo đảm cho uy tín của công ty.

Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến Tuyên bố Geneva (Declaration of Geneva) và Tuyên bố Helsinki (Declaration of Helsinki) do Hiệp hội Y khoa Thế giới đưa ra nhằm cam kết về mục tiêu nhân văn của ngành y, nhất là sau những thí nghiệm vô nhân đạo của phát-xít Đức trong Thế chiến 2.

Như vậy, chúng ta có thể thấy Bộ Quy tắc ứng xử là rất cần thiết và phổ biến nhưng chỉ trong phạm vi tổ chức và ngành, vì đặc trưng công việc của ngành hay tổ chức ấy. Việc xây dựng quy tắc ứng xử cho địa phương chưa từng có tiền lệ và khó khả thi vì phạm vi quá rộng và lĩnh vực quá đa dạng.

Theo dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, thì: “Nền tảng của văn hóa ứng xử chính là những giá trị và chúng ta đang bị khủng hoảng về giá trị thực sự, trước hết là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền với vai trò quan trọng của Nho giáo, với một xã hội hội nhập hiện nay. Nếu không chọn được những giá trị nền tảng, mà để cho những giá trị hoang dã là quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo thống trị thì dần dần chúng sẽ phá đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội”.

Khi hệ thống giá trị cũ bị dẹp bỏ, giá trị mới chưa xác định được nên nhiều người đành phải bám vào cái mà người ta cho là cụ thể nhất, dễ cảm nhận nhất là đồng tiền. Nhưng khi đồng tiền được tôn vinh, lấn át mọi giá trị khác thì khái niệm “có tiền” và “có văn hóa” không còn song hành. Điều nguy hiểm nhất là càng có nhiều tiền, người ta càng dễ trở thành người của công chúng, có tầm ảnh hưởng đối với xã hội, những biểu hiện thiếu văn hóa của họ sẽ lan truyền rất nhanh, gây ảnh hưởng hết sức tai hại với cộng đồng, làm văn hóa xã hội càng xuống cấp như nhiều thí dụ trong thời gian gần đây của những người nổi tiếng. Những tin tức kiểu “siêu đám cưới”, “bước vào showbiz” của những đại gia làm giàu không nhờ trí tuệ, những lùm xùm tố nhau về danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú” của những người đáng ra phải là mẫu mực về ứng xử trong xã hội càng làm giới trẻ mất niềm tin.

Văn hóa ứng xử trong cộng đồng ảnh 1

Người dân vô tư xả rác nơi công cộng. Ảnh: QUANG DŨNG

Điều chỉnh, bắt đầu từ gốc rễ nhận thức

Kim chỉ nam của quy tắc ứng xử phải là: Tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người, nghĩa là mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn cách ăn mặc, ứng xử… miễn là Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội. Thí dụ: Cá nhân có quyền hút thuốc lá nhưng khi hút ở nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến những người khác thì không thể chấp nhận. Với những địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời như Hà Nội thì cần nâng cấp lên thành văn hóa ứng xử tức là cần có hành xử đẹp mắt – ngoài việc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội, còn cần có sự tinh tế trong cách ăn mặc, ứng xử để giữ gìn và xây dựng truyền thống cho Hà Nội.

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội, cần bắt đầu điều chỉnh từ thế hệ trẻ và gốc rễ phải là từ gia đình, vì đây mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thật sự và những kỹ năng sống trong cuộc đời. Các bậc bố mẹ trước hết phải làm gương cho con, không thể bố mẹ vượt đèn đỏ khi chở con, xui con quay cóp cho khéo, nhận tiền tham nhũng tại nhà… mà lại dạy con hành xử có văn hóa được. Thực tế cho thấy, dù hoàn cảnh xã hội có tha hóa đến đâu, nếu giữ được nếp nhà thì người trẻ sẽ có bản lĩnh đối phó với cái xấu.

Nhà trường cũng cần định hình những phong cách văn hóa ứng xử phù hợp và đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh các cấp thông qua những hình ảnh, tình huống, câu chuyện cụ thể để hướng dẫn các em cách ăn mặc, ứng xử trong giao tiếp như: Thế nào là trang phục phù hợp khi đi học, đi dã ngoại, đi nhà hát…, cách ăn uống, chào hỏi, cư xử khi đến nhà bạn, khi đến nơi công cộng… Bên cạnh đó, những địa điểm như nhà hát, thư viện, trung tâm mua sắm, cần có quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người tham dự và nhân viên. Nếu không có cơ chế bắt buộc thi hành thì văn hóa ứng xử sẽ không thể nhân rộng, thậm chí ngày càng thui chột đi.

Các nhà văn hóa có thể tổ chức các khóa dạy văn hóa ứng xử cao cấp hơn cho thanh thiếu niên và mọi người quan tâm như cách tặng hoa cho bố mẹ, cho bạn gái, người yêu, cách bày bàn ăn khi mời khách… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng cần có những khóa dạy cách mặc trang phục, ăn uống kiểu phương Tây để mọi người khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với người nước ngoài.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc, xây dựng các chương trình thực tế chung quanh chủ đề này. Thực tế cho thấy, người trẻ rất khát khao học văn hóa ứng xử, chỉ là không biết học ở đâu và thế nào là chuẩn mực. Từ việc xây dựng ý thức tuân thủ các quy định, cũng như bồi đắp nền tảng nhận thức về văn hóa trong mỗi con người, sẽ là tiền đề để nâng cao văn hóa ứng xử cho cả xã hội.

Quy tắc ứng xử ở đây được hiểu là chuẩn mực xã hội (social norms) và nó là một phần của văn hóa. Văn hóa ứng xử sẽ bao gồm những chuẩn mực xã hội về mọi hành vi của con người như trang phục, cách nói năng, cử chỉ, ăn uống… trong quan hệ với người khác, đặc biệt là ở nơi công cộng. Chúng ta cần làm rõ những khái niệm này để có thể tìm ra nguyên nhân của sự khủng hoảng văn hóa trong thời gian gần đây và đưa ra cách giải quyết.

Xổ số miền Bắc