10 giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam

Nhận định Việt Nam đứng trước thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra các giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Báo cáo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra sáng 24/11, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo ông, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Dù vậy, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ tới bản sắc và văn hóa dân tộc.

Trước những thách thức này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Những giải pháp của Ban Tuyên giáo Trung ương

Thứ nhất, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Theo ông Nghĩa, việc xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Theo đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa; nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người.

phat trien van hoa va con nguoi Viet Nam anh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11. Ảnh: Việt Linh.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ ba, hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn, hướng tới chân – thiện – mỹ; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ tư, phát huy vai trò của văn học – nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng những yếu tố trên sẽ phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khơi dậy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, mê tín, dị đoan.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù.

Thứ sáu, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể. Trong đó, trọng tâm là củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện sâu, rộng văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thứ bảy, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới.

“Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ tám, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới.

Thứ chín, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hóa gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Thứ mười, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh việc cần phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.

phat trien van hoa va con nguoi Viet Nam anh 2

Sau khi tham quan triển lãm, các đại biểu có mặt tại Hội trường Diên Hồng để bắt đầu hội nghị. Ảnh: Việt Linh.

6 kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thứ nhất, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng XIII, nghị quyết số 33 và kết luận số 76, trước hết là ở các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Chúng ta cần có “Nhận thức đúng để hành động đẹp”.

Thứ hai, xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án luật, nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa. Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam. Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi “văn học là nhân học”.

Thứ ba, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất.

Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ. Khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa; “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại”, đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Thứ tư, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ – ấm no – hạnh phúc, nơi hình thành con người có văn hóa.

Phải xuất phát từ tình yêu Mẹ Tổ quốc với trách nhiệm lớn lao, nghĩa cử cao đẹp vì Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã để lại cho chúng ta kho tàng di sản và nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, đến người mẹ của từng gia đình – những người mẹ đã trao truyền, lưu giữ văn hóa cho các con các cháu của mình bằng những việc bình dị nhưng rất đỗi cao quý thiêng liêng.

Những giá trị nhân văn đó cần được đề cao. Văn hóa nuôi dưỡng tình thương, tình thương là cội nguồn sức mạnh.

Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Thứ sáu, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.