10 giải pháp phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh người Việt
Cuối cùng, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
“Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề, Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, giàu có nhưng chưa có cơ chế đồng bộ để chuyển hóa, tạo nên khả năng cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghiệp văn hóa. Hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do chưa thống nhất về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, cũng như việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ở trung ương và địa phương đều chưa tương xứng. “Những nguyên nhân của hạn chế nêu trên có phần trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa”, Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, sáng 24/11. Ảnh: Giang Huy
Ông Hùng dẫn chứng, “một điểm chung cốt lõi trên bản đồ thế giới là những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm là những nước có nền tảng vững chắc để phát triển và hội nhập quốc tế, cũng như ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống”.
Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực văn hóa. Quy luật riêng của nghệ thuật sẽ được tôn trọng để có chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, nhằm tạo nên những tác phẩm “sống mãi với thời gian”.
Việt Nam sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa nhằm gia tăng sức mạnh mềm, định vị “thương hiệu quốc gia”. Văn hóa sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ sự phản cảm, theo tinh thần “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại”. Con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ được phát triển có trọng tâm, trọng điểm, để phát huy sức mạnh mềm, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tiếp tục diễn ra trong chiều 24/11.