VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH – vhnt.org.vn


Văn hóa ứng xử, tựu trung lại, là phương thức giao tiếp và xử sự của con người với nhau và với mọi vật xung quanh. Trong gia đình, văn hóa ứng xử được nhìn nhận qua cách thức giao tiếp của các thành viên với nhau để tạo nên một nề nếp gia đình, thường gọi là gia phong.

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}

Hiện nay, vấn đề gia đình, cũng như văn hóa ứng xử trong gia đình, được nâng lên vị trí cao hơn trong nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn đời sống là bởi gia đình đang ngày càng trở thành một thiết chế xã hội quan trọng gắn liền với sự phát triển xã hội, và, văn hóa ứng xử gia đình có tác động mạnh mẽ đến văn hóa ứng xử xã hội.
Truyền thống văn hóa ứng xử gia đình tốt đẹp là yếu tố đầu tiên của việc giáo dục văn hóa ứng xử, tạo điều kiện cho sự hình thành nhân cách văn hóa. Văn hóa gia đình và cốt lõi hơn, văn hóa ứng xử gia đình, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những giá trị quý báu của truyền thống gia đình, sẽ giúp chúng ta cảm nhận đúng đắn hơn vị thế, vai trò của việc giáo dục văn hóa ứng xử cho các thành viên, đặc biệt là trẻ vị thành niên trong gia đình hiện nay.
Gia đình là nơi con khóc chào đời, là cái nôi văn hóa giúp cho sự hình thành và phát triển nhân cách cá nhân nói chung, nhân cách văn hóa nói riêng và là môi trường quan trọng nhất cho việc giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em.
Gia đình là một môi trường văn hóa, nhưng khác với các môi trường văn hóa khác, gia đình tạo ra bầu không khí văn hóa đầu tiên, mà con người, với tư cách là một cá thể, được gắn bó, được hít thở, được tiếp nhận để trở thành một nhân cách văn hóa với một hệ văn hóa ứng xử riêng biệt. Các giá trị ngầm ẩn trong gia đình chính là văn hóa gia đình. Nhưng văn hóa gia đình được nhìn nhận trước hết qua ứng xử văn hóa. Văn hóa ứng xử trong gia đình có vai trò quyết định đến sự hình thành nhân cách ban đầu của mỗi cá nhân. Không giống những thể chế giáo dục khác, giáo dục gia đình có đặc trưng riêng: giáo dục thông qua tình cảm huyết thống thiêng liêng, qua những ứng xử gần gũi, giàu tình cảm, nên con người dễ tiếp nhận. Yếu tố ứng xử gia đình có ảnh hưởng lớn đến phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân, đặc biệt là ứng xử thông qua vai trò giáo dục của người mẹ. Bố mẹ là tấm gương để con cái soi vào. Người mẹ là người gần gũi con cái nhất, chăm sóc con cái từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Không ai hiểu tâm tư, tình cảm của con cái bằng người mẹ. Không có tình cảm nào sâu nặng bằng tình cảm mẹ con. Người mẹ biết chăm sóc con mình một cách có ý thức, giúp cho con mình luôn luôn hướng thiện, rèn luyện cho các con có ý chí nghị lực, có tinh thần dũng cảm, tự lực, ham hiểu biết, có khát vọng vươn lên trở thành người hữu ích cho đời. Sử sách còn lưu truyền câu chuyện về bà mẹ của Mạnh Tử, đã ba lần dọn nhà để chọn nơi ở vừa ý, hàng xóm láng giềng có mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, tạo được môi trường thuận lợi cho việc học tập của con. Về sau Mạnh Tử đã trở thành một nhân cách văn hóa lớn, được tôn sùng là vị á thánh của những người sáng lập Nho giáo. Đó chính là cách giáo dục văn hóa ứng xử tiêu biểu trong hoàn cảnh cụ thể ấy.
Người lớn, đặc biệt là người phụ nữ, từ xưa đến nay, có vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục trẻ em ở gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường bàn đến phụ nữ và gia đình trước khi nhắc đến vai trò của nam giới. Việc xem trọng tính gia đình ở người phụ nữ cũng như nhấn mạnh vị thế của người phụ nữ trong gia đình, đặc biệt trong giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ vị thành niên, có nguyên nhân tự nhiên và truyền thống văn hóa. Trong đời sống thường nhật, người phụ nữ có chức năng tái sản sinh loài, nuôi dưỡng chăm sóc con cái, người già, người ốm… trong gia đình một cách tận tâm và khéo léo. Họ bao giờ cũng gắn với con cái hơn, gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình hơn nam giới. Chức năng tự nhiên ấy kết hợp với ảnh hưởng của truyền thống văn hóa xã hội từ lâu đời, mà đặc biệt là ảnh hưởng khắt khe của truyền thống Nho giáo, khiến xã hội luôn nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong giáo dục gia đình hơn là hoạt động ngoài xã hội. Đây là một đặc trưng truyền thống của hình ảnh người phụ nữ trong gia đình Việt Nam. Hình ảnh này hiện nay có khác đi trong xu thế bình đẳng nam nữ, song rõ ràng, nói đến giáo dục con cái, trước hết phải ghi công người phụ nữ.
Vai trò của người lớn trong giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em hiện nay có vai trò và diện mạo mới. Đặc biệt, trách nhiệm của người phụ nữ đối với xã hội và gia đình cao hơn. Người phụ nữ có quyền tham gia vào nhiều những lĩnh vực quan trọng của xã hội với tư cách bình đẳng với nam giới. Vai trò của phụ nữ với việc giáo dục trẻ em trong gia đình thực sự được đánh giá cao và là vấn đề hết sức quan trọng. Vì vậy vốn văn hóa của người phụ nữ càng phải phong phú và được bồi đắp thêm lên để đáp ứng với yêu cầu mới của xã hội, của gia đình. Ngườì phụ nữ hiện đại cần phải học hỏi, tích lũy tri thức để không những tự hoàn thiện văn hóa, nhân cách cho mình mà còn giáo dục văn hóa ứng xử cho cả thế hệ tương lai.
Vai trò của phụ nữ nói riêng, của người lớn nói chung trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em được thực hiện thông qua hai loại giáo dục: không chủ động và chủ động.
Giáo dục không chủ động là loại giáo dục tự nhiên của người lớn cũng như của mọi thành viên khác trong gia đình tác động vào trẻ em thông qua một loạt hành vi, hành động, cử chỉ, lời nói ứng xử hàng ngày. Bằng những cảm nhận cảm tính, bằng cách quan sát trực tiếp, trẻ em bắt chước lời nói, hành động của người xung quanh, mà chủ yếu là từ người mẹ, đối tượng gần gũi nhiều nhất với các em. Người lớn có thái độ ứng xử hiểu biết, dịu dàng, nhân ái, khoan dung, có trách nhiệm với gia đình và bản thân, có lời nói, cử chỉ đẹp, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội… sẽ là tấm gương tốt, là cách giáo dục tốt nhất cho trẻ em ngay trong những bước chập chững của quá trình nhập thân văn hóa, rèn luyện văn hóa ứng xử.
Người lớn, trong cơ chế thị trường, bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ xã hội, tốt xấu đều có. Vì vậy đòi hỏi họ, đặc biệt là người phụ nữ, phải nhanh chóng nắm bắt sự việc, biết tiếp thu và sàng lọc, phân loại những thông tin nhiều chiều và những tác động nhiều mặt của xã hội để nhanh chóng đưa ra những quyết định kịp thời và hành động đúng đắn cho bản thân. Việc đối nhân xử thế, thái độ nghiêm túc, thành kính với ông bà tổ tiên, cha mẹ, những cử chỉ tận tụy trong chăm sóc thành viên gia đình và những người thân; sự thân thiện với hàng xóm láng giềng… là những bài học không lời, là cách giáo dục có hiệu quả nhất của người lớn trước sự tiếp thu hàng ngày của trẻ em.
Muốn trẻ em trong gia đình được hưởng môi trường văn hóa lành mạnh, được tiếp nhận sự giáo dục văn hóa ứng xử, người lớn nói chung và người phụ nữ nói riêng rất cần phải gương mẫu. Họ cần phải lành mạnh hóa tư duy và hành động theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Các em chỉ trở thành những đứa trẻ ngoan, những công dân tốt, nói cách khác là những nhân cách văn hóa khi cha mẹ chúng là tấm gương sáng để chúng noi gương học tập.
Giáo dục chủ động là sự dạy dỗ của người lớn đến trẻ em thông qua lời nói, việc làm, hành động… theo những mục đích nhất định. Những câu chuyện kể, những câu ca dao, tục ngữ, những lời hay ý đẹp, những hành động việc làm nên và không nên thực hiện… là vốn tri thức phong phú mà người lớn cần chủ động chỉ dẫn cho trẻ em. Tùy kho vốn văn hóa của người lớn mà trẻ em có những mức thu nhận khác nhau. Do đó người lớn cần liên tục làm giàu thêm vốn văn hóa cho mình. Bên cạnh đó, việc gợi chuyện, hỏi chuyện và kể chuyện cho trẻ nhỏ theo những chủ đề đã định của người lớn sẽ tập cho các em có thói quen lắng nghe, tiếp thu có ý thức những điều người lớn muốn trao truyền. Thông qua những công việc trong gia đình, người lớn cần chủ động lồng ghép những điều mình muốn dạy bảo cho con cái. Người lớn cần giảng giải tỉ mỉ, hướng dẫn tận tình từng bước cho các em bằng những công việc thường nhật. Đặc biệt đối với những trẻ em gái, người mẹ cần dạy dỗ về nữ công gia chánh, về cách thức tổ chức bữa ăn ngon, tiết kiệm, vệ sinh… thông qua việc nội trợ, nấu nướng.
Đồng thời với những công việc và cách ứng xử thông qua công việc và các mối quan hệ trên dưới, người lớn cần giáo dục, rèn luyện cho các em đức tính chăm chỉ, cẩn thận, thái độ lao động nghiêm túc, có ý thức trách nhiệm với gia đình. Trẻ em có thể tham gia phụ giúp công việc xen lẫn sự học hỏi thú vị. Ngoài ra, người lớn còn cần giúp các em mở mang kiến thức ngoài những tri thức được học từ nhà trường như tìm đọc những cuốn sách bổ ích và lý thú về khoa học, về văn hóa xã hội ở mức độ thích hợp với lứa tuổi. Ngay cả việc thưởng thức những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại như sử dụng máy vi tính, trò chơi điện tử… cũng là vấn đề người lớn phải định hướng và quản lý các em. Việc buông lỏng quản lý để các em si mê, sa đà vào những trò chơi mang tính bạo lực… sẽ ảnh hưởng về mặt nhân cách cũng như trí tuệ, sức khỏe của các em.
Ngoài thời gian đầu tư cho học tập tại nhà, ông bà, cha mẹ, mà đặc biệt là người mẹ, cần dành thời gian tiếp xúc với con cái. Đây chính là một cách quản lý hữu hiệu để tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của con trẻ cũng như phát hiện ra những sở thích năng khiếu của con em mình. Có nhiều em đã biểu lộ năng khiếu đặc biệt khi tham gia các hoạt động lao động chân tay, thể thao, vui chơi giải trí. Nhờ đó mà làm phong phú vốn tri thức cho các em, tạo cho các em một tâm lý yên ổn, hạnh phúc khi được ở bên cha mẹ và những người thân. Người lớn cũng cần chủ động cho các em tiếp xúc với họ hàng thông qua những cuộc thăm viếng vào các dịp lễ tết…, từ đó các em được bồi bổ thêm tình cảm họ hàng, dòng tộc, thêm gắn bó với gia đình nhỏ bên cạnh đại gia đình và xã hội. Người lớn có thể thông qua các việc như cho con đi thăm các nhà bảo tàng, di tích văn hóa, các danh lam thắng cảnh… để giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, yêu gia đình, tinh thần vì cộng đồng, lòng tự hào tự tôn dân tộc… cho con em mình.
Trong giáo dục và rèn luyện văn hóa ứng xử với trẻ em trong gia đình, thế hệ đi trước (ông bà, cha mẹ…) có ảnh hưởng quan trọng và trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ em. Gia đình có hạnh phúc, ấm êm hay không phụ thuộc vào tất cả các thành viên sống chung một mái nhà, nhưng phần lớn phụ thuộc vào tính cách, nhân cách, cách thức ứng xử và giáo dục ứng xử của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình. Sự giáo dục văn hóa ứng xử của người lớn đối với trẻ em là quá trình giáo dục có tính hai mặt: thông qua việc giáo dục trẻ em để giáo dục chính mình, để hoàn thiện hơn về nhân cách cho bản thân; và qua cách ứng xử của mình, trẻ em cũng giáo dục lại người lớn không ít điều về văn hóa ứng xử trong gia đình.
Con cái ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt, có tri thức và có văn hóa ứng xử phù hợp… là niềm tự hào của cha mẹ, là thành quả xứng đáng nhất mà ai làm cha làm mẹ cũng mong muốn đạt được. Cha mẹ chính là người gieo và nuôi mầm thiện cho con cái. Làm tròn bổn phận và thiên chức của mình, cha mẹ cũng đồng thời làm trọn trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng mà tạo hóa và xã hội giao phó: nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Tóm lại, ông bà, cha mẹ, đặc biệt là người phụ nữ, người mẹ có vai trò rất to lớn trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em trong gia đình. Người giáo dục trước hết phải tự giáo dục. Nói cách khác, người lớn muốn giáo dục tốt nhân cách và văn hóa ứng xử cho các em, tất phải tự hoàn thiện nhân cách văn hóa và trau dồi văn hóa ứng xử của mình.
Môi trường gia đình và văn hóa ứng xử gia đình là cầu nối để con cái đi vào trường học và tiếp xúc với môi trường xã hội, được thử thách và rèn luyện trong môi trường mới, từng bước trưởng thành và phát triển.
         Ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội thông qua văn hóa ứng xử là ảnh hưởng của nhân tố khách quan. Nhưng những nhân tố khách quan ấy chưa đủ để trở thành một quá trình giáo dục và hoàn thiện nhân cách văn hóa mà phải có nhân tố chủ quan là vai trò của chủ thể tiếp nhận giáo dục. Đó là những thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em, chẳng những có tri thức mà còn phải có ý chí, nghị lực vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh, đồng thời cũng là con người đầy lòng nhân đạo, nhân ái, nhân văn khi ứng xử văn hóa trong gia đình cũng như ngoài gia đình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Hồng Ngân Thanh

5/5 – (2 bình chọn)

Xổ số miền Bắc