10 ca khúc nhạc xuân ‘made in Việt Nam’ làm nên vị Tết
Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc nhạc xuân, khi nghe ta dễ dàng cảm nhận được không khí ngày Tết. Những ca khúc nhạc xuân góp phần đem đến cho ngày Tết cổ truyền thêm đa sắc, tái hiện hình ảnh sum vầy, đoàn tụ và tình thương yêu giữa người với người trong năm mới, gác lại âu lo và muộn phiền, quên đi những điều kém vui của năm cũ và hướng tới điều tốt đẹp trong năm mới.
Từ lâu, nhạc xuân đã được các nhạc sĩ ở nước ta chấp bút. Rất nhiều ca khúc về mùa xuân và Tết Việt có tuổi đời hoặc mới xuất hiện, được khán giả yêu thích và thuộc nằm lòng.
Mục lục bài viết
Sức sống bền bỉ những bản nhạc xuân
Đúng Tết Nhâm Dần năm 1962, ngày mùng 5, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã sáng tác nên ca khúc Anh cho em mùa xuân dựa trên bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của thi sĩ Kim Tuấn.
Ca khúc Anh cho em mùa xuân do ca sĩ Quang Như Ý (Thần tượng Bolero 2019) thể hiện.
Bài hát có tiết tấu vui tươi, dễ thuộc dễ hát với lời đằm thắm, trữ tình: Anh cho em mùa xuân/ Trẻ nô đùa khắp trời/ Niềm yêu đời phơi phới/ Bàn tay thơm sữa ngọt/ Dải đất hiền chim hót/ Mái nhà xinh kề nhau/Anh cho em mùa xuân/ Đường hoa vào phố nhỏ/ Nhạc chan hòa đây đó/ Tình yêu non nước này/ Bài thơ còn xao xuyến/ Rung nắng vàng ban mai/ Anh cho em mùa xuân/ Nhạc thơ tràn muôn lối.
Trải qua 6 thập kỷ, giai điệu rộn ràng của Anh cho em mùa xuân vẫn làm rung động người nghe nhạc vào mỗi mùa Xuân đến, được vang lên khắp các ngõ ngách từ phố phường đô hội tới thôn quê xa vắng.
Nổi tiếng không kém phải kể đến ca khúc Xuân đã về của nhạc sĩ Minh Kỳ ra đời năm 1954. Ca khúc đã gắn bó sâu sắc với bao thế hệ người Việt và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Ca khúc như thông báo cho mọi người xuân đã về, đã bắt đầu một năm mới với những khởi đầu mới, hạnh phúc hơn.
Xuân đã về là bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Minh Kỳ được sáng tác năm 1954.
Bài hát là những lời ca reo vui, thể hiện tâm trạng hân hoan chào đón mùa xuân mới của mọi người, mọi nhà. Xuân đã về vẽ lên trong lời ca một bức tranh mùa xuân đầy sống động, tươi vui, rộn rã với những cảnh sắc thân thuộc tươi đẹp của quê hương đất Việt: Xuân đã về, xuân đã về/ Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông/ Trên cánh đồng chim hót mừng/ Đang thiết tha từng đàn cùng bay vui say… Hoặc Xuân đã về, xuân đã về/ Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới/ Xuân đã về, xuân đã về/ Ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang.
Có cùng nguồn cảm hứng như Xuân đã về, nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác Đón xuân năm 1953. Lời bài hát cùng giai điệu vang lên thật đẹp: Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời/ Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi/ Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối/ Khát khao xuân tươi thái hòa.
Đón xuân đến nay vẫn là bài hát bất hủ, dường như ai trong chúng ta cũng đã nghe và đem lòng yêu thích vì bản nhạc chất chứa những lời ca rộn rã, tươi mới, tràn trề nhựa sống, truyền đi nguồn năng lượng tích cực, yêu thương đến với mọi người. Bản nhạc giúp người nghe quên muộn sầu, để lòng người bình an, tận hưởng một mùa xuân mới với niềm hứng khởi.
Điệp khúc mùa xuân do ca sĩ Bảo Anh thể hiện trong chương trình Gala nhạc Việt.
Nhắc đến nhạc xuân mà bỏ qua ca khúc Điệp khúc mùa xuân của nhạc sĩ Quốc Dũng sẽ là một thiếu sót.
Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước lựa chọn thể hiện mỗi dịp Tết đến xuân về. Ca khúc có tiết tấu nhanh, rộn ràng, với những lời ca đẹp, thanh thoát, ngập tràn không khí xuân thơ mộng: Rừng xuân ơi xin lặng gió heo may/ Để chim muông quay về với muôn cây/ Tình xuân ơi xin dệt mối yêu thương/ Từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng/ Này gió hãy cuốn từng lá rơi/ Và nắng hãy chiếu màu thắm tươi/ Cùng những tiếng hát điệu nhạc dâng chơi vơi/ Dìu hồn ta say trong biển khơi…
Một bản nhạc xuân khác cũng được nhiều người yêu thích, nghe đi nghe lại không chán mỗi dịp Tết là Đoản xuân ca của nhạc sĩ Thanh Sơn, được sáng tác sau năm 1975. Đây là ca khúc có chất nhạc và lời ca trong trẻo, tự nhiên, gần gũi, đậm chất tình tự và là một khúc nhạc không thể thiếu trong dịp mỗi dịp Tết.
Đặc biệt lời bài hát Đoản xuân ca rất ý nghĩa, thể hiện sự náo nức trong tiết trời xuân và ngày Tết: Kìa mùa xuân đang đến trước thềm/ Gần xa nhịp nhàng Xuân đến/ Nghe bước chân tô đẹp thêm/ Xuân ơi xuân vẫn muôn đời yêu mến xuân/ Nhấp chén vui ta chúc nhau ly rượu mừng/ Ngày đầu năm hạnh phúc phát tài/ Người người gặp nhiều duyên may/ Xuân thắm tươi ôi nồng say… Bài hát là những lời chúc, mong cho năm mới, ai ai cũng sẽ hạnh phúc, sẽ có một năm mới bình an.
Đoản xuân ca là bài hát mong cho ai ai cũng sẽ hạnh phúc, sẽ có một năm mới bình an.
Năm 1973, nhạc sĩ Văn Phụng “hạ sinh” ca khúc Xuân họp mặt và từ đó đến nay, bản nhạc này được trình diễn nhiều nhất trong các chương trình chào đón năm mới. Lời ca tươi vui, giản dị, trong trẻo; đặc biệt tính chất vui tươi, dễ hát, dễ thuộc, sôi động của lời hát rất phù hợp để hát tập thể, nhóm hát, thường được các nghệ sĩ lựa chọn để hát chung trong màn kết của các chương trình âm nhạc Xuân.
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang/ Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang/ Nâng phím đàn cùng hát ca vang, trong gió ngàn mừng đón xuân sang/ Mừng một ngày gần nhau, cùng mừng xuân mới!, lời ca khúc Xuân họp mặt vang lên nhanh chóng chạm vào cảm xúc người thưởng thức trong ngày xuân, không khí Tết cổ truyền.
Ca khúc Lắng nghe mùa xuân về của Dương Thụ cũng là bản nhạc không thể thiếu với nhiều gia đình trong ngày Tết. Bài hát đưa người nghe được đắm chìm trong những ngày “xuân thắm tươi xuân nồng say” và mùa xuân cũng như làm đẹp thêm cho tình yêu đôi lứa. Lắng nghe mùa xuân về giúp người yêu âm nhạc nhận ra ngay một mùa xuân của Hà Nội với những giọt mưa xuân rơi tí tách, với cành đào hé nụ, không gian tĩnh lặng và nên thơ.
Nhạc sĩ Bảo Chấn có Hoa cỏ mùa xuân với giai điệu nhanh, vui tươi và lời ca dung dị. Này là cỏ non rất mềm, này là mùa xuân rất hiền, này là hoa rất thơm/ Này là giọt sương trĩu nặng, hạt ngọc trên lá cỏ, trên bông tầm xuân trước hiên nhà… Bản nhạc thổi vào đó những nguồn vui, lấy hình ảnh reo ca của hoa cỏ mùa xuân như một ẩn dụ để nói về con người ở đầu xuân năm mới.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và Vy Oanh hát Khúc giao mùa.
Khúc giao mùa của nhạc sĩ Huy Tuấn là bản nhạc xuân lần đầu tiên được giới thiệu năm 2002, gắn liền với giọng ca Mỹ Linh và Minh Quân. Với nhạc sĩ Huy Tuấn, Khúc giao mùa là một trong những bài hát về mùa xuân được yêu thích nhất, chứa đựng những ca từ rất đẹp về hương vị mùa xuân và vẻ đẹp của thời khắc giao thoa đất trời khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Lời bài hát có đoạn: Cầm tay nhau bước trong giao thừa, đón xuân đang về với tình yêu trái đất này/ Ta cùng bao người nhìn nhau ánh mắt hân hoan, với bao niềm yêu thương cuộc đời…/ Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới hồn hòa vào cùng với đất trời/ xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc, cuộc đời mãi thắm tươi.
Khúc giao mùa của Huy Tuấn được ví như ca khúc Happy New Year của Việt Nam. Nghe bản nhạc này khiến con người tạm quên sự bon chen thường ngày để tận hưởng không khí đoàn viên và những tình yêu đẹp.
Kho tàng nhạc Việt còn nhiều bài hát về mùa xuân, ngày Tết. Nhưng 10 bản nhạc kể trên, dù mỗi ca khúc được khai thác ở những khía cạnh và thời gian khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau nhưng hầu như tất cả đều khiến người nghe thêm yêu cuộc sống, hướng đến sự đoàn tụ, sum vầy và sự bình an, hạnh phúc trong ngày Tết Việt.
Tùng Dương tự họa chân dung âm nhạc ngày ‘bình thường mới’