viết đoạn văn nghị luận về đề bài: “Trang phục và văn hóa”. Tập hợp những suy nghĩ, những hình ảnh và những câu chuyện mà em đã tích lũy được xung quanh vấn đề

Thế giới càng phát triển, con người lại càng quan tâm nhiều hơn đến cách ăn mặc, đến trang phục sử dụng hàng ngày. Trang phục không chỉ có chức năng che chắn, bảo vệ cơ thể mà nó còn thể hiện gu thẩm mĩ, cá tính thậm chí là trình độ văn hóa của mỗi người.

Nói về mối quan hệ giữa trang phục và văn hóa, ông cha ta có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Câu tục ngữ đã đề cao vai trò của trang phục, sự gọn gàng, chỉn chu ngoại hình trong việc bộc lộ vẻ đẹp con người. Qua đó ta có thể thấy cách ăn mặc, trang phục mà ta khoác lên mình cũng là một phần để người khác đánh giá văn hoá của một con người.

Đầu tiên phải nói về trang phục. Trang phục là những đồ vật bao gồm quần áo, giày, dép, phụ kiện, … là những phục trang bên ngoài có chức năng che chắn, bảo vệ cũng như làm đẹp cho con người. Có nhiều loại trang phục khác nhau như: trang phục lễ hội, trang phục thể thao, trang phục mùa đông, … tùy vào hoàn cảnh, điều kiện thời tiết mà con người có thể lựa chọn cho mình loại trang phục phù hợp. Vậy nên, trang phục không chỉ có những chức năng che chắn mà nó còn thể hiện gu thẩm mỹ, tính cách và văn hóa của mỗi người, mỗi quốc gia.

Văn hoá là cách sống, cách ứng xử, là phạm trù đạo đức của con người hợp với các chuẩn mực, các quy tắc của xã hội. Văn hóa bao hàm nhiều khía cạnh trong cuộc sống như lối sống, học vấn, trang phục đôi khi văn hoá còn là vấn đề tâm linh và tôn giáo nữa. Vậy nên khi đánh giá một người, chúng ta cần nắm bắt nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người đó như là trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, lối sống, cách ăn mặc. Thế nhưng có lẽ ấn tượng đầu tiên về văn hoá của một người là cách ăn mặc, việc sử dụng trang phục của người đó. Trang phục gọn gàng, lịch sự, trang nhã sẽ mang đến thiện cảm cho người đối diện, ngược lại trang phục lố bịch, không gọn gàng có thể tạo ra những ấn tượng xấu cho người khác trong lần đầu tiên tiếp xúc.

Trang phục được tạo thành từ gu thẩm mỹ của mỗi người, từ những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có cho mình những bộ trang phục đặc trưng biểu tượng cho văn hoá nước họ. Trang phục đó là một nét đẹp mang tính kế thừa, từ truyền thống cho tới hiện đại. Nếu nhắc đến áo dài, nón lá, áo tứ thân người ta sẽ nhớ tới Việt Nam, nhắc đến Kimono người ta nhớ tới Nhật Bản, nhắc tới sườn xám người ta nói đến Trung Hoa, … Đó là vì trang phục cũng là một phần đại diện cho văn hoá của một quốc gia. Trang phục góp phần làm nên diện mạo của văn hoá, ăn sâu vào nếp sống cũng như tâm trí mỗi con người ở đất nước ấy. Ví như áo dài, xuất hiện từ những năm 1744 ở Việt Nam, bắt nguồn từ áo giao lĩnh, qua hàng trăm năm thay đổi từ màu sắc, kiểu dáng, cuối cùng chúng ta thấy được một kiểu áo dài đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Chiếc áo dài với chiếc nón lá từ bao đời đã trở thành nét đặc trưng rất riêng của người Việt, để đi tới đâu, chỉ cần nhìn thấy, thế giới đều biết được đó là văn hoá của dân tộc Việt Nam. Như vậy, trang phục là một phần của văn hoá, là một phần giúp lan toả văn hoá của dân tộc quốc gia ra toàn thế giới.

Tuy rằng ở mỗi thời kì, trang phục đều mang theo những đặc điểm riêng của văn hoá thời đại. Những chiếc áo bà ba, những chiếc áo tứ thân, áo dài đã trở thành những nét đẹp truyền thống, cũng như văn hoá vùng miền. Ngày nay, xã hội đã phát triển hơn, những chiếc áo truyền thống không còn phổ biến, chúng ta có những bộ trang phục năng động hơn, gọn gàng hơn, hợp thời trang hơn. Thế nhưng, những chiếc áo truyền thống, trang phục truyền thống vẫn là nét văn hoá đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Một dân tộc giữ được bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, trang phục của mình thì đó là một dân tộc mạnh.

Không chỉ thế, trang phục còn là thứ giúp ta nhận diện tính cách của một con người. Như chúng ta đã biết, trang phục được mặc trên mỗi người đều thể hiện gu thẩm mỹ của người đó. Một người yêu thích sự đơn giản, thường xuyên mặc những bộ đơn giản như áo phông, quần jeans thì hẳn là một người yêu thích sự giản dị, không cầu kì trong cách ăn mặc, rất thân thiện. Hay một người thường xuyên mặc những bộ trang phục bắt mặt, thời thượng, luôn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất thì hẳn là một người luôn quan tâm tới vẻ ngoài, họ có thể làm trong các lĩnh vực liên quan nhiều đến cái đẹp. Như thế có thể hiểu, trang phục đã giúp chúng ta có được một cái nhìn đầu tiên, ấn tượng đầu tiên khi lần đầu tiếp xúc với một con người. Hoặc khi chúng ta tiếp xúc với những người luôn mặc những trang phục chỉnh chu, lịch sự, thì hẳn đó là một con người có trình độ văn hoá khá cao. Trang phục là cái nhìn đầu tiên về một người, giúp chúng ta đánh giá về họ một cách khách quan.

Dẫu biết rằng trang phục là thứ thể hiện cá tính cũng như gu thẩm mỹ của mỗi người, thế nhưng không vì thế mà chúng ta quá tùy tiện trong việc lựa chọn trang phục, cần tránh những trang phục phản cảm, lố lăng. Trang phục phải dung hoà với văn hoá.

Trang phục là thước đo phản ảnh văn hoá vì vậy sử dụng trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh, mục đích cũng như lứa.

Hãy nhìn lại dòng chảy của lịch sử, chúng ta có thể thấy những vĩ nhân là những người thường có những trang phục phù hợp với tính cách, phù hợp với văn hoá của họ, mà điển hình là Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người là một cuộc đời dung dị của một Chủ tịch nước, sự mộc mạc, giản dị, chân phương. Chỉ với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, Người đã sống một cuộc đời không hề tầm thường. Bất cứ ai nhìn vào Người, bộ quần áo Người mặc cũng bắt gặp trong đó hình ảnh của một con người đức độ, hiền lành, ẩn chứa một trí tuệ và sức mặc phi thường.

Để hoà hợp giữa trang phục và văn hoá, tưởng chừng như rất khó nhưng thực ra chỉ cần một chút tinh tế, một chút thẩm mỹ là có thể tạo nên cho mình một bộ trang phục rất đẹp rồi. Bởi ăn mặc đẹp không phải là khoác lên mình những bộ cánh hàng hiệu, đắt tiền là từ lối sống, từ tính cách, từ hoàn cảnh. Chọn trang phục phù hợp chúng ta sẽ có một bộ trang phục không chỉ đẹp mà còn mang tính văn hoá nữa. Đừng trở thành những nạn nhân của những cuộc chạy đua thời trang, nạn nhân của những món nợ vì đua đòi những chiếc túi hàng hiệu. Trang phục đẹp phải kèm với văn hoá, đừng vì đánh bóng tên tuổi mà ăn mặc phản cảm, dị hợm, thiếu văn hoá!

Ai cũng muốn được đẹp trong mắt người khác, điều đó không sai nhưng trang phục đẹp phải kèm với văn hoá, kèm với cách ứng xử thông minh và lịch sự. Hãy nên trau dồi kiến thức về văn hoá, về thời trang để trở thành một con người không chỉ có cách ăn mặc đẹp mà còn có một tâm hồn đẹp, một nhân cách đẹp nữa.

Xổ số miền Bắc