Quá trình nghiên cứu, ứng dụng văn hóa bản địa trong thiết kế đồ án giúp sinh viên ngành Kiến trúc – ĐH Phương Đông giành được giải thưởng Loa Thành danh giá.
Theo Paul Oliver – tác giả Bách khoa toàn thư về kiến trúc bản địa, tính bản địa được coi là “ngôn ngữ kiến trúc của con người” với đầy đủ thổ ngữ, sắc tộc và tính địa phương. Tính bản địa không phải là một khái niệm mới. Dưới góc nhìn của các kiến trúc sư tương lai, việc vận dụng văn hóa này mang đến nhiều giá trị cho công trình.
Mục lục bài viết
Từ nghiên cứu văn hóa và kiến trúc bản địa
Tính bản địa nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung là nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Dưới góc nhìn của ngành kiến trúc, đây là một khái niệm biểu hiện mối quan hệ thống nhất giữa khí hậu và môi trường, vật liệu và kỹ thuật, văn hóa địa phương. Tính bản địa hướng đến những giá trị bền vững và đậm tính dân tộc.
Từ việc tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng tính bản địa trong sáng tác đồ án, nhiều sinh viên ngành Kiến trúc ĐH Phương Đông đã tham gia cuộc thi Đồ án tốt nghiệp xuất sắc toàn quốc và nhận giải thưởng Loa Thành. Dưới góc nhìn của các sinh viên, tính bản địa bao hàm nhiều vấn đề.
Đồ án “Hồi sinh không gian văn hóa Đông Hồ – chợ tranh Làng Mái”. Ảnh trích từ đồ án của Hùng Mạnh.
Theo sinh viên Chu Danh Hùng Mạnh (giải nhì Loa Thành), địa hình, khí hậu và môi trường sống hình thành nên cách thức sinh hoạt, hình thái kiến trúc của từng vùng miền. “Tính bản địa trong kiến trúc là sự bồi đắp, tích lũy qua nhiều thế hệ, tạo ra văn hóa riêng biệt. Do đó, chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát huy”, Hùng Mạnh đánh giá.
Còn theo sinh viên Nguyễn Tiến Dũng (giải nhì Loa Thành), nhiều địa phương đang dần mất đi bản sắc do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nếu mất đi tính bản địa trong kiến trúc thì rất đáng tiếc.
Đồng tình với quan điểm này, Đỗ Xuân Huy (giải ba Loa Thành) nhận định: “Văn hóa bản địa là nền móng, chúng ta cần kế thừa và tiếp nối giữa truyền thống – hiện đại”.
Có thể thấy, dù được nhìn dưới lăng kính nào thì văn hóa bản địa luôn là cảm hứng để các sinh viên kiến trúc khai thác và vận dụng.
Đồ án “Trung tâm văn hóa vùng di sản ruộng bậc thang – Mù Cang Chải – Yên Bái”. Ảnh trích từ đồ án của Tiến Dũng.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện đồ án “Trung tâm văn hóa vùng di sản ruộng bậc thang – Mù Cang Chải – Yên Bái”, Tiến Dũng cho biết đặc trưng vùng đất dễ dàng nhìn thấy nhưng rất khó tái hiện và truyền tải. Để hoàn thành ý tưởng, anh đã đi và tích lũy trải nghiệm tại nhiều vùng đất.
“Tôi chọn đề tài ở vùng Tây Bắc vì muốn nghiên cứu sâu hơn về văn hóa, kiến trúc và cách sử dụng vật liệu của đồng bào dân tộc. Tôi hy vọng có thể góp phần giữ gìn nét đẹp kiến trúc truyền thống”, Tiến Dũng chia sẻ.
“Chợ phiên Bắc Hà” cũng là một đồ án được đánh giá cao trong việc khai thác khía cạnh văn hóa bản địa. Để thực hiện đồ án, tác giả Xuân Huy đã đến sống và giao lưu với bà con dân tộc, trải nghiệm chợ phiên, từ đó học hỏi và ghi nhớ.
Các vấn đề về dân cư, xã hội đặc biệt là văn hóa đều được Xuân Huy nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này giúp anh hiểu hơn về không gian chợ Bắc Hà, từ đó truyền tải nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Đến 3 đồ án đạt giải Loa Thành
Từ những nghiên cứu tỉ mỉ về văn hoá bản địa, các sinh viên ngành Kiến trúc của ĐH Phương Đông đã gặt hái quả ngọt khi nhận giải thưởng Loa Thành danh giá.
Đồ án “Trung tâm văn hóa vùng di sản ruộng bậc thang – Mù Cang Chải – Yên Bái” của Nguyễn Tiến Dũng được đánh giá cao nhờ ứng dụng vật liệu địa phương như đá, gỗ, mái lá, đất… Những yếu tố tự nhiên như dòng suối, cây xanh, địa hình được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Quần thể công trình hòa hợp với bối cảnh, gần gũi văn hóa bản địa cũng như chứa đựng vẻ đẹp kiến trúc vùng Tây Bắc. Đồ án này thể hiện sự tôn trọng điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương, phần nào cho thấy sự cẩn trọng của tác giả khi lên ý tưởng.
Quần thể công trình chứa đựng vẻ đẹp kiến trúc vùng Tây Bắc. Ảnh trích từ đồ án của Tiến Dũng.
Cùng khai thác văn hóa bản địa vùng Tây Bắc, “Chợ phiên Bắc Hà” của Xuân Huy lại ứng dụng kỹ thuật nhà trình tường của người H’Mông.
“Yếu tố bản địa nằm ở tường, hệ kết cấu cột và mái lợp của chợ. Hệ kết cấu chịu lực của tường đất để cách nhiệt, mái rạ lợp trên hệ mái gỗ nhằm giảm tải sức nặng cho công trình, không gian mở tạo sự thông thoáng và phù hợp tập quán sinh hoạt của bà con dân tộc”, Xuân Huy nói về đồ án của mình.
“Chợ phiên Bắc Hà” có không gian mở, tạo sự thông thoáng. Ảnh tríchtừ đồ án của Xuân Huy.
Khi thực hiện đồ án “Hồi sinh không gian văn hóa Đông Hồ – chợ tranh Làng Mái”, Hùng Mạnh đối mặt bài toán khó bởi khu đất nghiên cứu tồn tại Đình Làng Mái, phía trước là con đê. Yêu cầu đặt ra là mở rộng không gian trưng bày tranh Đông Hồ, hồi sinh chợ tranh truyền thống để phục vụ du lịch nhưng vẫn giữ nguyên trạng đình làng. Đồng thời, hoạt động của bảo tàng và chợ tranh không ảnh hưởng đến đình.
Sau nhiều trăn trở, Hùng Mạnh quyết định tạo ra hai không gian với hai chiều ký ức: Không gian trên mặt đất giữ nguyên trạng với trung tâm là ngôi đình, giúp tôn vinh những giá trị truyền thống; không gian dưới lòng đất, xung quanh đình bố trí khu vực trưng bày, giao dịch tranh Đông Hồ. Ý tưởng này được hội đồng chấm giải Loa Thành đánh giá cao.
“Văn hóa sinh hoạt cộng đồng thể hiện ở tổ hợp không gian chức năng, dịch vụ được bố trí xung quanh di tích Đình Làng Mái. Với tôi, ý tưởng đồ án gói gọn trong 4 chữ trăng đất – hồn làng”, Hùng Mạnh chia sẻ.
Ý tưởng đồ án “Hồi sinh không gian văn hóa Đông Hồ – chợ tranh Làng Mái” gói gọn trong 4 chữ “trăng đất – hồn làng”. Ảnh trích từ đồ án của Hùng Mạnh.
Tâm huyết với bản sắc dân tộc cùng tài năng thiết kế đã giúp 3 sinh viên của ĐH Phương Đông đạt giải cao. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tận tâm của giảng viên góp phần giúp họ định hướng và hoàn thiện đồ án.
“Giảng viên hướng dẫn có góc nhìn đa chiều, sâu sắc từ kinh nghiệm thực tế. Đó là điều mà những người trẻ như tôi còn thiếu”, Hùng Mạnh cho biết.
Thành lập năm 1997, hiện nay khoa Kiến trúc – Công trình của ĐH Phương Đông đang đào tạo ba ngành là Kiến trúc, Kỹ thuật công trình Xây dựng, Kinh tế và quản lý xây dựng. Nhiều nay năm, khoa đã triển khai đào tạo chuyên sâu về văn hóa kiến trúc truyền thống, nhất là với sinh viên chuyên ngành Kiến trúc phương Đông. Độc giả tham khảo website ktct-phuongdong.edu.vn.