»
bản tiếng Pháp
Văn hoá là gì?
<![if !supportFootnotes]>
<![endif]>
☸
Lời giới thiệu của
Phạm Đình Tân, Đoàn trưởng Tinh Việt Văn Đoàn và Tổng thư ký Trung tâm
Nghiên cứu và Thông tin Tân Định.
Kính thưa quí vị
Năm trước đây, một vị giáo sư ngoại quốc
đã tới thăm Việt Nam. Ông rất thông thạo Việt ngữ, viết và nói như một
nhà văn vì ông đã học tập ngôn ngữ nước nhà tại quê hương ông từ lâu.
Ông đã nhờ người đồng hương của ông ở đây mua báo chí và sách vở và đã
lưu trữ được khá nhiều những tác phẩm giá trị Việt Nam. Ông tới thăm
chúng tôi để nói chuyện về văn hoá và mua mấy số báo Văn đoàn của chúng
tôi mà ông thiếu để cho đủ bộ, ông rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi tự
động ngừng xuất bản tờ tuần báo này vì tình hình chính trị và chiến
tranh trong nước. Ông đã thân mật nói với chúng tôi:
«Ông bạn ơi! nhiều người ngày nay cũng
nhầm lẫn như ông. Họ tưởng tình hình chính trị xáo trộn và chiến tranh
lan rộng làm cho người ta không còn nghĩ gì đến các vấn đề khác liên
quan đến con người. Điều đó đúng nhưng họ không ngờ rằng chỉ dăm ba tâm
hồn thiện chí cũng đủ xây dựng tương lai. Một tư tưởng trong báo ông chỉ
cần được một phần trăm số độc giả hằng ngày của nó lưu tâm cũng đủ cho
ta hy vọng. Vì ông nên nhớ, dầu quân sự, chính trị có thắng mà văn hoá
không tiến hay suy đồi thì phần thua ta nắm chắc và sự suy vong của xứ
sở không còn nghi ngờ gì nữa.
Lời nói của vị giáo sư ngoại quốc này đáng
chúng ta suy nghĩ vì nó nói lên sự quan trọng của Văn hoá. Chính nhà
bình luận trứ danh Pháp, Julien Benda, cũng đã nhắn nhủ đồng bào hồi đầu
thế kỷ này:
«Cuộc chiến tranh chính trị bao hàm cả
chiến tranh Văn hoá, đó thực là một phát minh của thời đại chúng ta và
nó bảo đảm cho thời đại này một địa vị đặc biệt trong lịch sử tinh thần
của nhân loại.»
Quả đúng vậy. Cũng như sự tiến hoá của con
người đã chuyển từ địa hạt vật chất sang địa hạt tinh thần như nhà bác
học Lecomte du Noüy đã nhận định thì cuộc tranh đấu ngày nay của các dân
tộc cũng đã lan sang địa hạt văn hoá. Và cái thắng ở khu vực đó là cái
thắng cuối cùng, cái thắng quyết định vì quân sự, chính trị thắng mà Văn
hoá thua thì cũng không ích gì.
Vậy văn hoá là gì?
Theo thành kiến thông thường, ở giới trí
thức cũng như trong dân gian, văn hoá biểu hiện cho tất cả những sự
phong phú tinh thần, là vật đặc hữu của giới thượng lưu mà người thường
dân khó mà thu thập được. Cho nên, ngày xưa những vị khoa bảng, các ông
nghè, ông cử, ông tú đều được coi là hiện thân của thánh hiền. Lời nói
của các ngài là khuôn vàng, thước ngọc, chữ viết của các ngài là những
thánh tự không được để vương vãi trên mặt đất hay dày đạp dưới chân!
Ngày nay quan niệm về văn hoá cũng không
được may mắn lắm. Người ta lẫn lộn văn hoá với văn chương, văn hoá với
giáo dục, văn hoá với văn mình, văn hoá với kiến thức… Viết một bài văn,
giảng một đoạn sách, sống một cách thời trang, được nhiều chuyện, người
ta đã tưởng đó là văn hoá rồi. Điều đáng chú ý nữa là mặc dầu không hiểu
rõ văn hoá là gì và coi văn hoá là một sự phù phiếm, khi nói đến hai
tiếng này người ta vẫn có mặc cảm tự tôn đối với các ngành học thuật
khác như kinh tế, kỹ thuật, khoa học…
Tình trạng đó thật đáng lo âu và khiến
chúng ta cần xem xét lại, nhất là trong giai đoạn này vì Việt Nam hằng
tự hào có bốn ngàn năm văn hiến và Việt Nam đang phải phát triển mau lẹ
để theo kịp hoàn đầu về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần.
Vì vậy, đã mấy năm nay, chúng tôi vẫn hằng
bàn luận về văn hoá với ông bạn thân là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ mà chúng
tôi được hân hạnh giới thiệu với Quí Vị hôm nay. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ
chắc cũng không phải là người xa lạ với nhiều Quí Vị vì ông vừa là giảng
sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn vừa là người đầu tiên được giải thưởng văn
chương «Lecomte du Noüy» của Tinh Việt Văn Đoàn chúng tôi về bộ môn biên
khảo với tác phẩm Trung Dung Tân Khảo năm 1960-1961. Ông cũng là người
đang chuyên tâm nghiên cứu các học thuyết Đông Tây như Khổng học, Phật
học, Lão học v.v… và đã viết cuốn «Lecomte du Noüy và học thuyết viễn
đích», một tác phẩm rất công phu trong đó ông đã đối chiếu các tư tưởng
và học thuyết của nhà bác học này với các tư tưởng và học thuyết cổ kim.
Nhờ thông thạo nhiều thứ tiếng: chữ La
tinh, Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ, Đức ngữ v.v… ông đã lần mò vào các kho
tàng văn học của cổ nhân cũng như của ngoại quốc để tìm nghĩa văn hoá.
Công phu đó đã giúp ông thu thập được khá nhiều quan niệm của các danh
nhân đồng thời suy nghĩ và ấn định cho mình một quan niệm riêng.
Những quan niệm ấy thế nào? Chốc nữa diễn
giả sẽ trình bày cùng Quí Vị. Những quan niệm đó có đúng không. Có đầy
đủ không. Ai mà dám chắc vì ở đời này có cái gì hoàn toàn và vấn đề văn
hoá nó cũng phức tạp như chính con người. Cho nên người tổ chức và diễn
giả trông mong chốc nữa Quí Vị sẽ góp thêm ý kiến cho cuộc hội họp hôm
nay thêm phần phong phú.
Tuy nhiên công trình của diễn giả thực
đáng ghi nhận và sẽ góp phần đắc lực vào việc xây dựng tương lai.
Nhà triết học và sử gia Đức Oswald
Spengler đã viết ở đầu thế kỷ này; trong cuốn «Ngày suy tàn của Tây
Phương»:
«Mỗi nền văn hoá trải qua những giai đoạn
tiến hoá của con người nói riêng. Nền văn hoá nào cũng có thời thơ ấu,
thời thanh niên, thời trưởng thành, thời già cỗi.»
Vì vậy, nền văn hoá cổ xưa của chúng ta có
đẹp đến đâu chúng ta cũng cần phải xem xét lại và phải tích cực hoạt
động để cho nền văn hoá Việt Nam ngày nay thích hợp với sự tiến triển
của dân tộc nói riêng và của thế giới nói chung.
Và chúng ta cũng đừng bào giờ quên rằng
văn hoá cũng, đã lăn vào cuộc chiến như nhà bình luận Julien Benda đã
nhắn nhủ trên kia.
Với những ý tưởng đó, chúng tôi xin nhường
lời cho diễn giả hầu chuyện Quí Vị.
VĂN HOÁ LÀ GÌ?
Thưa Quí Vị.
Cách đây mấy năm, Ông Phạm Đình Tân đã có
ý muốn tổ chức một loạt bài nói chuyện về văn hoá, và từ độ ấy Ông đã có
nhã ý mời tôi nói về một trong những đề tài văn hoá của Ông.
Mặc dầu tôi đã hết sức thoái thác, từ nan,
mà vẫn không được, nên rút cuộc phải nhận lời.
Tuy nhận lời, nhưng thực sự tôi rất ngại
nói về văn hoá, một vẫn đề khô khan như sa mạc, mơ hồ như sương thu, và
khó khăn như con đường vào Ba Thục.
Giờ đây, được hân hạnh ra trước Quí Vị, để
nói về đề tài tổng quát «Văn Hoá là gì?», tôi cảm thấy bồi hồi và lạc
lõng liên tưởng đến mấy câu Kiều:
«Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?»
Biết ăn làm sao, biết nói làm sao, khi mà
đã đường quang không đi, lại bắt quàng đường rậm, khi đã không biết tự
lượng sức mình mà mua lấy cái khó vào mình?
Đã tới nông nỗi này, tôi chỉ còn biết xin
Quí Vị khoan dung mà bỏ qua cho những điều lầm lỗi cũng như những điều
sơ xuất của tôi trong buổi nói chuyện hầu Quí Vị hôm nay.
Để tìm hiểu văn hoá là gì, tôi sẽ lần
lượt:
1. Khảo sát xem hai chữ
Văn Hoá xuất sinh từ đâu, từ thời kỳ nào.
2. Bình luận về ít nhiều
định nghĩa Văn Hoá.
3. Triết tự Văn Hoá, và
phân tách nội dung Văn Hoá.
4. Bàn về sự thăng trầm
của một nền Văn Hoá, cũng như về ba nền Văn Hoá chính trong hoàn võ từ
trước tới nay.
5. Thử đưa ra một định
nghĩa về Văn Hoá, một quan niệm về Văn Hoá.
I. XUẤT XỨ VÀ KHỞI
NGUYÊN CỦA HAI CHỮ VĂN HOÁ
Thoạt tiên trước khi khảo sát về hai chữ
Văn hoá, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu xem lý lịch của hai chữ Văn hoá
ra sao, nó đã phát sinh từ phương nào, thời nào, ai đã khai sinh ra 2
chữ Văn hoá v.v… Nhưng đó là một công trình thiên nan, vạn nan. Tôi tuy
đã tốn công tìm tòi, nhưng tới nay, vẫn chưa gọi được thông tỏ vấn đề .
Cho nên đây tôi chỉ xin trình bày hồ sơ lý lịch tạm thời của chữ Culture
bên trời Tây, và chữ Văn Hoá bên trời Đông.
Bernard Chabonneau cho rằng chữ Văn hoá đã
được Goethe (1749-1832) khai sinh đầu tiên trong tiếng Đức với chữ
Bildung, và có nghĩa thuần túy là văn chương, nghệ thuật chứ không có
dính dấp gì đến đạo giáo, kinh tế hay chính trị.
Harry Levin chủ trương ngược lại rằng chữ
Kultur của Đức đã được vay mượn trong tiếng Pháp.
Thế là, về phương diện xuất xứ của chữ Văn
Hoá, ta đã bị đánh đong đưa giữa hai chủ trương tương phản.
Đến như vấn đề chữ Culture phát sinh từ
năm nào, thời nào, thì lại càng khúc mắc, nan giải hơn nữa.
Bernard Chabonneau cho rằng chữ Culture
chỉ được thông dụng ở Anh và Pháp sau năm 1918.
Harry Levin cho rằng chữ Culture với nghĩa
là Văn Hoá đã xuất hiện trong tiếng Pháp vào cuối thế kỷ XVIII.
Bằng chứng là trong Bách Khoa Tự Điển của
Diderot, chữ Culture chỉ có nghĩa là trồng trọt đất đai, chưa có nghĩa
là Văn Hoá.
Mãi đến năm 1777, Tự Điển Hàn Lâm Viện
Pháp mới chữa thêm rằng:
«Culture cũng còn được dùng theo nghĩa
bóng là trau dồi nghệ thuật và
tâm trí.»
Ruth Emily Memury cho rằng trong tiếng
Anh, chữ Culture xuất hiện lần đầu tiên trong tự điển Oxford vào năm
1875.
Bộ Bách Khoa Tự Điển Anh cho rằng chữ
Culture với nghĩa là Văn Hoá được Matthew Arnold dùng trong quyển
Culture and Anarchy từ 1869.
Harry Levin cho rằng từ năm 1510, Thomas
More đã dùng chữ Culture với ý nghĩa là giáo dục, là đào luyện tinh
thần.
Như vậy, chữ Culture với nghĩa là Văn hoá
đã sinh ra từ năm nào? 1918, 1875, 1869, 1777 hay 1510? Nó đã ra chào
đời đầu thế kỷ XX, hay cuối thế kỷ XIX, cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ
XVI. Ai sẽ là trọng tài để đoán định dứt khoát về sự sai biệt sơ sơ non
bốn thế kỷ này?
Nhưng thế cũng chưa lạ, nếu ta truy nguyên
thì trong tiếng Latin, chữ Culture đã được dùng từ thời đế quốc la-mã ít
là hơn 100 năm trước Công nguyên.
Thời ấy chữ Culture đã có 3 nghĩa:
1. Phương
pháp làm ruộng. (Trau dồi thể xác = XÁC)
2. Phương pháp làm người.(Trau dồi tâm
Hồn; HỒN)
3. Phương pháp làm thần minh, hay sự
thờ phượng thần minh (TRAU DỒI PHẦN Thần LINH; Thần).
Quay sang Đông Phương, chúng ta cũng vấp
phải những khó khăn tương tự.
Ở Trung Hoa, chữ Văn Hoá có gần đây, nhưng
chữ «Văn» đã có từ lâu và bao hàm mọi ý nghĩa của văn hoá.
Một học giả Trung Hoa, Ông
Shih-Hsiang-Chen viết: « Văn là tất cả những gì đẹp đẽ của nhân quần.
Văn là sự sáng tạo của tinh thần, có mục đích kết hợp mọi phần tử rời
rạc vô nghĩa thành một đoàn thể có tổ chức, đổi sự xung đột thành hòa
mục, đổi loạn thành trị, thực hiện cái hay, cái đẹp …
J. Laloup và J. Nélis cũng cho rằng: Chữ
Văn của Trung Hoa hàm ngụ tất cả công trình cải thiện con người. Nó bao
quát văn chương, đạo giáo, triết học, nghệ thuật, tóm lại, tất cả mọi
thủ đắc trên bình diện tâm thần, ngược lại với chữ Vũ, tượng trưng cho
guồng máy hành chánh và quân sự.
Trong Kinh Thư, chữ Văn hay chữ Văn giáo
đã được dùng thay vì chữ Văn hoá. Ngoài ra ta còn thấy những cử chỉ hết
sức đẹp đẽ của vua chúa thời ấy, muốn dùng văn để trị đời, như vua Đại
Võ phô trương đức độ, lễ nghi, nghệ thuật nơi triều ca để cảm hoá rợ
Miêu, khiến họ phải tự động thần phục; như Võ Vương sau khi đã diệt được
Trụ Vương, liền thả trâu trận, ngựa chiến nơi miền núi Hoa Dương và miền
đông Đào Lâm để tỏ ý sẽ dùng Văn mà cai trị, cải hoá thiên hạ thay vì
dùng Võ, dùng bạo lực.
Đọc Tam Quốc, ta thấy Phó Cán khuyên Tào
Tháo không nên mãi mãi điều động binh mã bình Ngô, diệt Thục, mà phải
biết dùng văn để củng cố vương quyền… Tào Tháo nghe theo, bèn bãi việc
Nam chinh. Rồi lo chấn hưng các trường học, ưu đãi văn sĩ …
Như vậy chữ Văn ít là đã chống chất trên
mình 4000 năm tuổi hạc, nhưng ngược lại, hai chữ Văn hoá thì chắc là mãi
tới đầu thế kỷ XX mới xuất hiện trong từ ngữ Trung Hoa.
Bằng chứng là trong quyển Pháp Hoa tự điển
của Séraphin Couvreur, xuất bản tại Trung quốc năm 1890, ta chưa thấy
bóng dáng hai chữ Văn Hoá.
Ở Việt Nam vì chúng ta chịu ảnh hưởng
Trung Hoa, nên chữ Văn cũng đã có tự lâu đời, trái lại, chữ Văn Hoá chắc
chắn là một tiếng mới được thông dụng. Lục soát các tự vị, tự điển Việt,
hay Pháp Việt, xuất bản trước 1918 đều không thấy tung tích hai chữ Văn
Hoá.
Nếu tôi không nhầm, thì tuy tập chí Nam
Phong bắt đầu xuất bản từ 1917, nhưng mãi đến năm 1924, trong số 84 mới
thấy Ông Thượng Chi viết một bài nhan đề là Bàn phiếm về văn hoá Đông
Tây.
Tổng kết lại, nếu ta khảo sát các tự điển
Pháp, Hoa, Việt, Anh, ta có thể kết luận một cách khá chắc chắn rằng chữ
Văn Hoá là một tiếng mới mẻ. Nó đã ra chào đời khoảng cuối thế kỷ XVIII,
nhưng chỉ được thông dụng ở bên Đông cũng như ở bên Tây, sau đệ nhất thế
chiến.
<![if !supportFootnotes]><![endif]>
II. BÌNH LUẬN VỀ ÍT NHIỀU ĐỊNH NGHĨA VĂN HOÁ
Sau khi đã biết sơ qua về lai lịch chữ văn
hoá, thiết tưởng nên tìm hiểu về ít nhiều định nghĩa văn hoá.
Chữ văn hoá ngày nay tuy hết sức thông
dụng, nhưng văn khó định nghĩa cho chính xác. Hơn nữa mỗi người hiểu Văn
hoá một cách, cho nên bộ mặt văn hoá biến thiên, có đủ hình dung sắc
thái: có người cho nó mung lung phiểu diểu như tinh thần, có người cho
nó thiển cận, thực tiễn như vật chất.
Tùy nơi, tùy thời, tùy người, chữ Văn hoá
lại có một nội dung hay một hình thức hoàn toàn mới mẽ, khác lạ.
Cũng vì vậy mà các nhà học giả chân chính
rất ngại ngùng khi phải định nghĩa văn hoá.
Trong bài phi lộ quyển Culture, a critical
review of Concepts and Definitions, hai nhà nhân chủng học trứ danh là
Ông Kroeber và Clyde Kluckhohn đã mượn lời của Lowell mà thú nhận rằng:
«Tôi đã được ủy nhiệm nói về Văn hoá.
Nhưng ở trên đời này không có gì phiêu diêu, mung lung hơn là hai chữ
Văn hoá. Người ta không thể phân tách văn hoá, vì thành phần nó vô cùng
tận … Người ta không thể mô tả Văn hoá, vì nó muôn mặt, muôn hình. Muốn
cô đọng ý nghĩa Văn hoá thành lời lẽ, thì cũng y như tay không bắt không
khí: ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi, mà riêng trong tay ta, thì chẳng
nắm được gì».
Cũng vì vậy, mà có nhiều nhà đại văn hoá
lại không muốn định nghĩa Văn hoá.
Trong cuộc hội thảo về văn hoá ở Venise,
từ ngày 25 đến 31thág 3 năm 1956, do Châu Âu Văn hoá hội tổ chức, qui tụ
một số triết gia, văn gia các nước Âu Châu gồm cả hai phe Tự Do và Cộng
Sản. Trong đó có những nhân vật lừng danh như Karl Barth, Campagnolo,
Jean Paul Sartre, Maurice Merleau Ponty, Vercors, Silone, Fédine, Boris
Polévoi Kampov, Jaroslaw- Iwaszkiswioz v.v… người ta đề nghị không nên
đưa ra một định nghĩa về văn hoá trong bản tuyên cáo chung.
Các tác giả bộ Le Bilan du Monde (tức là
bộ Bách Khoa Công giáo về thế giới Cơ Đốc Giáo) cũng tránh không đưa ra
một định nghĩa về Văn hoá.
Họ không muốn có thái độ dứt
khoát như nhiều người, coi văn hoá đối lập với văn minh, mà chỉ muốn nói
Jacques Maritain rằng:
«Trong Văn hoá có hàm nghĩa, phát triển
con người và nhất là phát triển về lý trí, tâm thần, còn trong văn minh
có khía cạnh xã hội chính trị và kỹ thuật của sự phát triển về con
người.
Thomas Sternns Eliot, một văn gia người
Anh, đã đoạt giải thưởng Nobel về văn chương năm 1948 đã viết một quyển
sách với một nhan đề hết sức khiêm tốn là «Những ghi chú để tiến tới một
định nghĩa về văn hoá».
Thế là T.S. Eliot cũng không muốn trực
tiếp định nghĩa Văn hoá.
Những thái độ dè dặt nói trên, xét cho
cùng, hết sức là khôn ngoan, vì định nghĩa là giới hạn, là thắt buộc
, mà giới
hạn quá, thắt buộc quá, ta sẽ khó quanh, khó gỡ.
Quần chúng thì trái lại, có thể định nghĩa
và bàn cãi về văn hoá một cách hết sức dễ dàng. Trước đây hơn 10 năm,
Ông Đặng Văn Ký đã mở một cuộc phỏng vấn về 2 chữ văn hoá và đã ghi kết
quả cuộc phỏng vấn ấy trong Văn hoá Á Châu số 9, tháng 12, 1958.
Giữa 2 thái cực ấy, còn có những học giả
khác, không cẩu thả dễ dãi, nhưng cũng không tích cực tránh né, đã dám
«dấn thân», đã dám định nghĩa về văn hoá. Nhờ vậy, mà nếu chúng ta chịu
sưu tầm, thì cũng có thể có cả trăm định nghĩa về Văn hoá. Năm 1952, ông
A.L. Kroeber và Clyde Kluckhohn trong quyển Culture: a Critical, Review
of Concepts and Definitions đã viện dẫn hơn 400 tác giả và thâu lượm
được 130 định nghĩa về văn hoá.
Sau đây chỉ xin bình luận về ít nhiều định
nghĩa thông thường về văn hoá.
1. Có người cho rằng VĂN HOÁ là TRÌNH ĐỘ
KIẾN THỨC, KIẾN VĂN của mỗi người.
Cho nên nói: người này có trình độ văn hoá
cao, người kia có trình độ văn hoá thấp. Theo định nghĩa này, thì văn
hoá có nghĩa tương đương như trình độ học vấn.
2. Có người cho rằng VĂN HOÁ là SỰ ĐÀO
LUYỆN TÂM TRÍ CON NGƯỜI ĐỂ HỌ TRỞ NÊN THANH LỊCH.
T.S. Eliot cho rằng: Văn hoá là sự cải
thiện tâm trí con người.
Tự điển Oxford cho rằng: Văn hoá là sự đào
luyện, là sự phát triển tâm trí và tài năng, phong thái v.v… Văn hoá là
huấn luyện, là giáo dục con người để cải thiện con người, cho họ trở nên
thanh lịch.
Tự điển của Bác sĩ Johnson cũng thích
nghĩa văn hoá là nghệ thuật cải thiện, nghệ thuật tiến tới hoàn mỹ.
Như vậy, những người có văn hoá là những
người có tác phong thanh lịch, có giáo dục, học vấn, những người mà con
tim khối óc đã được chau chuốt dũa mài, những người có tâm hồn nghệ sĩ
biết thưởng thức nghệ thuật. Những người có văn hoá là những tao nhân,
mặc khách, những chính nhân quân tử, mà Kinh Thi đã khen tặng như sau:
Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,
Tre non mới mọc, xanh rì vườn ai
Người đâu văn vẻ hỡi người,
Nhường như cắt đánh rũa mài bấy nay.
Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,
Hởi người quân tử biết ngày nào quên.
3. Có người hiểu VĂN HOÁ là CÔNG TRÌNH
GIÁO HOÁ CON NGƯỜI. Chữ Culture trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa văn hoá ra
còn có nghĩa là dạy dỗ, mở mang, khai hoá.
Và như vậy, chữ văn hoá đã được gắn liền
với chữ giáo hoá, giáo dục, với chương trình giáo dục của quốc gia.
Chữ Văn hoá, hay giáo hoá ở đây, chẳng
những có nghĩa là đào luyện tâm trí con người cho họ trở nên những người
có nhân cách, xứng đáng với danh vị con người, mà cũng còn có nghĩa là
huấn luyện cho con người trở nên những người tài trí, hữu dụng cho đất
nước.
Nói thế tức là xưa và nay, đường lối văn
hoá, giáo dục khác nhau.
Xưa thì Đông cũng như Tây, giáo dục cốt là
cải hoá tâm hồn con người cho họ trở nên những người chính nhân, quân
tử. Chương trình giáo dục thiên về nghĩa lý, đạo lý.
Nay Đông cũng như Tây, giáo dục cốt là để
mở mang tài trí con người để cho họ trở thành những thầy, những thợ,
những chuyên viên. Chương trình giáo dục thiên về khoa học và kỹ thuật.
Mỗi đường lối có cái hay, cái dở của nó.
Làm chính nhân quân tử, mà không có nghề
nghiệp mưu sinh, thì dĩ nhiên sẽ lâm cảnh bần cùng, túng thiếu. Làm
thầy, làm thợ mà vô lương tâm, thời sẽ trở thành họa hại cho quốc gia.
Cái hay chính là biết dung hòa hai đường
lối giáo dục nói trên, để đào tạo nên những con người tài đức song toàn.
Cách đây 45 năm, Thượng Chi tiên sinh cũng
đã viết: «Có khoa học mà không có đạo học, thời như vỏ, mà không có ruột
không thể thành lập được ở đời. Nếu có đạo học mà không có khoa học thời
như có ruột mà không có vỏ, không thể xông pha được với đời. Cho nên,
hai bên cần phải điều hòa với nhau, điều hòa khoa học với đạo học, lòng
công lợi với bụng chân thành tức là điều hòa văn hoá Đông, Tây vậy.»
4. Có người hiểu VĂN HOÁ là VĂN CHƯƠNG,
NGHỆ THUẬT, hay nói tắt là VĂN NGHỆ.
Đó là một trong những định nghĩa phổ thông
nhất của Văn hoá. Hiện nay, văn hoá và văn nghệ thường đi đôi với nhau
như bóng với hình.
Thực vậy văn nghệ là công cụ để phô diễn
văn hoá, để bắc cầu thông cảm giữa con người, để truyền thụ và cũng là
để bảo tồn văn hoá.
Nếu con người có hai phương diện: Một
phương diện lý tưởng siêu việt, vượt tầm không gian và thời gian, và một
phương diện thực tài, còn mắc mưu trong vòng thời gian lịch sử, xã hội
địa dư, thì văn hoá, văn nghệ cũng có hai chiều, hai mặt như vậy.
Những nhà văn hoá cao siêu dùng văn
chương, nghệ thuật phác học cho nhân quân một viễn tượng, một viễn đích
cao siêu, một nếp sống lý tưởng.
Những nhà văn hoá thông thường, những văn
nhân, tài tử thông thường dùng văn nghệ dùng tài hoa mình để làm cho đời
thêm tươi, cho đời bớt sầu bớt não, hoặc là để ghi lấy những sắc thái
biến ảo của nhân tình thế thái, phơi bày tâm tư mình hay, tâm tư quần
chúng, nói lên những nỗi éo le cả cuộc đời, những cảnh phủ phàng của đời
sống, nói lên những uất ức của nhân gian, hay những niềm sung sướng vui
tươi của nhân quân, những ước mơ của thế hệ, chung qui như là muốn ghi
chép lại tất cả những cái hay, cái hèn của mọi hoàn cảnh, ghi lại bộ mặt
chân thực của con người trong một khung cảnh lịch sử, địa dư nhất định
nào đó, để cho mọi người lấy đó làm gương, hoặc lấy đó làm răn, để rồi
hiểu ra biết xử trí với hoàn cảnh một cách khéo léo hơn, biết sống một
đời sống hữu lý hơn, hạnh phúc hơn…
Vì cho rằng văn hoá là văn nghệ, nên nhiều
người mới tưởng rằng văn hoá thấp hơn đạo giáo. Đạo giáo là thiên văn,
thiên đạo, còn văn hoá chỉ là nhân văn, nhân đạo.
Nhưng thực ra, văn hoá là một danh từ bao
quát hơn chữ đạo giáo. Bằng chứng là phàm khi đề cập đến văn hoá của một
nước, một dân, người ta chẳng những đề cập đến đạo giáo mà còn đề cập
đến nhiều vấn đề khác như văn nghệ, thể chế chính trị phong tục, lễ tết,
du hí v.v…
Vì coi văn hoá là văn nghệ, một thứ văn
nghệ «trà dư tửu hậu» để tiêu sầu, khiển muộn, cho nên các chính trị gia
thường muốn tách văn hoá ra hỏi phạm vi chính trị. Các chính trị gia
thường sẵn sàng muốn đóng vai trò Mạnh thường quân để bảo trợ cho các
nhà văn hoá, miễn họ cứ việc bàn đến những chuyện vô thưởng, vô phạt,
miễn là họ cứ việc khơi sâu, dĩ vãng, hoặc mơ màng tương lai, hoặc đả
kích những thể chế đối lập, nhưng ca tụng, ủng hộ khuôn khổ đương thời,
nhưng khuyên đủ mọi người vui sống trong khung cảnh hiện tại sẵn có, và
đừng đòi hỏi thêm chi, mơ ước thêm chi, đừng có súi giục quần chúng vùng
lên tranh đấu đòi cải thiện, cải cách.
Nhưng thực ra, văn hoá cũng bao trùm luôn
cả chính trị. Văn hoá không phải là công cụ chính trị, mà chính trị mới
đích thực là công cụ để thực thi một nền văn hoá nào, một chủ nghĩa nào.
5. Có nhiều người định nghĩa Văn Hoá là
sinh hoạt tinh thần, đối nghịch với văn minh là sinh hoạt trên bình diện
vật chất. Họ cho rằng cái gì thuộc về đạo đức, văn nghệ là văn hoá cái
gì thuộc về kỹ thuật khoa học là văn minh, cái gì đẹp, cái gì hay là Văn
hoá, cái gì ích, cái gì lợi là văn minh.
Nhưng thực tế không giản dị như vậy.
Người ta đã cãi vã nhau rất nhiều về phạm
vi văn hoá với văn minh.
– Người thì cho rằng văn hoá thuộc phạm vi
tinh thần; văn minh thuộc phạm vi vật chất (Đa số học giả Đức, Mỹ).
– Người thì cho rằng văn hoá cao, văn minh
thấp (Á Đông thường có quan niệm này).
– Người thì cho rằng văn hoá thấp, văn
minh cao (Ý kiến của ít nhiều nhà nhân chủng học).
– Người thì cho rằng văn minh là phân bộ
của văn hoá (Ý kiến của ít nhiều nhà nhân chủng học).
– Người thì cho rằng văn hoá là phân bộ
của văn minh (I. Olague).
– Người thì cho rằng văn hoá, văn minh
đồng nghĩa nhau, và cùng chỉ một lề lối sống thanh lịch. (Đa số học giả
Anh, Pháp)
Trong một cuộc hội thảo về văn minh, văn
hoá tại Salzburg từ 8 đến 15 tháng 10, 1961, gồm rất nhiều học giả trứ
danh như Sorokin, Toynbee, Spengler, Northrop v.v… người ta đã dùng hai
chữ văn minh và văn hoá lẫn lộn nhau, đồng nghĩa với nhau.
Toynbee giải thích rằng có sự kiện này xảy
ra là vì trong tiếng Đức thời văn hoá có nghĩa là tiến bộ tinh thần văn
minh có nghĩa là tiến bộ vật chất, còn trong tiếng Anh tiếng Pháp thì
không có sự phân biệt ấy, vì thế mới dùng chữ văn minh với hai nghĩa văn
hoá lẫn văn minh.
Những tranh luận, những quan niệm trái
ngược nhau về Văn hoá với Văn minh làm cho chúng ta thấy rõ ràng những
sự kiện sau đây:
– Con người cần phải cải tiến về mặt tâm
thần để trở nên cao siêu, thanh lịch, và giúp cho người khác cũng trở
nên giống như mình.
– Ngoài ra con người cũng cần phải cải
thiện hoàn cảnh để cho đời sống thêm tươi, thêm đẹp, thêm hương vị.
– Tóm lại con người cần phải tiến hoá
không ngừng về mọi phương diện.
– Như vậy, những người không cố gắng tiến
tới, không cố gắng cải thiện mình, cải thiện hoàn cảnh, mà chỉ lo hưởng
thụ hoặc sống đoạn tháng qua ngày, là những người đã bị loại ra khỏi
trào lưu tiến hoá, và cũng chẳng đóng góp được gì vào công trình xây
dựng văn minh và văn hoá.
Suy cho cùng, thì văn minh hay văn hoá
cũng chỉ là sự tinh luyện con người, để biến cái dở thành cái hay, cái
xấu thành cái tốt, cái tầm thường thành cái cao đại
.
Công trình này có hai chiều, hay mặt: mặt
nội tâm và mặt ngoại cảnh, hai chiều, hai mặt này mới trông tưởng chừng
tương phản nhau, nhưng kỳ thực đều góp công trình vào đại nghiệp, đại sự
của đất trời, đó là hoàn thiện hoá, thần thánh hoá con người. Dịch kinh
đã nói:
«Trời đất nghịch nhau, nhưng cùng một công
việc, trai gái nghịch nhau, nhưng cùng một ý chí, vạn vật nghịch nhau
nhưng công việc cùng giống nhau.»
Nghịch nhau, đối nhau, chống nhau, kình
nhau mới sinh ra được mọi biến hoá. Mà biến hoá cốt là để muôn loài đạt
được bản tính chí thiện, định mệnh sang cả của mình, và thực hiện được
sự hiệp hòa lý tưởng.
Gosala, một triết gia Ấn độ cũng nói:
Tất cả vũ trụ đều tiến tới trên con đường
biến hoá. Nhờ sự biến hoá này, người hiền cũng như người ngu, theo bản
tâm mình tiến tới, rồi ra sẽ đạt được sự toàn thiện, một cách tự nhiên,
nhờ ở sự tuần tự biến hoá.
6. Có nhiều người đặt nặng vấn đề sáng tạo
trong Văn hoá nên đã có định nghĩa VĂN HOÁ là SÁNG TẠO.
Campagnolo chủ trương: VĂN HOÁ là sáng tạo
những giá trị mới, không nhất thiết nô lệ quá khứ, không nhất thiết chạy
theo những cái đã có, mà phải luôn luôn hướng về sự đổi mới.
Francisco Romaro, một tác giả người Tây
Ban Nha, định nghĩa văn hoá là sự sinh hoạt của tinh thần, sự sáng tạo
không ngưng nghỉ của tinh thần, được thể hiện bằng văn chương, nghệ
thuật khoa học, triết học, và các tập tục, luật lệ xã hội .
7. Cũng có người cho rằng VĂN HOÁ là MỘT
SỰ CẢM THÔNG TRUYỀN THỤ.
Như vậy, văn hoá là một hiện tượng xã hội,
có hô, có ứng có san sẽ, chia sớt, chứ không phải là sở hữu của một cá
nhân.
Nếu văn hoá là một sự cảm thông, truyền
thụ, hấp thụ, rồi lại được bảo tồn của nhiều thế hệ. Như vậy nếu một nhà
văn hoá mà có những nhận định lệch lạc, những tư tưởng sai lầm sẽ di hại
đến nhiều đời. Nói thế, tức là muốn khuyến cáo các nhà làm văn hoá phải
hết sức thận trọng trong tư tưởng, cũng như trong ngôn từ.
Dịch kinh viết:
Dạy rằng: Quân tử trên đời,
Ngôi nhà nói phải muôn người vẫn theo.
Đậm nghìn con phải hướng chiều,
Thời gân gang tấc đâu điều lần khân.
Nói lời sai lạc nhố nhăng,
Ngàn xa, vẫn thấy bất bằng nổi lên,
Nữa là gang tấc kề bên,
Nói sai ai kẻ họa thêm với người
Khi người quân tử nói lời,
Nói ra ảnh hưởng đến đời đến dân,
Hành vi phát động tuy cần,
Nhưng mà ảnh hưởng dần dần lan xa.
Việc, thời, ấy chính động cơ,
Động cơ đã phát, hãy chờ nhục vinh.
Rồi hay quân tử ngôn hành,
Đủ làm trời đất rung rinh mấy hồi.
Cho nên trong việc trong nhời,
Cố sao thận trọng, đáng người hiền nhân…
8. Cũng có người cho rằng VĂN HOÁ là tất
cả những gì làm cho đời thêm đẹp, thêm tươi, thêm hương vị, thêm màu
sắc, thêm thích thú, tóm lại tất cả những gì làm cho CUỘC ĐỜI TRỞ NÊN
THI VỊ VÀ ĐÁNG SỐNG.
Eliot viết: «Đối với xã hội, văn hoá bao
gồm tất cả những hoạt động đặc biệt của một dân tộc, như đối với dân
tộcAnh là ngày đua ngựa ở Derby, đua thuyền ở Henly, đua du thuyền ở
Cowes, cuộc đua chó, trò chơi phóng tên, hoặc là ăn phó mát Wensleydale,
bắp cải luộc xát thành miếng, củ cải đỏ ngâm dấm, đi nhà thờ làm theo
kiểu Gothic thế kỷ XIX, nghe âm nhạc Elgar…
Theo chủ trương này, thì những bài dân ca
nỉ non trong khóm lứa, những câu hò thánh thót trên dòng sông, những căn
nhà tre trúc chơi vơi nơi sườn non, giữa những hàng bách tùng, đào liễu
ẩn ước trong khói mây, hoặc rực rỡ dưới ánh tà huy, những lễ tết, những
hội hè, những thú vui chơi, những tà áo thêu hoa thêu phưỡng phất phơ
trước làn gió đều là những biểu dương văn hoá, chứ không phải riêng gì
những lời giáo huấn trang nghiêm nơi giáo đường hay trường học, hay
những lâu đài, những kiến trúc hoặc cổ kính hoặc tân kỳ ngạo nghễ vươn
mình lên như muốn tranh hùng cùng phong sương tuế nguyệt mới là những
công trình văn hoá.
9. Cũng có người hiểu văn hoá là đà tiến
của nhân loại từ thô đến tinh, là NỔ LỰC CỦA NHÂN LOẠI để tiến tới một
ĐỜI SỐNG LÝ TƯỞNG và TẤT CẢ NHỮNG THÀNH QUẢ ĐÃ THỰC HIỆN ĐƯỢC TRONG CÔNG
TRÌNH HƯỚNG THƯỢNG ẤY.
Người ấn độ chẳng hạn gọi văn hoá là
Sansriti, Sanskriti là một danh từ mà gốc chữ có nghĩa là thanh lọc,
biến hoá, rèn luyện và cải thiện.
Một người có văn hoá ở Ấn độ là một người
chịu theo một kỷ luật, và đã chế ngự được thú tính, đã hoán cải được
mình để sống hợp với nhân luân
Arnold cho rằng: Văn hoá là sự cố gắng của
con người để vươn lên tới mức độ cao siêu hơn, hoặc là vươn lên cho tới
hoàn thiện.
Phương tiện của sự siêu thăng này chính là
văn chương và nghệ thuật và sự học hỏi về những tư tưởng và hành động
cao đẹp của tiền nhân
Arnold cũng đã phân tách văn hoá thành hai
phương diện:
1. Sự cố gắng của con người để vươn lên
cho tới toàn thiện.
2. Tất cả những sách vở, những công trình
ghi chép lưu lại những cái hay cái đẹp của tiền nhân.
Cụ Nguyễn Đặng Thục gắn liền văn hoá với
tiến hoá. Tiên sinh viết: Văn hoá có nghĩa là tiến hoá, tiến từ trình độ
thô sơ đến trình độ văn vẻ từ thấp đến cao, từ vật chất hữu hình lên
tinh thần vô hình.
Tất cả các nhà tư tưởng trên đây tuy lời
lẽ không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều quan niệm văn hó đại khái như
là một quá trình nhân cách hoá con người,
siêu
thăng hoá
con
người, coi văn hoá như là một nỗ lực tiến tới tinh hoa, khác hẳn với sự
thô sơ, mộc mạc lúc ban đầu.
Đó cũng
là một trong những nhận định trong những nhận định cổ điển nhất về văn
hoá.
10. Các nhà xã hội học, nhân chủng học
hiện nay thường tránh những chự tịnh thân, những ý niệm chủ quan, những
mục đích thâm viễn, nên thường chỉ định nghĩa văn hoá là LỀ LỐI SỐNG CỦA
MỘT DÂN TỘC, MỘT XÃ HỘI CON NGƯỜI.
Malinowski chẳng hạn cho rằng học về văn
hoá tức là học về tất cả lề lối sống của một xã hội.
Henri de Man chủ trương «văn hoá» là một
lề lối sống dựa trên một niềm tin công cộng, vào một hệ thống và một tôn
ti, trật tự, thức bực giá trị, làm cho đời sống có một ý nghĩa nhất
định.
Linton cũng chủ trương tương tự. Ông viết:
«Văn hoá của một xã hội là lề lối sống của
các phần tử trong xã hội ấy. Đó là toàn bộ những ý tưởng và tập tục mà
họ đã thâu lượm, chia sẽ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
«văn hoá» đem lại cho mỗi người của mỗi thế hệ những cách giải quyết hữu
hiệu và lập thành về tất cả các vấn đề mà họ sẽ gặp phải. Những vấn đề
này được nêu lên vì những nhu cầu cá nhân sống trong một đoàn thể có tổ
chức.
Như vậy văn hoá không phải là một lề lối
sống suông. Nó còn là một QUAN NIỆM VỀ ĐỜI SỐNG (une conception de la
vie), và MỘT LỀ LỐI SỐNG (manière de vivre).
Một môn phái xã hội Anh viết: «Văn hoá xưa
kia chỉ sự chải chuốt, thanh lịch về phương diện lý trí và tâm thần, và
sự phát triển của nghệ thuật, ngày nay là toàn thể nết ăn, thói ở của
một dân tộc.
Thế nghĩa là, đối với các nhà nhân chủng
học, chữ Văn hoá ngày nay có một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Xưa kia thì Văn hoá là một tinh thần, là
những công trình những nghệ phẩm, thoát ly hẳn với đời sống thực tại,
thường nhật của quần chúng. Nó là một lý tưởng, một đời sống lý tưởng
cho quần chúng vươn lên.
Còn ngày nay, người ta cho rằng Văn hoá là
phản ảnh của một đời sống thực tại, thường ngày với tất cả những cái hay
cái dở của đời sống ấy.
Hơn thế nữa, các nhà nhân chủng học, trong
đó có Claude Lévi-Strauss, ngày nay dần dà bỏ cái quan niệm hẹp hòi xưa
là cho văn hoá mình hay, văn hoá người dở, văn hoá này hay, văn hoá xưa
dở.
Thái độ ấy, quan niệm ấy ngày nay đã trở
nên lỗi thời. Người ta dần dà nhận ra rằng xưa và nay cũng vẫn chỉ là
một con người, cũng vẫn một lý trí ấy, một tâm tư ấy, cũng vẫn những khả
năng ấy, nhưng vì thời vận khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, quan niệm về
cuộc sống khác nhau, cho nên đã có những phản ứng, những thái độ, những
lề lối sống khác nhau, những tố chức, những thể chế khác nhau.
Nhận định này làm ta liên tưởng đến hai
câu đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm đời Gia Long:
«Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần
ai, ai dễ biết ai!»
«Thế Chiến Quốc, thế Xuân thu, gặp thời
thế thế, thời chịu thế.»
Ngày nay người ta đã bắt đầu nghiên cứu
các nền văn hoá với một thái độ thông cảm và cởi mở , mong tìm ra những
nét dị biệt mang những mầu sắc không gian, thời gian và nhân sự cùng như
những điểm chính yếu, đại đồng, dưới những hình thái biến ảo bên ngoài.
Vả lại, người ta bắt buộc phải nhận chân
rằng ngay từ thời tiền sử, cũng đã có thể đã có những nền văn hoá cao
rồi, chứ không phải như người ta đã lầm tưởng rằng văn hoá mới phát sinh
từ thời Hi Lạp, nhất là từ khi người ta tìm ra được những bích họa siêu
thoát thần kỳ của các dân tộc xa xưa ở trong những hang động ở Âu Châu
như ở Altamira (Tây Ban Nha), La Mouthe (Dordogne Pháp), Pont de Gaume
hay Lascaux v. v…
Thậm chí, đã có những nhà nhân chủng học
như Claude Lévi Strauss đã dám nói rằng nền văn hoá thời TÂN THẠCH, là
nền văn hoá cao siêu, hoàn mỹ nhất từ trước tới nay.
Khảo sát hai chữ Văn Hoá về phương diện
ngữ học, và từ nguyên, ta đã làm nổi bật lên ít nhiều định nghĩa sau đây
về Văn Hoá:
1. Văn Hoá là trình độ trí thức, kiến thức
con người.
2. Văn Hoá là trí dục, đức dục. Văn hoá là
sự đào luyện tâm trí con người.
3. Văn hoá là công trình giáo hoá con
người, là hệ thống giáo dục trong một quốc gia.
4. Văn hoá là văn chương, nghệ thuật.
5. Văn hoá là sinh hoạt tinh thần, ngược
lại với văn minh.
6. Văn hoá là sự sáng tạo ra những giá trị
mới.
7. Văn hoá là sự cảm thông, truyền thụ.
8. Văn hoá là tất cả những gì làm cho đời
thêm thi vị đáng sống.
9. Văn hoá là nỗ lực của nhân loại để tiến
tới một đời sống lý tưởng.
10. Văn hoá là lề lối sống của một dân
tộc.
Những định nghĩa trên có thể thu về ít
nhiều lập trường sau đây:
1. Văn hoá bao gồm Thiên Đạo, nhân đạo.
Như vậy nó bao quát đạo giáo, luân lý, triết lý, văn chương và nghệ
thuật.
2. Văn hoá chỉ là nhân đạo. Nó khác với
đạo giáo và văn minh.
3. Văn hoá bao gồm nhân đạo và địa đạo.
Như vậy nó bao quát văn chương và khoa học, từ chương và kỹ thuật. Nó
vừa là văn hoá vừa là văn minh.
4. Văn hoá là tất cả. Văn hoá bao quát đạo
giáo, nghệ thuật, văn chương, chính trị, khoa học kỹ thuật…
Như vậy ta thấy văn hoá là một từ ngữ mà
nội dung thay đổi tùy theo quan điểm của từng tác giả.
Xét về phương diện mục đích, văn hoá là sự
tiến hoá, sự tiến tới toàn thiện.
Xét về phương diện thực dụng, văn hoá là
sự đào tạo con người để họ thích ứng với nhu cầu của từng thời kỳ.
Về phương diện lý thuyết, Văn hoá là một
quan niệm sống.
Về phương diện thực hành. Văn hoá là một
lề lối sống riêng biệt của một dân tộc trong một thời kỳ và một hoàn
cảnh nào đó…
– Ta có thể dùng màu sắc tôn giáo, hay chủ
nghĩa để hoá trang văn hoá. Ta nói, Văn hoá Khổng Giáo, Văn hoá Công
giáo, Văn hoá Phật giáo, Văn hoá Hồi giáo, Văn hoá Cộng sản v.v…
– Ta có thể đem quan niệm triết học mà vẽ
vời văn hoá. Ta nói: Văn hoá duy linh, văn hoá duy vật v.v…
– Ta cũng có thể lấy sở thích của từng
thời đại mà đoán định về Văn hoá. Ta nói: Văn hoá nhân văn, Văn hoá kỹ
thuật v.v…
– Ta cũng có thể lấy son phấn thời gian mà
điểm tô văn hoá. Ta nói Văn hoá cũ, Văn hoá mới v…
– Ta cũng có thể khoác cho văn hoá một màu
sắc chính trị, như nói: Văn hoá tiểu tư sản, văn hoá vô sản.
– Ta cũng có thể lấy những phát minh,
những dụng cụ chính yếu của từng thời đại mà phô diễn Văn hoá, như nói:
– Văn hoá cổ thạch (Culture
paléolithique).
– Văn hoá trung thạch (Culture
mésolithique).
– Văn hoá tân thạch (Culture néolithique).
– Ta cũng có thể lấy phương hướng, địa dư,
địa lý, quốc gia chủng tộc mà phân định các nền văn hoá, như khi nói;
– Văn hoá Đông phương
– Văn hoá Tây phương
– Văn hoá Tàu
– Văn hoá Tây
– Văn hoá Việt
– Văn hoá Chàm v.v…
Đối với bất kỳ môn phái nào, chủ trương
nào, văn hoá cũng bao hàm những nỗ lực, những phương thức, để cải thiện
con người, để phát huy năng khiếu con người, để hướng dẫn họ theo một
đường hướng nào, một chủ trương nào. Văn hoá có mục đích cảm hoá, canh
tân, rèn luyện con người.
Để đúc kết lại, ta có thể nhận định về VĂN
HOÁ như sau: VĂN HOÁ LÀ LỀ LỐI SỐNG riêng biệt của cá nhân, đoàn thể, xã
hội hay dân tộc, đã được PHÁT SINH nhờ những ý niệm, tình cảm, khuynh
hướng đặc biệt làm nồng cốt và dẫn đạo; đã được PHÁT HUY, THỂ HIỆN qua
những công trình văn chương, nghệ thuật, đạo giáo, chính trị, xã hội; đã
được LỒNG VÀO TRONG NẾP SỐNG HÀNG NGÀY, nhờ những phong tục luật lệ, tổ
chức, y phục, dụng cũ điển hình, đã được TRUYỀN THỤ, LƯU LẠI nhờ ngôn
ngữ và giáo dục.
VĂN HOÁ là tất cả những cố gắng của con
người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, xã hội và hoàn cảnh để
con người có thể sống một cuộc đời khác biệt với muông thú, một cuộc đời
thanh cao, đầy đủ nhân cách, nhân vị, và nếu có thể một đời sống tự do,
tự tại, khinh khoát, thần tiên.
Văn hoá này sinh do những ước mơ về chân
thiện mỹ và là nỗ lực của con người để vươn lên cho tới chân thiện mỹ,
để thực hiện chân thiện mỹ v.v…
III. TRIẾT TỰ VĂN HOÁ, VÀ PHÂN TÁCH CƠ CẤU VĂN HOÁ
Sau khi đã bình luận về ít nhiều định
nghĩa văn hoá, chúng ta có thể khơi sâu thêm vấn đề bằng cách phân tách
từ ngữ văn hoá, và cơ cấu văn hoá.
1. Trước tiên, chúng ta hãy phân tách chữ
Culture.
Culture, theo nghĩa đơn, nó nghĩa là trồng trọt, tức là bao gồm
tất cả những phương pháp, những công trình chăm bẳm, vun trồng cho cây
cối, ngũ cốc được sinh hoa kết quả. Đó là những phương pháp, kỹ thuật
bên ngoài, có mục đích làm nảy sinh những khả năng sẵn có của thảo mộc,
ngũ cốc.
Nếu vậy, thì theo nghĩa bóng, Culture hay
văn hoá cũng bao gồm tất cả những phương thức, những kỹ thuật bên ngoài,
còn mục đích làm nảy nở những khả năng sẵn có bên trong của con người.
Nói cách khác, văn hoá là làm nảy nở, làm
phát triển những tài năng, những linh tính còn tiềm ẩn trong con người.
Minh định như vậy, chúng ta mới thấy các
triết gia thuộc phái tiến hoá như Herbert Spencer chẳng hạn đã sai lầm
khi nhận định rằng không có gì là thiên nhiên, thiên bẩm, mà toàn là thủ
đặc, tập thành, nghĩa là con người trở nên thế này thế nọ, toàn là nhờ
ảnh hưởng của hoàn cảnh, của xã hội mà thôi.
Trong Nam Phong tạp chí, số 84, Ông Phạm
Quỳnh cũng đã bình luận về hai chữ văn hoá theo nghĩa là trồng trọt nói
trên.
Ông viết:
«Văn hoá là gì? Văn hoá là cách đào luyện
tinh thần người ta thế nào cho được thập phần tốt đẹp, để nảy nở ra
những công trình to tát, sự nghiệp lớn lao, mà đem tư cách một quốc gia
đến tuyệt phẩm. Vì người ta như cái cây, thời văn hoá là cách trồng cây,
bón cây, tưới cây cho cây nở ngạnh, xanh ngọn kết quả sinh hoa, để tô
điểm cho cái vườn hoa của thế giới…»
Ông bình luận tiếp:
«Nay mầm Mống, chồi Lạc của ta không phải
là giống cỏ hen của tạo vật, sao nỡ để cho đến khô héo mà úa tàn? Bởi vì
lúng túng chưa biết cách vui xưới cho phải đường, cứ trồng theo lối cũ,
thì chỉ gây được một giống cây non bộ, coi nó nhỏ nhen lí tí, thâu hẹp,
bần cùng, đặt trong chậu sàng, chậu sứ, bể cạn tường hoa thì được, chứ
đem ra nơi nắng cả gió to được mấy nả? Muốn trồng theo lối mới, thời
cũng chỉ mọc ra một loại tầm gửi, giây leo, quấn vào chung quanh cây
lớn, thời sống được, chứ thả ra, mềm oặt, đứng sao?
«Nhân tài nước ta cũng như cái cảnh tầm
gửi, cây non bộ đó, mong sao có ngày chiếm địa vị vẻ vang trên thế
giới?»
Ông cũng còn viết: «Văn hoá là gồm cách
đảo luyện tinh thần người ta. Văn học là dịch tiếng tây «Culture» nghĩa
đen là cách trồng trọt. Người ta ví như cái cây, thì văn hoá là cách làm
cho nảy nở được hết cái tinh hoa. Cây cỏ trồng mới tốt, người có hoa mới
hay…»
Trở về hai chữ văn hoá trong từ Hán
Việt, chúng ta cũng có thể hiểu được ba cách khác nhau:
a). Lấy sự đẹp đẽ để cảm hoá người
b). Có đẹp đẽ mới cảm hoá được người.
c). Có biến hoá mới có thể trở nên đẹp đẽ,
thanh cao.
a. Trước hết, nếu ta hiểu Văn hoá là lấy
sự đẹp đẽ mà cảm hoá con người, ta sẽ thấy Văn hoá bao trùm hết tất cả
những gì gọi là văn chương, nghệ thuật, tất cả những gì là tinh hoa của
con người, mà xưa nay con người đã thực hiện được, mà xưa nay, đời nay
truyền lại cho đời kia, như là những kỷ niệm đẹp đẽ, những gia tài quí
báu của mỗi thế hệ. Ta cũng sẽ thấy, xưa và nay người ta thường dùng văn
nghệ để cảm hoá tha nhân.
b. Văn hoá cũng có thể hiểu là có đẹp đẽ
mới cảm hoá nổi người khác.
Theo lối giải thích này, ta thấy nhân loại
có thể chia ra làm hai thành phần: Một thành phần thiểu số đẹp đẽ hơn,
thanh lịch hơn, tiến bộ hơn, và một thành phần thô sơ hơn, chậm tiến
hơn. Thành phần trước có bổn phận dẫn dắt cải hoa thành phần sau, thế
tức là: «Tiên giác giai hậu giác!»
Nói thế còn có nghĩa là những người làm
văn hoá phải là những người đẹp đẽ. Hiểu Văn hoá như vậy, ta sẽ không
ngại những chuyện đổi thay, biến cải. Nhưng chúng ta chỉ chấp nhận những
biến cải khả dĩ có thể đem lại cho chúng ta một đời sống xứng đáng hơn,
đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn, thanh cao hơn, tự do hơn, khoáng đạt hơn…
Như vậy, văn hoá là tất cả những nổ lực
của con người để cải hoa ngoại cảnh, cải hoa tâm thần để trở nên hạnh
phúc, thanh cao, đẹp đẽ về mọi phương diện.
Nếu thế thì biến sa mạc hoang vu thành
đồng nội phì nhiêu, thành ruộng vườn xanh tốt, đem thịnh đạt phong doanh
về cho xứ sở, đem thanh kỳ hoa lệ về cho giang sơn cũng là một công
trình văn hoá lớn lao, vì nếu một nhà họa sĩ dùng bút màu làm hiện lên
trên mặt vải, mặt giấy những phong cảnh thần tiên, kỳ diệu, là làm một
công trình văn hoá, thì những người dùng tài trí và mồ hôi, nước mắt cải
tạo cho giang sơn trở nên thần kỳ, cho trần gian trở nên tươi đẹp, cho
đất đai rực rỡ muôn màu hoa cỏ, chẳng phải là một nhà đại văn hoa hay
sao?
Hiểu rằng Văn Hoá là biến hoá để làm cho
mọi sự trở nên đẹp đẽ, thì một chính trị gia, một nhà xã hội học có công
làm cho nhân loại thực sự có được một đời sống an bình, thái thịnh, hạnh
phúc, bình đẳng, chính là một nhà đại văn hoá, vì nếu một nghệ sĩ dùng
thanh âm, dùng tài nghệ mình để giúp vui cho người trong chốc lát mà đã
được gọi là nhà văn hoá, thì những người đem lại nụ cười hồn nhiên trên
làn môi các thanh thiếu nữ, đem lại sắc diện hớn hở trên mọi khuôn mặt
công dân, làm khô cạn mạch sầu nhân loại, khơi thông nguồn hạnh phúc cho
trần hoan, chẳng phải là những nhà đại văn hoá hay sao?
Nếu biến hoá mà trở nên đẹp đẽ được, nếu
ngoại cảnh nhờ biến hoá mà trở nên đẹp đẽ được, thì tâm hồn nhờ biến hoá
cũng sẽ trở nên đẹp đẽ được.
Như vậy, chúng ta đã chất chứa sẵn trong
lòng chúng ta những vẹ đẹp vô biên vô tận, nhưng những vỏ đẹp ấy còn chờ
chúng ta trau dồi, biến hoá, phát huy, mới có thể triển dương phóng phát
được.
Hiểu Văn Hoá như vậy, sẽ khai thông cho
tâm hồn chúng ta một tiến trinh vô hạn, một viễn tưởng đẹp đẽ vô ngần,
và chúng ta sẽ nhận thấy rằng mục đích tối hậu của Văn hoá chẳng những
là giúp ta hoàn hảo ngoại cảnh vật chất, xã hội, xác thân, mà còn đem
lại cho tâm thần chúng ta những vẻ đẹp siêu nhiên, phí phạm, thoát tục,
những tâm kích vũ trụ, và dần dà sẽ đưa chúng ta lên đến ngôi vị thần
linh sang cả…
Nhiệm vụ cao siêu nhất, sứ mạng sang cả
nhất của người làm văn hoá tức là cố gắng thực hiện cho mình và cho
người mục phiêu cao cả, và trong đại ấy.
Thế mới hay:
Hoàn cầu phục vụ con người,
Con người nay trước, con Trời mai sau.
Nội tâm cố tiến vào sâu,
Cơ Trời dần mở, cơ mầu dần hay.
Hết con gang quải Đông Tây,
Ngoại tuy muôn nước trong nay một nhà.
Thiên sơn, vạn thủy băng qua,
Muôn người như một, thái hòa khắp nơi…
2. Phân tách cơ cấu Văn
Hoá.
Triết tự hai chữ Văn Hoá như trên, tức là
mở rộng phạm vi Văn Hoá, để cho nó bao quát hết mọi hoạt động con người,
miễn là ta coi những hoạt động ấy như là những cố gắng để vươn lên cho
tới một đời sống ngày một thanh nhã hơn, cao siêu hơn, hoàn mỹ hơn.
Đồng thời chúng ta cũng làm cho hai chữ
Văn hoá trở nên linh động, biến hoá vô cùng, và đem lại cho chúng ta một
nguồn sống vô biên vô tâm, cũng như một viễn tượng vô cùng đẹp đẽ về
tương lai, một viễn tượng cao siêu, đẹp đẽ, nhưng không phải là một giấc
mơ suông, mà là cả một mục phiêu cho mọi hoạt động, tâm tư hướng về.
Chúng ta mở rộng phạm vi Văn hoá như vậy
cũng không sai, vì như trên ta đã thấy ngày nay các nhà ngôn ngữ học, xã
hội học, nhân chủng học đều đã làm như vậy.
Sorokin chẳng hạn cho rằng Văn hoá bao
gồm:
– Ngôn ngữ.
– Khoa học.
– Đạo giáo.
– Mỹ nghệ.
– Luân lý
.
Bách Khoa tự điển Anh (Encyclopodia
Britanica) ấn bản lần thứ chín cho rằng văn hoá bao gồm:
– Đạo giáo.
– Chính trị.
– Văn chương.
– Học thuật.
– Khoa học.
– Triết học.
– Doanh nghiệp.
– Mỹ thuật.
– Âm nhạc.
– Và Linh tinh…
Lý Đảnh Thinh trong quyển «Hiện đại dụng
ngữ từ điển», đã phân tách cơ cấu Văn hoá thành ba tầng lớp:
– Vật chất.
– Xã hội.
– Tinh thần.
Félix Sartiaux và Đào Duy Anh cũng chia
Văn hoá thành 3 bộ phận như sau:
– Sinh hoạt kinh tế.
– Sinh hoạt xã hội.
– Sinh hoạt trí thức.
Đào Duy Anh cho rằng Văn hoá chẳng qua là
chỉ chung tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người, cho nên ta có
thể nói rằng văn hoá tức là sinh hoạt.
Thế là theo đà thời gian, phạm vi Văn hoá
càng ngày càng được mở rộng, càng ngày càng trở nên bao la, bát ngát cho
đến mức độ là bao quát cả mọi ngành hoạt động của con người.
Cho nên, ngày nay muốn giới hạn văn hoá
vào trong một phạm vi nhất định nào, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Suy cho cùng, thì rất khó mà giới hạn văn
hoá trong một phạm vi nào, vì nếu văn hoá là tất cả những cố gắng của
con người để sống xứng đáng với danh nghĩa con người, thì những nổ lực
để mưu sinh, ăn ở cho có tiện nghi, tạo cho xã hội một đời sống công
bằng bác ái, tạo ra những cuộc du ní lành mạnh, những hội hè tuần tiết
cho dân chúng cùng hướng, cùng vui, chẳng phải là những hoạt động văn
hoá hay sao, cứ gì phải dạy tam cương, ngữ thường, mới nhất định là hoạt
động văn hoá.
Khi đã có một tầm nhìn bao quát về văn
hoá, ta mới hiểu tại sao có người cho văn hoá là đạo giáo, văn hoá là
chính trị, văn hoá là văn minh, nhưng cũng có người lại cho rằng văn hoá
khác đạo giáo, văn hoá khác chính trị, văn hoá khác văn minh, chẳng qua
là do hai lập trường khác nhau, một đằng muôn giới hạn văn hoá, một đằng
không muốn giới hạn văn hoá mà thôi.
Những cách phân chia Văn hoá sẽ thành từng
cơ cấu nói trên của Lý Đảnh Thinh, của Félix Sartiaux, hay của Sorokin,
tuy tiện cho việc nghiên cứu Văn hoá, nhưng không cho ta thấy được hệ
thống, mạch lạc giữa các tầng lớp văn hoá.
Vì thế, để cho thấy đâu là gốc, đâu là
ngọn, đâu là nhân đâu là quả, chúng ta có thể phân chia văn hoá ra làm
ba thành phần như sau:
1. Những quan niệm chính yếu về vũ trụ,
nhân sinh. Nói tắt là một quan niệm sống (Weltanschauung).
2. Những phương thức dùng để thực thi, áp
dụng quan niệm sống nói trên vào đời sống xã hội.
3. Lề lối sống của một cộng đồng, của một
xã hội, theo quan niệm sống nói trên.
Với lề lối phân tích trên, ta sẽ thấy
rằng:
Văn hoá là một lề lối sống riêng biệt của
từng phương, từng miền, của từng dân tộc hay xã hội. Nó gồm:
1. Một quan niệm sống (une conception de
la vie), với những tư tưởng nồng cốt dân đạo, hoặc đạo lý hoặc triết lý.
2. Những phương thức để diễn đạt và phổ
biến những tư tưởng ấy, quan niệm sống ấy. Những phương thức này bao
quát hết mọi đường lối văn chương, nghệ thuật, âm nhạc kịch ảnh, và mọi
cách thế dùng để tuyên truyền và thu hút quần chúng.
3. Những lề lối sống dân gian, những cách
khởi cư, cử chỉ hằng ngày của quần chúng, từ trẻ đến già, những phong
tục lễ nghi chi phối con người từ lúc mở miệng khóc chào đời cho đến lúc
nhắm mắt tắt hơi, những lề lối sống đã được thấm nhuần, đã được chi phối
bởi những tư tưởng nồng cốt nói trên, quan niệm sống nói trên.
IV. SỰ THĂNG TRẦM CỦA
MỘT NỀN VĂN HÓA
Nếu ta nhận định rằng văn hoá là một quan
niệm sống đã được thực thi, áp dụng vào cuộc đời để trở thành một lề lối
sống cho một cộng đồng nhân loại, ta có thể theo dõi đà tiến triển của
một nền văn hoá từ lúc phôi thai đến lúc thái thịnh, rồi lại từ lúc thái
thịnh đến lúc tàn tạ, suy vi.
Ta có thể chia đời sống của một nền văn
hoá thành
năm
giai đoạn sau đây:
– Giai đoạn thứ nhất tức là giai đoạn xuất
sinh:
Một nền văn hoá bao giờ cũng phát xuất từ
một hệ thống đạo giáo triết học hay nói cách khác từ một chủ nghĩa, một
viễn tượng về cuộc đời.
Các nhà khai sinh ra một nền văn hoá bao
giờ cũng có trong đầu óc một quan niệm về đời sống, một viễn tượng về
cuộc đời, cho rằng phải sống như thế này thế nọ, phải cải cách xã hội
thế này, thế kia, mới là lý tưởng.
– Giai đoạn thứ hai tức là giai đoạn tăng
trưởng:
Chính cũng là giai đoạn thực thi, áp dụng,
thể hiện những quan niệm mới mẽ vào cuộc đời, bằng đủ mọi hình thức,
phương tiện văn chương, nghệ thuật, mặc dầu phải đấu tranh, mặc dầu bị
bức bách, hay bị đàn áp.
– Giai đoạn thứ ba là giai đoạn toàn
thịnh:
Đó tức là khi mà mọi cơ cấu từ tinh thần
đến vật chất, từ cá nhân đến xã hội đã được hình thành, được tổ chức
theo những khuôn mẫu đã được dự liệu từ lúc ban sơ.
– Giai đoạn thứ tư là giai đoạn đình đốn:
Đó cũng là giai đoạn tán dương các thành
quả đã thâu lượm được, bảo vệ các cơ cấu đã gây dựng được, coi chúng như
là cái gì tuyệt đối, bất khả xâm phạm, cần được bảo vệ bất kỳ bằng giá
nào. Kẻ xưa kia bị người khác bách hại, nay có thể thành kẻ bách hại
người khác.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn tập quán.
Tới giai đoạn này, các sinh lực sáng tạo đã trở nên yếu ớt.
– Giai đoạn thứ năm là giai đoạn suy vi,
tàn tạ.
Nền văn hoá linh động khi xưa, nay đã trở
thành những khuôn khổ chật hẹp, cố định, những ràng buộc, những xiềng
xích đối với con người. Nó không còn ăn khớp với đời sống thực sự của
con người, không còn giải quyết được những nỗi khó khăn, những băn
khoăn, thắc mắc hiện tại của con người. Nhân loại bắt đầu hoài nghi,
chán ngán, và bắt đầu muốn duyệt xét lại, muốn cải tổ lại hoặc từng bộ
phận, hoặc toàn bộ nền văn hoá cũ.
Trong khi nghiên cứu về văn hoá, có học
giả, vì chú trọng đến viễn tượng lý tưởng lúc ban đầu, nên đã định nghĩa
văn hoá là lý tưởng.
Có học giả chú trọng đến văn hoá khi đã
lồng vào trong đời sống con người với những nét đặc thù của nó, nên đã
coi văn hoá như là tất cả những gì làm cho cuộc đời trở nên đáng sống,
như những phong tục, những tuần tiết, những hội hè, những trò chơi giải
trí bên ngoài v.v…
Ba nền văn hoá chính yếu trong hoàn võ
Nếu ta chỉ nhìn lịch sử và nhân quần bằng
một cái nhìn phiếm diện thì ta tưởng như có đến muôn vàn thứ văn hoá
khác nhau từ trước đến nay và ta muốn nói như Henri de Man: «Có bao
nhiêu cộng đồng nhân loại chấp nhận một hệ thống giá trị riêng biệt, thì
có bấy nhiêu nền văn hoá».
Nhưng nếu ta chịu so sánh, chịu cân nhắc,
thì ta thấy các nền văn hoá trong thiên hạ có thể qui về ít nhiều loại
được.
Nổ lực để phân chia văn hoá thành những
loại riêng biệt, không phải là chưa có ai đã làm.
Toynbee trước đây, đã dựa theo quan niệm
quốc gia, chủng tộc để phân chia văn hoá thành 21 hay 26 loại khác nhau.
Spengler và Sorokin thời dự vào khuynh
hướng, vào năng khiếu của mỗi dân tộc để phân chia Văn hoá thành ba loại
chánh: Văn hoá Apollo hay thần linh, văn hoá ma thuật, và văn hoá Faust
hay kỹ thuật (Spengler).
Đó là quan điểm của Spengler. Còn Sorokin thời chia văn hoá thành
ba
loại là: Văn hoá tinh thần
(Ideationale culture), Văn hoá trung gian (Idealistic culture) và Văn
hoá vật chất (Sensate culture).
Theo thiển ý tôi, văn hoá có thể chia
thành ba loại, dựa trên những quan niệm chính yếu về vũ trụ và về nhân
sinh, cũng như trên những viễn tượng, những mục phiêu hoạt động của từng
thời đại.
Ba loại văn hoá ấy là:
I. Văn hoá thần linh (Văn hoá thiên bản
hay văn hoá vụ thần).
Đó là thứ văn hoá đặt trọng tâm chỉ vẽ cho
con người phương pháp để sống một đời sống siêu nhiên, hoàn hảo ngay từ
khi còn ở gian trần này, tức là những phương pháp dạy con người thành
phật, thành tiên, thành thánh, thành chân nhân, thần nhân, tùy theo từ
ngữ từng địa phương, hay thời đại. Đó là THIÊN ĐẠO.
II. Văn hoá nhân bản (Văn hoá nhân văn,
hay Văn hoá vụ nhân).
Đó là thứ văn hoá đặt trọng tâm vào công
cuộc cải tạo tâm hồn con người, để con người có thể biến cải mình, sống
một cuộc đời có nhân cách, thanh lịch, cao cả, bất kỳ ở trong hoàn cảnh
nào. Đó là NHÂN ĐẠO.
III. Văn hoá kỷ thuật, vật chất (hay văn
hoá địa bản, văn hoá vụ cảnh).
Đó là thứ Văn hoá đặt trọng tâm vào công
cuộc cải tiến xã hội nhân sinh, tổ chức đời sống quốc gia, kinh tế, kỹ
thuật, đời sống vật chất của quần chúng. Đó là VẬT ĐẠO.
Chia VĂN HOÁ, thành ba loại như trên, có
thể nói đã dựa trên những tiêu chuẩn chắc chắn.
Trước tiên là nó dựa trên quan niệm TAM
TÀI về con người.
Nó tương ứng với 3 ý nghĩa của chữ CULTURA
trong tiếng La Mã:
1. Làm ruộng (agri cultura hay argi
cultus)
2. Làm người (Animi cultura hay animi
cultus)
3. Làm thân minh (Dei cultura hay Dei
cultus)
Nó tương ứng với quan niệm TAM TÀI CỦA
DỊCH KINH (Thiên, Địa, Nhân), và đồng thời tương ứng với quan niệm TAM
TÀI về con người, với ba bình diện trong con người:
1. Thần (Esprit)
2. Tâm (Âme)
3. Xác (Corps)
Nó cũng tương ứng với ba thế giới của
Pascal:
– Thế giới bác ái
– Thế giới tâm tư
– Thế giới thân xác
cũng như đối với lề lối nhận thức riêng
biệt của từng thế giới ấy, tức là:
– Trực giác.
– Tri giác.
– Cảm giác.
Nó cũng tương ứng với quan niệm tâm tài về
con người của nhiều môn phái triết học Âu Châu thời xưa.
Môn phái Valentin chẳng hạn đã chủ trương
rằng con người có ba hạng:
– Những người có tiên cách, thần cách
(spirituels)
– Những người có nhân cách (Psychiques)
– Những người phàm phu, xác chất, vật hèn.
(Hyliques).
Mỗi dân tộc lại sở trường về một nền Văn
hoá.
Theo Jean Laloup, thì Ấn Độ đã tìm hiểu
sâu xa về Trời, Trung Hoa đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nhân luân, Âu Châu
đã tỏ ra xuất sắc về sự tìm hiểu và chinh phục thế giới vật chất
.
Tuy nhiên đó chỉ là những giả thuyết những
phân tách giả tạo cho chúng ta nhìn cho tỏ hơn, học cho dễ hơn, chứ thực
tế không bao giờ đơn giản như vậy.
I. Nền văn hoá thứ nhất,
tức là nền Văn
hoá thần linh (như ta thấy thực thi ở Ấn Độ, ở Trung Hoa, ở Ai Cập thời
cổ) chủ trương rằng:
– Vũ trụ và con người đều là biểu tượng
của Tuyệt đối thể.
– Và vì vậy, con người là
dòng dõi thần minh.
có bản chất thần minh
có thể trở thành thần minh,
nếu biết phương pháp tu luyện, biết đường học hỏi.
– Về phương diện đạo giáo, nền văn hoá này
chú trọng đến sự cho rằng người ta tự cứu thoát mình bằng sự giám ngộ.
– Về phương diện chính trị, chủ trương
Trời dùng các vị thánh quần để thay trời trị dân, đồng thời để làm gương
nhân đức cho dân. Vua như vậy, vừa là quốc vương, vừa là giáo chủ.
Khi nền Văn hoá này được đem thực thi, áp
dụng vào quần chúng, ta thấy nó khoác hai sắc thái:
a. Một số ít người giác ngộ, một số ít đệ
tử được chân truyền đã thực sự tu luyện trở thành thần minh, và đã thần
thánh hoá được mình. Đó là nội giáo, hay mật giáo (ésotérisme hay
hermétisme).
b. Còn đa số quần chúng thì tôn thờ thần
minh để cần cầu phúc, nhương tai, làm lành lánh dữ để được thưởng công,
khỏi bị phạt tội kiếp này hoặc kiếp sau. Đó là ngoại giáo (exotérismo)
c. Ngoài ra, còn có những phương diện đồng
bóng, bùa chú ma thuật, phù thủy, pháp môn v.v… với mục đích là cảm
thông với thần minh, chi phối hoàn cảnh, hoặc là lợi dụng quần chúng…
Trên lý thuyết, nền văn hoá nầy hết sức
cao siêu, nhưng về phương diện thực hành, thì ít người hiểu thấu đáo và
thực thi được.
Về phía quần chúng, thì vì đặt nặng tin
tưởng vào sự an bài của thần minh, nên họ không tự lực, tăng cường, tự
lực cánh, tự lực giải thoát, mà cứ ỷ lại vào số mệnh.
Hơn nữa, nền văn hoá này coi nhẹ cuộc sống
vật chất, gian trần, cho là phù du, hư ảo, cũng vì vậy mà sự đói khổ lầm
than là một mối đe dọa thường xuyên đối với quần chúng.
II. Nền văn hoá thứ hai,
có thể nói là nền
Văn hoá nhân bản.
Nền văn hoá này chủ trương vũ trụ cũng như
con người là vật thụ sinh, do Thượng đế sáng tạo ra.
Về phương diện đạo giáo, nền văn hoá này
chủ trương con người phải thời phụng thần minh, dù là độc thân hay là đa
thần ăn ngay ở lành, để lai sinh khỏi bị sa đọa. Và cũng không đặt nặng
vấn đề đời sống thế tục hiện tiền, mà chỉ ước mơ, chỉ chuẩn bị cho một
lai sanh tốt đẹp.
Về phương diện luân lý, nó khuyến khích
nhân, nghĩa, nhân luân, dạy dân cố sao ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu
con người.
Về phương diện chính trị, nền Văn hoá này
phân biệt hai thứ thần quyền, thế quyền, các vị vương bá. Và các nhà
lãnh đạo tôn giáo chia nhau hoặc dành nhau quyền thống trị dân. Mục
phiêu của chính trị là giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài.
Về phương diện kinh tế, thương mại, nhà
nước thường là để dân tự do kinh doanh, không có trực tiếp chỉ huy, can
thiệp.
Nền văn hoá này chỉ đặt nặng vấn đề giao
tế giữa người với thần minh, giữa người với người, giữa người với giáo
hội với quên không giải quyết được sự đói khổ vật chất, cũng như không
giải quyết được các tệ nạn xã hội.
III. Nền văn hoá thứ ba
là nền văn hoá vật
chất, kỹ thuật.Nền văn hoá này không còn đặt ra các vấn đề sáng tạo, hay
thần quyền. Nó chủ trương con người chỉ là con vật tiến bộ. Nó không còn
muốn đặt ra các vấn đề thần minh hay đạo giáo, hổn phách, mà chỉ chú
trọng đến các vấn đề xã hội, nhân sinh, kinh tế, kỹ nghệ v.v… Nó không
thần bí, cũng chẳng nhận nghĩa, mà thực tiễn, thực tế. Nó không mơ ước
lai sinh, mà chỉ ra công cải tiến con người hiện thực, cải tiến tình
trạng xã hội hiện thực để tiến tới một đời sống vật chất, cộng đồng khả
quan hơn.
Con người không có giá trị gì nếu không
nhờ xã hội. Như vậy con người hoàn toàn lệ thuộc xã hội.
Tất cả các vấn để cần được cân nhắc bàn
cãi, tất cả các nỗ lực cần được hướng dẫn để đi đến một xã hội hùng mạnh
công bình…
Thế tức là gạt thần thánh, gạt đạo giáo ra
một bên, để đặt hết trọng tâm vào công cuộc mưu sinh và tiến bộ kỹ
thuật.
Trong những xã hội theo nền văn hoá này
chỉ có khoa học là trọng, kỹ thuật là trọng.
Về phương diện kinh tế, thường mãi, cũng
có xã hội cho cá nhân được tự do cạnh tranh kinh tế, cũng có xã hội chi
phối hướng dẫn hết mọi hoạt động kinh tế, thương mại…
Ba nền Văn hoá:
– Thần linh (culture spirituelle)
– Nhân bản (culture humaniste)
– Vật chất, kỹ thuật (culture matérialisté
techenique) có thể nói được đã xây dựng trên ba quan niệm khác nhau về
con người.
Nền văn hoá thần linh chủ trương con người
có đủ tam tài «Trời, đất, người» trong một thân, nghĩa là có đủ:
– Thân (Esprit)
– Tâm (Âme)
– Xác (Corps)
và Trời chẳng có xa người, Trời đã ở ngay
trong tâm hồn con người nên, muốn tìm Trời khỏi phải tìm trong đền đài
miếu mạo, khỏi phải tìm đâu ngoài lòng và như vậy con người trọng hơn
đạo giáo, trọng hơn xã hội, một khi con người đã giác ngộ.
Nền Văn hoá nhân bản cho rằng con người
chỉ có hai phần: Hồn và Xác. Muốn tìm Trời, tìm thần thánh phải vào các
nơi thờ tự, cần phải dựa vào các lễ nghi bên ngoài, cần có những người
hướng đạo mãi mãi, từ bé cho đến già, trong lúc sống cũng như trong lúc
dắm mắt tắt hơi.
Cho nên con người không thể trọng hơn đạo
giáo, con người không thể nào tự giải thoát, con người không thể nào có
những tư tưởng ngược lại với một số giáo điều đã được coi như là những
chân lý viên mãn, bất khả di dịch, và con người phải hoàn toàn tung phục
các cấp lãnh đạo, chỉ huy.
Nền Văn hoá kỹ thuật, vật chất cho rằng
con người chỉ có xác chẳng có hồn thiêng, chỉ có cuộc sống đời nay mà
chẳng có lai sinh.
Cho nên khỏi cần đạo giáo, khỏi cần suy tư
về lai sinh, mà phải đế hết tâm trí tổ chức cho đời sống trần gian được
trở nên hữu lý hoàn bị ngày một hơn.
Nền văn hoá này có thể giải quyết được rất
nhiều vấn đề, vật chất, xã hội, nhân sinh, nhưng đi tới cực đoan có thể
từ chối quyền tự do, tự chủ cá nhân và bắt con người phải hoàn toàn lệ
thuộc vào đoàn thể, vào giai cấp lãnh đạo.
Chúng ta có thể nói được rằng: Ba nền Văn
hoá thần linh nhân bản và vật chất đã lần lượt kế tiếp nhau trên triền
thời gian và không gian, và ta thấy chiều hướng lịch sử nhân loại, đã
dần dà đi từ tinh thần ra vật chất, từ nội tâm ra ngoại cảm từ cá nhân
đến xã hội, từ thần quyền đến nhân quyền, đến vật quyền, tự chủ trương
để cho con người được sống tùy ý, đến chủ trương kiểm soát và chỉ huy
mỏi hành động con người, lồng con người dần dần vào các khuôn khổ đạo
giáo, xã hội, chính trị, xí nghiệp ngày một chặt chẽ.
Khi đi đến cùng cực của nền Văn hoá, văn
minh vật chất, rất có thể nhân loại sẽ quay ngược chiều tiến hoá để trở
về với nền văn hoá nhân bản, rồi với nền Văn hoá thần linh đã được làm
cho trở nên tinh khiết, toàn hảo.
Tương lai sẽ còn dành cho chúng ta rất
nhiều kỳ bí.
Khảo cứu các nền văn hoá với những quan
niệm khác nhau về con người như trên, cho ta thấy rằng con người thật ra
có thể sống trên nhiều bình diện khác nhau: bình diện vật chất xác thân,
xã hội, gia đình, bình diện tâm tình, bình diện tâm linh…
Con người có thể sống như một con thú
thượng đẳng có trí khôn, hoặc sống như con người với tất cả phẩm giá của
nó hoặc cũng có thể sống một cuộc đời thần minh, như các vị thánh hiền
kim cổ …
V. THỬ ĐI TÌM MỘT ĐỊNH
NGHĨA VÀ MỘT QUAN NIỆM VỀ VĂN HOÁ
Sau khi đã bình luận về ít nhiều định
nghĩa Văn hoá, sau khi đã phân tích từ ngữ và nội dung hai chữ Văn hoá,
sau khi đã khảo sát sự thăng trầm của một nền Văn hoá, và khảo sát về ba
nền Văn hoá chính yếu của nhân quần, thiết tưởng cũng nên đưa ra một
định nghĩa riêng tư, một quan niệm riêng tư về Văn hoá.
Bởi vì theo ý tôi, đưa ra một định nghĩa
về Văn hoá tức là đưa ra một quan niệm về Văn hoá tức là cũng đưa ra một
chủ trương, một đường lối về nhân sinh, một viễn tượng, một mục phiêu
cho cuộc đời.
Trước tiên, muốn định nghĩa về văn hoá,
tôi nghĩ nên có một định nghĩa cho hết sức rộng rãi, hết sức linh động
để có thể phổ cập mọi nơi mọi đời.
Vì lẽ đó mà tôi muốn định nghĩa Văn hoá
như là: Tất cả
những nỗ lực của muôn thế hệ nhân quần để vươn lên cho tới tinh hoa hoàn
thiện, cho tới một đời sống lý tưởng về một phương diện nào hay về mọi
phương diện, và tất cả những công trình đã thực hiện được, những giai
đoạn đã vượt qua được trên bước đường tiến hoá ấy.
Văn hoá xưa nay sở dĩ khác nhau là chính
vì người ta quan niệm khác nhau về lý tưởng, về đời sống lý tưởng, về
thân thế cũng như về định mệnh con người.
Cho nên nói một cách thiết thực hơn, Văn
hoá chính là một tầm nhìn, một lối nghĩ, một niềm tin, một cảm tưởng về
thân thế, về định mệnh con người, đã được đem lồng vào trong đời sống xã
hội, dân tộc.
Quan niệm sống ấy, niềm tin về tương lai
ấy chính là ngọn lửa thiêng đã làm bừng lên trong lòng chúng ta một làn
hùng khí, đã soi sáng cho chúng ta nhìn thấy một đường hướng để tiến
tới, một mục phiêu để tranh đoạt, thực hiện.
Cũng vì vậy mà chúng ta không thể quan
niệm Văn hoá một cách hời hợt như là Văn chương, văn nghệ, như là giáo
dục, hay như là một lề lối sống suông. Nói như vậy, mới là đề cập đến
cái xác Văn hoá, chứ chưa đến cái hồn Văn hoá.
Bởi vì Văn chương, văn nghệ cũng có ba bảy
đường: văn chương văn nghệ mua vui, văn chương văn nghệ kiếm tiền hay
văn chương văn nghệ để đưa đường chỉ nẻo cho quốc dân, cho đồng bào,
đồng chủng.
Nói đến giáo dục, không phải là nói đến
giáo dục suông, phải nói đến giáo dục theo tiêu chuẩn nào, có mục đích
gì v.v…
Nói đến lề lối sống, phải nói đến lề lối
sống theo căn bản nào, chủ trương nào: sống ù lì, hay sống tranh đấu;
sống bảo thủ hay cách mạng; sống tồn bản hay vong bản; thâm trầm, chín
chắn hay phù phiếm, xốc nổi; sống cầu an, hay sống cầu tiên, sống hướng
nội siêu thần, hay hướng ngoại trục vật, v.v… . Tóm lại cái quan hệ là
tìm cho ra được cái hồn của mỗi nền văn hoá, những động cơ chính yếu bên
trong khuôn đắp nên những hiện tượng bên ngoài.
Một người làm văn hoá chân chính phải có
khối óc tinh tế nhận định được về cuộc đời một cách chính xác, tìm ra
được một đường hướng lý tưởng, phải say sưa thực hiện cái mà mình cho là
lý tưởng nhất, mà cũng phải hăng say, nồng nhiệt, để thổi vào lòng mọi
người một nguồn sinh khí mới.
Như vậy, văn hoá đối với tôi, bao giờ cũng
phải là một viễn tượng về tương lai, hơn là một kỷ niệm của quá khứ.
Văn hoá luôn luôn còn phải là biểu hiệu
của những cố gắng sáng tạo, xây dựng, chứ không phải chỉ là những thái
độ hưởng thụ, bảo thủ.
Nếu chúng ta hiểu Văn hoá là nỗ lực của
con người để tiến tới một đời sống lý tưởng về mọi phương diện, thì dĩ
nhiên chúng ta phải chủ trương một nền văn hoá toàn bích, với những ý
niệm cơ bản sáng suốt, rõ ràng về nhân sinh, nhân thế, và những đường
lối hẳn hòi để thực hiện nhân sinh ấy.
Một nền văn hoá chủ trương một đời sống
hoàn hảo toàn diện cho mình và cho dân tộc, sẽ không thể nào khinh chê,
gạt bỏ, một khía cạnh nào, một bình diện nào của con người mà phải chú
trọng cả vật chất lẫn tinh thần, tâm lý lẫn sinh lý, đạo giáo lẫn chính
trị.
Khảo về các nền văn hoá các nước Đông Tây
kim cổ, ta đã thấy:
Có dân nước, có thời đại đã chú trọng đến
thần linh, đến tâm linh, mong tu luyện để đi đến giác ngộ, đến giải
thoát.
Có dân nước, có thời đại đã chú trọng đến
nhân tâm, nhân bản, chủ trương giáo hoá con người, để con người ăn ở cho
xứng đáng với danh hiệu con người.
Có dân nước, có thời đại đã chú trọng đến
các vấn đề khoa học, kinh tế, quốc gia, xã hội.
Dựa vào những sự kiện lịch sử ấy, ta nhận
thấy con người có thể sống trên 3 bình diện:
Thần linh, hay tâm linh, hay thiên đạo
Nhân tâm, nhân bản, hay nhân đạo.
Vật chất, kinh tế, xã hội hay địa đạo.
THIÊN ĐẠO cao siêu có mục đích thần thánh
hoá con người làm cho con người tin vào sức mạnh vô biên của tâm linh,
của tinh thần, và của ý chí. Nó có mục đích thần minh hoá, thần thánh
hoá con người.
Nhưng vì quá cao siêu, nên nó không thể
phổ cập vào dân chúng được. Dân chúng vì tư chất còn kém cỏi nên không
vươn lên được tới bình diện cao siêu ấy, không thực hiện được mục đích
cao cả của thiên đạo, cũng như không thấu thái được tinh hoa của thiên
đạo, cho nên chỉ sống bằng từ ngữ suông, nắm được cái võ, bắt được cái
bóng của thiên đạo và rất dễ sa vào vòng mê tín dị đoan. Hơn nữa vì nó
quay lưng vào đời sống thực tại, nên không giải quyết được một cách hữu
hiệu các vấn đề sinh kế, vật chất cho quần chúng.
Đó là mặt trái của nền văn hoá thần linh.
Những khuyết điểm ấy đã làm cho các triết gia, các vị lãnh đạo tinh thần
suy tư để tìm cho ra một cái đạo thích hợp với quần chúng hơn, chú trọng
về huấn luyện, giáo hoá con người trên bình diện luân lý, lập ra những
hình thức lễ nghi bên ngoài, cho dân chúng dễ theo, lập ra những hệ
thống giáo lý dễ hiểu, để mọi người có thể thâm nhuần, lập ra những cơ
sở giảng giải, những phẩm chất để lãnh đạo mọi giai cấp, để đi sâu vào
lòng mọi giai cấp.
Nên nhân đạo nầy thỏa mãn quần chúng được
phần nào, nhưng vì muốn bành trướng, muốn nắm vững quần chúng, nên đôi
khi đã dùng đến những thủ đoạn dã man, tàn khốc, đôi khi đã đi đến chỗ
áp bức, khống chế con người.
Hơn nữa vì muốn lòng mọi người vào một
khuôn khổ nhất định cho nên làm cho những người yêu chuộng tự do và nhân
phẩm đôi khi phải sống ngột ngạt trong sự tù túng tinh thần. Ngoài ra nó
còn làm khuất lấp mất cái phần cao siêu nhất trong con người đó là phần
thần linh (Esprit).
Vả chăng, nó cũng không giải quyết được
một cách cụ thể những sự bất công, tàn ác, những đau thương, những đói
khổ, lầm than của nhân loại. Tuy rằng có những tổ chức từ thiện, giúp đỡ
con người trong những lúc cập thời, nhưng đó không phải là làm tăng nhân
phẩm con người. Đó là mặt trái của nền nhân đạo.
Vì thế mà người ta lại nghĩ đến sự tổ chức
nên một vật đạo, nghĩa là ra công cải thiện xã hội, mục đích là làm cho
con người bớt lầm than đói khổ, có được đời sống đầy đủ tiện nghi hơn.
Nhưng nền Văn hoá vật chất, kỹ thuật cũng
mắc phải nhiều nhược điểm.
Nói rẻ rúng nhân cách con người, nó tàn
nhẫn, xảo quyệt thủ đoạn, có nhiều khi còn lồng cho con người vào trong
những khuôn khổ cực kỳ chật hẹp, cứng rắn hết mọi tự do con người.
Họ cho con người bánh, nhưng lại lấy mất
tự do, nhân phẩm con người. Vì vậy mà trong nhân quần đã từng vang lên
những tiếng kêu cứu cấp: Ai sẽ giải thoát chúng tôi cho khỏi sự máy móc
hoá bây giờ?
Suy ra thì bất kỳ nền văn hoá nào xưa nay
cũng có cái hay, cũng có cái dở, cũng đã có nhiều công, mà cũng đã có
lắm tội…
Bổn phận ta là phải đi tìm một quan niệm
mới về Văn Hoá, đi tìm một nền văn hoá mới, một nền văn hoá sống động,
có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, một nền văn hoá đa phương, đa điện,
gồm nhiều tầm kích, vừa cao siêu, vừa tinh vi, lại vừa hạng người, mọi
tầng lớp, mọi tuổi tác, có thể uyển chuyển theo kịp đà tiến hoá của thời
gian, của lịch sử, mà không sợ bị đào thải, theo được sự tiến triển của
con người như bóng với hình, để cuối cùng giúp cho con người thực hiện
được mục phiêu tối hậu, là sống một cuộc đời đạo hạnh thần tiên, trong
một thế giới hoàn mỹ, một xã hội hoàng kim mai hậu.
Một nền văn hoá như vậy dĩ nhiên phải là
một nền văn hoá toàn diện, toàn bích.
Thế nào là một nền văn hoá toàn diện, toàn
bích?
Một nền văn hoá toàn diện toàn bích phải
gồm đủ cả ba nền:
– Thiên đạo,
– Nhân đạo,
– Vật đạo nói trên,
lọc lõi những cái hay, mà gạt bỏ những cái
dở của ba nền văn hoá ấy.
Nền văn hoá toàn diện có mục đích phát huy
mọi giá trị, mọi khả năng trong con người, trên mọi bình diện, tạo cho
mọi người những điều kiện tinh thần vật chất thuận tiện để họ được nâng
đỡ, được hướng dẫn, ngõ hầu có thể phát triển mọi khả năng của mọi
người, kiến tạo một xã hội tương dung, tương trở, hạnh phúc, công chính,
và giúp con người có những điều kiện thuận tiện, những môi trường thuận
tiện để sống một cuộc đời ung dung, sung sướng, thoát được mọi cảnh lầm
than, đói khổ, ốm đau, tật nguyền, và cuối cùng có thể thần thánh hoá
mình.
Để xây dựng để tiến tới một nền văn hoá
toàn diện, chúng ta có thể nêu ra ít nhiều nguyên tắc sau đây:
1. Nguyên tắc thứ nhất là nhận thức rằng
con người có THIÊN CĂN, THIÊN TÍNH, và vì thế có khả năng tiến hoá vô
cùng tận. Cho nên, tất cả các tổ chức đạo giáo cũng như xã hội phải giúp
con người phát huy đến cùng cực mọi khả năng của mình.
2. Nguyên tắc thứ hai là nhận thức rằng:
mọi sự tốt đẹp đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và các đạo giáo, các
tổ chức xã hội chỉ có bổn phận là tài bồi, là làm cho nảy nở, làm triển
những mầm mộng chân thiện mỹ đã tiềm ẩn sẵn trong ta mà thôi.
Chủ trương này đưa đến những hiệu quả thực
tế hết sức quan trọng; tức là:
– Tôn trọng phẩm giá con người.
– Đề cao tinh thần tương dung, tương trợ,
và thông cảm lẫn nhau.
– Giải phóng thực sự con người, vì chủ
trương trên rằng một khi đã giác ngộ, khi đã đạt đạo, con người sẽ vượt
lên khuôn khổ đạo giáo. Con người rốt cuộc vẫn là chủ tể, các đạo giáo
chỉ là công cụ nhất thời. Con người phải biết dùng đạo giáo như là
phương tiện để tiến thân, như là phương thức để thần thánh hoá mình, chứ
không coi mình như là nô lệ của đạo giáo, hay của hằng giáo phẩm của bất
kỳ đạo giáo nào.
3. Nguyên tắc thứ ba là nhận thức rằng:
tiền nhân đã dày công mới tìm ra được những đức tính cao siêu của tâm
hồn như NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN, như CÔNG CHÍNH, LIÊM KHIẾT, THANH CAO
vân vân. Nhưng đức tính cao quí của con người ấy cần được bảo vệ, khuyến
khích tài bồi bằng mọi phương cách thanh tao như văn chương, kịch nghệ,
âm nhạc v.v… Một nước có nhiều tâm hồn tốt đẹp cũng y như một nhà có
nhiều châu báu, một vườn có nhiều hoa thơm. Tâm hồn mọi người mà thanh
cao đẹp đẽ cả thì làm gì còn loạn lạc, làm gì còn đấu tranh.
4. Nguyên tắc thứ tư là nhận thức rằng con
người không thể sống xa lìa xác thân, hoàn cảnh, xã hội, cho nên những
vấn đề kinh tế, cơm áo, hoàn cảnh, xã hội, cho nên những vấn đề kinh tế,
cơm áo, vật chất, chính trị, xã hội đều là những vấn đề khẩn yếu, cần
phải giải quyết cho thỏa đáng.
Tuy nhiên, con người cũng không phải là
sản phẩm thuần túy của hoàn cảnh xã hội, cũng không phải là công cụ
thuần túy của quốc gia dân tộc. Con người vẫn có thể và vẫn có quyền
vượt lên những khung cảnh lịch sử, quốc gia, xã hội. Suy cho cùng, thì
xã hội và lịch sử cũng vẫn chỉ là những môi trường những công cụ cho con
người dùng để tiến thân…
5. Nguyên tắc thứ năm là nhận thức rằng
bất kỳ chếch mác, dở dang nào, bất kỳ tệ đoan, hủ bại gì, nếu mình thật
tâm muốn trừ khử, cũng có thể trừ khử được.
Lịch sử đã chứng minh rằng nếu con người
chịu suy, chịu nghĩ, chịu tìm kiếm, sẽ có thể lướt thắng được đói khổ,
bệnh hoạn cải tạo được đời sống, gia tăng được tiện nghi, giảm bớt được
sự lầm than, lam lũ, bằng cách sử dụng kỹ thuật, và khoa học, máy móc.
Những tệ nạn xã hội cũng có thể giải trừ
được hết, nếu chính quyền có thiện chí, nếu dân chúng có ý thức được
quyền hạn mình, giá trị và sứ mạng của mình, và biết đoàn kết chặt chẽ
để cải thiện đời sống mình.
6. Nguyên tắc thứ sáu là nhận thức rằng
con người có một khả năng tiến hoá vô hạn định, có thể tiến hoá từ thú
đến thần, nên cần được giáo hoá, được hướng dẫn hẳn hoi, cần phải cố
gắng tiến tới mãi mãi.
Nếu vậy thì sinh ra ở đời này, không phải
là để cầu an để hưởng thụ, mà chính là để tranh đấu, để cố gắng, để vươn
lên. Muốn sống động, muốn hào hùng, chúng ta cần phải có những mộng
tưởng lớn lao, cần phải có những lý tưởng cao đại.
Vươn cho cao, hãy ngửng mặt lên cao,
Lý tưởng có cao, nguồn sống mới rạt rào.
Sống tầm thường lấy gì hun chí cả.
Đời an nhàn là đời đang tan rã,
Đứng nhìn đời là thái độ một trẻ thơ.
Hãy ra công vì đồng loại mong chờ,
Hãy cố gắng vì giang san cần tuấn kiệt.
Non sống đang chờ ta đem gấm đem hoa thêu
dệt,
Đời vinh quang ta tạo lấy cho ta,
Sống làm sao cho rạng vẻ quốc gia,
Muốn gian lao không làm sờn chí cả.
Dầu đất chuyển, tơi long, biển vơi, núi
lả,
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn…
7. Nguyên tắc thứ bảy là nhận thức rằng
thực tại bao giờ cũng không được hoàn mỹ, nó mới chỉ là nấc thang cho ta
tiến tới lý tưởng. Ôm ấp thực tại, tán dương thực tại, tán dương những
lề lồi sống hiện tại là một lỗi lầm lớn. Nhiệm vụ con người là luôn luôn
phải biết phê phán, phải biết kiểm điểm lại quan điểm của mình, đường
lối của mình, luôn luôn phải cố gắng cải tiến không ngừng. «Nhật tân,
nhật tân, hựu nhật tân»…
8. Nguyên tắc thứ tám là nhận định rằng
con người không phải nguyên có tinh thần, mà cũng chẳng phải nguyên có
vật chất, nên không thể nhất thiết khinh bên nào, trọng bên nào.
Lúc còn thiếu thốn đói khổ, thì phải lo
miếng cơm, manh áo. Khi đã no đủ, thì phải đặt các vấn đề, lý trí, tâm
thần lên hàng đầu. Nói thế cũng có nghĩa là những động cơ thúc đẩy sự
biến thiên của lịch sửgồm đủ thiên ý, nhân tâm, và hoàn cảnh chứ không
phải là chỉ có nhất thiết một yếu tố nào, như nhiều người đã lầm tưởng.
9. Nguyên tắc thứ chín là phải có một tinh
thần luôn luôn cởi mở, thức thời, luôn luôn cần tiến, biết tìm ra những
ưu điểm của người, nhược điểm của mình, ngõ hầu có thể thích ứng được
với mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, tiến tới không ngừng.
10. Nguyên tắc thứ
mười nhận định rằng con
người luôn khao khát tự do, khao khát chân lý, khao khát lý tưởng, khao
khát tiến bộ.
Một nền Văn hoá toàn bích phải đáp ứng
được với những niềm khát vọng ấy. Nó phải là một nền văn hoá mở rộng,
chứ không phải là một nền Văn hoá khép kín. Nó phải dành những lối thoát
cho những người tiền tiê, có thiện chí, có nhiệt huyết muốn vươn lên cho
tới cao đại, muốn sống vượt tâm vượt mức thường nhân. Văn hoá phải là
phương tiện cho con người tiến gới, chứ không phải là gông cùm là thừng
chão trói buộc, kìm hãm con người.
11. Nguyên tắc thứ
mười một là nhận định rằng
tư tưởng cốt để hướng dẫn hành động; lý tưởng để ra cốt là để cải tạo
thực tại làm cho thực tại trở thành lý tưởng.
Nếu tư tưởng mà không được đem ra thi
hành, nếu lý tưởng mà không được lộng vào cuộc sống, thì tư tưởng trở
thành không tưởng; lý tưởng trở thành huyển tượng, vọng tưởng.
12. Nguyên tắc thứ
mười hai là trên phương diện
lý thuyết cũng như thực hành, tất cả nỗ lực con người sẽ được tận dụng
để:
– Biên cải hoàn cảnh vật chất.
– Cải thiện xã hội.
– Phát triển lý trí, tài năng con người.
– Cải thiện tâm hồn con người.
– Giúp cho tâm linh con người triển dương
tới mức siêu phàm nhập thánh…
Thực thi, áp dụng vào cuộc đời, chúng ta
sẽ đi tới những nhận định, những đường lối sau:
– Hiện nay lịch sử và khoa học đã cho ta
thấy rằng phân loại có đầy đủ khả năng để giải quyết và thỏa mãn được
các nhu cầu vật chất của con người, và giúp con người chiến thắng được
thiên nhiên và hoàn cảnh. Như vậy ta không còn lý do gì mà không tận
dụng mọi phát minh của khoa học, mọi khả năng của kỹ thuật để:
– Triệt để khai thác tài nguyên của đất
nước.
– Kỹ nghệ hoá quốc gia.
– Điện lực hoá nông thôn.
– Cơ giới hoá ngành canh tác.
– Phát triển các đạo lộ giao thông, các
phương tiện chuyển vận.
– Chỉnh trang thành thị.
– Song song với những cải tiến về vật chất
ấy, các vấn đề xã hội cũng cần được kiểm điểm lại, chấn chỉnh lại để cho
mọi người đều được sống trong tình thương yêu, trong công bằng và danh
dự, và cũng cần đặt nặng vấn đề giáo dục, đào luyện nhân tài, đào luyện
chính nhân, quân tử…
– Về phương diện siêu nhiên, đạo giáo
không nên đặt nặng vấn đề lễ nghi hình thức bên ngoài, mà cần phải đặt
nặng vấn đề nghiên cứu bàn bạc, thảo luận, học hỏi, đặt nặng vấn đề
thanh lịch hoá, siêu thăng hoá con người…
Trong viễn tượng tương lai ấy, con người
phần đông, và nếu có thể được, tất cả, sẽ là những người học rộng, biết
nhiều, sung túc, thoải mái về thể chất, thung dung, thanh thản về tinh
thần, sống trong tình tương thân, tương ái, thông cảm lẫn nhau, sống
thành khẩn với mình, không giả tạo, không bôi bác, luôn luôn cố gắng cải
thiện, tiến tới, ai ai cũng nỗ lực để tạo cho mình và cho người một đời
sống thi vị, và đẹp đẽ, đáng sống.
Mỗi cá nhân đều nỗ lực học hỏi lao tác, để
canh tân, cải thiện mình.
Mỗi gia đình sẽ trở nên một trung tâm đào
luyện con người, và cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn, giáo dục con cái
cho nó ý thức được thế nào là đời sống lý tưởng, và biết nỗ lực để thực
hiện đời sống lý tưởng ấy.
Chính quyền thời biết cách đem an bình,
thái thịnh lại cho đất nước, thúc đẩy quốc dân theo kịp trào lưu tiến
hoá của thế giới, đặt trọng tâm vào công cuộc đào luyện nhân tài, trọng
nhân tài, đào luyện chính nhân quân tử, trọng dụng chính nhân quân tử.
Đồng thời, tận dụng mọi phát minh khoa
học, kỹ thuật để khai thác tài nguyên đất nước, mở mang ngành hàng hải,
hàng không, mậu dịch kinh doanh với liệt cường, làm cho đất nước trở nên
phú cường, thái thịnh, làm cho mọi người ai nấy hãnh diện vì là công dân
tốt trong một cộng đồng tốt …
Như vậy nền Văn hoá toàn bích bao gồm tất
cả những nỗ lực của con người để tiến tới một đời sống lý tưởng, và tất
cả những thành quả do nỗ lực ấy sáng tạo nên.
– Lý tưởng vì hoàn cảnh và thiên nhiên
phục vụ con người hết còn là chướng ngại và là thù địch.
– Lý tưởng vì xác thân khỏe mạnh, hùng
tráng, đủ ăn, đủ mặc, không còn phải lam lũ, vất vả, khổ sở để kiếm ăn,
vì đã có những phương pháp khoa học, những máy móc đỡ đần trong mọi công
việc.
– Lý tưởng vì đời sống xã hội được tổ chức
một cách công bằng, hợp lý, nhân cách con người được bảo đảm.
– Lý tưởng vì đời sống nội tâm và siêu
nhiên con người được hướng dẫn, và được phát huy tới mức tối đa cho mỗi
một con người.
Như vậy, con người Văn hoá là con người nỗ
lực chiến đấu chống lại với mọi khuyết điểm, mọi chếch mác dở dang, để
cho mình và cho người có một đời sống đẹp đẽ hơn, sáng sủa hơn, thanh
lịch hơn, hoàn hảo hơn mãi mãi …
Viễn tượng ấy lấy ở đâu ra? Thưa lấy từ
tâm linh chúng ta.
Phương pháp thực hiện tương lai ấy sẽ lấy
ở đâu? Thưa lấy từ ở tâm tư, trí não, ở tay chân ta, và ở sự đồng lao,
cộng tác của chúng ta.
Viễn tượng tương lai ấy có thể thực hiện
được, nếu mọi người đều cố gắng, hoạt động cho có phương pháp, có tổ
chức, có hướng dẫn.
Nếu mọi người chúng ta đều có ý thức được
sứ mạng mình, nỗ lực cải tiến không ngừng thì ta sẽ lèo lái chẳng những
con thuyền quốc gia, mà cả con thuyền nhân loại về hướng thần tiên sang
cả như viễn tượng của Victor Hugo:
«Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?
Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên.
Tiến về mai hậu siêu nhiên.
Tiến về đức hạnh nguyên tuyền tinh hoa
Ánh khoa học trời xa lóng lánh,
Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên.
Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,
Tiến về thượng giới, về miền muôn sao.»
Isaie và Jérémie từ xa xưa cũng đã nhìn
thấy tương lai đẹp đẽ ấy. Và đây là lời hai vị tiên tri ấy mà tôi đã mạo
muội lồng vào vần thơ lục bát:
«Bao giờ thay đất đổi trời,
Bao giờ nhân loại khắp nơi vui hòa?
Mây mù quá vãng biển xa,
Hết còn khóc lóc hoá ra vui cười.
Trẻ thơ chóng lớn dễ nuôi,
Đẻ ra là sống, sống thời ngoài trăm.
Mình làm, mình hưởng, mình ăn,
Mình xây mình ở, hết thân tôi đòi.
Quanh nhà nho mọc tốt tươi,
Mình trồng, mình hái hết người tranh ăn.
Người cùng thảo mộc đua xuân,
Người cùng thảo mộc tháng năm tương đồng.
Chẳng còn vất vả lao lung,
Con đông, mà cháu cũng đông cũng đầy.
Ơn Trời mưa khắp đó đây,
Người đời vui hưởng những ngày hoàng kim.
Người xin, Trời sẽ cho liền,
Nguyện cầu chưa rứt, ước nguyền thỏa thê.
Sói chiến, chiến sói đề huề,
Trầu bò, sư tử một bề ăn rơm.
Rắn ăn bụi bặm thấy ngon,
Đâu đâu cũng một giang sơn thái hòa.
Trời, người sum họp một nhà,
Đôi lời ước cũ hoá ra thành toàn.
Luật Trời ghi tạc tâm can,
Lương tri là luật Trời ban cho người.
Dân Trời ở khắp chốn nơi,
Đâu đâu cũng chỉ một Trời, một dân.
Hết còn sư đệ qua phân,
Tìm Trời ai cũng ân cần ngày đêm.
Biết Trời lớn bé mọi miền,
Tội tình xóa bỏ, tần phiền sạch không.
ĐỂ TỔNG KẾT LẠI, bàn về VĂN HOÁ, tức là
xem xét xưa nay con người đã nghĩ gì về CHÂN, THIỆN, MỸ, đã quan niệm
thế nào về CHÂN, THIỆN, MỸ, đã thực hiện được những gì, đã cố gắng ra
sao, để hướng về CHÂN, THIỆN, MỸ, để thực hiện CHÂN, THIỆN, MỸ.
Nhìn bao quát các quốc gia, các dân tộc,
các thế hệ, ta nhìn thấy con người y như là một chiến sĩ hào hùng, nhưng
lạc trong khu rừng trần gian rậm rạp đầy mãng xà, ác thú, đầy gai góc,
hiểm nguy, trong một đêm trường tăm tối, chỉ le lói vài ánh sao thưa, mà
đã cố mò mẫm tìm cho mình được lối thoát, tạo cho mình được những kỳ
vọng, lập nên được những chiến công, những thành tích hết sức vẻ vang,
hiển hách.
Sau này, khi khu rừng dần dà đã được khai
quang; mãng xà, ác thú dần dà đã bị tiêu diệt; ánh dương quang lại hiện
ra rực rỡ, con người sẽ thấy công trình của mình từ trước tới nay không
có gì là uổng phí.
Nhưng gì xưa kia ta mò mẫm, chỉ tìm ra
được một vài khía cạnh, sau này sẽ hiện rõ ra cả toàn thể; và chính bản
thân ta mà xưa nay ta thường dè bỉu cho là hèn hạ, tầm thường, cũng sẽ
nổi bật lên với tất cả những nét, những vẻ đẹp tươi, tráng lệ, hào hùng
của nó.
Con người sau này dần dà sẽ khám phá ra
mình là dòng dõi thần minh, và sẽ mãi mãi khắc phục được hoàn cảnh, khắc
phục được mọi gian lao để đoạt lại ngôi vị cao sang xưa của mình.
Khảo về văn hoá, tức là khảo về những nỗ
lực, những cố gắng muôn mặt của con người, để tiến tới CHÂN, THIỆN, MỸ.
Khảo về văn hoá, chúng ta thấy con người
lúc thì xông pha vào thế giới thần minh, khi thì bôn tẩu trong thế giới
nhân loại, lúc thì phiêu lưu trong thế giới vật chất hữu hình, để mà mưu
sinh, để mà tìm hiểu về mình, về vũ trụ, để tạo cho mình, cho người một
đời sống tươi đẹp, để đem thơ mộng về trang hoàng cho tâm hồn mình và
ngoại cảnh.
Mặc dầu trong dĩ vãng, con người đã có
muôn vàn lầm lỗi, mặc dầu trong hiện tại con người vẫn còn đang đau khổ,
lầm than, ta không khỏi cảm động, khi thấy con người càng gặp gian lao,
càng trở nên hăng hái.
Vì thế, chúng ta có quyền hi vọng về tương
lai: Tương lai nhân loại sau này sẽ vô cùng đẹp đẽ. Nó sẽ hết sức đẹp
đẽ, khi con người có những tư tưởng chính đáng, nhưng hành vi chính
đáng, những cố gắng chính đáng. Những giọt mồ hôi, những hạt nước mắt từ
xưa đến nay nhân loại đã đổ ra để khắc phục trần hoàn, sau này sẽ trở
thành những ngọc châu điểm tô cho nhân loại.
Bàn về VĂN HOÁ, khảo về VĂN HOÁ, tức là
sống lại đời sống của tiền nhân, cảm thông những nỗi lo âu, hồi hộp của
muôn thế hệ, cũng như chia vui với những niềm vui của trần hoàn; tức là
dùng gương xưa tích cũ làm những bài học cho hiện tại, và tương lai,
tránh những lỗi lầm mà người xưa đã mắc; bắt chước cái hay mà người xưa
đã có; tiếp tục công trình dang dở của người xưa đã làm, ngõ hầu cải
thiện đời sống mình và người, cho trần gian sớm trở nên thanh bình, cho
trần hoàn sớm thành nơi hoan lạc, cho mọi người được sống một cuộc sống
xứng đáng, cho chân, thiện, mỹ sớm tới chung sống với mọi người.
Làm Văn hoá tức là cố tìm cho mình, và cho
người một cuộc sống đáng sống, một lý tưởng đáng theo, là học để biết
sống một cuộc sống chân thực, biết nhìn, biết nghĩ, biết suy, biết bắt
cân nặng nhẹ, phải trái, không chịu cho người biến mình thành máy móc,
công cụ, không để cho trần hoàn lôi cuốn mình như chiếc lá khô trước cơn
gió lốc.
Làm Văn hoá tức là tận dụng thời gian và
khả năng để đắp xây cho tương lai xứ sở, bảo vệ cho những gì gọi là tinh
hoa nhân loại.
Làm Văn hoá tức là khai thác, là làm tăng
trưởng mọi khả năng thể chất, não cân, và tâm thần ta để trở nên những
phần tử ưu tú của đất nước, những chiến sĩ tiền phong của non sông, là
tạo cho chúng ta một lý tưởng cao cả.
Muốn sống động, hào hùng, dũng mãnh, chúng
ta phải vươn lên một lý tưởng cao cả, hướng về một tương lai sán lạn vô
biên, vô tận.
Sống vào thời đại này dù muốn dù không,
chúng ta cũng đang ở trong một giai đoạn giao thời, sống trong một thời
kỳ mà nhân loại đang chuyển mình, đang biến thể. Nhân loại ngày nay đang
chiến thắng mọi trở lực để tiến về hướng siêu nhân.
Bao nhiêu bức tường ngăn chận đà tiến của
con người dần dần bị phá vỡ hết: Núi non, sông biển, sa mạc, tường âm
thanh, lớp khí quyển, không còn ràng buộc được con người.
Nhân loại đang siêu nhân hoá con người
bằng những cách chọn lựa giòng giống, bằng những công cuộc tiếp hạch,
tiếp cơ thể, tạng phủ, bằng cách đại tấn công ma bệnh.
Nhân loại đang siêu nhân hoá con người
bằng những phát minh khoa học, bằng những cải tiến kỹ thuật, bằng những
tổ chức, những phương sách mới.
Nhân loại đang siêu nhân hoá con người
bằng những tư tưởng hùng mạnh, bằng cách tập cho tâm hồn con người trở
nên hùng mạnh coi gian khổ là bước tiến tới vinh quang.
Cho nên sống trong thời đại này, chúng ta
phải là những kẻ không yếu, không hèn, không ngu, không máy móc, mà phải
có óc quật cường luôn luôn tìm hiểu, linh động và biến hoá.
Tất cả những công trình Văn hoá, từ văn
chương, kịch nghệ, cho tới mỹ thuật, kiến trúc, cho tới những tổ chức
pháp lý, luân lý, đạo giáo của nhân quần đều như muốn khuyến dụ ta trở
thành những con người xứng đáng, những con người hoàn thiện, hấp thu lấy
tinh hoa của muôn nghìn thế hệ, của muôn nghìn đất nước, để mà tô điểm
cho tấm thân ta thêm thánh thiện, cho đồng bào đồng chủng, cho nhân quần
thêm hạnh phúc, cho giang sơn chúng ta và cho trần hoàn thêm đẹp tươi,
cho thế giới thêm an bình, cho mọi người được sống những ngày thái
thịnh, hoan lạc trong đạo lý, và nhân luân, sử dụng kỹ thuật và khoa học
đến triệt để, và hoàn toàn chế ngự được hoàn cảnh …
Tất cả viễn
tượng đẹp đẽ ấy chính là lời cầu chúc và ước nguyện của tôi gửi đến Quí
vị trước khi chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay về Văn hoá …
CHÚ THÍCH
Cuộc
nói chuyện của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ do Tinh Việt Văn Đoàn cùng
Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Tân Định tổ chức tại trường Quốc
gia Âm nhạc Sàigòn hồi 17 giờ ngày chủ nhật 13.7.1969.