Năng lực hành vi của các tổ chức xuất hiện cùng lúc với năng lực pháp luật vào thời điểm có quyết định thành lập hoặc thừa nhận tổ chức đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vậy năng lực hành vi dân sự là gì? Năng lực pháp luật là gì? Phân biệt năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm thông tin hữu ích.
Năng lực hành vi là gì?
Tại Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân Bộ Luật Dân sự 2015 có đưa ra khái niệm như sau:
“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Như vậy có thể thấy khả năng của các cá nhân hay tổ chức do pháp luật quy định, bằng các hành vi của chính mình thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý và tự chịu trách nhiệm về những hành vi của cá nhân hay tổ chức đó.
Năng lực hành vi của tổ chức xuất hiện cùng với năng lực pháp luật vào thời điểm có quyết định thành lập hoặc thừa nhận tổ chức đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Năng lực hành vi của các cá nhân xuất hiện muộn hơn so với năng lực pháp luật. Nếu năng lực pháp luật nói chung xuất hiện từ khi con người mới sinh ra thì năng lực hành vi xuất hiện khi con người đạt tới độ tuổi nhất định.
Ví dụ: Khi công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền đi bầu cử/ 20 tuổi nam giới mới có quyền đăng kí kết hôn
Năng lực pháp luật là gì?
Cá nhân là chủ thể đầu tiên của các quan hệ xã hội, là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Cá nhân – con người là trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện với mục đích phục vụ con người, vì con người.
Trong các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân mà luật dân sự điều chỉnh thì cá nhân là chủ thể nguyên sinh, đầu tiên và các chủ thể khác tham gia vào các quan hệ dân sự cũng thông qua hành vi của con người. Để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định:
– Năng lực pháp luật dân sự (NLPLDS) của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự
– Mọi cá nhân đều có NLPLDS như nhau.
– NLPLDS của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, có nghĩa vụ; là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.
Mối quan hệ giữa Năng lực pháp luật và Năng lực hành vi
Năng lực pháp luật là khả năng hưởng của chủ thể được hưởng quyền và nghĩa vụ thực hiện mà nhà nước quy định cho cá nhân hoặc tổ chức.
Năng lực hành vi là khả năng hoặc tổ chức được nhà nước thừa nhận bằng hành vi của chính mình xác lập và thực hiện các quyền & nghĩa vụ pháp lý và độc lập chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
Giữa Năng lực pháp luật và Năng lực hành vi có mỗi quan hệ mật thiết với nhau, cụ thể như sau:
– Năng lực pháp luật là điều kiện cần, năng lực hành vi là điều kiện đủ để cá nhân, tổ chức có thể trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật.
– Nếu chủ thể có năng lực pháp luật mà không có hoặc mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi thì họ không thể tham gia một cách tích cực vào các quan hệ pháp luật. Trong một số trường hợp pháp luật cho phép, họ chỉ được tham gia vào quan hệ pháp luật một cách thụ động thông qua hành vi của người thứ ba.
– Năng lực pháp luật là tiền đề của năng lực chủ thể. Vì vậy cá nhân, tổ chức không thể trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật nếu không có năng lực pháp luật.
Phân biệt năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự
Trong lĩnh vực dân sự, mỗi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Đây là hai năng lực có tính chất hoàn toàn khác nhau và đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015. Để Phân biệt năng lực pháp luật và năng lực hành vi Khách hàng có thể dựa trên những tiêu chí đó là:
– Khái niệm
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự
+ Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự
– Nội dung
+ Năng lực pháp luật dân sự gồm:Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản; Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
+ Năng lực hành vi dân sự: Khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể; Khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản về hành vi của mình, bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp.
– Thời điểm phát sinh
+ Năng lực pháp luật dân sự: Từ khi cá nhân sinh ra
+ Năng lực hành vi dân sự: Khi đạt đến một độ tuổi nhất định và có trí tuệ phát triển bình thường. Cá nhân hiểu và làm chủ được hành vi của mình khi xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về những hành vi đó.
– Thời điểm chấm dứt
+ Năng lực pháp luật dân sự: Khi cá nhân chết đi
+ Năng lực hành vi dân sự: Khi có quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án.
– Đặc điểm
+ Năng lực pháp luật dân sự: Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau; Có tính liên tục.
+ Năng lực hành vi dân sự: Không phải cá nhân nào cũng có khả năng thực hiện, xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự giống nhau; Có thể gián đoạn hoặc bị mất đi.
– Hạn chế
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp áp dụng hình phạt hình sự bổ sung hoặc biện pháp xử lý vi phạm hành chính như cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm làm những nghề hoặc công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tước danh hiệu quân nhân….
Việc hạn chế này chỉ có thể do Tòa án hoặc cơ quan hành chính quyết định theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
+ Năng lực hành vi dân sự: Mất năng lực hành vi dân sự: Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi;… được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự; được Tòa án ra quyết định tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Hạn chế năng lực hành vi dân sự: người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình được Tòa án ra quyết định tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Ví dụ
+ Năng lực pháp luật dân sự: Quyền có họ tên, quyền được khai sinh… của cá nhân có từ khi sinh ra
+ Năng lực hành vi dân sự: Cá nhân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, cá nhân nữ từ đủ 18 tuổi có quyền đăng ký kết hôn…
– Căn cứ pháp lý
+ Năng lực pháp luật dân sự: Điều 16, Điều 17, Điều 18 Bộ luật Dân sự 2015
+ Năng lực hành vi dân sự: Điều 19 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015
Trên đây là một số chia sẻ mà chúng tôi muốn gửi đến Khách hàng về Phân biệt năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Khách hàng theo dõi nội dung bài viết có vướng mắc vui lòng phản hồi trực tiếp để chúng tôi hỗ trợ.