10 bí mật chưa được giải mã

1. Tiếng o o bí ẩn

 

Từ nhiều năm nay, một số người dân địa và khách du lịch ở thành phố Taos, thuộc bang New Mexico, Mỹ, cảm thấy rất phiền phức và thắc mắc về tiếng kêu o o bí ẩn và ở tần số thấp trong không trung. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 2% người dân ở đây nghe thấy âm thanh này. Hiện chưa ai tìm ra nguồn gốc phát ra âm thanh này.

 

2. Quái vật Bigfoot (Chân to)

 

Nhiều thập kỷ qua, thỉnh thoảng người ta vẫn nhận được tin báo về sự xuất hiện của những con quái vật trông như người nhưng to lớn và lông lá, gọi là Bigfoot (Chân to), ở khắp nước Mỹ. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào về sự tồn tại của quái vật này, tất cả chỉ là những lời kể, nhưng khoa học cũng không thể chứng minh được điều ngược lại. Tờ Livescience cho rằng các con quái vật bí ẩn này chẳng qua chỉ là do trí tưởng tượng của con người.

 

3. Trực giác

 

Mọi người quen gọi đây là “giác quan thứ sáu”. Hầu như tất cả mọi người đều ít nhất một lần có trực giác. Các nhà tâm lý học giải thích rằng con người thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài một cách vô thức nên đôi khi chúng ta như cảm thấy hay biết một điều gì đó mà không biết chính xác tại sao và làm thế nào mà chúng ta lại biết được. Tuy nhiên, đó có thể mới chỉ là một phần của câu trả lời.

 

4. Sự biến mất đầy bí ẩn

 

Con người mất tích vì nhiều lý do, trong đó hầu hết đều là sự bỏ trốn, một số chết vì tai nạn, một số ít thì bị bắt cóc hoặc sát hại, nhưng đa số cuối cùng đều được tìm thấy.

 

Không có nhiều trường hợp mất tích một cách hoàn toàn bí ấn nhưng cũng có một số người dường như mất tích mà không để lại chút dấu vết nào.

    

5. Hồn ma

 

Nhiều người đã nói là trông thấy hồn ma của những người chưa từng quen biết và người thân đã qua đời của họ. Mặc dù rất khó có được bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của hồn ma, nhưng người ta vẫn tiếp tục khẳng định rằng đã tận mắt nhìn thấy, thậm chí là trò chuyện với hồn ma. Những người chuyên nghiên cứu về hồn ma luôn hy vọng rằng đến một ngày nào đó họ có thể chứng minh rằng người chết có thể liên hệ với người sống.

 

6. Ảo giác (Déjà vu)

 

“Déjà vu” là một cụm từ tiếng Pháp, có nghĩa là “đã nhìn thấy”, dùng để chỉ cảm giác ngờ ngợ như đã gặp trường hợp tương tự nào đó trong quá khứ rồi. Ví dụ như một phụ nữ có thể đi trong một tòa nhà ở một đất nước mà cô ta chưa từng đến trước đó nhưng lại có cảm giác quen thuộc kỳ lạ. Một số ý kiến cho rằng đây là hiện tượng liên quan đến yếu tố tâm linh hay linh cảm đến từ kiếp trước. Cũng như trường hợp “giác quan thứ sáu” đã nói ở trên, khi nghiên cứu về hiện tượng này, các nhà tâm ký có thể sẽ chỉ đưa ra những lý giải nghe hợp tự nhiên hơn, còn nguồn gốc và bản chất của hiện tượng có lẽ sẽ mãi là một ẩn số.

 

7. UFO   

 

Không có gì nghi ngờ về sự tồn tại của các UFO (vật thể bay chưa thể xác định). Nhiều người đã nhìn thấy các vật thể lạ bay trên trời. Mặc dù các nhà khoa học đã loại bỏ khả năng đó là các vật thể đến từ hành tinh khác nhưng đã và sẽ còn những vụ việc liên quan đến UFO mà khoa học không thể giải thích nổi.

 

8. Kiếp sau

    

Đôi khi những người đã từng một lần cận kề với cái chết khẳng định rằng họ đã trải qua nhiều chuyện kỳ lạ (như đi trong đường hầm rồi đột nhiên bước ra ánh sáng, được đoàn tụ với những người thân yêu, hay cảm giác về sự yên bình…) gợi mở về sự tồn tại của kiếp sau.

 

Những ý kiến nghi ngờ thì cho rằng hiện tượng này hoàn toàn có thể giải thích là ảo giác của một bộ não đã bị tổn thương.

 

9. Năng lực siêu nhiên

 

Năng lực siêu nhiên và năng lực ngoại cảm (extra-sensory perception -ESP) được xếp vào top 10 hiện tượng bí ẩn nhất chỉ vì có quá nhiều người tin vào điều này. Các nhà khoa học đã thử kiểm tra những người được cho là có năng lực siêu nhiên và kết quả thường là phủ nhận hoặc chưa rõ ràng, còn đang tranh cãi.

 

10. Mối liên hệ giữa cơ thể và trí óc

 

Y học mới chỉ bắt đầu hiểu được cách trí óc điều khiển cơ thể. Ví dụ như tác dụng của các loại thuốc trấn an cho thấy con người đôi khi có thể giảm nhẹ cơn đau hoặc sự khó chịu bằng cách tin rằng việc chữa trị đang có tác dụng, trong khi thực tế không hoàn toàn như vậy. 

 

Đặng Lê

Theo Xinhua