✅ 3 cấp độ văn hoá doanh nghiệp – Tanca
Ngày cập nhật 25/09/2022
Cấp độ văn hóa được dùng để chỉ mức độ cảm nhận của các giá trị văn hoá trong doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận độc đáo để giúp cho người lãnh đạo doanh nghiệp có thể hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc những bộ phận cấu thành của nền văn hoá.
Các chuyên gia đã chia cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thành ba cấp khác nhau. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Tanca để hiểu rõ từng cấp độ nhé!
Mục lục bài viết
Cấp 1: Những quá trình và cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp
Đây là cấp độ văn hóa có thể nhìn thấy ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên bao gồm các hiện tượng và sự vật mà một người có thể nghe, nhìn và cảm thấy khi tiếp xúc với một tổ chức xa lạ, như: Kiến trúc, cách bài trí; công nghệ, sản phẩm; Cơ cấu tổ chức, các phòng ban của doanh nghiệp; Các văn bản qui định nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp; Lễ nghi và lễ hội hàng năm.
Những yếu tố tiếp theo của cấp độ 1 là các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, tài liệu quảng cáo của doanh nghiệp; Ngôn ngữ, cách ăn mặc, xe cộ, chức danh, cách biểu lộ cảm xúc, hành vi ứng xử thường thấy của các thành viên và các nhóm làm việc trong doanh nghiệp; Những câu chuyện và những huyền thoại về tổ chức; Hình thức, mẫu mã của sản phẩm; Thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên doanh nghiệp,…
Đặc điểm chung của cấp độ này: Bạn có thể dễ dang nhận thấy rằng cấp độ văn hóa 1 chịu ảnh hưởng chính từ tính chất công việc kinh doanh của công ty, quan điểm của người lãnh đạo… Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ văn hoá này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự.
Ví dụ: Chắc chắn là ai trong chúng ta cũng từng nghe qua đế chế của Amazon phải không. Đến với trụ sở chính của công ty, bạn sẽ thấy được tòa nhà văn phòng làm việc hoành tráng, không gian giải trí cho toàn bộ nhân viên như quán cà phê, không gian mua sắm, khu dành cho thú cưng,…
Xem thêm: Tăng doanh thu 200% nhờ văn hóa doanh nghiệp
Cấp 2: Những giá trị được tuyên bố
Doanh nghiệp nào cũng có những qui định, nguyên tắc, triết lí, chiến lược và mục tiêu riêng, là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên và thường được công bố rộng rãi ra công chúng. Đây cũng chính là những giá trị được công bố, một cấp độ tiếp theo của nền văn hóa doanh nghiệp.
“Những giá trị tuyên bố” cũng có tính hữu hình vì người ta có thể nhận biết và diễn đạt chúng một cách rõ ràng, chính xác. Chúng thực hiện chức năng hướng dẫn cho các thành viên trong doanh nghiệp cách thức đối phó với một số tình thế cơ bản và rèn luyện cách ứng xử cho các thành viên mới trong môi trường doanh nghiệp.
Ví dụ: Ở Disney, các nhân viên được tuyên dương hàng tuần. Họ sẽ được tặng những huy hiệu đặc biệt do công ty tạo ra, hình chú chuột Micky Mouse với dòng chữ “Cảm ơn vì đã tạo ra điều kỳ diệu” cho khách hàng. Điều này, đã tạo ra động lực rất lớn cho nhân viên để họ tiếp tục cố gắng và đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Xem thêm: Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khoá để phát triển bền vững
Cấp 3: Những quan niệm chung
Trong bất cứ cấp độ văn hoá nào (văn hoá dân tộc, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp…) cũng đều có các quan niệm chung, được hình thành và tồn tại trong một thời gian dài, chúng ăn sâu vào tâm lí của hầu hết các thành viên trong nền văn hoá đó và trở thành điều mặc nhiên được công nhận.
Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo đúng quan niệm chung đó, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại. Và trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp. thì cấp độ này là cấp độ khó nhận ra nhất bởi chúng nằm sâu từ bên trong và cần thời gian tiếp xúc để có thể nắm được.
Ví dụ: Các doanh nghiệp ở Châu Âu hay Mỹ, người ta trả các mức lương cho nhân viên dựa theo khả năng của người đó. Nhưng ở châu Á, các nhân viên thường được trả lương theo năng lực và thời gian cống hiến cho doanh nghiệp, tổ chức. Đây chính là một quan niệm mà hầu hết mọi người đều xác nhận mặc dù họ không hề nói ra.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết văn hoá doanh nghiệp bị nhiễm độc
Tạm kết
3 cấp độ trong văn hóa doanh nghiệp không tách rời nhau mà tương thích, cùng tạo nên các nét đặc trưng văn hóa của từng doanh nghiệp. Trong đó, lớp ngoài khá dễ thích nghi và dễ thay đổi. Lớp càng sâu, càng khó điều chỉnh. Những điều này ảnh hưởng và quyết định đến lối suy nghĩ, hành xử của từng cá nhân trong Doanh nghiệp.
Vì thế, đối với văn hóa doanh nghiệp, chúng ta không phân định đúng – sai, mà chỉ có sự phù hợp và không phù hợp. Biết được điều này bạn cần có chiến lược xây dựng văn hóa sao cho phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.