y nghia luat di san vh

LTS (trong nước)
– Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X đã thảo luận và thông qua Luật di sản
văn hóa. Đây là một công cụ pháp lý nhằm điều chỉnh các hoạt
động của con người trong lĩnh vực di sản văn hoá. Luật Di sản văn hoá
gồm 7 chương, 79 điều. Chương I qui định các điều khoản chung, chương
VI qui định về khen thưởng và xử lý vi phạm, chương VII qui định về các
điều khoản thi hành, còn lại 4 chương của Luật là những quy định quyền
và nghĩa vụ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh
vực di sản văn hoá. Để giúp bạn đọc tìm hiểu ý nghĩa và những nội
dung của đạo luật quan trọng này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của
TS Trương Quốc Bình, Thư ký Ban soạn thảo Dự án Luật Di sản văn hoá.

Di sản văn hoá là tài sản vô
cùng quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc,
là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hoá.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều hoạt động
nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của cha ông, góp phần
to lớn vào việc bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa,
xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc.

Những năm qua, chúng ta đã có một
số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Tính đến
nay, cả nước đã có hơn 2.500 di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng
cảnh các loại được công nhận là di tích cấp quốc gia, trong đó có 4
di tích và thắng cảnh tiêu biểu đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế
giới ( Khu di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Khu di
tích Mỹ Sơn) ; đã có l 17 bảo tàng các loại (trong đó 5 l bảo tàng đã
có kho bảo quản và nhà trưng bày cố định).

Những năm qua, mặc dù còn phải
đương đầu với những khó khăn gay gắt về kinh tế- xã hội, Đảng và
Nhà nước ta vẫn dành cho công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá những
sự quan tâm không nhỏ. Thực hiện Chương trình quốc gia về văn hoá-
trong đó có các mục tiêu liên quan tới việc tu bổ, chống xuống cấp di
tích và nghiên cứu, tư liệu hoá các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu,
từ năm 1994 đến nay, 178 tỷ đồng đã được Nhà nước đầu tư cho việc
tu bổ chống xuống cấp l. 197 di tích trong cả nước. Trong số hơn 80 di tích
dự kiến trình Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc
biệt, có tới 21 di tích đã được đầu tư và hoàn thành cơ bản việc
chống xuống cấp đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Không ít dự án tổng thể liên
ngành kinh tế – xã hội và văn hoá, mà hạt nhân là các khu di tích lịch sử
– văn hoá quan trọng như Pắc Bó, Tân Trào, Đền Hùng, Cổ Loa, AT K Việt Bắc
… đã được xây dựng và triển khai, phối hợp giải quyết các nhu cầu
về giáo dục truyền thống, y tế, giao thông nông thôn, góp phần cải thiện
đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc – những người
đã từng bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng và hiện cũng là lực lượng
chính bảo vệ di tích tại địa phương.

Một trong những thành tựu nổi bật
của các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong những
năm qua là việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục
và thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động bảo vệ và phát
huy di sản văn hoá trong cả nước. Việc phối hợp với cơ quan báo chí
phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương nhằm tuyên truyền,
quảng bá các giá trị của di tích lịch sử và văn hoá được đẩy mạnh.
Việc giáo dục truyền thống cách mạng trên cơ sở các tài liệu, di vật
lịch sử được đổi mới, đã và đang có những đóng góp không thể phủ
nhận vào công tác tư tưởng của các Đảng bộ cơ sở. Mười năm qua, chỉ
riêng 11di tích và chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón và phục vụ
được 35 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước.

Thực hiện phương châm “Nhà nước
và nhân dân cùng làm”, các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn
hoá đã và đang thu hút được sự ủng hộ và tham gia tự nguyện của
các tổ chức xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cho đến nay,
nhân dân ở các địa phương đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho việc
tu bổ các di tích. Khu di tích Đền thờ Lý Bát Đế thuộc tỉnh Bắc Ninh
được phục hồi chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp lên tới hàng chục tỷ
đồng của nhân dân. Riêng việc xây dựng công trình tôn vinh các danh nhân
văn hoá Việt Nam tại khu di tích Văn Miếu, Quốc Tử Giám nhân kỷ niệm
990 năm Thăng Long đã nhận được hơn l triệu USD do Tổng Công ty Dầu khí
Việt Nam ủng hộ. Mặt khác, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế
dưới mọi hình thức, cùng với việc tranh thủ kinh nghiệm quốc tế về
khoa học- công nghệ tiên tiến, chúng ta còn nhận được sự ủng hộ về
tài chính và thiết bị kỹ thuật. Tính chung trong mười năm trở lại đây,
các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước
đã tài trợ 3.758.000 USD trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị
di sản văn hoá ở Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu rất đáng
khích lệ nói trên, hoạt động bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá
ở nước ta cũng còn nhiều hạn chế và tồn tại. Nguyên nhân cơ bản của
tình trạng này, ngoài những hạn chế về điều kiện tài chính, về tổ
chức quản lý, về năng lực, trình độ cán bộ… là sự bất cập và sự
không đồng bộ của hệ thống pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ và phát
huy giá trị các di sản văn hoá. Pháp lệnh “Bảo vệ và sử dụng di
tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh” năm 1984 và những quy
định pháp luật khác cũng đã bộc lộ những tồn tại và hạn chế rất
rõ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường .

Những quy định của Pháp lệnh năm
1984 chưa đề cập đến những vấn đề bức xúc của công tác quản lý
di sản văn hoá hiện nay như : công nhận các hình thức sở hữu khác nhau
về di sản văn hoá; sự tồn tại và nhu cầu quản lý thị trường cổ vật;
xuất nhập khẩu cổ vật phục vụ giao lưu văn hoá quốc tế, những vấn
đề tổ chức và hoạt động của hệ thống bảo tàng Việt Nam – trong đó
có việc xây dựng các sưu tập và bảo tàng tư nhân.

Công tác thanh tra các hoạt động bảo
vệ và phát huy di sản văn hoá không được tiến hành thường xuyên và xử
lý nghiêm minh làm cho hiệu lực thực tế của Pháp lệnh bị hạn chế.
Các quy định về khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tổ chức có
thành tích cụ thể chưa được thực hiện nên không động viên được
phong trào chung. Đặc biệt hiện tượng vi phạm di tích do các hoạt động
kinh tế, xây dựng còn khá nặng nề, trường hợp xâm lấn đất đai di tích
vẫn chưa được giải toả và xử lý dứt điểm.

Việc phân cấp về thẩm quyền và
trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về di sản
văn hoá và chính quyền các cấp chưa cụ thể, nên còn hiện tượng đùn
đẩy trách nhiệm, ỷ lại Nhà nước; các địa phương không chủ động dành
ngân sách cho việc tu bổ di tích hoặc khoán trắng cho dân. Chính vì vậy,
tình trạng đào bới trái phép các khu di tích khảo cổ, tìm kiếm và buôn
bán trái phép cổ vật, xây dựng hoặc tu bổ di tích tuỳ tiện, thương mại
hoá các hoạt động lễ hội đã và đang trở thành những vấn đề bức
xúc, thành nỗi lo của nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự
quan tâm không nhỏ của toàn xã hội. Pháp lệnh “Bảo vệ và sử dụng
di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh” năm 1984 mới chỉ
điều chỉnh đối tượng di sản văn hoá ở dạng vật thể, chưa đáp ứng
được yêu cầu đặt ra hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5
(khoá VIII) là xác định việc bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá
trị văn hoá truyền thống, văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật
thể và phi vật thể; đồng thời đưa ra những giải pháp lớn để xây dựng
và phát triển văn hoá, trong đó khẳng định sự cần thiết phải nghiên
cứu xây dựng Luật Di sản văn hoá.

Mặt khác, trong những năm qua, nhiều
bộ luật mới đã được xây dựng và ban hành. Trong thực tiễn, những
quy định cụ thể về quan hệ dân sự của Luật Dân sự, về sử dụng
đất của Luật Đất đai, về bảo vệ cảnh quan môi trường của Luật Môi
trường, Luật Biển, Luật Bảo vệ rừng,..có liên quan đến các hoạt động
bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá cùng trách nhiệm tổ chức thực
hiện những quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham
gia trong quá trình hội nhập quốc tế những năm gần đây, khiến cho nhu cầu
xây dựng mới một bộ luật về bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá
ở Việt Nam đã trở nên vô cùng cấp bách.

Trong quá trình đổi mới đất nước,
để hoà nhập vào xu thế phát triển chung của toàn nhân loại mà không bị
hoà tan, để văn hoá thực sự trở thành “nền tảng tinh thần của
toàn xã hội”, “vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát
triển kinh tế- xã hội ” cần phải có cơ sở pháp lý vững chắc và
hoàn chỉnh hơn cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá.
Việc xây dựng và ban hành Luật di sản văn hoá chính là xuất phát từ ý
nghĩa và nhu cầu thực tế nói trên. Những căn cứ pháp lý để xây dựng
luật và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc soạn thảo Dự án
Luật là: Hiến pháp 1992, các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và
phát triển văn hoá, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII).

Dự án Luật Di sản văn hoá được
xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Pháp lệnh năm 1984 và
mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh là di sản văn hoá phi vật thể
để phục vụ và đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hoá trong
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Bảo vệ di sản
văn hoá trên cơ sở thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn
hoá dân tộc hướng cả vào di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; kiểm
kê, sưu tầm vốn văn hoá truyền thống (bao gồm văn hoá bác học và văn
hoá dân gian) của người Việt và các đân tộc thiểu số; bảo tồn các
di tích lịch sử, văn hoá và các danh lam thắng cảnh, các làng nghề, các
nghề truyền thống, trọng đãi những nghệ nhân bậc thầy trong các
ngành, nghề truyền thống…

Bảo vệ di sản văn hoá là nhiệm
vụ của toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước được thể chế hoá và cụ thể hoá trong Luật sẽ góp phần thúc
đẩy quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị
di sản văn hoá. Chính sách này được tiến hành đồng thời với việc nâng
cao vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền về văn hoá – thông tin để thực hiện tốt công tác quản
lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hoá.

Đồng thời, Luật Di sản văn hoá
còn góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc đầu tư phát triển
kinh tế của đất nước, đồng thời thúc đẩy việc mở rộng giao lưu
văn hoá với các nước trên thế giới.

Trước đây, phạm vi điều chỉnh
của Pháp lệnh chỉ bao gồm các di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh.
Xuất phát từ nội dung của khái niệm văn hoá và di sản văn hoá theo nghĩa
rộng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật lần này bao gồm các di sản
văn hoá vật thể và các di sản văn hoá phi vật thể. Nội dung của Luật
đưa thêm những quy định về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị của
các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cùng việc xây dựng các bộ sưu
tập và tổ chức quản lý các bảo tàng ở Việt Nam.

Theo ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội, và đây cũng là một trong những vấn đề mà Bộ
Chính trị ( khoá VIII) đã đề nghị cần xác định rõ trong Luật, về quyền
sở hữu đối với di sản văn hoá, xuất phát từ nhận thức cho rằng di
sản văn hoá là một trong những tài sản đặc biệt, đồng thời, căn cứ
vào những đặc thù của loại tài sản này, những quy định của Luật Dân
sự về 7 hình thức sở hữu phổ biến đã được vận dụng để xác định
những hình thức sở hữu cơ bản về di sản văn hoá là: sở hữu toàn
dân, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở
hữu khác.Chính vì vậy,vấn đề về sở hữu đối với di sản văn hoá của
Luật này có nội dung như sau: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản
văn hoá thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở
hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các
hình thức sở hữu khác về di sản văn hoá theo quy định của pháp luật.
( Điều 5 Luật Di sản văn hoá)

Bên cạnh những quy định cụ thể
nhằm đề cao trách nhiệm của nhà nước, Luật còn xác định cụ thể sự
phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương; quyền và nghĩa vụ của
công dân được xác định theo hướng tôn trọng sở hữu tư nhân, tạo
điều kiện thuận lợi cho mọi công dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ,
phát huy giá trị các di sản văn hoá.

Pháp lệnh chưa thừa nhận sở hữu
tư nhân về di sản văn hoá, chưa công nhận tính chất hàng hoá của di vật,
cổ vật, bảo vật quốc gia, và vì vậy, chưa có những quy định cụ thể
về thị trường cổ vật và mua bán cổ vật để Nhà nước chủ động
quản lý, thậm chí còn nghiêm cấm mọi hành vi mua bán những loại hàng
hoá đặc biệt này, mặc dù từ hàng chục năm nay, trên thực tế vẫn tồn
tại thị trường cổ vật chưa được kiểm soát. Dự án luật quy định
việc mở hệ thống các cửa hàng mua bán cổ vật, lập các bảo tàng và
sưu tập tư nhân.

Ngoài những quy định cụ thể về
việc xếp hạng di tích, sưu tầm các di sản văn hoá phi vật thể, thăm dò
khai quật khảo cổ học, Luật cũng đồng thời quy định cụ thể về công
tác thanh tra, kiểm tra cùng mức độ khen thưởng , xử phạt trong lĩnh vực
bảo tồn các di sản văn hoá.

Quán triệt đường lối đối ngoại
của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, Luật Di sản văn hoá cũng đồng thời
có những quy định cụ thể , tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động
hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản
văn hoá, như việc cho phép tổ chức trưng bày cổ vật ở nước ngoài, việc
nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hoá của người nước ngoài ở Việt
Nam và đặc biệt là việc hợp tác quốc tế để bảo hộ những di sản
văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Về cơ bản, Luật Di sản văn hoá
được thông qua ngày 14/6/2001 tại kỳ họp thứ 9, Quốc Hội khoá X vừa
qua là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới các hoạt
động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam, thiết
thực góp phần triển khai thắng lợi những đường lối, chủ trương của
Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới đất nước nói chung, cùng xây dựng
và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
nói riêng.

Xổ số miền Bắc