Ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên đán – Tin tức khác – UBND Huyện Thường Tín

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam là một quốc gia luôn mang trong mình một nền văn hóa lớn và độc đáo. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước vì vậy nó vẫn chất phác, đơn sơ, giản dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế. Những nét văn hóa ấy được giữ gìn và lưu truyền lại bao đời nay, trong đó có ngày Tết cổ truyền. Tết cổ truyền dân tộc không chỉ là nét văn hóa mà còn là vốn văn hóa quý giá do ông cha ta gây dựng bởi nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, có những điều đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng.

 

        Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên-Địa-Nhân. Tết Nguyên đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…

         Tết Nguyên đán biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính.

       Theo tín ngưỡng người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

        Tết Nguyên đán còn là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.            

Người dân đi mua sắm chuẩn bị Tết

        Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…            

        Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp nén nhang thơm mời hương linh ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng.

        Sau Tết Nguyên đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

         Tết Nguyên đán là ngày “làm mới”. Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và “làm mới” mọi việc. Mọi nhà đều dọn dẹp lại nhà cửa, lau dọn ban thờ… Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ với người thân, bạn bè…giúp tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.            

        Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

         Tết Nguyên đán là ngày tạ ơn. Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên. Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tết Nguyên đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng trong thời kỳ toàn cầu hoá như hiện nay cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Một số tập tục trong ngày Tết xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại đã dần bị loại bỏ.                      

        Đời sống kinh tế được nâng cao đi kèm với những giá trị hưởng thụ về văn hoá tinh thần và vật chất, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên và có thể đáp ứng ngay khi cần chứ không phải đợi đến Tết như ngày xưa. Hơn nữa, ngày nay trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác đang chi phối tầm quan trọng của ngày Tết cổ truyền. Vì vậy, dường như Tết bây giờ có phần nhạt hơn so với Tết xưa.

        Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. 

        Không thể phủ nhận mặt tích cực của hội nhập văn hoá đem lại. Sự mở cửa giao lưu, tiếp xúc lại chính là những phương thức tốt nhất giúp Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế về Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm chủ được quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây để tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không bị “ Tây hoá”.

       Có thể nói, Tết Nguyên đán vẫn là một nét sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

 

Hoài Thu

Xổ số miền Bắc