Ý NGHĨA CÂY NÊU TRONG TÂM THỨC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ – Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

Thư viện Tỉnh Đồng Nai

>

Bài viết 2015

>

Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng

>

Bài đăng

>

Ý NGHĨA CÂY NÊU TRONG TÂM THỨC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ


Ý NGHĨA CÂY NÊU TRONG TÂM THỨC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

Từ lâu, cứ mỗi dịp Tết đến, người Việt Nam thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới.

Trong phong tục lâu đời của dân tộc Việt Nam, cây nêu còn mang triết lý âm dương, bao hàm sự thống nhất và tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết giữa động và tĩnh, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất).

Do sắc thái văn hóa khác nhau, nên mỗi cây Nêu ngày Tết của mỗi dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa tâm linh khác nhau.

Hình tượng cây nêu trong Lễ hội Sayangva (Lễ hội mừng lúa mới) của người Chơ Ro

Là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro.

Theo cách nghĩ của người Chơro, cây nêu được xem là cây thông thiên để gửi “tin báo và thư mời” cho thần linh đến dự lễ hội. Dưới gốc cây nêu, cộng đồng người Chơro ca hát nhảy múa chia sẻ những niềm vui với nhau. Một trong những ý nghĩa biểu trưng nhất là cây nêu thể hiện hình bông lúa mẹ – bông lúa lớn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trước bàn thờ Yang, trước cây nêu, người Chơro khấn trình lòng thành của mình và cầu xin thần linh ban cho vụ mùa với những bông lúa nặng trĩu, chắc hạt. Đó cũng chính là ước vọng chung của cư dân làm nông nghiệp.

Cây nêu đánh dấu lãnh thổ của người Mạ

Cây nêu đánh dấu lãnh thổ của người Mạ

Đối với người Mạ, cây nêu là một trong những thành tố hết sức quan trọng. Trong lễ ăn trâu mừng một nghìn gùi lúa, người Mạ dựng những 3 cây nêu: 1 cây nêu uống rượu và 2 cây nêu ăn trâu.

Đều là vật dụng để cúng thần linh, nhưng khi nghi lễ kết thúc, mỗi cây nêu lại có số phận khác nhau.

Trong quan niệm của người Mạ, cây nêu là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế. Còn cây nêu, tức là thần còn ở, còn phải có rượu, có thịt dâng thần. Sau khi nghi lễ kết thúc, cây nêu uống rượu vẫn được người Mạ giữ lại, bởi đó là cây để thần uống rượu cần trong nhà có thể giữ đến khi nào hỏng thì thôi, vì trong một năm, người Mạ tổ chức rất nhiều hoạt động nghi lễ khác và không phải mất công làm lại. Cứ có nghi lễ gì, đặt cái ché là gọi thần được rồi. Thì cây đó có thể tồn tại trong thời gian dài hơn cây khác.

 Đối với cây nêu buộc trâu, sau lễ, người ta không chặt bỏ cây này mà chỉ tháo đi vật trang trí. Nếu nó đâm rễ, mọc lên, người ta cho đấy là may mắn. Còn nếu nó chết đi thì dân làng để tự mục. Khi làm lễ ăn trâu mới, người Mạ phải làm cây nêu buộc trâu mới. Vào các làng người Mạ, thấy trong sân có bao nhiêu cây gòn nghĩa là làng đó đã tổ chức bấy nhiêu lễ ăn trâu mừng một nghìn gùi lúa.

 Việc giữ lại cây nêu cột trâu, ngoài ý nghĩa tâm linh, còn là hành động nhằm đánh dấu lãnh thổ cư trú khá khôn ngoan của người Mạ. Theo phong tục về văn hóa Mạ thì đây là một cách đánh dấu buôn cũ. Người Mạ ăn rừng xong thì bỏ hoang 1 thời gian, tìm đất khác. Đây là hình thức đánh dấu chỗ mình từng cư ngụ để con cháu sau này biết đường mà về. Khi mình bỏ làng đi rồi, có một ông nào đó đến đất mình làm rẫy thì sao? Mình phải nói: cái cây ngày xưa trâu tôi ăn vẫn còn gốc ở đây này. Đất này là đất của tôi đã phụng sự thần linh thì có cơ sở nào mà ông đến giành. Cây nghi lễ đó khi lên rồi, đâm hoa kết quả rồi nghĩa là thần linh đã xác nhận sở hữu này rồi. Anh không thể nói dối được, nói dối thì sợ bị trừng phạt. 

 Cây nêu trong tâm thức người K’Ho

Trong các lễ hội phổ biến của người K’Ho thường là lễ gieo sạ lúa, cúng dưỡng lúa và mừng lúa mới, họ còn tổ chức các nghi lễ, như cầu mưa, cúng bến nước… vào những lễ hội trên, họ đều dựng cây nêu. Tuy nhiên, tùy theo từng lễ hội mà bà con làm cây nêu lớn hay nhỏ, đơn giản hay công phu. Hay nói cách khác, tùy theo mức độ quan trọng và con vật hiến tế của lễ hội mà người K’Ho dựng cây nêu lớn nhỏ khác nhau và được chia làm 3 tầng: Tầng dưới cùng (phần tiếp đất) là nơi cúng tế thần linh, nên tầng này được làm khá chắc chắn. Tầng ở giữa là nơi trú ngụ của thần linh, đặc biệt là thần lúa, nên tầng này được trang trí rất đẹp và được làm 4 cánh cong vút, tỏa ra 4 hướng được gắn nhiều tua màu trắng tượng trưng cho hình cây lúa, bông và hạt lúa. Phần ngọn gần tiếp đất có gắn “pet lel” không chỉ để làm cho các cánh của cây nêu cong đẹp mà còn là nơi tạo, phát ra những âm thanh du dương mỗi khi có làn gió thổi vào nhằm ru các vị thần cũng như khách khứa dự hội ăn uống say sưa và vui vẻ. Còn ở tầng trên cùng được đan một tổ chim tượng trưng cho cộng đồng đoàn kết, thống nhất. Ở trên đó, có con chim bồ câu ngự trị thể hiện quyền uy, che chở và bảo vệ cộng đồng, là vị thần “hòa bình” nhằm mang đến niềm vui, no ấm và sự bình yên cho buôn làng. Trên chim bồ câu còn được cắm lá cờ đỏ giúp cho các thần linh dễ nhận biết là buôn làng đang tổ chức lễ hội mà đến dự.

Về mặt tâm linh, cây nêu là nơi người K’Ho cúng Yàng. Nhìn về mặt tổng thể, thì đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và sinh động được thể hiện từ cách sắp xếp, bố trí cho đến việc trang trí các hoa văn, họa tiết một cách hài hòa.

Nét đẹp văn hóa cây nêu của người Ba Na

Cây nêu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba Na.Ngày trước, cây nêu chỉ được dựng trong Lễ đâm trâu – Lễ cúng Giàng trọng đại của người Ba Na, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho mọi người khỏe mạnh, bình an, no ấm. Theo thời gian, cây nêu được dùng ở nhiều sự kiện khác trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn với sinh hoạt của bà con.

 Có điều đặc biệt, là cây nêu chỉ do nam giới đảm nhận. Nữ giới tuyệt đối không tham gia vào bất cứ công đoạn nào để làm cây nêu. Ngoài thân cây tre (le, nứa )thẳng đứng, tất cả các hoa văn, vật phẩm trang trí trên cây nêu đều được làm một cách khéo léo, tỷ mỉ bằng tay, từ các bậc cao niên, có kinh nghiệm đến đám trai trẻ.

Cây nêu, cột lễ của người Cơ Tu

Đối với người Cơ Tu, cây nêu cột lễ ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, cây nêu, cột lễ còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội.

Cây nêu là một thành tố có quan hệ mật thiết với cây cột lễ nhưng lại hoàn toàn tách rời với cây cột lễ. Trong khi cây cột lễ được chôn chính giữa sân nhà gươl thì cây nêu (thường là 2 cây tre) được chôn ở vòng ngoài, câu ngọn vào phía trong tạo thành hình cung gãy ngay trên đỉnh của cột lễ. Trên ngọn cây này thường được trang trí hình chim – đại diện cho linh vật tầng trên. Cột lễ là cột “thiêng” vì đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ; bàn thờ cúng dâng lễ vật hiến sinh cho thần linh; nơi trình diễn điệu múa “Tân tung dá dá”; không gian thiêng kết nối, thông quan giữa thần linh với con người.

Cây nêu, cột lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơ Tu. Xét về phương diện tinh thần, đây là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng-hiến tế. Xét về phương diện nghệ thuật, đây là một sản phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức.

Dựng cây Nêu – Phong tục ngày tết giàu ý nghĩa của người Mường

Về nguồn gốc của tục dựng cây nêu trong ngày tết, truyện cổ của dân tộc Mường kể lại rằng: Thưở xưa, khi đất trời hỗn mang, lũ ma quỷ hoành hành gây nên bao tai ương trên đất mường. Theo lệnh của Mệ Vua Woàng Bà hay còn được gọi là Phật Bà (Phật của người Mường), con dân đất mường khắp nơi gia nhập các đội quân đánh quỷ do Mệ Vua thành lập. Đội quân đội nào cũng có cồng chiêng, có lệnh, vừa đánh quỷ vừa tấu chiêng dậy đất. Lũ quỷ thua trận bỏ chạy đến đâu, theo phép Mệ Vua dân mường cho cắm cây Nêu nhận và giữ đất đất đến đó. Trên cây Nêu có treo chiếc áo của Phật sử dụng phép biến hóa, hễ bóng của chiếc áo tỏa ra đến đâu lũ quỷ bỏ chạy khỏi đó và đấy cũng là đất của Phật cho con người sinh sống. Sau đó, vào dịp tết cổ truyền, người Mường đều dựng cây nêu để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn của Mệ Vua và đuổi trừ ma quỷ.

Theo đó, ngày 28 tháng Chạp, cùng với việc chuẩn bị các loại rượu, thịt, bánh và mâm cơm để cúng gia tiên, các gia đình người Mường đều dựng một cây nêu ở vị trí trang trọng phía trước sân nhà.

Dù tên gọi có thể khác nhau nhưng nhìn vào hình thể và cấu trúc, cây nêu của các dân tộc song tựu chung mang ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, vừa là hình tượng nghệ thuật kiến trúc, vừa là biểu tượng tâm linh trong các nghi lễ truyền thống, thể hiện khát vọng nông nghiệp, ước vọng về một cuộc sống no đủ.

Tháng 6/2017 Bộ VHTTDL phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam và đại diện 14 tỉnh, thành tổ chức Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2017 tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngày hội được tổ chức với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, diễn viên thuộc 15 dân tộc: Cơ tu, Cor, Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Quảng Nam); Ba Na (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk), M’nông (Đắk Nông); Gia Rai (Gia Lai); X’tiêng (Bình Phước); Raglai (Ninh Thuận); Tà Ôi (Thừa Thiên Huế); Sán Dìu (Tuyên Quang); Tày (Thái Nguyên); Nùng (Lạng Sơn); Mường (Thanh Hoá). Với 17 cây nêu cao vút, vươn lên trời xanh và 17 trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hoá gắn với cây nêu có ý nghĩa phản ánh tín ngưỡng tâm linh tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thần lúa của cư dân nông nghiệp được hun đúc theo chiều dài lịch sử của cộng đồng các tộc người sinh sống trên dải đất Việt Nam. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, nhằm thúc đẩy việc giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo động lực trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, giúp làm cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của các nghệ nhân, diễn viên – là chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân vũ các dân tộc, khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nguyễn Sen

Xổ số miền Bắc