10 sách hay về ẩm thực Việt Nam được trình bày độc đáo, có hệ thống – Vnwriter.net

10 sách hay về ẩm thực Việt Nam giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng.

Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi

“Nhắc đến Sài Gòn – người ta thường nghĩ ngay đến café vỉa hè, những món hàng rong trên đường phố, cứ thế đi vào nỗi nhớ từng người con gắn bó nơi đây. Với chàng trai trẻ Lưu Quang Minh, hình ảnh của Sài Gòn cùng những nét riêng biệt, dấu ấn đậm đà về ẩm thực đất phương Nam đã in hằn trong tâm hồn, trong những cảm nhận sâu sắc qua 25 năm – sinh ra, lớn lên và được đất Sài Thành nuôi dưỡng. Tất cả được thâu nhận tinh tế, đủ đầy, rõ nét qua tập truyện Sài Gòn – Ẩm Thực Trong Tôi.

Những món ăn mà Lưu Quang Minh kể trong các câu chuyện của mình đơn giản là những món ăn bình dân, rất vỉa hè, mộc mạc từ tên gọi. Thế nhưng, cái cách tác giả miêu tả cứ khiến người đọc “phát thèm”, “thèm thuồng” và chỉ có một mong ước được thưởng thức ngay, được nếm, được tận hưởng, được cảm nhận thực sự bằng vị giác. Đó chính là cái tài tình của nhà văn trẻ này. Anh không chỉ viết bằng ngòi bút mà viết ra bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, của người đầu bếp, người sành ăn và đặc biệt hơn là của tấm lòng một người con yêu thương mảnh đất Sài Gòn da diết, mới có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc đến vậy.

Đọc “Phá lấu vỉa hè”, người đọc cảm thấy “tứa nước miếng” vì thèm, vì cái lối miêu tả sao mà chân thực, rõ ràng, khơi gợi đến thế: “Ăn phá lấu đúng điệu phải xiên bằng que, chấm nước mắm me chua chua ngọt ngọt, thêm miếng ớt xắt cay cay với vài lá rau răm điểm xuyết. Cắn một miếng lòng nóng giòn sần sật, lại húp thêm nước hầm chan sâm sấp trong chén, nó như quên hết cả trời chiều như thiêu như đốt.” Ta cảm giác tác giả chính là nhân vật trong câu chuyện ấy, đang sung sướng thưởng thức, rồi tả chân cho chúng ta, như đang “trêu tức” những tâm hồn ăn uống khác, dù muốn song đành chịu. Hay món bắp xào trong “Bắp xào ơi”: “Từng hạt bắp vàng rộn thấm bơ với mỡ hành nóng hôi hổi, ăn đến đâu ứa nước miếng đến ấy, cứ nghĩ đến thôi bụng đã không khỏi cồn cào.”

Sài Gòn qua cái nhìn của Lưu Quang Minh hiện lên giản dị, mộc mạc, gần gũi và thân thương. Không phải một thành phố xa hoa tráng lệ, không phải những nhà hàng sáng trưng rực rỡ ánh đèn, Sài Gòn chỉ là những xe bánh mì thân thương ngang qua, những hàng phá lẩu tuổi thơ đi theo cùng năm tháng, là món gỏi bò khô bên vệ đường níu lòng đứa con xa quê tít tắp chốn trời Tây, là những xe kẹo kéo thơm ngon ấp ủ ước mơ,… Sài Gòn giữ lòng người đi xa, níu bước chân người phiêu lãng vô tình lướt qua, để thầm thương mến, thân quen, gặp một lần mà như gắn bó từ lâu. Sài Gòn cũng chân chất như con người nơi mảnh đất nắng nóng quanh năm này, người phương Nam hồn hậu, hiền lành, thân thiện, đất phương Nam mến khách mến người.

Gạo, Nước Mắm, Rau Muống… Câu Chuyện Ẩm Thực Việt

Hoàng Trọng Dũng từng giữ chuyên mục ẩm thực trên Tuần san Thanh Niên và báo Đà Nẵng một thời gian dài. Những bài viết đọc vô cùng cuốn hút, đọc thôi là đã có thể nhìn thấy màu sắc và ngửi thấy mùi thơm, khiến nỗi thèm muốn được tức khắc thưởng thức món ăn ấy. Tác giả đã chứng tỏ khả năng của một người biết cảm thụ từng miếng ngon tinh tế, và một kho kiến thức về ẩm thực Việt, văn hóa Việt.

Các bài báo ngắn về Bún thang Hà Nội, bún bò Nam Bộ, mì Quảng, cơm rượu Sa Pa… về bánh Hỏi, bánh Ít, về các món kho, về các món quà, về món ăn của bữa cơm thật giản dị, về các loại rau, về gia vị, về cách làm bún, bánh cuốn,… của các miền đất nước mang chứa đầy đủ những đặc điểm, những dư vị, dư cảm… của từng món ăn Việt. Các món ăn chứa chan tình yêu của mẹ, của vợ, không chỉ là món ăn, cách ăn, còn là câu chuyện của một hạnh phúc ấm êm gia đình.Giọng văn Hoàng Trọng Dũng nồng nhiệt, sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, duyên dáng. Những câu chuyện bên lề, những liên tưởng độc đáo, những ca dao, tục ngữ được được đặt đúng chỗ trong các diễn giải, không những giúp làm rõ hơn ý hướng của người viết mà còn đem lại cho ý hướng ấy sự thấm thía, thuần nhã, gần gặn. Câu chuyện ẩm thực của Hoàng Trọng Dũng đã trở thành Câu chuyện văn hóa ẩm thực.

Ẩm Thực Ba Miền

Nội dung của cuốn sách bao gồm ba chương chính sau:

Chương thứ nhất

Hành trình khám phá du lịch và ẩm thực miền Bắc (Trong chương này quý độc giả – du khách sẽ được du ngoạn qua những vùng miền có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được tham quan những danh lam thắng cảnh và những địa điểm ẩm thực nổi tiếng ở miền Bắc, và từ đó giúp du khách có những lựa chọn phù hợp với sở thích của mình và lên kế hoạch du lịch để có thể tận hưởng cảm giác thú vị trong những chuyến đi nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày học tập hoặc làm việc căng thẳng mệt mỏi.)

Chương thứ hai

Miền Trung và những cuộc lãng du bất tận (Mảnh đất miền Trung nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, những di tích và nền văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo không thua kém vùng nào trong cả nước. Đến với miền Trung du khách sẽ được tận hưởng cảm giác dễ chịu và vô cùng ngạc nhiên; đồng thời lại có thể tích lũy những kiến thức về ẩm thực về lịch sử hình thành và phát triển của những danh lam, thắng cảnh và nhiều món đặc sản của các vùng miền mình sẽ đi qua.)

Chương thứ ba

Thả hồn trong những khoảnh khắc du lãng phương Nam (Đi du lịch không gì thú vị bằng việc tự mình khám phá và thưởng thức hương vị ẩm thực của nơi đó. Đến với phương Nam, du khách sẽ được chìm đắm trong cảnh sắc của nơi miệt vườn, của vùng quê sông nước, được thả hồn trong những hương vị ẩm thực của một vùng đất đầy những điều bí ẩn, hấp dẫn.)

Đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho mọi người mọi nhà, cầm cuốn sách này trên tay là chúng ta đã có thể du lịch và tận hưởng những hương vị ẩm thực của từng vùng miền qua từng trang sách; chúng ta còn hiểu thêm những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời qua đó chọn ra những nơi địa điểm nổi tiếng về du lịch và ẩm thực trong cả nước để lên kế hoạch cho những cuộc đi chơi, nghỉ dưỡng thật vui vẻ hấp dẫn cho mình và những người thân yêu; cho đồng nghiệp trong các cơ quan trường học của mình.

Ẩm Thực Việt Nam Và Thế Giới

Cuốn sách giới thiệu nét đặc trưng, độc đáo cũng như món ăn đặc sản của ẩm thực Việt Nam. Phân tích tính khoa học trong việc phối hợp và chế biến món ăn ở Việt Nam. Giới thiệu đặc điểm văn hóa ẩm thực và những món đặc sản của một số nước châu Âu và châu Á.

Vận dụng trong chế biến món ăn ở địa phương vá đánh giá được ưu điểm của ẩm thực từng địa phương.

Vận dụng các kiến thức về tổ chức tiệc để trình bày một bữa tiệc theo phong cách châu Âu.

Việt Nam Danh Tác – Miếng Ngon Hà Nội

Miếng ngon Hà Nội là một tác phẩm bút ký của nhà văn Vũ Bằng, một nhà văn người Hà Nội gốc và rất sành về các món ăn Hà Nội. Tác phẩm được viết tại Hà Nội vào mùa thu 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959.

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” cùng cuốn sách mới nhất của Ngữ Yên được giới thiệu trong đợt này có tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.

Ăn Vặt Sài Gòn

Hầu hết các món ăn ngon của người Việt Nam đều từ nguồn gốc dân dã. Bởi bản chất của văn hoá – văn minh ẩm thực Việt không khởi nguồn từ cung đinh, quí tộc! Thơ mộng hơn, các món hiện hữu trên mâm ăn của người xứ ta luôn khởi đầu từ hình ảnh của các chị gái, bé gái đang chơi nhà chòi, học chế biến món ngon như bà, như mẹ bằng hoa lá trong vườn giữa một miền quê trong lành.

Mỗi món ngon của người Việt đều hàm chứa một sự gởi gắm của đất đai và công sức của người dân điền dã, duyên hải, sơn cước rồi sau đó món ngon mới chinh phục thị thành. Nhưng cũng có những món phát nguồn từ đời sống thị dân trung lưu như món phở.

…“Thiên đường” món ngon Sài Gòn ngày nay càng mở rộng theo dòng người tứ xứ nhập cư. Những món ngon độc đáo đua nhau mời mọc thị dân thiên hạ. Từ nhà hàng mặt tiền đến tiệm quán hẻm nhỏ, ai muốn nếm bất kỳ món ngon tỉnh thành nào cũng được Sài Gòn đáp ứng, đời sống thưởng thức món ngon của mọi người cứ phơi phới.

Đây là một tập sách về các món ăn Việt được trình bày có hệ thống. Đặc điểm độc đáo của tập sách này là sắp xếp các món ngon theo từng họ tộc. Họ phở, hủ tíu, bún, bánh, chè lần lượt được giới thiệu để hình thành đầy đủ diện mạo văn hoá ẩm thực Việt Nam.

Vậy nên, khi cầm trên tay tập sách này chúng ta sẽ có những thông tin kết nối với các họ tộc món ngon khắp các vùng miền đất Việt. Từ các thông tin đã có, chúng ta có thể tìm về nguyên quán của mỗi món ngon. Một khi sự tinh tế trong việc chọn món ngon của bạn được thoả mãn, điều đó cho thấy bạn đã kế thừa trọn vẹn tinh hoa ẩm thực được định để trong nền văn minh nông nghiệp của dân tộc

Món Ăn Dân Dã Nam Bộ

Cô Lê Thị Vân là “nghệ sĩ chân đất” mà danh tiếng tại Sài Gòn mấy mươi năm trước với nghệ danh dân gian là “Cô Sáu Cây Dừa”. Cô đưa món ăn “mắm và rau” của nông dân Nam bộ thành “Lẩu mắm Nam bộ” bằng cách đơm một mâm rau đa dạng, đẹp mắt bên một lẩu (thay tô) nóng sôi thơm phức cùng đĩa hải sản hấp dẫn để nhúng rau. Món này đã được phục vụ tại các nhà hàng và trong các lễ hội.

Cô từng phục vụ với trách nhiệm bếp trưởng nhà hàng Hoa Tân, khách sạn Đệ Nhất và làng văn hóa du lịch Bình Quới. Tại đây, cô đã đưa các món ăn dân dã Nam bộ vào lễ hội Ẩm thực Nam bộ, Ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ. Cô Vân được mời thỉnh giảng tại Khoa Bếp trưởng Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigon Tourist cùng thời với bác Nghĩa trưởng Bếp khách sạn Rex… với môn Bếp truyền thống Nam bộ. Cô đã góp phần đào tạo hàng ngàn thanh niên thành các đầu bếp chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ ẩm thực Việt Nam cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Là nghệ nhân nổi tiếng, cô Sáu được mời đi biểu diễn ẩm thực Việt Nam tại nhiều nước. Cuốn sách này cô viết hơi muộn, nhưng nếu không có nó thì chúng ta mất đi một tài liệu qúy báu về các món ăn chuẩn – thuần túy Việt Nam. Đây là cuốn sách có giá trị, góp phần vào dạng sách ẩm thực Việt Nam vốn đang rất cần thiết cho các độc giả trong và ngoài nước. Cô Vân là “Master chef” đúng nghĩa: cô có lý thuyết (là giảng viên), có thực tiễn và sáng tạo; đáng quý nhất là cô đã đào tạo nhiều học trò thành danh.

Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam

Cuốn sách giúp bạn tìm hiểu và khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đó là cả một quá trình lịch sử mà ông cha ta đã khai thác tự nhiên và cùng với nó là thực đơn bữa ăn hàng ngày bình dị của biết bao thế hệ con người.

Không chỉ thế cuốn sách còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng. Dù ở đâu thì các món ăn cũng được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và tạo thành những nét văn hóa ẩm thực riêng.

Việt Nam Miền Ngon

Là cuốn sách song ngữ Việt Anh về các món ăn Việt với minh họa màu sống động.

Tác giả đã khéo léo lồng ghép cách chế biến (đơn giản) vào mỗi phần giới thiệu món ăn, người đọc dễ dàng nhận ra văn hóa vùng miền và cảm nhận hết cái tinh tế, đậm đà của món ăn Việt.

Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng.

Hy vọng cuốn sách sẽ khiến bạn yêu thêm ẩm thực Việt!

Vnwriter