Nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc

|

Các nhà sử học thống nhất ý kiến ở một điểm: Việt Nam có một cộng đồng văn hóa
khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước
Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỉ này. Đó là cộng đồng văn
hóa Đông Sơn.

Cộng đồng văn hóa ấy phát triển cao so với các nền văn hóa khác đương thời trong
khu vực, có những nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn
hóa vùng Đông Nam Á, vì có chung chủng gốc Nam Á (Mongoloid phương Nam) và nền
văn minh lúa nước.

Những con đường phát triển khác nhau của văn hóa bản địa tại các khu vực khác
nhau (lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả…) đã hội tụ với nhau, hợp thành văn
hóa Đông Sơn. Đây cũng là thời kỳ ra đời nhà nước “phôi thai” đầu tiên của Việt
Nam dưới hình thức cộng đồng liên làng và siêu làng (để chống giặc và đắp giữ đê
trồng lúa), từ đó các bộ lạc nguyên thuỷ phát triển thành dân tộc.

Giai đoạn văn hóa Văn Lang-Âu Lạc (gần năm 3000 đến cuối thiên niên kỷ 1 trước
Công nguyên) vào thời đại đồ đồng sơ khai, trải 18 đời vua Hùng, được coi là
đỉnh cao nhất của lịch sử văn hóa Việt Nam, với sáng tạo tiêu biểu là trống đồng
Đông Sơn và kỹ thuật trồng lúa nước ổn định.

Sau giai đoạn chống Bắc thuộc có đặc trưng chủ yếu là song song tồn tại hai xu
hướng Hán hóa và chống Hán hóa, giai đoạn Đại Việt (từ thế kỉ 10 đến 15) là đỉnh
cao thứ hai của văn hóa Việt Nam. Qua các triều đại nhà nước phong kiến độc lập,
nhất là với hai cột mốc các triều Lý-Trần và Lê, văn hóa Việt Nam được gây dựng
lại toàn diện và thăng hoa nhanh chóng có sự tiếp thu ảnh hưởng to lớn của Phật
giáo và Nho giáo.

Sau thời kì hỗn độn Lê-Mạc và Trịnh-Nguyễn chia cắt đất nước, rồi từ tiền đề Tây
Sơn thống nhất đất nước và lãnh thổ, nhà Nguyễn tìm cách phục hưng văn hóa dựa
vào Nho giáo, nhưng lúc ấy Nho giáo đã suy tàn và văn hóa phương Tây bắt đầu xâm
nhập nước ta. Kéo dài cho tới khi kết thúc chế độ Pháp thuộc là sự xen cài về
văn hóa giữa hai xu hướng Âu hóa và chống Âu hóa, là sự đấu tranh giữa văn hóa
yêu nước với văn hóa thực dân.

Giai đoạn văn hóa Việt Nam hiện đại được hình thành kể từ những năm 20-30 của
thế kỷ này, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác-Lênin. Với sự
hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền văn minh thế giới hiện đại, đồng thời giữ
gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam hứa hẹn một đỉnh cao lịch sử
mới.

Có thể nói xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có ba lớp văn hóa chồng lên
nhau là lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp
văn hóa giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ gốc
văn hóa bản địa vững chắc nên đã không bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồng hóa,
trái lại còn biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó làm giầu cho nền văn hóa
dân tộc.

Văn hóa dân tộc Việt Nam nảy sinh từ một môi trường sống cụ thể: xứ nóng, nhiều
sông nước, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn. Điều kiện tự nhiên (nhiệt, ẩm,
gió mùa, sông nước, nông nghiệp trồng lúa nước…) đã tác động không nhỏ đến đời
sống văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc, đến tính cách, tâm lý con người
Việt Nam.

Tuy nhiên, điều kiện xã hội và lịch sử lại là những yếu tố chi phối rất lớn đến
văn hóa và tâm lý dân tộc. Cho nên cùng là cư dân vùng trồng lúa nước, vẫn có
những điểm khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam với Thái Lan, Lào, Indonesia, Ấn
Độ… Cùng cội nguồn văn hóa Đông Nam Á, nhưng do sự thống trị lâu dài của nhà
Hán, cùng với việc áp đặt văn hóa Hán, nền văn hóa Việt Nam đã biến đổi theo
hướng mang thêm các đặc điểm văn hóa Đông Á.

Dân tộc Việt Nam hình thành sớm và luôn luôn phải thực hiện các cuộc chiến tranh
giữ nước, từ đó tạo nên một đặc trưng văn hóa nổi bật: tư tưởng yêu nước thấm
sâu và bao trùm mọi lĩnh vực. Các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thuỷ đã
sớm được cố kết lại, trở thành cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân
tộc.

Chiến tranh liên miên, đó cũng là lý do chủ yếu khiến cho lịch sử phát triển xã
hội Việt Nam có tính bất thường, tất cả các kết cấu kinh tế – xã hội thường bị
chiến tranh làm gián đoạn, khó đạt đến điểm đỉnh của sự phát triển chín muồi.
Cũng vì chiến tranh phá hoại, Việt Nam ít có được những công trình văn hóa-nghệ
thuật đồ sộ, hoặc nếu có cũng không bảo tồn được nguyên vẹn.

Việt Nam gồm 54 dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ, mỗi dân tộc một sắc thái
riêng, cho nên văn hóa Việt Nam là một sự thống nhất trong đa dạng. Ngoài văn
hóa Việt-Mường mang tính tiêu biểu, còn có các nhóm văn hóa đặc sắc khác như
Tà-Nùng, Thái, Chàm, Hoa-Ngái, Môn-Khmer, H’Mông-Dao, nhất là văn hóa các dân
tộc Tây Nguyên giữ được những truyền thống khá phong phú và toàn diện cuả một xã
hội thuần nông nghiệp gắn bó với rừng núi tự nhiên.

Khái quát về các lĩnh vực văn hóa chủ yếu:

Triết học và tư tưởng

Lúc đầu chỉ là những yếu tố tự nhiên nguyên thuỷ thô sơ về duy vật và biện
chứng, tư tưởng người Việt trộn lẫn với tín ngưỡng. Tuy nhiên, xuất phát từ gốc
văn hóa nông nghiệp, khác với gốc văn hóa du mục ở chỗ trọng tĩnh hơn động, lại
có liên quan nhiều với các hiện tượng tự nhiên, tư tưởng triết học Việt Nam đặc
biệt chú tâm đến các mối quan hệ mà sản phẩm điển hình là thuyết âm dương ngũ
hành (không hoàn toàn giống Trung Quốc) và biểu hiện cụ thể rõ nhất là lối sống
quân bình hướng tới sự hài hoà.

Sau đó, chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo được
dung hợp và Việt hóa đã góp phần vào sự phát triển của xã hội và văn hóa Việt
Nam. Đặc biệt các nhà Thiền học đời Trần đã suy nghĩ và kiến giải hầu hết các
vấn đề triết học mà Phật giáo đặt ra (Tâm-Phật, Không-Có, Sống-Chết…) một cách
độc đáo, riêng biệt.

Tuy Nho học về sau thịnh vượng, nhiều danh nho Việt Nam cũng không nghiên cứu
Khổng-Mạnh một cách câu nệ, mù quáng mà họ tiếp nhận cả tinh thần Phật giáo,
Lão-Trang nên tư tưởng họ có phần thanh thóat, phóng khoáng, gần gũi nhân dân và
hòa với thiên nhiên hơn.

Ở các triều đại chuyên chế quan liêu, tư tưởng phong kiến nặng nề đè nén nông
dân và trói buộc phụ nữ, nhưng nếp dân chủ làng mạc, tính cộng đồng nguyên thuỷ
vẫn tồn tại trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc.

Cắm rễ sâu trong xã hội nông nghiệp Việt Nam là tư tưởng nông dân có nhiều nét
tích cực và tiêu biểu cho con người Việt Nam truyền thống. Họ là nòng cốt chống
ngoại xâm qua các cuộc kháng chiến và nổi dậy. Họ sản sinh ra nhiều tướng lĩnh
có tài, lãnh tụ nghĩa quân, mà đỉnh cao là người anh hùng áo vải Quang
Trung-Nguyễn Huệ cuối thế kỷ 18.

Chính sách trọng nông ức thương, chủ yếu dưới triều Nguyễn, khiến cho ý thức thị
dân chậm phát triển. Việt Nam xưa kia coi trọng nhất nông nhì sĩ, hoặc nhất sĩ
nhì nông, thương nhân bị khinh rẻ, các nghề khác thường bị coi là nghề phụ, kể
cả hoạt động văn hóa.

Thế kỷ 19, phong kiến trong nước suy tàn, văn minh Trung Hoa suy thoái, thì văn
hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập Việt Nam theo nòng súng thực dân. Giai cấp công
nhân hình thành vào đầu thế kỉ 20 theo chương trình khai thác thuộc địa.

Tư tưởng Mác-Lênin được du nhập vào Việt Nam những năm 20-30 kết hợp với chủ
nghĩa yêu nước trở thành động lực biến đổi lịch sử đưa đất nước tiến lên độc
lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu cho thời đại này là Hồ Chí Minh, anh
hùng dân tộc, nhà tư tưởng và danh nhân văn hóa được quốc tế thừa nhận. Giai cấp
tư sản dân tộc yếu ớt chỉ tiến hành được một số cuộc cải cách bộ phận ở nửa đầu
thế kỉ 20.

Như vậy, Việt Nam không có một hệ thống lý luận triết học và tư tưởng riêng,
thiếu triết gia tầm cỡ quốc tế, nhưng không có nghĩa là không có những triết lý
sống và những tư tưởng phù hợp với dân tộc mình.

Xã hội nông nghiệp có đặc trưng là tính cộng đồng làng xã với nhiều tàn dư
nguyên thuỷ kéo dài đã tạo ra tính cách đặc thù của con người Việt Nam. Đó là
một lối tư duy lưỡng hợp (dualisme), một cách tư duy cụ thể, thiên về kinh
nghiệm cảm tính hơn là duy lý, ưa hình tượng hơn khái niệm, nhưng uyển chuyển
linh hoạt, dễ dung hợp, dễ thích nghi.

Đó là một lối sống nặng tình nghĩa, đoàn kết gắn bó với họ hàng, làng nước (vì
nước mất nhà tan, lụt thì lút cả làng). Đó là một cách hành động theo xu hướng
giải quyết dung hoà, quân bình, dựa dẫm các mối quan hệ, đồng thời cũng khôn
khéo giỏi ứng biến đã từng nhiều lần biết lấy nhu thắng cương, lấy yếu chống
mạnh trong lịch sử.

Trong các bậc thang giá trị tinh thần, Việt Nam đề cao chữ Nhân, kết hợp chặt
chẽ Nhân với Nghĩa, Nhân với Đức, bất nhân bất nghĩa đồng nghĩa với thất đức.
Nguyễn Trãi từng diễn tả quan niệm Nhân Nghĩa của người Việt – đối lập với cường
bạo, nâng lên thành cơ sở của đường lối trị nước và cứu nước. Việt Nam hiểu chữ
Trung là Trung với nước, cao hơn Trung với vua, trọng chữ Hiếu nhưng không quá
bó hẹp trong khuôn khổ gia đình. Chữ Phúc cũng đứng hàng đầu bảng giá trị đời
sống, người ta khen nhà có phúc hơn là khen giầu, khen sang.

Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập thế giới, sẽ phải phấn
đấu khắc phục một số nhược điểm trong văn hóa truyền thống; kém tư duy lôgíc và
khoa học kỹ thuật; đầu óc gia trưởng, bảo thủ, địa phương, hẹp hòi; tư tưởng
bình quân; xu hướng phủ định cá nhân, san bằng cá tính; tệ ưa sùng bái và thần
thánh hóa; thói chuộng từ chương hư danh, yếu về tổ chức thực tiễn…


Phong tục tập quán

Người Việt vốn thiết thực, chuộng ăn chắc mặc bền. Đầu tiên là ăn, “có thực mới
vực được đạo”, “trời đánh còn tránh bữa ăn”. Cơ cấu ăn thiên về thực vật, cơm
rau là chính cộng thêm thuỷ sản. Luộc là cách nấu ăn đặc sắc của Việt Nam. Nhưng
cách thức chế biến món ăn lại giầu tính tổng hợp, kết hợp nhiều chất liệu và gia
vị. Ngày nay có nhiều thịt cá, vẫn không quên vị dưa cà.

Người Việt hay dùng các chất liệu vải có nguồn gốc thực vật, mỏng, nhẹ, thóang,
phù hợp xứ nóng, với các sắc màu nâu, chàm, đen. Trang phục nam giới phát triển
từ đóng khố ở trần đến áo cánh, quần ta (quần Tàu cải biến). Nữ giới xưa phổ
biến mặc yếm, váy, áo tứ thân sau này đổi thành chiếc áo dài hiện đại. Nói
chung, phụ nữ Việt Nam làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo trong một xã hội “cái
nết đánh chết cái đẹp”. Trang phục cũ cũng chú ý đến khăn, nón, thắt lưng.

Ngôi nhà Việt Nam xưa gắn liền với môi trường sông nước (nhà sàn, mái cong). Sau
đó là nhà tranh vách đất, lợp rạ, vật liệu chủ yếu là tre gỗ, không cao quá để
chống gió bão, quan trọng nhất là hướng nhà thường quay về phía Nam chống nóng,
tránh rét. Nhà cũng không rộng quá để nhường diện tích cho sân, ao, vườn cây. Vả
lại, người Việt Nam quan niệm “rộng nhà không bằng rộng bụng”. Các kiến trúc cổ
bề thế thường ẩn mình và hoà với thiên nhiên.

Phương tiện đi lại cổ truyền chủ yếu là đường thuỷ. Con thuyền các loại là hình
ảnh thân quen của cảnh quan địa lý-nhân văn Việt Nam, cùng với dòng sông, bến
nước.

Các phong tục hôn nhân, tang ma, lễ tết, lễ hội của Việt Nam đều gắn với tính
cộng đồng làng xã. Hôn nhân xưa không chỉ là nhu cầu đôi lứa mà còn phải đáp ứng
quyền lợi của gia tộc, gia đình, làng xã, nên kén người rất kỹ, chọn ngày lành
tháng tốt, trải qua nhiều lễ từ giạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu đến tơ hồng, hợp cẩn,
lại mặt, và phải nộp cheo để chính thức được thừa nhận là thành viên của làng
xóm. Tục lễ tang cũng rất tỉ mỉ, thể hiện thương xót và tiễn đưa người thân qua
bên kia thế giới, không chỉ do gia đình lo mà hàng xóm láng giềng tận tình giúp
đỡ.

Việt Nam là đất nước của lễ hội quanh năm, nhất là vào mùa xuân, nông nhàn. Các
tết chính là tết Nguyên đán, tết Rằm tháng Giêng, tết Hàn thực, tết Đoan ngọ,
tết Rằm tháng Bảy, tết Trung thu, tết Ông táo… Mỗi vùng thường có lễ hội
riêng, quan trọng nhất là các lễ hội nông nghiệp (cầu mưa, xuống đồng, cơm
mới…), các lễ hội nghề nghiệp (đúc đồng, rèn, pháo, đua ghe…).

Ngoài ra là các lễ hội kỉ niệm các bậc anh hùng có công với nước, các lễ hội tôn
giáo và văn hóa (hội chùa). Lễ hội có 2 phần, phần lễ mang ý nghĩa cầu xin và tạ
ơn và phần hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng gồm nhiều trò chơi, cuộc thi dân
gian.

Tín ngưỡng và tôn giáo

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ cổ xưa đã bao hàm: tín ngưỡng phồn thực, tín
ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Con người cần sinh
sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống, nên đã nảy sinh tín
ngưỡng phồn thực.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng đó tồn tại lâu dài, dưới hai dạng biểu hiện: thờ sinh
thực khí nam và nữ (khác với ấn Độ chỉ thờ sinh thực khí nam) và thờ cả hành vi
giao phối (người và thú, ngay ở Đông Nam Á cũng ít có dân tộc thờ việc này). Dấu
tích trên còn để lại ở nhiều di vật tượng và chân cột đá, trong trang trí các
nhà mồ Tây Nguyên, trong một số phong tục và điệu múa, rõ nhất là ở hình dáng và
hoa văn các trống đồng cổ.

Nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên đã đưa đến tín
ngưỡng sùng bái tự nhiên. Ở Việt Nam, đó là tín ngưỡng đa thần và coi trọng nữ
thần, lại thờ cả động vật và thực vật. Một cuốn sách nghiên cứu (xuất bản năm
1984) đã liệt kê được 75 nữ thần, chủ yếu là các bà mẹ, các Mẫu (không những có
Ông Trời, mà còn có Bà Trời tức Mẫu Cửu Trùng, ngoài ra là Mẫu Thượng Ngàn, Bà
chúa Sông v.v…).

Về thực vật được tôn sùng nhất là Cây lúa, sau đó tới Cây đa, Cây cau, Cây dâu,
quả Bầu. Về động vật, thiên về thờ thú hiền như hươu, nai, cóc, không thờ thú dữ
như văn hóa du mục, đặc biệt là thờ các loài vật phổ biến ở vùng sông nước như
chim nước, rắn, cá sấu.

Người Việt tự nhận là thuộc về họ Hồng Bàng, giống Tiên Rồng (Hồng Bàng là tên
một loài chim nước lớn, Tiên là sự trừu tượng hóa một giống chim đẻ trứng, Rồng
sự trừu tượng hóa từ rắn, cá sấu). Rồng sinh ra từ nước bay lên trời là biểu
trưng độc đáo đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Trong tín ngưỡng sùng bái con người, phổ biến nhất là tục thờ cúng tổ tiên, gần
như trở thành một thứ tôn giáo của người Việt Nam (trong Nam bộ gọi là Đạo Ông
Bà). Việt Nam trọng ngày mất là dịp cúng giỗ hơn ngày sinh. Nhà nào cũng thờ Thổ
công là vị thần trông coi gia cư, giữ gìn hoạ phúc cho cả nhà. Làng nào cũng thờ
Thành hoàng là vị thần cai quản che chở cho cả làng (thường tôn vinh những ngươì
có công khai phá lập nghiệp cho dân làng, hoặc các anh hùng dân tộc đã sinh hay
mất ở làng).

Cả nước thờ vua tổ, có ngày giỗ tổ chung (Hội đền Hùng). Đặc biệt việc thờ Tứ
Bất Tử là thờ những giá trị rất đẹp của dân tộc: Thánh Tản Viên (chống lụt),
Thánh Gióng (chống ngoại xâm), Chử Đồng Tử (nhà nghèo cùng vợ ngoan cường xây
dựng cơ nghiệp giầu có), bà Chúa Liễu Hạnh (công chúa con Trời từ bỏ Thiên đình
xuống trần làm người phụ nữ khát khao hạnh phúc bình thường).

Mặc dù có trường hợp dẫn tới mê tín dị đoan, tín ngưỡng dân gian sống dẻo dai và
hoà trộn cả vào các tôn giáo chính thống.

Phật giáo (Tiểu thừa) có thể đã được du nhập trực tiếp từ ấn Độ qua đường biển
vào Việt Nam khoảng thế kỉ 2 sau Công nguyên. Phật giáo Việt Nam không xuất thế
mà nhập thế, gắn với phù chú, cầu xin tài lộc, phúc thọ hơn là tu hành thóat
tục. Khi Phật giáo (Đại thừa) từ Trung Quốc vào nước ta, tăng lữ Việt Nam mới đi
sâu hơn vào Phật học, nhưng dần hình thành những tôn phái riêng như Thiền Tông
Trúc Lâm đề cao Phật tại tâm.

Thời Lý-Trần, Phật giáo cực thịnh nhưng vẫn đón nhận cả Nho giáo, Lão giáo, tạo
nên bộ mặt văn hóa mang tính chất “Tam giáo đồng nguyên” (cả ba tôn giáo cùng
tồn tại). Qua nhiều bước thăng trầm, đạo Phật trở nên thân thiết với người Việt
Nam, thống kê năm 1993 cho biết vẫn có tới 3 triệu tín đồ xuất gia và khoảng 10
triệu người thường xuyên vãn chùa lễ Phật.

Thời Bắc thuộc, Nho giáo chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, đến năm 1070 Lý
Thái Tổ lập Văn Miếu thờ Chu Công-Khổng Tử mới có thể xem là được tiếp nhận
chính thức. Thế kỉ 15, do nhu cầu xây dựng đất nước thống nhất, chính quyền tập
trung, xã hội trật tự, Nho giáo thay chân Phật giáo trở thành quốc giáo dưới
triều Lê.

Nho giáo, chủ yếu là Tống Nho, bám chắc vào cơ chế chính trị-xã hội, vào chế độ
học hành khoa cử, vào tầng lớp nho sĩ, dần chiếm lĩnh đời sống tinh thần xã hội.
Nhưng Nho giáo cũng chỉ được tiếp thụ ở Việt Nam từng yếu tố riêng lẻ – nhất là
về chính trị-đạo đức, chứ không bê nguyên xi cả hệ thống.

Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỉ 2. Do thuyết vô vi mang tư
tưởng phản kháng bọn thống trị, nó được người dân dùng làm vũ khí chống phong
kiến phương Bắc. Nó lại có nhiều yếu tố thần tiên, huyền bí, nên hợp với tiềm
thức con người và tín ngưỡng nguyên thuỷ. Nhiều nhà nho cũ mộ khuynh hướng ưa
thanh tĩnh, nhàn lạc của Lão-Trang. Nhưng từ lâu Đạo giáo như một tôn giáo không
tồn tại nữa, chỉ còn để lại di sản trong tin ngưỡng dân gian.

Kitô giáo đến Việt Nam vào thế kỉ 17 như một khâu môi giới trung gian của văn
hóa phương Tây và của chủ nghĩa thực dân. Nó tranh thủ được cơ hội thuận lợi:
chế độ phong kiến khủng hoảng, Phật giáo suy đồi, Nho giáo bế tắc, để trở thành
chỗ an ủi tinh thần cho một bộ phận dân chúng nhưng trong một thời gian dài
không hoà đồng được với văn hóa Việt Nam. Trái lại, nó buộc phải để giáo dân lập
bàn thờ trong nhà. Chỉ khi hoà Phúc âm trong dân tộc, nó mới đứng được ở Việt
Nam. Năm 1993 có khoảng 5 triệu tín đồ công giáo và gần nửa triệu tín đố Tin
Lành.

Các tôn giáo bên ngoài du nhập vào Việt Nam không làm mất đi tín ngưỡng dân gian
bản địa mà hoà quyện vào nhau làm cho cả hai phía đều có những biến thái nhất
định. Ví dụ Nho giáo không hạ thấp được vai trò người phụ nữ, việc thờ Mẫu ở
Việt Nam rất thịnh hành. Tính đa thần, dân chủ, cộng đồng được thể hiện ở việc
thờ tập thể gia tiên, thờ nhiều cặp thần thánh, vào một ngôi chùa thấy không chỉ
thờ Phật mà thờ cả nhiều vị khác, thấn linh có mà người thật cũng có. Và có lẽ
chỉ ở Việt Nam mới có chuyện con cóc kiện cả ông Trời, cũng như môtíp người lấy
tiên trong các chuyện cổ tích. Đây chính là những nét riêng của tín ngưỡng Việt
Nam.

Ngôn ngữ

Về nguồn gốc tiếng Việt, có nhiều giả thuyết. Giả thuyết giầu sức thuyết phục
hơn cả: tiếng Việt thuộc dòng Môn-Khmer của ngữ hệ Đông Nam Á, sau chuyển biến
thành tiếng Việt-Mường (hay tiếng Việt cổ) rồi tách ra. Trong tiếng Việt hiện
đại, có nhiều từ được chứng minh có gốc Môn-Khmer và tương ứng về ngữ âm, ngữ
nghĩa khi so sánh với tiếng Mường.

Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, và dưới các triều đại phong kiến, ngôn ngữ chính
thống là chữ Hán, nhưng cũng là thời gian tiếng Việt tỏ rõ sức sống đấu tranh tự
bảo tồn và phát triển. Chữ Hán được đọc theo cách của người Việt, gọi là cách
đọc Hán-Việt và được Việt hóa bằng nhiều cách tạo ra nhiều từ Việt thông dụng.
Tiếng Việt phát triển phong phú đi đến ra đời hệ thống chữ viết ghi lại tiếng
Việt trên cơ sở văn tự Hán vào thế kỉ 13 là chữ Nôm.

Thời kỳ thuộc Pháp, chữ Hán dần bị loại bỏ, thay thế bằng tiếng Pháp dùng trong
ngôn ngữ hành chính, giáo dục, ngoại giao. Nhưng nhờ chữ Quốc ngữ, có lợi thế
đơn giản về hình thể kết cấu, cách viết, cách đọc, văn xuôi tiếng Việt hiện đại
thực sự hình thành, tiếp nhận thuận lợi các ảnh hưởng tích cực của ngôn ngữ văn
hóa phương Tây.

Chữ quốc ngữ là sản phẩm của một số giáo sĩ phương Tây trong đó có Alexandre de
Rhodes hợp tác với một số người Việt Nam dựa vào bộ chữ cái Latinh để ghi âm
tiếng Việt dùng trong việc truyền giáo vào thế kỉ 17. Chữ quốc ngữ dần được hoàn
thiện, phổ cập, trở thành công cụ văn hóa quan trọng. Cuối thế kỉ 19, đã có sách
báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tiếng Việt và chữ quốc ngữ giành được địa vị độc
tôn, phát triển dồi dào, là ngôn ngữ đa năng dùng trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp
học, phản ánh mọi hiện thực cuộc sống. Ngày nay, nhờ cách mạng, một số dân tộc
thiểu số ở Việt Nam cũng có chữ viết riêng.

Đặc điểm của tiếng Việt: đơn âm nhưng vốn từ cụ thể, phong phú, giầu âm sắc hình
ảnh, lối diễn đạt cân xứng, nhịp nhàng, sống động, dễ chuyển đổi, thiên về biểu
trưng, biểu cảm, rất thuận lợi cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Tự điển tiếng
Việt xuất bản năm 1997 gồm 38410 mục từ.

Văn học

Phát triển song song, tác động qua lại sâu sắc: Văn học Việt Nam xuất hiện khá
sớm, có hai thành phần là văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian
chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam, có công lớn gìn giữ phát triển ngôn ngữ dân
tộc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân. Sáng tác dân gian gồm thần thoại, sử thi,
truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, câu đố, tục ngữ, ca dao… với nhiều màu
sắc các dân tộc ở Việt Nam.

Văn học viết ra đời từ khoảng thế kỉ 10. Cho đến đầu thế kỉ 20 cũng có hai bộ
phận song song tồn tại: chữ Hán (có thơ, văn xuôi, thể hiện tâm hồn, hiện thực
Việt Nam nên vẫn là văn chương Việt Nam) và chữ Nôm (hầu như chỉ có thơ, lưu
truyền lại nhiều tác phẩm lớn).

Từ những năm 20 của thế kỉ 20, văn học viết chủ yếu sáng tác bằng tiếng Việt qua
chữ quốc ngữ, có sự cách tân sâu sắc về các hình thức thể loại như tiểu thuyết,
thơ mới, truyện ngắn, kịch… và sự đa dạng về xu hướng nghệ thuật, đồng thời
phát triển với tốc độ nhanh, nhất là sau Cách mạng tháng Tám đi theo đường lối
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng về cuộc sống chiến đấu và lao động
của nhân dân.

Có thể nói ở Việt Nam, hầu như cả dân tộc sính thơ, yêu thơ, làm thơ – từ vua
quan, tướng lĩnh, sư sãi, sĩ phu đến sau này nhiều cán bộ cách mạng – và một cô
thợ cấy, một cụ lái đò, một anh lính chiến đều thuộc dăm câu lục bát, thử một
bài vè.

Về nội dung, chủ lưu là dòng văn chương yêu nước bất khuất chống ngoại xâm ở mọi
thời kỳ và dòng văn chương phản phong kiến thường thông qua thân phận người phụ
nữ. Phê phán các thói hư tật xấu của xã hội cũng là mảng đề tài quan trọng. Các
thi hào dân tộc lớn đều là những nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Văn học Việt Nam hiện đại phát triển từ lãng mạn đến hiện thực, từ âm hưởng chủ
nghĩa anh hùng trong chiến tranh đang chuyển sang mở rộng ra toàn diện cuộc
sống, đi vào đời thường, tìm kiếm các giá trị đích thực của con người.

Văn học cổ điển đã tạo nên những kiệt tác như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Cung óan
ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Quốc âm thi tập
(Nguyễn Trãi)… Việt Nam từ mấy thế kỉ trước đã có những cây bút nữ độc đáo: Hồ
Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan.

Văn xuôi hiện đại có những tác giả không thể nói là thua kém thế giới: Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nam Cao… Bên
cạnh đó là những nhà thơ đặc sắc như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn
Bính, Chế Lan Viên, Tố Hữu… Tiếc rằng hiện nay chưa có những tác phẩm lớn phản
ánh đầy đủ, trung thực và xứng đáng đất nước và thời đại.

Nghệ thuật

Việt Nam có khoảng 50 nhạc cụ dân tộc, trong đó bộ gõ là phổ biến nhất, đa dạng
nhất và có nguồn gốc lâu đời nhất (trống đồng, cồng chiêng, đàn đá, đàn tơ
rưng…). Bộ hơi phổ biến là sáo, khèn, còn bộ dây độc đáo nhất có đàn bầu và
đàn đáy.

Thể loại và làn điệu dân ca Việt Nam rất phong phú khắp Trung, Nam, Bắc: từ ngâm
thơ, hát ru, hò đến hát quan họ, trống quân, xoan, đúm, ví giặm, ca Huế, bài
chòi, lý, ngoài ra còn có hát xẩm, chầu văn, ca trù.

Nghệ thuật sân khấu cổ truyền có chèo, tuồng. Rối nước cũng là một loại hình sân
khấu truyền thống đặc sắc có từ thời Lý. Đầu thế kỉ 20, xuất hiện cải lương ở
Nam bộ với các điệu vọng cổ.

Nghệ thuật thanh sắc Việt Nam nói chung đều mang tính biểu trưng, biểu cảm, dùng
thủ pháp ước lệ, giầu chất trữ tình. Sân khấu truyền thống giao lưu mật thiết
với người xem và tổng hợp các loại hình ca múa nhạc. Múa Việt Nam ít động tác
mạnh mẽ mà đường nét uốn lượn mềm mại, chân khép kín, múa tay là chính.

Ở Việt Nam, nghệ thuật chạm khắc đá, đồng, gốm đất nung ra đời rất sớm có niên
đại 10000 năm trước Công nguyên. Sau này gốm tráng men, tượng gỗ, khảm trai, sơn
mài, tranh lụa, tranh giấy phát triển đến trình độ nghệ thuật cao. Nghệ thuật
tạo hình Việt Nam chú trọng diễn tả nội tâm mà giản lược về hình thức, dùng
nhiều thủ pháp cách điệu, nhấn mạnh.

Đã có 2014 di tích văn hóa, lịch sử được Nhà nước công nhận và 2 di tích là cố
đô Huế, Vịnh Hạ Long được quốc tế công nhận. Kiến trúc cổ còn lại chủ yếu là một
số chùa-tháp đời Lý-Trần; cung điện-bia đời Lê, đình làng thế kỉ 18, thành
quách-lăng tẩm đời Nguyễn và những ngọn tháp Chàm.

Thế kỉ 20, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhất là sau khi nước nhà độc lập,
các loại hình nghệ thuật mới như kịch nói, nhiếp ảnh, điện ảnh, ca múa nhạc và
mỹ thuật hiện đại ra đời và phát triển mạnh, thu được những thành tựu to lớn với
nội dung phản ánh hiện thực đời sống và cách mạng.

Cho nên đến giữa năm 1997, đã có 44 người hoạt động văn hóa-nghệ thuật được nhận
Giải thưởng Hồ Chí Minh, 130 người được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 1011
người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, đặc biệt có hai người được nhận giải
thưởng quốc tế về âm nhạc là Đặng Thái Sơn (Giải âm nhạc Chopin) và Tôn Nữ
Nguyệt Minh (Giải âm nhạc Tchaikovski).

Tính đến đầu năm 1997, cả nước có 191 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và 26 xưởng
phim, hãng phim, kể cả trung ương và địa phương. Đã có 28 phim truyện, 49 phim
thời sự-tài liệu và khoa học được nhận giải thưởng quốc tế ở nhiều nước.

Văn hóa dân tộc cổ truyền hiện đứng trước sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại
hóa, đứng trước những thách thức gay gắt của kinh tế thị trường và xu thế toàn
cầu hóa. Nhiều ngành văn hóa nghệ thuật đang có phần chững lại, tìm đường và tự
cách tân.

Hơn bao giờ hết đặt ra vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, vấn đề lựa
chọn các giá trị cũ, xây dựng các giá trị mới. Bảo tồn nhưng vẫn phải là một nền
văn hóa mở. Hiện đại nhưng không xa rời dân tộc. Công cuộc đổi mới văn hóa đang
tiếp tục…/.

(Nguồn Bộ Văn hóa Thông tin/Vietnam+)