Xây dựng gia đình văn hóa trong tình hình mới

Thực hiện Quyết định số 106/2005 QÐ-TTg ngày 16-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất – năm 2007 từ ngày 28 đến 30-9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa khởi nguồn từ tỉnh Hưng Yên vào những năm 60 của thế kỷ trước rồi lan rộng ra cả nước trở thành nội dung quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nghị quyết T. Ư 5 (Khóa VIII) đã nêu đó là một trong bảy phong trào cụ thể trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tính đến tháng 12-2006, cả nước có 81,87% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó 72,58% số hộ đạt chuẩn văn hóa.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng đều trên phạm vi toàn quốc đạt được hiệu quả trên một số lĩnh vực như sau: Ðã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng đạo đức lối sống của nhân dân. Góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội. Góp phần tích cực vào việc đề cao giá trị đạo đức, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Góp phần thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường. Có tác động gắn kết và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước và các phong trào lớn của các ngành, tổ chức và đoàn thể, tổ chức xã hội phát triển đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực như phong trào Ðền ơn đáp nghĩa; Xóa đói, giảm nghèo…

Góp phần tác động trực tiếp vào tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và xây dựng mô hình nông thôn mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo nên nét đẹp văn hóa trên nhiều vùng, miền Tổ quốc bằng hình ảnh những gia đình văn hóa tiêu biểu, phát huy những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp của mỗi người, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Ðể phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển có chiều sâu và hiệu quả thiết thực hơn nữa, chúng tôi thiết nghĩ cần đặt công tác này trong tình hình mới của đất nước. Nếu trước kia khát vọng lớn nhất của nhân dân ta là giành độc lập tự do cho Tổ quốc, thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than thì nay khát vọng lớn nhất là thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đất nước giàu mạnh, mọi người bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Nội dung xây dựng gia đình văn hóa cũng phải thể hiện được khát vọng đó. Lòng yêu nước của mỗi thành viên trong gia đình được thể hiện ở ý thức vươn lên mạnh mẽ trong học tập, công tác, lao động nắm bắt tri thức của thời khoa học công nghệ để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhanh chóng thoát nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng. Các gia đình vun đắp nhiều tài năng cho đất nước trên mọi lĩnh vực.

Cuộc sống hiện đại, nhất là quá trình đô thị hóa, cũng đòi hỏi sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình hướng tới một xã hội văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, cần phải thấy rõ những tác động tiêu cực trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền và các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào hằng ngày, hằng giờ hủy hoại những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.

Hơn bao giờ hết, trong lúc này, phải giữ vững và phát huy cao độ tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống như hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận… Ðạo hiếu cần được đặc biệt coi trọng như là cốt lõi của lối sống đạo đức gia đình. Những kẻ bất hiếu với bố mẹ, ông bà làm sao có thể hiếu với dân, với nước. Lối sống tôn thờ đồng tiền sẽ làm đảo lộn thang giá trị đạo đức của gia đình. Cho nên khi khuyến khích sự làm giàu của gia đình cần nhấn mạnh là làm giàu chính đáng, làm giàu bằng sức lao động và trí tuệ của mình làm giàu không phải bằng bất cứ giá nào mà phải luôn luôn giữ gìn giá trị đạo đức gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở gia đình truyền thống làm nền tảng, từ đó tiếp thụ những yếu tố tiên tiến của thời hiện đại chính là bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong cuộc sống mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa gồm ba tiêu chí:

– Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

– Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

– Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Vận dụng ba tiêu chí ấy, các địa phương, vùng, miền cần đưa ra những nội dung cụ thể vì hoàn cảnh kinh tế, trình độ dân trí, thành thị hay nông thôn, miền núi hay đồng bằng đều có những nét khác biệt, thậm chí từng cụm dân cư hoàn cảnh mỗi gia đình một khác, như người xưa thường nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nội dung càng cụ thể, càng sát với đời sống nhân dân thì hiệu quả càng cao.

Xây dựng gia đình văn hóa không chỉ đóng khung trong mỗi gia đình mà nó cần gắn kết với các phong trào quần chúng của địa phương làm cho gia đình và xã hội có sự gắn bó hữu cơ, tác động tương hỗ. Sự gắn kết này sẽ khắc phục tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” để mỗi gia đình mở toang cửa đón nhận tình làng nghĩa xóm và ánh sáng văn hóa mới. Thí dụ các tỉnh Tây Bắc đã phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa theo phương thức tập trung phát triển kinh tế gia đình, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Các tỉnh khu vực Nam Bộ chú trọng xây dựng gia đình văn hóa kết hợp các phong trào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ổn định. Hà Nội có phong trào xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, TP Ðà Nẵng có chương trình “Thành phố năm không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có kẻ giết người cướp của) và “Thành phố ba có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị). Các vùng dân tộc thiểu số gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của các dân tộc… Mỗi gia đình văn hóa không chỉ gắn kết mà còn là nòng cốt trong việc thực hiện hương ước, quy ước xây dựng làng, thôn, bản, khu phố, cơ quan văn hóa.

Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa cũng có tác động lớn đến chất lượng của phong trào, vì bình xét đúng mới có tác dụng nêu gương. Bên cạnh việc bình xét cũng cần có kinh phí khen thưởng kịp thời. Cần phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào, kết hợp phương châm xã hội hóa như việc khen thưởng các em học sinh giỏi, đỗ điểm cao đã có “Quỹ khuyến học, khuyến tài”. Trong các cụm dân cư phải tạo thành dư luận khen, chê của quần chúng biểu dương những gia đình làm tốt, phê phán những thói hư tật xấu trong gia đình và cộng đồng. Một số nơi vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích, chạy theo số lượng không bảo đảm tiêu chí gia đình văn hóa. Việc bình xét dễ dãi, không đúng tiêu chuẩn sẽ làm mất giá trị của danh hiệu, thậm chí phản tác dụng. Việc tổ chức đăng ký, bình xét, khen thưởng chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Một số nơi chưa có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, chưa tạo được động lực hấp dẫn phong trào để cuốn hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Xây dựng gia đình văn hóa là nuôi dưỡng tế bào lành mạnh để xã hội phát triển, là xây tổ ấm cho mỗi người để hình thành và hoàn thiện nhân cách con người mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần tạo nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ đất nước. Với ý nghĩa ấy, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí vai trò và tầm quan trọng của công tác này. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa phải thật sự là một trong những động lực quan trọng quyết định thành công sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

TRUNG ÐÔNG

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng:

Xây dựng gia đình văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ðây là công tác có tầm chiến lược quốc gia, xây dựng gia đình văn hóa là động lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội, góp phần tích cực xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Kế thừa và phát huy những yếu tố tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống là một nội dung cần thiết của nội dung xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở những tiêu chí chung của gia đình văn hóa đòi hỏi có sự vận động sáng tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi vùng, miền.

Ủy viên thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Thị Liên:

MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã tuyên truyền ý nghĩa, nội dung gia đình văn hóa, phổ biến tiêu chí cụ thể để gia đình trong các cộng đồng dân cư đăng ký cam kết thực hiện. Gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung chuyên đề như: xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, phòng, chống AIDS, bảo vệ môi trường, thực hiện nội dung dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe… Ðưa việc xây dựng gia đình văn hóa trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng khu dân cư tiên tiến  hằng năm. Ðây là một nội dung quan trọng trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Cục trưởng Văn hóa – Thông tin cơ sở Nguyễn Ðạo Toàn:

Ðể nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng gia đình văn hóa vấn đề đầu tiên cần được chính quyền, cấp ủy địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển, vì đây là công việc lâu dài. Vấn đề thứ hai là làm tốt công tác tuyên truyền để cho mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư hiểu rõ đây là công việc liên quan đến ích nước lợi nhà, để có trách nhiệm và tự giác trong việc xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận tiến bộ, có như vậy chất lượng hiệu quả mới cao, có ý nghĩa thiết thực. Trong công tác vận động cần phối hợp các ngành, các cấp. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… cùng vận động hướng dẫn, để người dân biết được tiêu chuẩn gia đình văn hóa, mà đăng ký và phấn đấu. Cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho cán bộ ở cơ sở. Xây dựng gia đình văn hóa phải kết hợp hài hòa giữa “xây và chống”, lấy “xây” để “chống” đặc biệt là chống các hủ tục lạc hậu, phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là chống bạo hành trong gia đình.

Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hưng Yên Nguyễn Duy Hy:

Phát huy truyền thống quê hương phong trào gia đình văn hóa của cả nước, thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HÐND tỉnh, trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa và đạt được kết quả đáng phấn khởi. Phong trào đã khai thác và phát huy được giá trị truyền thống, đạo lý dân tộc, tạo thành động lực thu hút được các gia đình thuộc nhiều thành phần hưởng ứng tham gia tích cực, từ những gia đình nông dân, công nhân, trí thức, lực lượng vũ trang đến gia đình công giáo, gia đình tiểu thương… đều đăng ký tham gia thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình văn hóa tăng cả về số lượng và chất lượng. Ðến nay hơn 81% số hộ gia đình trong tỉnh đạt chuẩn văn hóa. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương. “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, anh em thuận hòa, sống có trách nhiệm… mang đặc trưng nổi bật của gia đình truyền thống Việt Nam.

Xổ số miền Bắc