1.    NGÔN TỪ VĂN HỌC LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG NGHỆ THUẬT

1.1. Ngôn từ nghệ thuật và ngôn từ tự nhiên

Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhưng nghệ thuật ngôn từ từ xa xưa đã bao gồm không chỉ thơ trữ tình, kịch, sử thi, mà bao gồm cả nghệ thuật hùng biện dùng trong giảng đạo, trong xét xử, trong diễn thuyết chính trị trước công chúng. Ngày nay, với sự phát triển của báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, băng hình …) thì phạm vi của nghệ thuật ngôn từ còn rộng hơn và đổi khác. Do vậy khi nói văn học là nghệ thuật ngôn từ, ta chỉ nói tới một loại hình của nghệ thuật đó – tức là loại hình sử dụng ngôn từ để sáng  tạo ra thế giới nghệ thuật, vì mục đích nghệ thuật. Chúng ta không nên quên báo chí cũng là một nghệ thuật ngôn từ đặc thù có nhiệm vụ đưa tin sao cho nổi bật nhất, gây được chú ý nhiều nhất theo một khuynh hướng nào đó.

Ngôn từ văn học do vậy, không chỉ khác với lòi nói tự nhiên hằng ngày, khác với các hình thức giao tiếp phi nghệ thuật, mà cũng khác với hình thức của các nghệ thuật ngôn từ khác, bởi chúng là các loại hình kí hiệu khác nhau, giao tiếp bằng các phương tiện khác nhau.

Trong đời sống hàng ngày ngôn từ được sử dụng với mục đích giao tiếp, truyền đạt thông tin, cốt nói sao cho người nghe hiểu rõ, người nói có thể nói đủ mọi cách, kể cả các phương tiện phi ngôn từ như biểu hiện của nét mặt, giọng nói lên cao, xuống thấp, gật đầu, vẫt tay … Do vậy lời nói thường ngẫu nhiên, tạm thời, nói xong thì thôi. Ngôn từ văn học là ngôn từ được lựa chọn, được tổ chức thành văn bản cố định, sao cho nói một lần mà có thể giao tiếp mãi mãi. M.Bakhtin có nói: Sự miêu tả nghệ thuật là sự miêu tả Sub specie aeternitates (tiếng La Tinh: trước cái vĩnh hằng), chỉ có những ngôn từ, hình ảnh xứng đáng để ghi nhớ muôn đời”. Nếu ngôn từ hàng ngày trong đời sống phụ thuộc vào ngữ cảnh trực tiếp, thì ngôn từ nghệ thuật dựa vào nguyên tắc thủ tiêu đặc trưng trực tiếp của ngữ cảnh. Nó chỉ có ngữ cảnh thời đại, ngữ cảnh văn hóa, ngữ cảnh nội tại của chính nó. Chẳng hạn, bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến, ta không thể biết bạn là ai, lúc nào. Cũng vậy, bài Vô đề của Lý Thương Ẩn không có cả đại từ nhân xưng. Do đó ngôn từ văn học phải được hiểu trong ngữ cảnh lớn do nó tạo nên.

Văn học sử dụng ngôn ngữ, nhưng văn học và ngôn ngữ là hai loại hình kí hiệu khác nhau, do đó không thể suy trực tiếp đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật từ đặc điểm của ngôn ngữ. Mà đây là điều nhầm lẫn rất phổ biến. Ngôn từ văn học là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo theo quy luật chung của nghệ thuật. Văn bản nghệ thuật phải truyền đạt một ý nghĩa mà không một phát ngôn đồng nghĩa nào có thể thay thế được (G.V. Stepanov).

M.Bakhtin có nói rằng thật là ngây thơ nếu cho rắng nghệ sĩ chỉ cần một ngôn ngữ như là ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học (bởi vì chỉ nhà ngôn ngữ học mới nghiên cứu ngôn ngữ như là một ngôn ngữ). Thực ra, nghệ sĩ gia công ngôn ngữ, nhưng không như ngôn ngữ; bởi vì anh ta sẽ khắc phục ngôn ngữ như là ngôn ngữ để biến nó thành phương tiện biểu hiện nghệ thuật.[1] Nhà thơ không phải sáng tạo trong thế giới của ngôn ngữ, mà chỉ là sử dụng nó thôi để sáng tạo trong thế giới nghệ thuật của mình. G. N. Pospelov cũng nói về tư duy nghệ thuật với sự trợ giúp của ngôn từ. Ngôn từ chỉ là trợ giúp thôi chứ không phải là tất cả, bởi vì chính ngôn từ cũng bất lực trước đòi hỏi của nghệ thuật văn học. Nhiệm vụ chung của sáng tạo là khắc phục mọi chất liệu, từ chất liệu đời sống tới chất liệu ngôn ngữ. Vì vậy ngôn từ văn học là một hiện tượng nghệ thuật.

1.2. Những cách tiếp cận

Chức năng của ngôn từ nghệ thuật là sáng tạo ra thực tại nghệ thuật, sáng tạo ra khách thể thẩm mỹ, đồng thời sáng tạo ra bản thân các hình tượng ngôn từ, các biểu trượng nghệ thuật, các hình thức lời thơ, lời văn xuôi nghệ thuật, để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp nghệ thuật.

Trước nay một số công trình lý luận chỉ xem ngôn ngữ văn học như một phương tiện bề ngoài, một phương tiện giản đơn để truyền đạt cái hình tượng có sẵn trong tâm trí. Với cách hiểu đó, có người xem ngôn ngữ không quan trọng hơn chi tiết. Nhà nghiên cứu Christopher Caudwell trong sách Ảo ảnh và hiện thực ( nxb Tiến bộ, M., 1958) cho rằng: Các tiểu thuyết không phải được tổ hợp bằng từ ngữ, mà là tổ hợp bằng các sự việc, hành động, bằng chất liệu, bằng con người, giống như là một vở kịch. Nhà nghiên cứu James Phelan lại cho rằng ngôn từ là cần nhưng không quan trọng. Có tiểu thuyết ngôn  từ  không hay mà nó vẫn hay. (Thế giới xuất hiện từ ngôn từ 1981). Có người chỉ chú ý tới cá tính của ngôn từ nhân vật và ngôn từ tác giả. Một số tác giả khác xem “chất thơ” của ngôn từ nằm ở cấu tạo ẩn dụ của nó. Các nhà giải cấu trúc chủ nghĩa thì lại xem ngôn từ nghệ thuật không đáng tin cậy, chẳng qua là trò chơi dựa trên sự tương đồng và khác biệt của các kí hiệu. Tuy vậy các lý luận cực đoan không thể phủ nhận tính xác định của ngôn từ, điều kiện của giao tiếp và của tính đa nghĩa.

Trong ngành ngữ văn học lại có quan niệm về tính độc lập tuyệt đối của sáng tác văn học, tức là xem giá trị, bản chất của văn học nằm trong văn bản ngôn từ, phân tích ngôn từ được thực hiện thay thế cho việc phân tích nội dung cuộc sống được thể hiện trong đó. Đó là một cực đoan khác phản ứng lại với cách tiếp cận thực dụng, không biết đến ngôn ngữ nghệ thuật.

Trong văn học, nội dung và ngôn từ không tách rời nhau, cho nên hiện tại các nhà nghiên cứu văn học có xu hướng vận dụng tri thức ngôn ngữ học, còn các nhà ngôn ngữ học đã có khuynh hướng khám phá đặc thù văn học bằng ngôn ngữ. Dù thế nào thì tính hình tượng của văn học và ngôn ngữ văn học vẫn được thừa nhận.

Do ngôn từ nghệ thuật là một loại hình kí hiệu khác so với ngôn ngữ, cho nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật, phân biệt với ngôn ngữ tự nhiên. Có hai cách xác định. Một là cách xác định định tính. Người ta liệt kê các tính chất, thuộc tính mà ngôn từ nghệ thuật có thể có. Nào là tính hình tượng, tính cụ thể, gợi cảm, tính cá thể hoá, tính hàm súc, tính chính xác … Các “tính” đó đúng là có trong lời văn nghệ thuật, nhưng cách xác định đó không khoa học. Một là lẽ nào  các thuộc tính đó không có trong ngôn ngữ tự nhiên, đời thường? Lời của ai mà chẳng cá thể hoá một cách tự nhiên? Lời nói của người với người – mẹ với con, người yêu với người yêu … lẽ nào không có tính cụ thể, gợi cảm? Dễ thường trong sinh hoạt người ta không ví von, không ẩn dụ, không nói lái, không giễu nhại hay sao? Hai là con số thuộc tính nêu trên rõ ràng là chưa đủ. Người ta có thể nói thêm: tính ước lệ, tính đa nghĩa, tính khác thường, tính nhịp điệu … Có thể nói các tính chất trên đều có trong mọi lời nói thực tế, chỉ có trong văn học chúng mới biểu hiện tập trung hơn, thuần tuý hơn. Vì sao như vậy? Ở đây phải có cách tiếp cận từ phía cấu trúc. V.Shklovski đã nói đến tính lạ  hóa (otsrannenie), được nhiều người tán đồng. R.Jakobson đã xuất phát từ các chức năng giao tiếp mà xác định tính thơ của ngôn từ thơ, ông nói tới “chức năng của thơ là đem nguyên tắc đồng đẳng từ quá trình lựa chọn chuyển vào quá trình tổ hợp. Đồng đẳng trở thành biện pháp tạo thành của trật tự lời thơ”. Nguyên tắc đó làm cho lời thơ có tứng cặp vế tương dương sóng đôi nhau, khiến người đọc chú ý vào bản thân tổ chức của lời thơ. Ở đây Jakobson giống như Shklovski, chỉ chú ý vào cách tổ chức chất liệu, mà không chú ý đến mối quan hệ giữa cách tổ chức chất liệu với những người giao tiếp bằng chất liệu đó. Ông chỉ thấy mối quan hệ “hư cấu”, “giả định” giữa  những người tham gia giao tiếp bằng văn học khi đề cập đến kiểu văn bản hoán dụ và ẩn dụ trong chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn. Do đó quan niệm của ông chưa đầy đủ. Trong giao tiếp thực dụng, tự nhiên hàng ngày hay giao tiếp khoa học, người phát và người nhận mang mục đích thực dụng. Còn trong nghệ thuật thì lại khác. Nhiều người đã nhận xét rất đúng, đọc thơ là đọc “ké”, còn làm thơ thì bóng gió. Chủ thể cũng hư cấu mà người đọc cũng tự hư cấu. Điều đó thể hiện trong cấu trúc đặc biệt của ngôn từ trong văn học.

1.3.Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật

a) Tính hư cấu và tính hình tượng. Trong bất kỳ lời nói nào ta đều có thể phân biệt ba yếu tố: tác giả lời nói, chủ thể lời nói và chủ thể ý thức lời nói. Trong lời nói thực dụng ba yếu tố trên thống nhất trọn vẹn với nhau. Do đó tác giả trong thực tế có vị trí xã hội càng quan trọng thì lời nói của anh ta càng quan trọng. Dân gian đã có câu: “Vai mang túi bạc kè kè, nói ấm nói ớ người nghe ầm ầm”. Người ta nghe lời nói của túi bạc. Trong thực tế, lời ông bí thư nhất định quan trọng hơn ông chủ tịch chính quyền. Trong các ông chủ tịch, cấp chủ tịch càng cao càng quan trọng.

Trong văn học thì không thế. Tác giả lời nói đứng ngoài tác phẩm, nhường lời  cho chủ thể lời nói. Đó là phương thức biểu đạt gián tiếp. Tác giả im lặng trong văn bản. Nghiêm khắc mà nói, trong văn bản văn học không có lời nào là của tác giả. Sự tách biệt này là rất rõ rệt. Ví dụ trong bài thơ Người con gài Việt Nam, với tư cách tác giả bài thơ, Tố Hữu ghi lời đề tặng: Tặng chị Lý anh dũng. Nhưng trong bài thơ thì chủ thể lời thơ lại xưng chị Lý bằng em:

Em là ai, cô gái hay  nàng tiên,

Em có tuổi hay không có tuổi,

Mái tóc em đây hay là mây là suối.

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông,

Thịt da em hay là sắt là đồng?

Sự phân biệt ấy cho phép tác giả bộc lộ cảm xúc thơ của chủ thể thi sĩ. Ở đây lời thi sĩ quan trọng hơn lời ông Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng. Cũng như vậy trong bài Bầm ơi, bài Bà Bủ, bài Phá đường…. lời của anh bộ đội, của bà mẹ chiến sĩ, của người dân công quan trọng hơn lời của tác giả Tố Hữu. Sự tách biệt tác giả ra ngoài đã làm cho hoạt động giao tiếp nghệ thuật trong văn học khác với giao tiếp ngôn từ thông thường.

Tác giảNhân vật trữ tình Người kể chuyện Nhân vật (chủ thể lời  nói)Phát ngôn nghệ thuật (Chủ thể ý thức)Người nhận nghệ thuậtNgười đọc thực tế     

Ở đây tác giả là nguồn thông tin, nhưng không phải là người phát ngôn. Chủ thể lời nói trong văn học là một sản phẩm hư cấu vượt lên tác giả thực tại. Văn bản nghệ thuật là sản phẩm của một hoạt động giao tiếp đặc thù. Chủ thể tiếp nhận là một vai tiếp nhận có tính nghệ thuật trong người đọc thực tế.

Tính hình tượng của ngôn từ văn học trước hết phát sinh từ tính hình tượng của chủ thể lời nói được sáng tạo bằng tưởng tượng. Mọi ngôn từ đều là của chủ thể lời nói do tác giả sáng tạo ra cho nên phát biểu một cách hình tượng. Nhờ tính hình tượng này mà trong văn học không chỉ con người, mà cả cây cỏ, muông thú, mây gió cũng đều có thể phát ngôn, không chỉ người sống mà cả người chết, ma quỉ đều có ngôn từ của chúng.  Nhờ vậy mà tiếng nói văn học là tiếng nói dân chủ và phổ quát.

Mặt khác, do tính hình tượng phái sinh nói trên mà tính hình tượng của bản thân ngôn từ văn học có đổi thay về chất. Thông thường người ta hiểu tính hình tượng của ngôn từ qua các phương thức tu từ như ẩn dụ, nhân hóa. Khi ta nói một người là “hót hay” thì chữ “hót” là hình tượng về lời nói tâng bốc, xu nịnh.  Nhưng tính hình tượng kiểu đó không phải là độc quyền của văn học. Người ta sử dụng nó hàng ngày, trong đời sống, trong báo chí, cả trong văn bản chính luận.

b)Tính nội chỉ của ngôn từ văn học

Tính hình tượng của ngôn từ văn học thể hiện ở chỗ toàn bộ ngôn từ ở đó đều là sản phẩm hư cấu cùng với chủ thể lời nói, là thứ ngôn từ miêu tả mà từ vần, nhịp, từ, câu và tổ hợp trên câu đều có chức năng biểu diễn như diễn viên trên sân khấu nhằm tái hiện thực tại nghệ thuật. Do đó ngôn từ văn học không giản đơn là chỉ ra một thực tại ngoài nó, mà là tái hiện một thực tại vào trong bản thân nó. Chính vì vậy ngôn từ văn học có tính nội chỉ, chỉ ra cái thế giới nghệ thuật. Đây là chức năng nghệ thuật của ngôn từ nghệ thuật: chức năng sáng tạo hình tượng và biểu hiện tư tưởng tình cảm của nhà văn. Khi Thạch Lam mở đầu Hai đứa trẻ với câu: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều về.” thì câu văn không chỉ thông báo, mà tái hiện cả cái nhịp chậm chạp, uể oải của buổi chiều nơi huyện nhỏ. Ai nghe tiếng trống ở đây? Chính là  chị em Liên, do đó không phải là nhịp điệu khách quan của phố huyện, mà là nhịp điệu phố huyện trong tâm hồn nhân vật. Văn học phản ánh kinh nghiệm của con người đối với thế giới xung quanh bằng cảm nhận của cơ thể của chủ thể. Trong bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan thì Đèo Ngang ấy là Đèo Ngang trong cảm nhận và kinh nghiệm của bà chứ không phải là Đèo Ngang địa lý Quảng Bình. Tính hình tượng ở đây gắn với tính nội chỉ trong việc sáng tạo thế giới nghệ thuật. Chẳng hạn, bánh trôi trong bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương không phải là bánh trôi thông thường, “miếng trầu hôi” trong bài Mời trầu của bà cũng không phải là một loại trầu. Đi tìm loại trầu ở đây là đi tìm cái ngoại chỉ phi nghệ thuật! Trong ngôn từ văn học cũng có tính ngoại chỉ, chỉ ra một hiện tượng thực tế nằm ngoài hiện tượng, nhưng nó không đóng vai trò chủ yếu. Ví dụ đoạn mở đầu AQ chính truyện Lỗ Tấn đã nói kháy các nhà khảo chứng như Hồ Thích. Trong văn chính luận, nghị luận, là loại văn không đặc trưng cho văn nghệ thuật thì tính ngoại chỉ là chủ yếu. Ví dụ như Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn ái Quốc.

Đã là văn nghệ thuật thì tính nội chỉ là chủ yếu. Ngôn từ ấy chỉ nhằm xây dựng thế giới nghệ thuật của tác giả. Tính hình tượng trong văn học còn thể hiện ở chỗ ngôn ngữ trong văn học tự bản thân nó là một hình tượng của ngôn ngữ. Ngôn từ của nhân vật trong văn xuôi là hình tượng hay là sự tái hiện cái ngôn ngữ của nhân vật mà nhà văn có thể tóm tắt, tái hiện đầy đủ, hay chỉ phác qua vài nét về ngôn ngữ đó. Trong thi ca, bản thân lời thơ với vần, nhịp điệu, hình ảnh là hình tượng về một ngôn từ đẹp, giàu cảm xúc mà người ta có thể mơ ước. Trong văn xuôi, việc tổ chức quan hệ của các chủ thể lời nói (người trần thuật, người kể chuyện, nhân vật) để cho ai nói về ai, ai nói, ai được nói, nói từ điểm nhìn nào đều nhằm tạo ra tính hình tượng.Ví dụ ngôn ngữ nửa trực tiếp là hình tượng ngôn ngữ về sự xâm nhập của hai ý thức (người kể chuyện và nhân vật) chỉ có thể thực hiện được bằng nghệ thuật. Hoặc như lời độc thoại nội tâm chính là hình ảnh về dòng ý thức của con người, về lời nói thầm kín không phát biểu ra ngoài của nhân vật. Tóm lại, tính hình tượng của ngôn từ văn học do nó là ngôn từ của hình tượng.

Ví dụ đoạn đầu của truyện Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng vậy, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình…” Hai câu đầu là lời của người kể chuyện, nhưng từ câu thứ ba, lời kể là của người kể chuyện, còn ý thức là của Chí Phèo. Câu thứ tư, lời kể  vẫn của người kể chuyện nhưng ý thức là của người bị nghe chửi. Đó là lời văn hình tượng mà nói chung trong đời sống không thể có được.Còn khi miêu tả Thị Nở một cách tàn nhẫn, chẳng lẽ đấy là lời và ý thức của người kể chuyện Nam Cao, một người chống lại thái độ tàn nhẫn đối với đồng loại? Chủ thể lời nói là người kể chuyện, nhưng ý thức và chủ thể của ý thức đó chắc chắn của người dân làng Vũ Đại vốn chứa đầy định kiến tàn nhẫn. Đó cũng là lời hình tượng. W.Empson nói: “Tính mơ hồ trong ngôn ngữ hàng ngày chỉ một hiện tượng ngôn ngữ hết sức dễ thấy, thường là rất khéo léo, đánh lừa người nghe. Trong nghệ thuật người ta mở rộng nghĩa của từ đó để chỉ bất cứ lời văn nào đem đến sự giải thích khác nhau hoặc hàm chứa đa nghĩa”. (Bảy loại nghĩa mơ hồ). Như vậy là, ngôn từ trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo ra theo nguyên tắc nghệ thuật. Tính hình tượng và tính tổ chức đặc thù tạo nên tính nghệ thuật của nó.

c)Tính lạ hoá và lệch chuẩn

Nhưng cấu trúc của ngôn từ nghệ thuật không chỉ là tách tác giả lời nói ra ngoài, đưa chủ thể lời nói lên địa vị người phát ngôn cơ bản tạo nên tính hình tượng cho cả văn bản văn học, mà còn ở chỗ ngôn từ văn học là ngôn từ lạ hoá, “phá vỡ” cấu trúc ngôn ngữ thông thường để cấu tạo lại theo qui tắc nghệ thuật. Quan niệm lạ hoá đã được các nhà hình thức chủ nghĩa, các nhà cấu trúc luận, các nhà kí hiệu học như V. Shklovski, R. Jakobson, Jan Mukarjovski, J. Culler tán thành từ đầu thế kỉ XX. Lạ hoá là chống lại cơ chế “tự động hoá” của ngôn ngữ và thói quen làm cho các biểu đat bị mòn, nhàm, mất khả năng gây ấn tượng. Lạ hoá làm chậm quá trính cảm thụ, khiến cho con người cảm thấy cái nhìn mới trong hình ảnh, nhịp điệu. Cách cấu tạo câu thơ theo đơn vị nhịp điệu, cách sử dụng câu danh ngữ, câu đối, cách dùng các phép chuyển nghĩa, câu đảo trang … chẳng phải là gì khác mà chính là lạ hoá để làm yếu vai trò logic lý tính và tính phân tích của ngữ pháp để gia tăng sức biểu  hiện cảm tính. Nó “phá vỡ” cấu trúc thông thường của cú pháp để tạo ra một không gian mới cho mọi sự lắp ghép có giá trị biểu hiện. Những từ mới tạo như: ăn gió nằm sương, bướm chán ong chường, gió tựa hoa kề, hồn rụng phách rời… của Nguyễn Du rõ ràng hay hơn lôi nói phổ thông  “bướm ong chán chường”, “hồn phách rụng rời” rất nhiều. Những câu thơ kiểu “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn” của Xuân Hương hoặc câu thơ Lê Đạt:

Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ

Nhà số lẻ

phố trò chơi bỏ dở

Mộng anh hường

tim môi em bói đỏ

Giàn trầu già

khua

                     những át cơ rơi…

đều là sự cấu tạo lại – tái cấu trúc của ngôn từ nghệ thuật, mà ý nghĩa của nó đã khác xa với ý nghĩa thông thường. Những câu văn xuôi đã chủ thể như đoạn đầu truyện Chí Phèo mà chúng tôi phân tích chỉ duy nhất có trong văn nghệ thuật. Chúng khác hẳn ngôn ngữ tự nhiên hàng ngày.

d. Tính thẩm mĩ

Ngôn từ nghệ thuật sau mọi kiến tạo đặc thù nhử trên phải đem lại hiệu quả thẩm mĩ. Đó  phải là ngôn từ đẹp theo nghĩa hoàn mĩ, toàn vẹn, thể hiện ở tính hài hoà,cân đối, mới lạ, hấp dẫn, có âm vang , gây ấn tượng. Văn thơ là sự sống, nó phải có nhịp điệu như nhịp tim, hơi thở của con người. Các thuộc tính thẩm mĩ có nhiều cung bậc, từ cao cả, bi tráng, hào hùng, trữ tình, êm dịu, buồn sầu, ngọt ngào điền viên, tịch mịch tự tại, hài hước, giếu nhại, trang nhã, đến quái dị, hãi hùng, kì ảo, u mua, hư vô, vụn nát, bí hiểm… Tính thẩm mĩ bao giờ cũng đa dạng và không lặp lại. Đó là sinh mệnh của nó.

II. NHÃN QUAN VÀ LOẠI HÌNH NGÔN TỪ VĂN HỌC

          Do tính hình tượng và tính tổ chức đặc thù nói trên mà ngôn ngữ văn học là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ học”, theo cách hiểu của Bakhtin. Tất nhiên nói “siêu ngôn ngữ học” có nghĩa là một hiện tượng nằm ngoài đối tượng truyền thống của ngôn ngữ học hiện đại, bắt đầu từ Saussure, chứ không phải nói là nó không liên quan với ngôn  ngữ, hoặc giản đơn là “lệch chuẩn ngôn ngữ”. Thi pháp học nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật từ hai cấp độ “vĩ mô” và “vi mô”. Nghiên cứu vĩ mô là nghiên cứu chỉnh thể của ngôn từ nghệ thuật thể hiện ở các nguyên tắc nghệ thuật chung trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nghiên cứu vi mô là xem xét các hình thức tổ chức cụ thể của ngôn từ nghệ thuật của tác giả, tác phẩm, thể loại.

          Ngôn từ văn học bắt nguồn từ ngôn ngữ toàn dân. Nhưng cách sử dụng nó thì phụ thuộc vào nhãn quan ngôn ngữ của mỗi thời đại, mỗi trào lưu văn học, cá tính nhà văn gắn liền với bối cảnh văn hóa khu vực, dân tộc. Chưa có điều kiện đi sâu về mặt này một cách toàn diện, ở đây xin giới thiệu quan niệm của M. Bakhtin. Nếu như có thể chia ngôn ngữ văn học ra hai phạm trù, văn học truyền thống với thể loại sử thi là tiêu biểu và ở văn học hiện đại với thể loại tiểu thuyết là tiêu biểu, thì có thể hình dung bức tranh ngôn từ văn học như sau:

2.1. Sử thi và các thể loại cùng loại với nó như bi kịch, tụng ca luôn viết về những “cái cao cả” với ý nghĩa, trật tự giá trị của từ đó trong thực tế – tức là viết về các vị tiền bối, về các thần, các thánh, các anh hùng cái thế, đấng minh quân, các lý tưởng cao đẹp, vượt lên trên đời thường, người thường, do đó sử thi, bi kịch, tụng ca vv… đòi hỏi một ngôn từ cũng cao cả, khác hẳn với ngôn từ văn xuôi đời thường. Ngôn từ sử thi, xét theo phong cách, giọng điệu, tính chất hình tượng thì khác xa ngôn từ của người đương thời nói về người đương thời. Ngôn từ sử thi là ngôn từ theo truyền thống (Predanie)”. “Người ta yêu những người chết theo một cách khác”, vì những người ấy đã tách biệt khỏi phạm vi tiếp xúc với người hát rong và người nghe cho nên họ có thể và cần phải nói theo một phong cách khác. Ngôn từ nói về người chết, về mặt phong cách phải khác biệt sâu sắc với ngôn từ nói về người sống. Vì đối tượng miêu tả là cao cả, thiêng liêng, cho nên ngôn từ không chỉ miêu tả mà suy tôn, vĩnh viễn hóa, sao cho các hình ảnh đó giữ mãi  trong ký ức của hậu thế. Các hình thức ngôn từ do đó cũng được sáng tạo cho khác với lời ăn tiếng nói hàng ngày để thể hiện sự cao quý, trau chuốt, trang nghiêm.

          D.Likhachev nói đến tính nghi thức của ngôn từ trung đại. Nhắc đến các nhân vật là nói tới cha mẹ họ một cách tôn kính, nhắc tới tên gọi cùng với tên hiệu, tôn xưng, tả người thì dùng các định ngữ cố định, tả việc thì dùng hình ảnh có sẵn như “tiếng quát như sấm”, “khóc như mưa”, “đi nhanh như gió”, “cơn giận thiêng liêng”, “sức mạnh vô hình”… Đối với mỗi hạng người có một số từ ngữ miêu tả cố định tựa như đạo sĩ, nhà nho, võ tướng, đế vương trong văn học phương Đông. Ngôn ngữ văn học Nga cổ xưa không những không thống nhất, mà còn không phải một. Có hai ngôn ngữ văn học – ngôn ngữ nhà thờ Slavơ, giống như tiếng Latinh ở phương Tây và tiếng Phạn, tiếng Hán cổ ở phương Đông, và ngôn ngữ văn học Nga cổ. Đặc điểm này cũng có tính loại hình chung với ngôn ngữ văn học Việt Nam trung đại – văn Hán và văn Nôm. Nhãn quan chủ đạo của nghệ thuật trung đại là phỏng cổ, phỏng thẻ loại, mô phỏng các công thức, tuân thủ các quy tắc của người xưa. Đối với sáng tác thì họ dùng chất liệu có sẵn để tạo ra tác phẩm mới. Một đặc điểm khác là hay dùng lời trích, dẫn ngữ, dùng câu sẵn để cải biên làm thành bài mới. Họ tìm các tiền lệ trong quá khứ để dẫn giải việc thực tế, tạo thành các điển cố. Ngôn ngữ văn học trung đại đầy những hình ảnh, biểu trưng cố định như tùng, cúc, trúc, mai, ngọc, rồng, mây, phượng… Cô Kiều đẹp thì phải “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”…Tất nhiên Truyện Kiều hay còn vì nhiều điều khác nữa. Ví dụ này cho thấy nhà thơ vĩ đại của chúng ta cũng không thoát khỏi sự quy định của thời đại.

          Các hình thức thơ cách luật với niêm, đối chặt chẽ, số câu số chữ cố định cũng gắn liền với một ý thức về tôn ti, trật tự, kỉ luật thời trung đại. Khi thời ấy qua đi người ta phải tìm những hình thức khác.

          Những nhận xét của M.Bakhtin, D.Likhachev và của các tác giả khác là rất có ý nghĩa để  hiểu nhã quan và loại hình ngôn từ truyền thống. Nếu không tuân thủ thì không được thừa nhận.

2.2. Văn học hiện đại mà thể loại tiêu biểu là tiểu thuyết lại có nhãn quan và loại hình  ngôn từ khác. Trung tâm chú ý của nó không phải là quá khứ được lý tưởng hoá, mà là thời đương đại được hiểu như là sự sống đích thực, thì ngôn ngữ lại khác: ngôn từ của người đang sống, năng động và đa dạng. Đó là lời về người sống, nằm trong phạm vi tiếp xúc suồng sã, thân mật. Ngôn từ không nhằm chia tách người nghe khỏi đối tượng miêu tả mà làm cho họ gần lại, nhìn sâu vào chính mình. Từ đó tạo khả năng sử dụng tất cả mọi phương tiện, mọi sắc thái của ngôn ngữ đời thường vào văn học.

          Đặc điểm của ngôn từ này là có nhiều tiếng nói. Nhân vật trong tiểu thuyết có tiếng nói khác nhau. Các nhà thơ có phong cách, giọng điệu khác nhau. Các nhà tiểu thuyết có phong cách cá nhân khác nhau. Trong tương quan với “ngôn ngữ chung” như tiếng Hán, tiếng Latinh … và với giao lưu quốc tế, người ta ý thức đựơc bản sắc ngôn ngữ dân tộc.

          Văn học hiện đại có ý thức miêu tả ngôn ngữ người khác với ý thức đối thoại, điều đó cũng làm cho giọng điệu ngôn từ phong phú. Ngôn ngữ này không chỉ đóng khung trong thể loại tiểu thuyết mà ảnh hưởng đến ngôn ngữ thơ ca và các thể loại khác. Thơ ca thời này thực sự đa dạng.

          Cuối cùng do nghề in phát triển, ngôn ngữ văn học viết chuyển thành ngôn ngữ để đọc bằng mắt, đọc thầm bằng con chữ in. Do đó yêu cầu cá tịnh hoá càng cao để bù lại sự thiếu hụt về tồn tại âm thanh của trang in.[2]

Trong văn học của nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, do lí tính bị hoài nghi, tính phi lí tính được đề cao, nhã qua ngôn ngữ và loại hình lại có những điểm khác. Trong chủ nghĩa siêu thực chẳng hạn chủ ngữ vị ngữ không tương ứng. Câu có thể dài hàng chục trang mà không xuống dòng, Sự vỡ vụn của câu văn và hình ảnh, thứ tự trần thuật đảo lộn…Ta phải tìm hiểu quan niệm nghệ thuật và quan niệm về ngôn tư của họ thì mới hiểu được.

[1] M. Bakhtin. Mĩ học sáng tạo ngôn từ, nxb NGhệ thuật, M., 1979, tr. 167.

[2] Xem Ngôn ngữ tiểu thuyết. Trong sách Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, nxb Văn học, trường viết văn Nguyễn Du, 1992. D. S. Likhachev. Thi pháp văn học Nga cổ, M., 1979; G. Fridlender. Thi pháp chủ nghĩa hiện thực, M., 1971.

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…