Văn hóa và hoạt động văn hóa – HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tạp chí Văn hóa và nguồn lực

Số 4 (24) | 2020

VĂN HÓA VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Tóm tắt: Mỗi lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội khi đặt dưới góc độ một khoa học nghề nghiệp, nhất thiết cần có hệ phương pháp luận làm nền tảng. Hoạt động văn hóa với tư cách là một lĩnh vực nghề nghiệp có mã ngành đào tạo chính thức tại Việt Nam, tới nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, sách, tài liệu, giáo trình, bài giảng khác nhau được công bố. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu liên quan và xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, thực hành ứng dụng lĩnh vực này thời gian qua, chúng tôi kế thừa và tiếp tục đưa ra một số quan niệm quanh vấn đề lý luận văn hóa và phương pháp luận hoạt động văn hóa, hy vọng bài viết này sẽ góp phần làm phong phú, sáng tỏ thêm cho hệ thống lý luận chung của ngành khoa học quản lý văn hóa.

Từ khóa: văn hóa, giá trị, sản xuất tinh thần, hoạt động văn hóa.

1. Văn hóa là hệ thống các giá trị

Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa do Unesco tổ chức tại Mexico từ ngày 26/7 đến ngày 6/8/1982 đã thông qua tuyên bố chung, trong đó có định nghĩa về văn hóa[1]:

Theo nghĩa rộng nhất, ngày nay văn hóa có thể được xem là toàn bộ phức thể những nét nổi bật về tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Nó không chỉ gồm nghệ thuật và văn học mà còn cả lối sống, các quyền cơ bản của con người, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng tự suy ngẫm về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta rõ ràng trở thành con người – sinh vật có lý trí, có óc phê phán và có sự cam kết về mặt đạo đức. Chính nhờ văn hóa mà chúng ta nhận rõ các giá trị và đưa ra sự lựa chọn. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, nhận ra sự thiếu hoàn thiện của mình, xem xét những thành tựu của mình, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt quá các giới hạn của mình.

Từ định nghĩa này, sách “Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam” do Đinh Xuân Dũng[2] chủ biên cho rằng:

Định nghĩa về văn hóa của Unesco năm 1982 không chỉ trình bày một cách có hệ thống và toàn diện các thành tố của văn hóa theo nghĩa rộng nhất của nó, mà còn nêu bật những ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn của văn hóa đối với sự phát triển nhiều mặt của con người trong xã hội, đó là:

  • Xét theo nguồn gốc hình thành và xu hướng vận động, văn hóa vừa là thành quả vừa là tác nhân thúc đẩy các hoạt động có ý thức của con người.
  • Xét theo thuộc tính và đặc trưng cơ bản, văn hóa luôn kích thích quá trình tìm tòi và sáng tạo không ngừng của con người.
  • Xét theo vai trò và chức năng trung tâm, văn hóa định hướng cho sự phát triển xã hội, phát triển con người theo những giá trị – hệ giá trị được lựa chọn.

Từ định nghĩa về văn hóa của Unesco và những phân tích trên chúng ta, có thể thấy: văn hóa là hoạt động có ý thức của con người, không ngừng sáng tạo, hướng tới sự phát triển của bản thân con người và xã hội theo những giá trị – hệ giá trị được lựa chọn.

Con người là động vật cao cấp nhất vì con người biết hoạt động một cách có ý thức (các động vật khác chỉ hoạt động theo bản năng sinh học). Chính sự ý thức (biết dùng ý thức để chế ngự cái bản năng, dùng lao động để cải tạo tự nhiên, cải biến bản thân và xã hội) đã làm cho con người từ chỗ chưa hoàn thiện tới chỗ ngày càng hoàn thiện hơn để dần hình thành một nhân cách văn hóa – con người – văn hóa. Ý thức thuộc về cái tinh thần, cho nên nói hoạt động văn hóa cũng là hoạt động tinh thần, hay cách nói gộp chung là hoạt động văn hóa tinh thần là lẽ hợp lý.

Đặc tính sáng tạo càng làm rõ hơn đặc trưng văn hóa tinh thần riêng có trong hoạt động của con người. Chính nhờ bộ não sáng tạo, con người đã liên tiếp phát hiện, phát minh, sáng chế ra cái mới; thoát ra khỏi những cái cũ, sự trì trệ, giáo điều; chế ngự cái bắt chước rập khuôn, sự lặp lại một cách sáo mòn… để năng động vươn lên cái mới mẽ hơn, cái phát triển hơn, vượt qua chính bản thân mình của ngày hôm qua. Cái mới của sáng tạo mang ý nghĩa văn hóa không phải là sự lặp lại rập khuôn của cái cũ, nhưng cũng không phải là cái được hình thành trên sự trống rỗng, hư vô; mà cái mới đó có được từ sự kế thừa có chọn lọc, có phản biện và biết “gạn đục khơi trong”. Trong hoạt động văn hóa, sáng tạo vừa là kết quả của quá trình lao động thực tiễn vừa là động lực thôi thúc con người luôn không ngừng tìm tòi, khám phá ra cái mới hơn, vươn lên trình độ phát triển cao hơn, đạt tới tính nhân văn cao cả hơn.

Đặt giá trị vào toàn cảnh hoạt động thỏa mãn nhu cầu của con người, Đoàn Văn Chúc[3] cho rằng:

Nhu cầu thể hiện ở cái ao ước, cái ao ước là giá trị. Giá trị (thỏa mãn nhu cầu) là mục đích của mọi hành động người. Người ta hành động theo những quy tắc, tức theo chuẩn mực mà xã hội quy định. Chuẩn mực (quy tắc ứng xử) tồn tại dưới dạng thể chế thành văn hoặc bất thành văn (phong tục, tập quán…). Thể chế, đến lược chúng xuất hiện là những tiêu chuẩn cụ thể quy định hành vi của mỗi vai trò xã hội, những hành vi theo tiêu chuẩn trở thành những khuôn mẫu ứng xử. Khuôn mẫu ứng xử là hành vi có mục đích, hoặc nói để diễn đạt tới một mục đích.

Giá trị có giá trị chính yếu/cơ bản và giá trị phụ thuộc/cục bộ. Giá trị cơ bản bao gồm: (1) Là ao ước phổ quát của nhiều người, được nhiều người tham gia nhất, ở mọi nơi và mọi thời kỳ lịch sử, đó là những giá trị nhân bản (đã là người thì đều mong muốn), như no ấm, hạnh phúc, hòa bình… (2) Là cái cần thiết nhất cho xã hội, như tính thống nhất chính trị, lòng dân yên… (3) Là cái quan trọng nhất đối với lợi ích cá nhân lẫn tập thể, như an ninh, giàu có, hạnh phúc… Giá trị phụ thuộc/cục bộ là sự thể hiện giá trị chính yếu/cơ bản trong từng điều kiện cụ thể, như “nhân” là một giá trị chính yếu, khi ứng vào điều kiện cụ thể là cha và con, nó trở thành phụ từ tử hiếu (cha hiền con hiếu)…

Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa đều có những điểm chung, cho rằng: giá trị là cột trụ, là yếu tố cốt lõi của văn hóa…; văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị…; văn hóa là toàn bộ các giá trị…; đồng thời, xem chân, thiện, mỹ (cái thật, cái tốt, cái đẹp) là những giá trị phổ quát/ cơ bản của văn hóa; cả ba giá trị phổ quát này mặc dù mỗi giá trị có những ý nghĩa độc lập, song giữa chúng cũng có mối tương quan, đan xen, hỗ trợ nhau, như cái cái thật chỉ trở thành cái đẹp khi nó gắn liền với cái tốt, cái tốt làm cho cái thật và cái đẹp được tôn lên, cái đẹp trước hết phải là cái thật và cái tốt.

Giá trị văn hóa là kết quả của hoạt động có ý thức – hoạt động sáng tạo của con người. Các giá trị văn hóa phổ quát/ thiết yếu/cơ bản có ý nghĩa rộng, chung đối với cả nhân loại thì ít có sự tương xung với nhau giữa khi đặt vào các vai trò xã hội. Song, các giá trị văn hóa mang tính phụ thuộc/bộ phận/riêng biệt thì không phải lúc nào, ở đâu và với vai trò xã hội nào cũng đạt được sự tương hợp. Bởi lẽ, văn hóa không nhất thành bất biến, văn hóa thống nhất trong đa dạng cho nên có sự tương xung hay không tương hợp giữa các vai trò xã hội trong các giá trị văn hóa cũng là điều dễ hiểu; trong những trường hợp này cần đưa các giá trị văn hóa đó vào hệ tọa độ văn hóa cụ thể để xem xét (hệ tọa độ văn hóa gồm ba tọa độ là: chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa), bên cạnh phải đặt các giá trị cục bộ phục tùng các giá trị căn bản.

Có thể thấy, mỗi sản phẩm do con người sáng tạo ra đều chứa đựng những giá trị nhất định. Song, giá trị đó có được xem là giá trị văn hóa hay không thì nó tùy thuộc vào hệ tọa độ văn hóa cụ thể mà nó được sinh ra và tồn tại. Như vậy, giá trị văn hóa vừa mang tính chủ quan của người sáng tạo và sử dụng; đồng thời vừa mang tính khách quan do hoàn cảnh, không gian, thời gian và những chuẩn mực xã hội quy định. Giá trị văn hóa cũng mang tính định hướng và chịu sự chi phối nhất định của chế độ xã hội; gắn với những mục tiêu, quy ước, lý tưởng của lợi ích xã hội; các yêu cầu của Đảng và Nhà nước; đó chính là những định hướng phát triển toàn diện về văn hóa và nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử xã hội cụ thể.

2. Văn hóa là lĩnh vực hoạt động tinh thần

Phân chia một cách tương đối, con người có hai nhóm nhu cầu cơ bản, đó là nhóm nhu cầu vật chất (như ăn, ở, mặc, đi lại, công cụ lao động, phương tiện chiến đấu…) và nhóm nhu cầu tinh thần (khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, lễ hội…). Để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, con người phải tiến hành thực hiện các hoạt động sản xuất (làm ra các đối tượng để thỏa mãn nhu cầu) vật chất và tinh thần. Hoạt động sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần không tồn tại độc lập với nhau mà chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, đồng thời tồn tại trong hoạt động thực tiễn của con người. Từ điển Triết học[4] định nghĩa:

Cái tinh thần (quan niệm, ý thức, tư duy) là chức năng của vật chất có tổ chức cao, là kết quả của thực tiễn vật chất, lịch sử – xã hội của con người. Đời sống tinh thần của xã hội – ý thức xã hội – phản ánh tồn tại xã hội. Đồng thời, nó cũng tích cực tác động đến tồn tại xã hội, đến hoạt động thực tiễn của loài người.

Văn hóa tinh thần[5]: là hoạt động và sản phẩm của bộ óc con người (hoạt động trí óc sản sinh ra tri thức, tư tưởng, tình cảm…) trong quá trình nhận thức, ứng xử với thế giới tự nhiên, xã hội và con người, nhằm chiếm lĩnh, đồng hóa hiện thực hoặc sáng tạo ra những sản phẩm, những giá trị tinh thần hay vật chất để đáp ứng các nhu cầu sống của cá nhân và cộng đồng. Văn hóa tinh thần thường quy tụ lại ở những quan niệm thuộc lĩnh vực nhận thức như: chân, thiện, mỹ; tín ngưỡng, tôn giáo; nghĩa vụ, bổn phận công dân, gia đình, cộng đồng, xã hội; tình cảm cá nhân, gia đình, xã hội; phong tục, tập quán, lễ nghi… Văn hóa tinh thần chỉ gắn bó với đời sống xã hội của con người; là nguồn năng lượng để phát triển cá nhân và cộng đồng; là mục tiêu vươn tới của xã hội văn minh; là hệ giá trị định hướng và điều tiết sự vận động xã hội và cá nhân; là môi trường nuôi dưỡng, xây dựng hoặc hủy hoại nhân cách.

Sách “Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Trần Thị Kim Cúc[6] đã viết:

Báo Cứu quốc, số ra ngày 8-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm về lĩnh vực văn hóa như sau: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Cùng với việc xác định bốn lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều phải coi trọng ngang nhau, Hồ Chí Minh chỉ rõ kinh tế là thuộc về cơ sở hạ tầng, là nền tảng của việc xây dựng văn hóa, xây dựng kiến trúc thượng tầng. Từ quan niệm này của Hồ Chí Minh, có thể hiểu rằng, Người coi đời sống văn hóa là đời sống tinh thần.

Tiếp nối tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng CSVN thể hiện nhất quán quan điểm về văn hóa trong các Nghị quyết của mình như sau:

Nghị quyết số 05-NQ/TW (28-11-1987)[7]

Văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cho cuộc sống con người.

Nghị quyết số 03/NQ-TW (16-7-1998)[8]

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hoá là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hoá phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,…biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Nghị quyết số 33/NQ-TW (09-6-2014)[9]:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nhiều nhà khoa học tiếp cận văn hóa ở những khía cạnh khác nhau, cũng có những điểm tương quan khi xem văn hóa là lĩnh vực thuộc tinh thần.

Nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp Abraham Moles đã viết[10]:

Văn hóa là bình diện tinh thần của môi trường nhân tạo, do con người xây dựng nên trong tiến trình đời sống xã hội của mình.

Nhà nghiên cứu kinh tế học văn hóa Lê Ngọc Tòng quan niệm[11]:

Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị tinh thần mà con người sáng tạo ra, phổ biến, lưu truyền, trao đổi, sử dụng trong hoạt động thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và vật chất của con người và xã hội.

Xem văn hóa là lĩnh vực hoạt động tinh thần, thì hoạt động văn hóa chính là hoạt động sản xuất tinh thần, tạo ra các tác phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người.

Theo Hoàng Vinh[12]

Sản xuất vật chất tạo ra những sản phẩm vật chất cho con người tồn tại như một sinh thể, còn sản xuất xuất tinh thần thì tạo ra những tư tưởng, biểu tượng, ý thức thể hiện dưới dạng các sản phẩm văn hóa tinh thần, làm cho con người tồn tại như một sinh thể xã hội, tức là một nhân cách văn hóa.

3. Hoạt động văn hóa là quá trình sản xuất tinh thần

Xem văn hóa là lĩnh vực thuộc về tinh thần, cho nên hoạt động văn hóa cũng chính là hoạt động tinh thần. Theo đó, chủ thể của hoạt động văn hóa là con người; biết chủ động tổ chức hệ thống hoạt động sáng tạo/sản xuất, tổ chức/bảo quản, phân phối, hưởng thụ/tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Đặt trong cái nhìn hệ thống, các thành tố sáng tạo/sản xuất, tổ chức/bảo quản, phân phối, hưởng thụ/tiêu dùng các sản phẩm văn hóa với tư cách là đối tượng thỏa mãn nhu cầu, con người vừa đưa vào các sản phẩm đó những phẩm chất, năng lực và óc thẩm mỹ của mình; đồng thời cũng rút ra từ những sản phẩm đó những giá trị về cái thật, cái tốt, cái đẹp để chuyển chúng thành những quan niệm, ý thức, tư duy nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình.

Theo quan điểm của Phạm Đức Dương[13].

Tiếp cận văn hóa là tìm cách giải mã cái tâm thức của cộng đồng dân tộc thông qua hệ thống các biểu tượng, giải thích mối quan hệ giữa cái hiển và cái mật để trên cơ sở cảm thụ cái đẹp ngoại hiện (hình tượng nghệ thuật) mà phát hiện cái mật – tức là thông điệp, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm vào đó.

Trên cơ sở đó, ông xây dựng cách tiếp cận mới, coi cấu trúc văn hóa như là một mô hình được tích hợp bởi hai thành tố, gồm: biểu tầng là tầng biểu hiện trên bề mặt xã hội và cơ tầng là tầng chìm sâu trong tâm thức con người và chia cấu trúc văn hóa thành hai bậc:

(1) Cấu trúc bề mặt (biểu tầng), bao gồm tất cả các hệ thống ký hiệu văn hóa nằm trên biểu tầng (những biểu hiện văn hóa) được thay đổi liên tục, gọi là những biến số, là yếu tố động của văn hóa, đó là đời sống văn hóa của một cộng đồng người nhất định. Cấu trúc bề mặt phân loại theo ký hiệu học bao gồm hai hệ thống là hệ thống ký hiệu biểu thị (mang ý nghĩa trực tiếp, thuộc tư duy khái niệm, tư duy khoa học) và hệ thống ký hiệu biểu tượng (mang tính hàm nghĩa, thuộc tư duy hình tượng); hai hệ thống này có mối quan hệ đan xen, lồng ghép và tương tác lẫn nhau.

(2) Cấu trúc chiều sâu (cơ tầng), là bộ phận chìm, khó nhìn thấy dưới cơ tầng (nằm trong tâm thức con người), là hằng số, là yếu tố tĩnh của văn hóa, đó chính là những hệ giá trị văn hóa. Cấu trúc chiều sâu là những hệ thống giá trị văn hóa, là cái gốc của văn hóa; hệ giá trị phổ quát của văn hóa là chân, thiện, mỹ. Các hệ giá trị này có mối quan hệ biện chứng với nhau và được đánh giá qua thang chuẩn mực xã hội. Các giá trị được chắt lọc và kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và được truyền từ đời này sang đời khác.

Giữa cấu trúc bề mặt với cấu trúc chiều sâu có mối quan hệ với nhau: cấu trúc chiều sâu đóng vai trò định hướng và điều chỉnh những biến đổi trên bề mặt; cho nên sự biến đổi trên bề mặt không phải là sự biến đổi hỗn loạn mà có tổ chức, tuân thủ theo một trật tự nhất định vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Các yếu tố trên bề mặt, trong quá trình biến đổi, dần dần thẩm thấu và tác động đến cấu trúc chiều sâu, làm cho cấu trúc này cũng phải biến đổi theo dù rất chậm rãi. Đó chính là mối quan hệ biện chứng giữa tính liên tục và sự đứt đoạn, giữa truyền thống và cách tân.

Bàn về vấn đề cấu trúc hoạt động văn hóa, Đoàn Văn Chúc[14] cho rằng, để có một sinh hoạt văn hóa (hoạt động văn hóa) cần có năm yếu tố, bao gồm: tác phẩm văn hóa, tác giả/người sáng tạo, người tuyển chọn/truyền bá, người phê bình và công chúng/không gian-dân cư; trong đó, tác phẩm văn hóa là nhân tố trung tâm. Tác phẩm văn hóa có thể tồn tại dưới các dạng thức khác nhau như: dạng vật thể, được thể hiện dưới hình thức các tác phẩm văn hóa sử dụng các phương tiện ký hiệu ngôn ngữ, văn tự, âm thanh, hình ảnh, tổng hợp…; dạng phi vật thể, bao gồm các hình thức hoạt động như chương trình sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội, diễn thuyết, cuộc thi, liên hoan, dạy học, trò chơi… Dù xuất hiện dưới hình thức vật thể hay phi vật thể thì đặc trưng cơ bản nhất của sản phẩm văn hóa tinh thần cũng chính là tính biểu tượng.

Đặt văn hóa trong trạng thái “tĩnh” và trạng thái “động” để xem xét, Hoàng Vinh[15] cho rằng:

Trong trạng thái tĩnh, văn hóa ngưng kết lại trong bảng thang giá trị, tồn tại một cách khách quan; trong trạng thái động, văn hóa được hình dung như một hệ thống sản xuất văn hóa trong xã hội… Diễn đạt theo quan điểm kinh tế học, văn hóa trong trạng thái động là quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu dùng những sản phẩm văn hóa. Văn hóa, do đó, vừa là một tồn tại tự thân, vừa là một quá trình sản xuất ra những giá trị – những sản phẩm văn hóa.

Nghiên cứu hoạt động văn hóa – giải trí dưới cái nhìn cấu trúc, hai tác giả Chizikov V.M và Zarkov A.D[16] đã đưa ra quan điểm của mình về phương pháp hoạt động văn hóa – giải trí gồm một hệ thống những phân hệ có quan hệ với nhau, gồm: phân hệ tổ chức – quản lý, tài vụ (cấp phát), bản quy định biên chế, quy chế chức vụ, có các phòng ban, các bộ phận, có nhân viên làm việc và các thứ khác; phân hệ phương pháp – kịch bản, soạn thảo kịch bản, giới thiệu phương pháp, kinh nghiệm sáng tác; phân hệ đạo diễn – ý tưởng đạo diễn, kế hoạch tập duyệt, trình bày; phân hệ tâm lý – hoàn cảnh lý do, kết cấu thành phần khách dự, người sáng tạo giải trí và người tham dự giải trí, tổng hòa các mối quan hệ giữa những người cộng tác, ý thức nghề nghiệp, những chuyên gia lành nghề.

Từ các quan điểm trên, có thể nhận định, cấu trúc hoạt động văn hóa bao gồm một hệ thống với ba phân hệ hoạt động cơ bản là: (1) hoạt động sáng tạo ra sản phẩm văn hóa, (2) hoạt động tổ chức phân phối, trao đổi sản phẩm văn hóa, (3) hoạt động hưởng thụ tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Trong mỗi phân hệ hoạt động ấy lại có những nội dung, yêu cầu hoạt động cụ thể của nó, giữa các phân hệ này có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sản phẩm văn hóa không phải lúc nào cũng tuân theo trình tự, tiếp diễn lần lượt từ hoạt động sáng tạo tới tổ chức và hưởng thụ, mà có khi cả ba phân hệ hoạt động này hòa quyện vào nhau và đồng thời diễn ra cùng một lúc. Đây cũng chính là yếu tố đặc thù trong cấu trúc của hoạt động văn hóa, với tư cách là một dạng thức chương trình hoạt động sản xuất tinh thần.

Tiếp nhận và phân tích từ các khái niệm, quan điểm trên, có thể đưa ra một quan niệm về hoạt động văn hóa như sau: Hoạt động văn hóa là quá trình con người sử dụng hệ thống ký hiệu biểu thị và biểu tượng để sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. 

Theo đó, hoạt động văn hóa có các đặc tính sau:

– Hoạt động văn hóa là quá trình sản xuất tinh thần bao gồm các hoạt động sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa;

– Sản phẩm văn hóa là các tác phẩm văn hóa có cấu trúc gồm hai thành tố bề mặt và chiều sâu. Cấu trúc bề mặt là hình thức và nội dung các chương trình văn hóa nghệ thuật, chủ yếu sử dụng hệ thống ký hiệu biểu tượng (tư duy hình tượng). Cấu trúc chiều sâu là hệ thống các giá trị và chuẩn mực văn hóa, định hướng và điều chỉnh quá trình sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của con người;

– Mục đích của hoạt động văn hóa là đáp ứng nhu cầu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

– Phương tiện của hoạt động văn hóa bao gồm hệ thống ký hiệu biểu thị (mang ý nghĩa trực tiếp, thuộc tư duy khái niệm, tư duy khoa học) và hệ thống ký hiệu biểu tượng (mang tính hàm nghĩa, thuộc tư duy hình tượng), hai hệ thống này có mối quan hệ đan xen, lồng ghép và tương tác lẫn nhau.

Hoạt động sản xuất nào cũng thường bao gồm các khâu chủ yếu gắn với sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Với tư cách là hoạt động sản xuất tinh thần, hoạt động văn hóa cũng là quá trình bao gồm các công đoạn: sản xuất, phân phối, bảo quản, trao đổi và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Người nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, nhà tư tưởng sáng lập ra các học thuyết… là sản xuất ra sản phẩm văn hóa; quá trình lưu giữ của các bảo tàng, lưu trữ của thư viện… là bảo quản sản phẩm văn hóa; nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm nghệ thuật, diễn giả diễn thuyết trước công chúng… là phân phối sản phẩm văn hóa; những cuộc trao đổi, tọa đàm, tranh luận, thi tài… qua đó mà cung cấp cũng như thu nhận thêm các kiến thức mới là hoạt động trao đổi sản phẩm văn hóa; công chúng xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, tham dự lễ hội… là hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

Quá trình sản xuất tinh thần với các công đoạn sản xuất, bảo quản, phân phối, trao đổi, tiêu dùng các sản phẩm/tác phẩm văn hóa có thể diễn ra lần lượt theo trình tự độc lập từng khâu khi sản phẩm đó mang dạng thức vật thể, cũng có thể các khâu này sẽ đồng thời diễn ra cùng một lúc khi sản phẩm đó hiện ra dưới dạng thức là các hoạt động chương trình sự kiện – phi vật thể.

Sản phẩm của nền sản xuất tinh thần là những “Tác phẩm văn hóa” có thể tồn tại dưới các dạng thức khác nhau như: dạng vật thể, được thể hiện dưới hình thức các tác phẩm văn hóa sử dụng các phương tiện ký hiệu ngôn ngữ, văn tự, âm thanh, hình ảnh, tổng hợp…; dạng phi vật thể, bao gồm các hình thức hoạt động như chương trình sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội, diễn thuyết, cuộc thi, liên hoan, dạy học, trò chơi…  Dù xuất hiện dưới hình thức vật thể hay phi vật thể thì đặc trưng cơ bản nhất của sản phẩm văn hóa tinh thần cũng chính là tính biểu tượng. Do đó, Đoàn Văn Chúc[17] cho rằng:

“Tác phẩm văn hóa” là một loại sản phẩm tinh thần mang tính biểu tượng, có chức năng xã hội cơ bản là phản ánh và điều chỉnh các quan hệ xã hội, được sản xuất và tiêu thụ trong thì giờ rỗi là chủ yếu, dưới hình thức của dấu hiệu ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, đồ thị, âm thanh, hình ảnh hoặc lai pha, được bảo tồn và truyền bá một cách lâu dài và thường trực bằng những thiết chế thích hợp.

Bằng những kết cấu hình ảnh hoặc âm thanh… sinh động cụ thể (những kết cấu được gọi là biểu tượng), tác phẩm văn hóa làm cho cái không tri giác được như các giá trị trừu tượng (tự do, dân chủ, hạnh phúc…), các đức hạnh, các thói xấu, quyền lực, v.v. trở thành tri giác được. Nhờ sự trình bày và diễn tả bằng biểu tượng mà tác phẩm văn hóa đối thoại với thế giới cảm xúc, tức là với tâm hồn công chúng và cũng do đó mà gây khoái cảm cho họ. Khoái cảm ấy đáp ứng nhu cầu giải trí, tức là nhu cầu tái nhận thức hiện thực theo phương thức thẩm mỹ. Đặc trưng này khu biệt tác phẩm văn hóa với các tác phẩm tinh thần khác chủ yếu đối thoại với thế giới lý tính của công chúng (khoa học, triết học…).

Sản phẩm văn hóa tinh thần được phân phối trực tiếp qua hành động thể hiện, biểu diễn của người sáng tạo, và gián tiếp thông qua các vật thể là những tác phẩm văn hóa mang tính biểu tượng; được bảo quản thông qua các thiết chế văn hóa, bằng những biện pháp bảo đảm cho chúng tính thường trực lâu dài; được truyền bá không giới hạn về không gian, thời gian.

Việc tiêu dùng, thưởng thức các tác phẩm văn hóa cần có thời gian và trình độ nhất định mới có thể thẩm thấu, tri giác được hết các giá trị mang tính biểu tượng của nó. Khi tiêu dùng, lớp vỏ vật chất của sản phẩm văn hóa tinh thần có thể bị hao mòn, nhưng giá trị của sản phẩm văn hóa tinh thần không bị hao mòn, hủy hoại hay mất đi; nó có thể được trao truyền, sáng tạo, nhân rộng và phát triển thêm gấp nhiều lần hơn, một khi đã được công chúng tiêu dùng thừa nhận. Khác với, sản phẩm vật chất thường không mang tính biểu tượng, không trừu tượng hóa (nếu có thì chủ yếu để thực hiện một vài chức năng thực dụng nào đó, chúng không phải là yếu tố quyết định sự tồn tại của sản phẩm vật chất); đồng thời, qua quá trình sử dụng của người tiêu dùng, sản phẩm vật chất sẽ hao mòn và đi tới hủy hoại.

Tạm kết: Diễn đạt của các khái niệm văn hóa tuy có khác nhau nhưng tựu trung có thể thấy giữa chúng có những điểm tương đồng sau: văn hóa là đặc trưng các hoạt động của con người và tính giá trị như là bản chất của các hoạt động văn hóa. Văn hóa là hoạt động sáng tạo của con người trong thực tiễn. Chính nhờ hoạt động thực tiễn mà cái “nhân tạo” được hình thành. Nói cách khác, bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người đã sáng tạo để cái tự nhiên biến thành cái văn hóa – đó chính là những giá trị văn hóa. Văn hóa thuộc lĩnh vực hoạt động tinh thần, hoạt động văn hóa đóng vai trò chủ lực trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của cá nhân và cộng đồng, xã hội. Thông qua các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa sẽ phản ánh những giá trị văn hóa cốt lõi được kết tinh trong đời sống của mỗi cộng đồng xã hội; hội tụ và chuyển giao, bảo tồn và phát triển, điều chỉnh và định hướng lối sống văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội theo hướng ngày càng chân, thiện, mỹ và nhân văn hơn. Việc nghiên cứu lý luận văn hóa và hoạt động văn hóa có vai trò quan trọng nhằm góp phần bổ sung lý thuyết văn hóa học, hoàn thiện phương pháp hoạt động văn hóa để vận dụng vào hoạt động thực tiễn giảng dạy, thực hành tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ngày càng khoa học, chất lượng và hiệu quả hơn./.

Trịnh Đăng Khoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Đào Duy Anh. (2010). Việt Nam văn hóa sử cương: Văn học.
  2. Bộ chính trị. (1987). Nghị quyết số 05-NQ/TW Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Hà Nội: BCHTW.
  3. Đoàn Văn Chúc. (1997). Xã hội học văn hóa. Hà Nội: Viện văn hóa & Văn hóa – Thông tin.
  4. Trần Thị Kim Cúc. (2014). Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật.
  5. Đinh Xuân Dũng, Trần Văn Bính, Phạm Đức Dương… (2014). Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật.
  6. Phạm Đức Dương. (2013). Văn hóa học dẫn luận. Trường Đại học Văn hóa TP.HCM: Văn hóa – Thông tin.
  7. Đảng CSVN. (1998). Nghị quyết số 03/NQ-TW Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội: BCHTW.
  8. Đảng CSVN. (2014). Nghị quyết số 33/NQ-TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hà Nội: BCHTW.
  9. Vũ Khiêu. (2002). Bàn về văn hiến Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Trần Ngọc Thêm. (1995). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Giáo dục.
  11. Nguyễn Nghĩa Trọng (2003). Văn hóa văn nghệ trong đổi mới (Những vấn đề lý luận và thực tiễn): Đại học Sư phạm.
  12. Lê Ngọc Tòng. (2004). Một số nghiên cứu bước đầu về kinh tế học văn hóa. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
  13. Tiến bộ và Sự thật. Từ điển triết học (1986) (Bản dịch ra tiếng Việt có sửa chữa bổ sung). Matxcova: Tiến bộ.
  14. Hoàng Vinh. (2007). Lý luận Văn hóa. Tập bài giảng. Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
  15. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thúy Anh. (2007). Cơ sở văn hóa Việt Nam: Giáo dục.
  16. Жаркова А.Д и Чижикова В.М. (1998). Культурно-досуговая деятельность – Hoạt động văn hóa – giải trí. Учебн. Пособие. Москва: МГУКИ.

[1] Dẫn theo: Đinh Xuân Dũng, Trần Văn Bính, Phạm Đức Dương… (2014). Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật. Tr. 23.

[2] Đinh Xuân Dũng, Trần Văn Bính, Phạm Đức Dương… (2014). Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật.

[3] Đoàn Văn Chúc. (1997). Xã hội học văn hóa. Hà Nội: Viện văn hóa & Văn hóa – Thông tin. Tr. 150.

[4] Tiến bộ và Sự thật. Từ điển triết học (1986) (Bản dịch ra tiếng Việt có sửa chữa bổ sung). Matxcova: Tiến bộ. tr. 577.

[5] Nguyễn Nghĩa Trọng (2003). Văn hóa văn nghệ trong đổi mới (Những vấn đề lý luận và thực tiễn): Đại học Sư phạm. tr. 10-13,18, 19.

[6] Dẫn theo Trần Thị Kim Cúc. (2014). Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật. tr. 113.

[7] Bộ chính trị. (1987). Nghị quyết số 05-NQ/TW Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Hà Nội: BCHTW.  

[8] Đảng CSVN. (1998). Nghị quyết số 03/NQ-TW Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội: BCHTW.

[9] Đảng CSVN. (2014). Nghị quyết số 33/NQ-TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hà Nội: BCHTW.

[10] Dẫn theo Trần Thị Kim Cúc. (2014). Văn hóa Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Chính trị Quốc gia – Sự thật. tr. 113.

[11] Lê Ngọc Tòng. (2004). Một số nghiên cứu bước đầu về kinh tế học văn hóa. Hà Nội: Chính trị Quốc gia. tr. 29.

[12] Hoàng Vinh. (2007). Lý luận Văn hóa. Tập bài giảng. Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 159.

[13] Phạm Đức Dương. (2013). Văn hóa học dẫn luận. Trường Đại học Văn hóa TP.HCM: Văn hóa – Thông tin. Tr. 180, 190-193.

[14] Đoàn Văn Chúc. (1997). Xã hội học văn hóa. Hà Nội: Viện văn hóa và Văn hóa – Thông tin. Tr. 28,29,30.

[15] Hoàng Vinh. (2007). Lý luận Văn hóa. Tập bài giảng. Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 204,205.

[16] Жаркова А.Д и Чижикова В.М. (1998). Культурно-досуговая деятельность – Hoạt động văn hóa – giải trí. Учебн. Пособие. Москва: МГУКИ. Cт. 95-96.

[17] Đoàn Văn Chúc. (1997). Xã hội học văn hóa. Hà Nội: Viện văn hóa & Văn hóa – Thông tin. Tr. 28,29,30.

 

Xổ số miền Bắc