Văn hóa xã hội

Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

[ Cập nhật vào ngày (28/11/2021) ]


– [ Số lần xem: 2887 ]

 1128a.jpg

“Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội – “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”;
“nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của Dân tộc”;
“Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa
bình”; “hào hoa và thanh lịch”; “văn hiến và anh
hùng”;… chúng ta long trọng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển
khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực
văn hóa. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa về nhiều phương diện; tôi rất vui
mừng và hào hứng được đến dự Hội nghị này. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì 3 lý do:

– Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói
lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn,…

– 75 năm nay (từ ngày
24/11/1946), hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn
thế này.

– Họp sau Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Khối Nội
chính; và sắp tới sẽ còn có Hội nghị về đối ngoại và về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng theo tinh thần tôi vẫn nói: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá
ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”.

Trước hết, tôi xin gửi đến các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các
đồng chí lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp
nhất. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đều đã biết, Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới
nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa
dạng. Đến nay, trên thế giới có tới gần 200 định nghĩa khác nhau về Văn hóa.
Nhưng chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa
rộng: thì văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại
trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định (thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng,… văn
hóa Đông Sơn, văn hóa lúa nước,…). Nghĩa hẹp: thì văn hóa là những hoạt động
tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học,
nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người,…).
Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình
văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu
thờ,…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán
của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương…). Văn hóa chúng
ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp.

Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến
những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành
những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân
nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa,
một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn
hóa,…). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi
pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con
người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự
phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và
công bằng.

Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao
nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy,
tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của Dân tộc, làm
nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn
hóa chung của nhân loại. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm
quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên
ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề
cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; và năm 1943, khi nước nhà
còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt
Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận
(chính trị, kinh tế, văn hóa)”, và chủ trương phát triển văn hóa theo ba
hướng: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của
Đảng trong Văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp
đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hoá,
thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc
trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho
cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa, nhà nước
công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu
“Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, “xây dựng
đời sống mới”, văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để
huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên
chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, năm
1954.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cả nước ta đã tập trung vào thực hiện
hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh
giành thống nhất nước nhà, Đảng ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác văn
hóa, động viên và cổ vũ đội ngũ văn nghệ sĩ và những lực lượng làm công tác văn
hóa phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa
mới, con người mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960 đã
xác định mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về văn hóa và áp dụng
những nhận thức đó vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, thiết
thực, phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát
triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo
tồn bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các
công việc đó. Đồng thời, Đảng ta cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác văn hóa
quần chúng, xây dựng các hoạt động và các thiết chế văn hoá ở cơ sở, nâng cao
dân trí, xây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo các thói quen và nếp sống cũ,
xây dựng thói quen và lối sống mới.

Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975 đã góp phần
phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam thực hiện nhiệm vụ vừa kiến quốc, vừa
kháng chiến, huy động được các binh chủng, các lực lượng làm công tác văn hóa
của toàn dân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành Đại thắng
mùa xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối. Lời kêu gọi
thiết tha, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất
định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn
độc lập, tự do!”; “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một!
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” đã
trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng
liêng của Văn hóa Việt Nam!; “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”; thậm
chí “Còn cái lai quần cũng đánh!” (chị Út Tịch). Đồng thời: “Đạp
quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!”.

Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đánh giá rất cao về những đóng góp của
Ngành văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ
cứu nước và khẳng định: Nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào
“Vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên
phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính
yêu của chúng ta chẳng những là Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của Cách
mạng Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế, mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất, được thế giới phong tặng danh hiệu vẻ vang
“Danh nhân văn hóa thế giới”! (cùng với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu
Văn An và mới hôm qua có thêm: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương).

Từ năm 1975 đến năm 1985 là giai đoạn bản lề chuyển từ chiến tranh sang hòa
bình, đất nước ta phải khắc phục hàng loạt những hậu quả của chiến tranh, khôi
phục lại các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục bị tàn phá; thống nhất về thể chế
và thiết chế văn hóa trên phạm vi cả nước. Đồng bào cả nước đã đồng cam, cộng
khổ, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để vượt qua những thách thức
do cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình hình phức tạp của quốc tế lúc đó
gây ra.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng
ta đã tiến hành đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội,
từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Riêng về lĩnh vực văn hoá, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị
rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm
đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và
đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là những nghị
quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta đã chọn 8 lĩnh vực để tập
trung chỉ đạo, trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng con người với trọng
tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa lành
mạnh. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định,
xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây
dựng. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất
trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa
gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng
tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Tiếp đó là
Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI năm
2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước. Trong Nghị quyết này, Đảng ta tiếp tục khẳng định
những quan điểm, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu; đồng
thời bổ sung, nhấn mạnh một số vấn đề mới, khẳng định mục tiêu, vai trò, nhiệm
vụ của văn hóa. Về mục tiêu chung, Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt
Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân
tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành
nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo
đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được
đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; làm rõ đặc trưng của nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa
học; nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có
nhân cách, lối sống tốt đẹp… Trong Nghị quyết này, Đảng ta đã xác định một số
nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển các
ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Bộ Chính trị khóa
XII đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển
văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhắc lại một cách vắn tắt như vậy để muốn khẳng định rằng: Từ ngày thành lập
đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm
đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và
xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức
của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác
định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức
mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển
văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định
hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính
ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa soi
đường cho quốc dân đi”! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ
đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt
đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn
hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích
chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối
sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: Con người là chủ
thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây
dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát
triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ
môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền
vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của
xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con
người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan
hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng
và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc
biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta
cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng
vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và
xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

Như vậy, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ
đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn
diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ
chức triển khai thực hiện trong thực tế.

Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta
có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc
và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa
ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản
phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của
xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được
kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước
đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị
trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc
tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành
trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Việc đấu tranh, phê phán,
đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây
tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong
trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” đã được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của
nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát
triển đất nước nói chung.

Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan
nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng,
toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn
nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa
qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng
vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra
nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại
nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách
sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính
trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền
vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định
đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh
vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều
sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ,
phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc
xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi
các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa
giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di
sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị
tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ,
nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về
văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…
Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp
ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu,
quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa
nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ
gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc;
nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc
(nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”).

Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi,
nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này
đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đến xây dựng
con người và môi trường văn hóa của chúng ta.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan,
trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đặc biệt là trong công tác lãnh
đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về
đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức
lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự
vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn
hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công
tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp ủy
đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối
với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao. Chúng ta cần phân tích
sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn
hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,

Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền văn
hóa Việt Nam cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Những thành
tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và
lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của
nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc,
quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Mặt khác,
những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây
dựng văn hóa vừa qua cũng là những rào cản lớn đối với phát triển văn hóa. Sự
tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên
lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số,… vừa đem
lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển
văn hóa. Đồng thời, chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức của an sinh
truyền thống, an sinh phi truyền thống, nhất là sự biến đổi khí hậu và dịch
bệnh, trước hết là đối phó, thích ứng và sống cùng đại dịch COVID-19, vừa bảo
vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp
cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh
thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân
đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp
của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công
mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ
nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Có thể nói, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội
dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong
văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh
vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,
nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong
những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh
thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền
văn hóa và con người Việt Nam,… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh,
nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc,
chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần
đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc;
phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi
người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành
công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội
XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với
những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình
Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần
nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự
cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị
ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm
no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân
văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn
đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn
hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp
thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng
tạo các giá trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh
gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa,
phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa
của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc
phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng,
miền của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân
dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các
dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất;
cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự
công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ
sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức;
kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống
chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri
và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát
huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược,
người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà
nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã
hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và
công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất
nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển
các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo phương
hướng nói trên, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện một cách
quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp sau:

Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản
lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa,
xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc
tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự
quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong
xây dựng, phát triển văn hóa từ trung ương đến cơ sở. Cấp ủy đảng và chính
quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư
tưởng chỉ đạo của Đảng về Văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình,
kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Khắc
phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm
đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt
ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đại hội XIII của Đảng vừa qua
đã xác định: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới
là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững;
bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát
triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là
nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây
là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc,
quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Đối với công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế
hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách
cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác
sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hoá từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng và
ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn
hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước,
đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài
cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà
nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng
cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn,
tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã
hội.

Thứ hai là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa
tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn
mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công
tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh:
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác lãnh đạo và quản lý
văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên
môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng
vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng
và phát triển văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội
ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này
có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự
nghiệp cách mạng nói chung. Bác Hồ đã từng căn dặn: “Để làm trọn nhiệm vụ
cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao
tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình
với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp” (Hồ Chí
Minh: Toàn tập, tập 10, trang 647). Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với
đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và
cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung
nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển
văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ
thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại
của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hoá và con người
Việt Nam hiện nay.

Thứ ba là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị
văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền,
của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức
mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo
tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di
tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích
quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng Hà Nội có 21
lễ hội); 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là
“di sản văn hóa thế giới” (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 di sản văn hóa
thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)… Đó là một tài sản vô cùng quý báu do
Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được;
chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là
chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng
ta. Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn còn dặn lại rằng: “Muốn yêu Tổ quốc mình
thì phải yêu những khúc hát Dân ca!” (Nhạc sĩ Trần Hoàn với bài hát rất
xúc động “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”; “Giữa Mạc Tư Khoa tôi
nghe câu hò ví dặm”).

Thứ tư là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy
những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao
tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và
đạo lý xã hội (“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải
thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống
nhưng chung một giàn”; “Thương người như thể thương thân”;
“Lá lành đùm lá rách”; “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”;
“Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; “Kính lão đắc thọ”;
“Kính già, già để tuổi cho”; “Anh em như thể chân tay”;
“Kính trên nhường dưới”; “Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo
gấm xông hương mặc người”; “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng
cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông”; “Đói cho sạch, rách cho
thơm”; “Thật thà là cha quỷ quái”; “Tôn sư trọng đạo”;
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Mua danh ba vạn, bán danh ba
đồng”; giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “Chân quê” (bài thơ
của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thuỷ chung son sắt (bài thơ
“Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu năm 1954)… Xây dựng các quy tắc ứng
xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không
gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá
nhân”, nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các
ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa. Chú trọng thực hiện quy định
nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 4 các khóa XI, XII và đặc biệt là các Kết luận, quyết định của Hội nghị
Trung ương 4 khóa XIII của Đảng mới đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,

Hội nghị văn hóa toàn quốc của chúng ta hôm nay là một dịp quan trọng để toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ
trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn
nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc
biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc
xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn,
đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát
vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới
và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của Dân tộc.

Tôi tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có
bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một
dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời
kỳ mới. Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền
tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng
tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với
Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc
quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục
được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công
một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ
vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ
quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta
ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng
của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Và chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể nói rằng Hội nghị của chúng ta hôm
nay có ý nghĩa thiết thực và thành công tốt đẹp về thực chất.

Xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các quý vị đại biểu, các đồng
chí và toàn thể đồng bào ta sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!”.

Xổ số miền Bắc