02. Nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai: thực trạng và những giá trị văn hoá lịch sử – Đồng Nai – Đất nước – Con người
Văn hóa Đồng Nai >
02. Nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai: thực trạng và những giá trị văn hoá lịch sử
Ở Đồng Nai, công tác nghiên cứu khảo cổ
học đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này
trong diễn trình phát triển của đất nước. Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã
có một số công trình khoa học được xuất bản, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử –
văn hoá của nhiều người; góp phần làm sáng tỏ những thời kỳ lịch sử trong quá
khứ và là cơ sở tư liệu quí giá cho công việc nghiên cứu xã hội.
I. Vài nét về lịch sử nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai :
Những di tích, di vật khảo cổ học ở Đồng
Nai được phát hiện, nghiên cứu rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Lịch sử khám phá buổi ban đầu của khảo cổ học thời tiền – sơ sử Đồng Nai gắn
liền với các tên tuổi của các nhà thám hiểm, du lịch, truyền giáo và thực dân
Châu Âu như : V. Holbé, D. Grossin, J. Chénieux, E. Cartailhac, A. Mougeot, F.
Barthère, Loesh, J. Repelin… và các thành viên thuộc phái bộ A. Pavie làm việc
tại Việt Nam vào những năm 80 – 90 của thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn với những
phát hiện lẻ tẻ và chú ý sưu tập hiện vật tiền sử cho các viện Bảo tàng ở Đông
Dương và Pháp.Những địa danh mà vùng đất Đồng Nai mà chủ yếu là dọc hai bờ sông
Đồng Nai cùng các chi lưu của nó như ( Lò Gạch, Bình Đa, Bến Gỗ, Cái Vạn, An Sơn,
Rạch Núi… ) được nhắc đến trên bản đồ khảo cổ học của thế giới. Đạc biệt sưu
tập di vật thời tiền sử do V. Holbé gồm 1.200 di vật đá, 10 rìu đồng được tìm
thấy trên 20 địa điểm ở vùng Biên Hoà được giới thiệu trong các công trình
nghiên cứu của E. Hamy (1897 ) và R. Verneau ( 1904 ) được trưng bày tại Hội chợ
quốc tế Paris năm 1889. Không ít những di vật tiêu biểu thời tiền sử được phát
hiện đầu tiên ở Đồng Nai được lưu giữ tại các bảo tàng nước Pháp.
Chặng đường khám phá tiếp theo vào những thập
niên đầu của thế kỷ XX với cuộc khai quật trên vùng Cù lao Rùa – nằm giữa sông Đồng
Nai, cách thành phố Biên Hoà khoảng 10 km ( địa điểm này ngày nay thuộc địa phận
huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ) của D. Grossin ( 1902 ) và A. Jordin ( 1910 )
. Theo H. Fontain công bố vào năm 1970 thì tại riêng tại di chỉ này đã cung cấp
383 di vật đủ kích cỡ, kiểu dáng làm cơ sở cho việc nghiên cứu thời đại đồ đá mới
ở Biên Hoà – Đồng Nai. Những di vật tương tự ở vùng Cù lao Rùa còn tìm được tìm
thấy ở các nơi khác ở Đồng Nai trên nhiều địa hình khác nhau từ miền đất đỏ đến
vùng đất thấp phù sa cận biển. Đặc biệt trong giai đoạn này là phát hiện di chỉ
mộ Hàng Gòn do J. Bouchot chủ trì vào năm 1927 tại vùng Xuân Lộc. Di tích được
khai quật và công bố thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu và được toàn
quyền Đông Dương xếp hạng trong danh mục những di tích lịch sử quan trọng của
Liên Bang năm 1930.
Thập
niên 60 và 70 của thế kỷ XX, nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai bắt đầu mang
tính chất hệ thống và khoa học với công lao to lớn của những thành viên Hội địa
Chất Đông Dương . Trong đó tiêu biểu là E. Saurin, H. Fontain và L. Malleret.
Trong giai đoạn này, bắt đầu có sự tham
gia của các nhà nghiên cứu nước ta : Nghiêm Thẩm, Hoàng Thị Thân…. Những phát
hiện quan trọng trong giai đoạn này là các di
tích đá cũ và cụm di tích đồng sắt ở Hàng Gòn, Dầu Giây, Phước Tân, Bến Đò,
Hội Sơn, Phú Hoà…Từ đây , bắt đầu hình thành sơ khởi khái niệm về một vùng văn
hoá đã phát triển qua các thời đại đồ đá cũ, đá mới, đồng và sắt sớm ở Đồng
Nai.
Giai
đoạn thứ tư bắt đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến nay. Nghiên
cứu khảo cổ học được quan tâm. Các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các cơ
quan chức năng tại địa phương ( Bảo tàng Đồng Nai ) và các ngành hữu quan tiến
hành điều tra, khai quật, kiểm chứng hàng loạt các địa điểm, di chỉ trên địa
bàn Đồng Nai. Hàng loạt các di tích, di vật qua công tác khai quật, nghiên cứu đã
góp phần làm sáng tỏ một nền văn hoá cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên
vùng đất này. Có thể nói, các di tích khảo cổ gồm các loại hình : cư trú , công
xưởng, mộ táng, đền tháp… của cư dân cổ trải đều trên các địa hình đặc trưng của Đồng Nai từ vùng núi đồi tiếp giáp cao
nguyên đến vùng đất đứt gãy phun trào đất đỏ ba – zan và cả vùng phù sa cổ các
bồn trũng, vùng ngập nước cận sông, biển.
II . Di tích di vật khảo cổ đồng Nai –
Giá trị và thực trạng :
Lịch sử nghiên cứu khảo cổ học Đồng
Nai hơn một thế kỷ với hàng trăm cuộc điều tra, thám sát , khai quật đã đưa ra
ánh sáng hàng trăm di chỉ khảo cổ học với hàng vạn hiện vật: công cụ sản xuất,
sinh hoạt, đồ trang sức, đồ thờ , nhạc cụ… rất đa dạng và phong phú cùng những
cấu trúc các tầng văn hoá đã cung cấp một nguồn cứ liệu, thông tin quan trọng về
niên đại, trình độ văn minh, hình thái xã hội của những lớp cư dân cổ Đồng Nai.
Từ
những phát hiện lẻ tẻ lúc ban đầu vào những thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến
việc nghiên cứu hệ thống khoa học các di tích, di vật trên địa bàn Đồng Nai hiện
nay của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đưa đến những nhận định về một
nền văn hoá cổ từng hình thành được gọi tên“ Phức hệ văn hoá Đồng Nai “ hay” Văn
hoá Đồng Nai “. Lòng đất Đồng Nai có một quá khứ sâu thẳm và cực kỳ lý thú. Đồng
Nai được biết đến với tư cách là một trong những trung tâm của buổi bình minh
xã hội loài người. Nơi đây, từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của cộng đồng
người cổ quần tụ và liên tục sáng tạo văn minh thời tiền sơ sử cho đến những thế
kỷ sau công nguyên , trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI.
Những di tích khảo cổ Đồng Nai rất
phong phú. Thời đại đồ đá cũ có các di tích Hàng Gòn, Dốc Mơ, Dầu Giây, Cam
Tiêm, Phú Qúy, Bình Lộc, Núi Đất…đặc biệt, trong bộ sưu tập hiện vật được tìm
thấy, hạch đá hình hạnh nhân ở Dốc Mơ (
Gia Tân ) được xem là một công cụ
điển hình thể hiện đặc trưng thời trung kỳ A – Sơn , cuối niên đại Mindel –
Riss khoảng 250.000 – 300.000 năm cách ngày nay. Những di tích thời đá mới – đồng
như : Cầu Sắt, Suối Linh, Bình Đa, Cái Vạn, Gò Me, Cù lao Rùa, Long Giao, Hàng
Gòn, Cái Lăng, Rạch lá… đây là những di tích phản ảnh một thời kỳ lịch sử
phát triển mạnh mẽ của các lớp cư dân cổ Dồng Nai từ thời đồ đá đến giai đoạn
kim khí. Tại di tích Bình Đa, sự phát hiện hàng chục thanh đoạn đàn đá trong địa
tầng văn hoá đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Niên đại của đàn đá Bình Đa được định vị khoảng 3.000 – 2.700 năm cách ngày nay
đã đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu loại hình nhạc cụ cổ của nước ta. Văn
hoá thời đồ sắt ở Đồng Nai gắn kết hai giai đoạn phát triển đồng thau và sắt sớm.
Mặc dù những di tích thời kỳ này số lượng phát hiện không nhiều nhưng những di
vật tìm thấy khẳng định đây là giai đoạn phát triển hào hùng của người cổ trên đất
Đồng Nai. Di tích Suối Chồn, Long Giao, Phú Hoà là đỉnh cao của thời kỳ kim khí
có niên đại cách đây 3.000 – 2.500 năm. Những hiện vật trong di tích như bộ qua
đồng với số lượng lớn những chiếc dao sắt, dồ trang sức… cho thấy cư dân Đồng
Nai xưa đã biết đến kỹ thuật luyện kim với một trình độ cao, xã hội người cổ
không ngừng phát triển, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ trong quá trình xuất
hiện, phát triển của mình.
Những di tích khảo cổ thời kỳ từ thế kỷ
thứ I đến thế kỷ XV sau công nguyên cũng được tìm thấy trong khắp các vùng địa
lý cơ bản ở Đồng Nai : Từ miền rừng núi cuối dãy Trường Sơn như ĐạLắk, Nam Cát
Tiên đến các vùng đồi gò như Cây Gáo, Gò Chiêu Liêu, Rạch Đông hay ở vùng thấp
như Gò Bường, Gò ông Tùng… Đây là những
di tích phản ánh một giai đoạn lịch sử kéo dài mà trong suốt tiến trình đó
là sự hình thành của các vương quốc cổ. Nhờ những phát hiện khảo cổ này mà các
nhà khảo cổ đã phác họa những đường nét cơ bản của Đồng Nai, những mối quan hệ
trong bối cảnh lịch sử chung của vùng Đông Nam Á : Ảnh hưởng và dấu tích của
các quốc gia cổ Phù Nam, Chân Lạp, Chămpa…
Nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai – đặc
biệt trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay ( trên cơ sở kế thừa những giai đoạn
trước ) đã góp phần quan yếu cho việc tìm hiểu lịch sử – van hoá vùng đất đồng
Nai trong quá khứ. Điển hình là những đề tài
khoa học như : Khảo cổ đồng Nai thời tiền sử, Đồng Nai : 10 thế kỷ đầu
công nguyên và nhiều chuyện khảo khác. Qua đó, chúng ta nhận diện được nền văn
hoá cổ Đồng Nai; những diễn tiến của sự phát sinh, phát triển nền văn hoá này
trong dòng chảy lịch sử của quốc gia, của khu vực.
III. Vài ý kiến về công tác khảo
cổ học ở Đồng Nai :
Trên địa bàn Đồng Nai hiện tại có
trên trăm địa điểm, di chỉ đã phát hiện có vết tích của các nền văn hoá cổ. Thế
nhưng, chỉ có một di tích mới xếp hạng. Đó chính là di tích Mộ Hàng Gòn ở huyện Long Khánh. Di tích thuộc loại hình
Dolmen ( Cự Thạch ) này phát hiện vào năm 1927 và ba năm sau được liệt hạng
quan trọng ở Nam Kỳ. Năm 1984, di tích được Bộ Văn Hoá xếp hạng và từ đó cho đến
nay được bảo vệ giữ gìn khá tốt. Có thể nói rằng : số phận di tích Hàng Gòn được
bảo vệ như vậy là nhờ vào loại hình di tích đặc biệt – vừa là di tích khảo cổ,
vừa là di tích kiến trúc. Còn phần lớn , số phận của các di tích, di chỉ khác
không được may mắn như vậy. Di tích Bình Đa, nơi phát hiện bộ đàn đá đã từng
gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước vào năm 1979 – nay hoàn toàn bị xoá sổ.
Hoặc nhiều di tích có những đặc điểm riêng của mình : vị trí trong các vùng rừng
không bảo vệ được; ở vùng đất canh tác hoặc trong xây dựng luôn đứng trước đe
doạ “ nay còn, mai mất “ không biết lúc nào hay có những di tích dường như được
xem như “ hoàn sứ mệnh “ sau một đợt khai quật rồi thôi vì vấp phải nhiều lý do
: kinh phí, thời gian …
Vì vậy, các di tích khảo cổ ở Đồng Nai
luôn đứng trước những nguy cơ bị xoá sổ bởi nhiều tác động từ con người và
thiên nhiên. Hiện nay, trước nhu cầu về xây dựng đang phát triển mạnh, những địa
điểm, khu vực còn bảo lưu di tích lại càng thêm nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Trước
đây, việc thực hiện những qui định về bảo tồn di tích trong xây dựng rất tốt.
Chẳng hạn, khi thực hiện xây dựng thủy điện Trị An, các nhà khảo cổ đã đi điều
tra thám sát cả khu vực lòng hồ rộng lớn. Phát hiện di tích nào là tiến hành
khai quật, dù rằng chữa cháy – để nghiên cứu hoặc chí ít cũng bảo lưu được những
dữ liệu về sau. Thế nhưng, hiện nay, những qui định này không được lưu tâm. Nhiều
công trình xây dựng đã bỏ qua khâu thám sát, điều tra khảo cổ học và tất nhiên đã
phá hủy hay lấp bằng “ bê tông cốt thép “ trên khu vực có di tích.
Vẫn còn có thể viện dẫn ra nhiều lý do nữa đe
dọa sự tồn vong của các di tích khảo cổ học nói chung và ởí Đồng Nai nói riêng.
Và dù bất cứ lý do nào đi nữa , một khi thực trạng di tích khảo cổ bị đe dọa,
phá hủy thì chắc chắn rằng : Những nguồn sử liệu vô giá ấy sẽ mất đi và khó tìm
lại được . Trong số những di tích mất đi có những di tích là bằng chứng hùng hồn
cho các thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc, bằng chứng về thành tựu vĩ đại
mà tổ tiên ta sáng tạo và góp phần cho lịch sử – văn hoá của nhân loại. Và như
vậy, không khác gì tự chúng ta đã “ bắn vào quá khứ bằng súng lục “ để rồi nhận
lấy hậu quả khi “ tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác “ một nhà tư tưởng đã từng
ví von sự quên lãng quá khứ như vậy.
Nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai trong thời
gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Thế nhưng, chúng ta phải nhìn nhận
đúng vào thực trạng của các di tích, di vật khảo cổ hiện nay để có những bước đi
nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy những tài sản văn hoá của
dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những di tích đã được phát hiện, khai quật
và nghiên cứu; những sưu tập di vật thu thập được bảo lưu tốt tại cơ quan
chuyên môn ( kho hiện vật thuộc nhà Bảo tàng Đồng Nai ). Và vui mừng khi có nhiều
người dân khi tìm thấy những hiện vật lạ trên các địa phương đã tìm đến các cơ
quan chức năng để thông báo. Không ít từ những thông tin ấy mà cơ quan chuyên
môn đã xác định được những di tích quan
trọng cho công tác nghiên cứu.
Nghiên
cứu khảo cổ học ở Đồng Nai đã góp phần làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử trải
dài từ thời tiền sử cho dến cuối thế kỷ XVI. Giai đoạn trước khi cư dân Việt đến
khai khẩn. Có thể gọi những thành công trên chỉ là bước đầu và chỉ mới
phác họa lịch sử vùng đất này qua những di tích đã phát hiện được. Còn rất nhiều
nguồn tư liệu khác là những di tích chưa được phát hiện hoặc đã bị phá hủy
hoàn toàn. Vì vậy công tác nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai vẫn cần được đầu tư phát
triển. Trên cơ sở kế thừa các giai đoạn nghiên cứu, chúng ta cần xây dựng tập bản
đồ khảo cổ học Đồng Nai với những thông tin về những giá trị lịch sử, văn
hoá của các di tích, địa điểm khảo cổ học, cập nhật hoá thông tin về hành
chánh hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần có những đợt điều tra, khai quật định kỳ
hàng năm, có kế hoạch khoa học đê phát hiện những di tích mới bổ sung, kiểm chứng
cho các nguồn tư liệu nghiên cứu trước đây. Những di tích, di vật được khai quật,
thu thập cần có tổ chức triển lãm chuyên đề, giới thiệu đến quần chúng. Như vậy,
chúng ta vừa phát hiện; vừa bảo vệ và phát huy tính hiệu quả của di tích khảo cổ
học. Trên cơ sở của tập bản đồ khảo cổ học Đồng Nai đã được định vị, chắc chắn
rằng những qui định pháp lý của công tác bảo tồn di tích được các cơ quan,
ngành và quần chúng tuân thủ khi tiến hành những công việc có ảnh hưởng đến di
tích.
Ths Phan Đình
Dũng