10 lễ hội (Matsuri) nổi tiếng nhất ở Nhật Bản
Mục lục bài viết
Nhật Bản tổ chức các lễ hội Matsuri như thế nào?
Những lễ hội Matsuri ở Nhật Bản có thể là dịp để tưởng nhớ hay thể hiện lòng thành kính và biết ơn tới bất kỳ điều gì, từ những vị thần địa phương cho đến mùa màng bội thu, những điều may mắn, rượu sake thơm ngon hay một cuộc sống bình an, thịnh vượng. Nhiều nghi lễ trong lễ hội thể hiện sự thành kính và thường rât nghiêm trang trong khi cũng có những nghi lễ khác thì lại dễ chịu và thoải mái hơn. Hầu hết các lễ hội thường được tổ chức ở các thành phố lớn vào mùa hè hoặc mùa đông, tuy nhiên, những lễ hội matsuri địa phương nhỏ hơn với những hoạt động riêng biệt cũng được tổ chức quanh năm trên khắp nước Nhật.
Hầu hết các lễ hội matsuri được tổ chức tại các ngôi đền hàng năm hoặc nửa năm một lần. Mỗi lần có thể kéo dài từ một ngày đến cả tháng. Mặc dù không có dữ liệu cụ thể chính xác có bao nhiêu lễ hội diễn ra hàng năm ở Nhật nhưng ước tính có thể lên đến 300.000 lễ hội lớn nhỏ.
Ngoài trang phục rực rỡ và âm nhạc sống động, một trong những biểu tượng lớn nhất của lễ hội matsuri là “mikoshi” – chiếc kiệu khổng lồ hay còn được xem như ngôi đền di động để đưa vị thần đi dạo khắp phố phường. Các hoạt động phổ biến khác bao gồm biểu diễn múa, đốt hình nộm, diễu hành và những mán biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Thông thường, bao quanh nơi tổ chức các lễ hội là những quầy bán đồ ăn đường phố với đủ các món ăn, nước uống, đồ lưu niệm, đồ chơi và nhiều thứ khác nữa. Những người dân địa phương sẽ mặc kimono hoặc yukata để xem diễu hành và thưởng thức các món ăn đường phố ở lễ hội, bao gồm socola chuối, gà rán karaage, bánh xèo okonomiyaki, mỳ yakisoba và nhiều món khác. Nếu bạn đang cần một lý do để mặc kimono hay yukata thì chắc chắn không có cơ hội nào tốt hơn là thăm dự một lễ hội đâu.
1. Awa Odori (giữa tháng Tám, Tokushima)
Lễ hội điệu nhảy truyền thống có quy mô lớn nhất ở Nhật Bản có tên là Awa Odori, được tổ chức ở thành phố Tokushima, thuộc tỉnh Tokushima ở trên đảo Shikoku. Lễ hội được diễn ra trong vài ngày trong tháng 8, đã có bề dày lịch sử hơn 400 năm và được coi là một trong ba Lễ hội Bon Odori lớn của Nhật Bản với những điệu nhảy truyền thống được tổ chức với quy mô lớn diễn ra vào dịp nghỉ lễ Obon vào mùa hè.
Awa Odori là nơi thể hiện màn trình diễn của các nhóm vũ công (được gọi là “ren”). Có nhiều nhóm ren với quy mô khác nhau, bao gồm những nhóm vũ công nghiệp dư là dân bản địa, nhóm vũ công chuyên nghiệp được đào tạo bài bản và các nhóm ren học sĩ hoặc nhóm ren vốn là nhân viên văn phòng của một công ty nào đó. Mỗi nhóm ren đều chia thành những màn trình diễn nhảy dành nam giới và điệu nhảy dành cho nữ giới. Các vũ công nam sẽ mặc trang phục truyền thống có tên là “happi” và đi tất còn vũ công nữ sẽ mặc yukata cùng với mũ rơm truyền thống “amigasa” và guốc gỗ “geta”. Điệu nhảy của nam giới thì rất sôi động và náo nhiệt còn điệu nhảy dành cho nữ giới thì nhẹ nhàng và tinh tế. Awa Odori còn gây chú ý với tiếng nhạc theo nhịp đôi đặc trưng được chơi bởi nhóm nhạc công (được gọi là “narimono”) sử dụng các nhạc cụ như chuông, sáo, đàn shamisen và trống taiko.
2. Sendai Tanabata Matsuri (từ ngày 6-8 tháng Tám, Sendai)
Tanabata hay còn gọi là Lễ hội của những vì sao là một dịp lễ quan trọng trong năm được tổ chức trên toàn nước Nhật, thường diễn ra vào ngày 7/7 và kéo dài tới trung tuần tháng 8 (thời gian diễn ra lễ hội tùy thuộc vào từng vùng và khu vực). Trong khoảng thời gian này, mọi người sẽ viết những điều ước của mình lên những dải giấy “tanzaku” hình chữ nhật rồi treo chúng lên những chiếc lá tre để gửi lời cầu nguyện tới các vì sao. Trong dịp lễ hội, các con phố, trung tâm mua sắm, tại các ngôi nhà trên phố và các cửa hàng đều được trang hoàng với các dải giấy màu sặc sỡ và những chiếc lá tre được kết hợp cùng với nhau góp phần tạo nên bầu không khí sống động.
Lễ hội này khởi nguồn từ Ngày lễ Thất Tịch của Trung Quốc để kỷ niệm truyền thuyết câu chuyện tình buồn của đôi uyên ương Orihime và Hikoboshi, đại diện cho hình ảnh hai vì sao Ngưu Lang và Chức Nữ bị ngăn cách bởi dải Ngân hà. Hàng năm, vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch, hai người được cho phép gặp nhau trong một ngày và đó cũng là thời điểm đánh dấu mùa lễ hội Tanabata bắt đầu. Vào ngày hôm đó, hai vì sao Ngưu Lang và Chức Nữ sáng nhất cho nên người ta tin rằng đó là lúc cặp đôi này đã được đoàn tụ.
Mặc dù nhiều vùng của Nhật Bản tổ chức lễ hội Tanabata vào ngày 7 tháng 7 Dương lịch, nhưng tại thành phố Sendai, nơi khởi nguồn của lễ hội Tanabata thì lễ hội này thường được tổ chức vào ngày 6 tới ngày 8 tháng 8 để khớp với lịch âm của nước Nhật ngày xưa. Lễ hội Tanabata Matsuri (Thất tịch) của Sendai được khởi xướng bởi vị samurai huyền thoại ở vùng Sendai có tên là Date Masamune và tới nay vẫn là một trong những lễ hội nổi bật nhất ở Nhật Bản. Trong thời gian diễn ra lễ hội, toàn bộ thành phố Sendai và các vùng lân cận đều ngập trong những dải trang trí nhiều màu sắc của lễ hội Tanabata, gồm có tre, origami, giấy tanzaku và các dải dây trang trí khổng lồ nhiều màu sặc sỡ. Trong đó, nổi bật và bắt mắt hơn cả có lẽ là những dải dây trang trí dài cả mét được treo trên những cột tre khổng lồ.
3. Aomori Nebuta Matsuri (đầu tháng Tám, Aomori)
Một trong những sự kiện nổi bật ở phía Bắc vùng Tohoku là lễ hội Aomori Nebuta Matsuri với những chiếc xe diễu hành đèn lồng bằng giấy khổng lồ được gọi là “nebuta” có những họa tiết là hình ảnh các vị thần hay linh vật trong thần thoại, các diễn viên kịch kabuki và nhiều chủ để khác nữa. Lễ hội Nebuta Matsuri được tổ chức đồng thời tại tất cả các khu vực ở tỉnh Aomori vào đầu tháng 8 và địa điểm thu hút nhiều khách du lịch tới tham dự lễ hội nhất chính là thành phố Aomori, Hirosaki và Goshogawara. Xung quanh những chiếc xe là các vũ công “haneto” trong trang phục sặc sỡ sắc màu thực hiện những vũ điệu rất sôi động hòa theo tiếng nhạc.
Ban đầu, lễ hội bắt nguồn từ lễ hội Tanabata/Obon trong thời kỳ Nara (năm 710 – 794) có ý nghĩa là một nghi lễ để tiễn đưa linh hồn của những người đã khuất. Mặc dù hầu hết những lễ hội như thế chỉ bao gồm hoạt động thả trôi những chiếc đèn lồng nhỏ xuôi theo các dòng sông, nhưng ở Aomori thì người ta đã thay bằng những chiếc xe đèn lồng nebuta với kích thước khổng lồ có chiều cao 5 mét và chiều rộng 9 mét. Khoảng hai triệu người được huy động tham gia vào sự kiện này, biến lễ hội này thành một trong những lễ hội có nhiều người tham dự nhất ở Nhật Bản và trở thành một trong Tam đại lễ ở vùng Tohoku.
4. Lễ hội tuyết Sapporo (cuối tháng Một, đầu tháng Hai, Sapporo)
Với mục đích biến cái rét buốt của mùa đông Hokkaido trở nên tươi vui, ở lễ hội tuyết Sapporo có hàng trăm những sản phẩm điêu khắc bằng băng và tuyết với kích cỡ lớn, được chế tác một cách vô cùng tỉ mỉ tô điểm toàn bộ thành phố Sapporo. Địa điểm chính tổ chức lễ hội là công viên trung tâm Odori, nhưng các vùng lân cận như Susukino và Tsu Dome ở quận khu Higashi cũng có rất nhiều những hoạt động vô cùng thú vị.
So sánh với các lễ hội khác trong danh sách này thì lễ hội tuyết Sapporo có lịch sử ngắn hơn khá nhiều. Khởi nguồn của lễ hội là từ việc một nhóm học sinh địa phương thực hiện các tác phẩm điêu khắc từ tuyết ở công viên Odori. Hàng năm, những nghệ nhân điêu khắc chuyên nghiệp và giàu nhiệt huyết đều đổ đến đây để thể hiện tài năng của mình. Dần dần, quy mô của sự kiện này bắt đầu mở rộng nhanh chóng. Ngày này, mùa lễ hội này thu hút hơn 2.5 triệu du khách trong nước Nhật và từ nước ngoài đổ về đây. Mỗi mùa lễ hội đều có những bức tượng làm từ băng và tuyết nằm dọc trên những con phố lạnh giá của thành phố xuất hiện nhiều hơn và đẹp hơn trước. Mùa lễ hội này càng trở nên thú vị với những màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời, những hiệu ứng hình ảnh độc đáo, hoạt động trượt băng, trượt tuyết, các quầy thực phẩm và rất nhiều những hoạt động vui chơi giải trí vô cùng thú vị dành cho du khách bất chấp cái giá rét của đất trời.
5. Hakata Dontaku Matsuri (ngày 3-4 tháng Năm, Fukuoka)
Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất diễn ra trong thời gian Tuần lễ vàng (kỳ nghỉ diễn ra vào cuối tháng 4/ đầu tháng 5) là lễ hội Hakata Dontaku Matsuri, được tổ chức hàng năm vào ngày 3 và ngày 4 tháng 5 ở thành phố Fukuoka ở tỉnh Kyushu. Trong thời gian diễn ra lễ hội, những con phố sẽ rất nhiều vũ công mặc những trang phục rực rỡ sắc màu (nhiều người trong số đó sẽ mang theo thìa xới cơm “shamoji” (biểu tượng của lễ hội) bên cạnh những kiệu rước “hana jidosha” được trang trí vô cùng bắt mắt.
Người ta cho rằng từ “dontaku” bắt nguồn từ “zondag” trong tiếng Hà Lan có nghĩa là “ngày chủ nhật” hay “ngày nghỉ”. Từ này bắt đầu được sử dụng ở nước Nhật vào thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912) để đánh dấu ngày đầu tiên và ngày thứ sáu hàng tháng, vốn được coi là ngày nghỉ chính thức ở Nhật Bản trong giai đoạn các năm 1868 đến 1876. Lễ hội Hakata Dontaku Matsuri có nguồn gốc từ năm 1179 như là một lễ hội “Matsubayashi” để chào đón ngày tết âm lịch. Cho dù lễ hội đã bị chính phủ cấm trong một thời gian ngắn từ năm 1872, nhưng dịp lễ này đã được tổ chức trở lại vào năm 1879 và có cái tên mới là Dontaku. Sau chiến tranh, lễ hội bắt đầu tổ chức trở lại từ năm 1962, với các buổi lễ diễu hành và những điệu nhảy cùng sự tham gia của rất nhiều người dân địa phương, bao gồm cả già trẻ trai gái diễn ra trong vòng 2 ngày. Ngày nay, vào mùa lễ hội có khoảng 650 nhóm Dontaku với hơn 30,000 người trình diễn và lễ hội thu hút khoảng 2 triệu khách tham quan!
6. Lễ hội đèn lồng Nagasaki (cuối tháng Một, đầu tháng Hai, Nagasaki)
Bắt nguồn từ một lễ hội đón tết âm lịch nhỏ, lễ hội đèn lồng Nagasaki ngày nay đem đến một khung cảnh trong mơ với hơn 15,000 chiếc đèn lồng khiến thành phố ngập trong màu đỏ cam và vàng rực rỡ. Lễ hội diễn ra vào dịp tết âm lịch và thu hút hơn 1 triệu du khách tới khu phố người Hoa ở Nagasaki và các vùng lân cận để ngắm nhìn những chiếc đèn lồng cùng những màn trình diễn pháo hoa, các vũ điệu truyền thống, các màn trình diễn và nhiều hoạt động thú vị khác.
Lễ hội này khởi nguồn từ những cư dân gốc Hoa sinh sống ở khu phố người Hoa ở Nagasaki tổ chức ngày tết âm lịch của mình. Sau khi gây ấn tượng mạnh với những người dân địa phương ở Nagasaki, lễ hội này được phát triển và tái thiết lập lại vào năm 1994, cho phép tất cả cư dân đều có thể tham gia và nhanh chóng trở thành sự kiện nổi bật nhất diễn ra vào mùa đông ở đảo Kyushu. Tùy theo lịch âm thì lễ hội này sẽ được tổ chức trong vòng hai tuần vào thời điểm khác nhau từ khoảng cuối tháng 1 cho tới đầu tháng 2. Có bảy khu vực chính được trang trí đèn lồng bao gồm khu phố Nagasaki Chinatown, công viên trung tâm, quận người Hoa ở Tojinyashiki, đền Kofukuji và các địa điểm khác.
7. Kishiwada Danjiri Matsuri (giữa tháng Chín, Kishiwada)
Lễ hội Kishiwada Danjiri Matsuri được tổ chức ở thành phố Kishiwada thuộc Osaka vào khoảng giữa tháng 9. Lễ hội này nổi bật với những chiếc xe diễu hành bằng gỗ “danjiri” rất to và nặng được kéo đi với tốc độ nhanh đến kinh ngạc. Đây được xem là một trong những lễ hội truyền thống gây hồi hộp nhất ở Nhật Bản và hàng năm thu hút tới 400,000 du khách tới chiêm ngưỡng màn trình diễn đầy ấn tượng và phấn khích này.
Với 10 loại hình khác nhau mang những nét đặc trưng riêng của từng khu vực, những chiếc xe rước danjiri đã có lịch sử hình thành hàng trăm năm và là tâm điểm của nền văn hóa Kansai. Mỗi xe danjiri sẽ chở một nhóm nhạc công cùng với một nhóm những người dân bản địa. Có một người sẽ được lựa chọn để đứng ở trên đỉnh của chiếc xe để điều chỉnh trọng tâm cho xe và giúp xe đi qua các khúc cua. Cho dù có một vài lễ hội khác nhau cũng có màn trình diễn xe danjiri nhưng lễ hội diễn ra ở Kishiwada là nổi tiếng hơn cả. Những chiếc danjiri ở đây có trọng lượng lên tới 4 tấn, thường được làm từ gỗ của cây keyaki Nhật Bản và được trang trí với những họa tiết điêu khắc vô cùng tinh xảo bởi những thợ mộc lành nghề nhất thành phố. Mỗi chiếc xe di chuyển được là nhờ có một đội khoảng 200 người tham gia kéo những chiếc dây thừng buộc ở phía trước xe và đẩy bánh xe từ đằng sau bằng một chiếc gậy. Việc di chuyển xe như vậy đòi hỏi cả đội phải cân bằng lực kéo và lực đẩy một cách cẩn thận và điều đó thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của người tham gia.
8. Tenjin Matsuri (cuối tháng Sáu đến 25 tháng Bảy, Osaka)
Lễ hội Tenjin ở Osaka được xếp hạng là một trong ba lễ hội hàng đầu của Nhật Bản, thường được tổ chức với lễ rước song song cả trên đất liền và trên sông với màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục. Mặc dù sự kiện này có thể kéo dài cả tháng nhưng lễ chính chỉ diễn ra vào ngày 24 – 25 tháng Bảy với hơn 1 triệu người đổ xô đến tham dự lễ hội.
Tự hào có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, lễ hội Tenjin Matsuri được tổ chức vào khoảng ngày 25 hàng tháng tại những ngôi đền Tenmangu trên khắp nước Nhật để tôn thờ vị thần của sự học hành đỗ đạt Sugawara Michizane. Lễ hội Tenjin Matsuri tổ chức thường niên vào mùa hè ở Osaka là nổi tiếng nhất. Có những thời điểm, lễ hội tổ chức bắn hơn 5000 pháo hoa với những đoàn rước khoảng hơn 100 chiếc thuyền với nhiều chiếc thắp lửa cháy rực rỡ khiến Osaka trở thành một thế giới hoàn toàn khác.
Buổi diễu hành vào ngày 24 cũng rất đáng để chiêm ngưỡng. Bạn sẽ thấy rất nhiều trống và những người đàn ông đội mũ đỏ đổ xô ra đường để thông báo về việc chuẩn bị lễ hội đã hoàn thành. Những buổi diễu hành sẽ được tăng cường nhiều hơn vào ngày 25 với hơn 3000 người diễu hành từ đền Tenmangu. Buổi diễu hành này do những người đàn ông đội mũ đỏ đánh trống dẫn đầu đi trước, vừa đi họ vừa phải giữ thăng bằng trên một chiếc bập bênh đứng. Có rất nhiều những điệu múa thú vị, những bộ trang phục bắt mắt và vô số điều khác nữa đã tạo nên hai ngày lễ vô cùng khó quên ở Osaka.
9. Gion Matsuri (tháng Bảy, Kyoto)
Lễ hội Gion Matsuri do đền Yasaka, ngôi đền nằm giữa quận Gion và quận Higashiyama có lịch sử lâu đời của Kyoto tổ chức. Gion Matsuri là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở Nhật Bản. Lịch sử của lễ hội này bắt đầu từ năm 869 khi Thiên hoàng tuyên bố tổ chức một lễ hội để tôn vinh và thờ phụng các vị thần và cầu mong dịch bệnh sẽ thuyên giảm. Từ năm 970 đến nay, lễ hội này vẫn được tổ chức liên tục hàng năm.
Lễ hội Gion Matsuri nổi tiếng nhất với lễ rước kiệu phao ngoạn mục vào ngày 17 và ngày 24 cùng những lễ hội “yoiyama” quy mô nhỏ hơn được tổ chức vào những đêm trước đó. Trong thời gian diễn ra lễ hội yoiyama, những chiếc phao “yama” và “hoko” khổng lồ được sử dụng cho lễ rước chính được trưng bày ngoài trời cùng những chiếc đèn lồng được thắp đèn sáng rực rỡ, hoà trong không gian âm nhạc truyền thống Gion-bayashi. Có rất nhiều sự kiện diễn ra trong suốt tháng này, do đó hãy kiểm tra thông tin xem sự kiện nào phù hợp nhất với lịch trình của bạn nhé!
Lễ hội cũng là thời điểm để người dân địa phương và du khách khoác lên mình những bộ kimono tuyệt đẹp và trưng diện đi khắp thành phố. Được bao bọc xung quanh là những khu phố cổ kính, hoài cổ của quận geisha Kyoto, bầu không khí lễ hội vui nhộn nhưng mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc tạo nên một sự giao thoa gặp gỡ với những giá trị văn hoá Nhật Bản. Là một trong những trung tâm văn hoá của Nhật Bản, Kyoto cũng là nơi tổ chức rất nhiều các lễ hội matsuri khác quanh năm, bao gồm cả lễ hội Gozan no Okuribi là lễ hội đốt lửa theo những chữ Hán kanji mang tính biểu tượng.
10. Kanda Matsuri (tháng Năm, Tokyo)
Kanda Matsuri là một trong những lễ hội Thần đạo Shinto lớn nhất ở Tokyo. Bắt đầu từ thời kỳ Edo, lễ hội này được tổ chức ở đền Kanda Myojin thành phố Chiyoda thuộc Tokyo, trước khi được phổ biển rộng ra tại các vùng lân cận như Kanda, Nihonbashi, Akihabara và Marunouchi. Trong thời gian diễn ra lễ hội, hàng nghìn người tham dự sẽ đưa rước khoảng 200 mikoshi (đền thờ Thần đạo di động) trên những con phố dưới sự chứng kiến của hàng nghìn khách tham dự. Các lễ hội lớn “honmatsuri” sẽ được tổ chức vào các năm lẻ còn phiên bản đơn giản hơn sẽ được tổ chức vào các năm chẵn. Kết hợp cùng với các sự kiện khác diễn ra trong suốt tuần lễ, những hoạt động chính của lễ hội thường được diễn ra vào dịp cuối tuần sát ngày 15 tháng 5 với buổi diễu hành trong suốt cả ngày thứ Bảy và sự kiện rước mikoshi được tổ chức vào ngày Chủ nhật.
Nguồn gốc của ngày lễ này không rõ ràng, nhưng một số nguồn tin cho rằng lễ hội này đã bắt đầu được tổ chức khi đền Kanda Myojin được xây dựng lần đầu vào năm 730. Tuy nhiên, phiên bản hiện tại của lễ hội bắt nguồn từ việc tướng quân Tokugawa Ieyasu thăm đền Kanda Myojin để cầu mong chiến thắng cho trận chiến Sekigahara vào năm 1600. Chiến thắng mang tính chất quyết định đó đã mở ra triều đại shogun Tokugawa. Điều trùng hợp là ngày Tokugawa – ngày lãnh thổ Nhật Bản được thống nhất cũng là ngày diễn ra lễ hội ở ngôi đền. Điều này khiến vị tướng quân Tokugawa tin rằng ngôi đền ẩn chứa quyền năng vô cùng to lớn. Vì lý do đó, ngài đã đồng ý cho phép mikoshi của lễ hội này được đưa vào khuôn viên của lâu đài Edo, còn lễ hội chính thức được công nhận và bảo trợ bởi chính quyền Mạc phủ.
Nhật Bản: vùng đất của những lễ hội
Những món ngon hấp dẫn, những cuộc diễu hành khiến người ta say mê, âm nhạc được thổi hồn, trang phục lễ hội bắt mắt cùng những điệu múa truyền thống có ý nghĩa lịch sử và tâm linh vô cùng lớn là tất cả những gì có thể miêu tả về lễ hội ở Nhật Bản. Chính vì thế đối với những ai đang tìm kiếm trải nghiệm văn hoá Nhật Bản truyền thống, không gì tuyệt vời hơn là tham gia một lễ hội Matsuri. Thậm chí nếu lịch trình chuyến đi của bạn không trùng với một trong những lễ hội lớn, bạn cũng gần như được đảm bảo rằng sẽ tìm ra một lễ hội masturi hoặc một sự kiện tương tự trong suốt cả năm ở Nhật Bản, vì vậy hãy nghiên cứu và tham gia cuộc vui nhé!
Ảnh tiêu đề: julianne.hide / Shutterstock
Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!