10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021

1. COVID-19 gia tăng thách thức cho kinh tế thế giới 2021

leftcenterrightdel

 Năm 2021, các biến chủng mới virus SARS-CoV-2 lần lượt xuất hiện đã gia tăng thêm những thách thức mới cho kinh tế thế giới. (Ảnh: brinknews.com)

Sau năm 2020 nhiều mất mát, thế giới bước vào năm 2021 với kỳ vọng lớn. Những tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch bệnh trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ dần các hạn chế để mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tiếp tục chi phối các nền kinh tế, như đặt ra những thách thức mới, từ lạm phát đến gián đoạn chuỗi cung ứng.

Các biến chủng virus SARS-CoV-2 lần lượt xuất hiện, từ Delta đến Omicron đã làm đảo lộn tất cả. Và dù 2021 chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng, nhờ các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ, những thách thức cần giải quyết vẫn còn rất nhiều.

Lạm phát tăng do cầu mạnh còn cung lại tắc nghẽn, giá năng lượng và nguyên liệu leo thang. Tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát 46 nền kinh tế, trong đó có Mỹ và châu Âu, do viện nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 11, có tới 39 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong quý III/2021 tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Mỹ và 18 nền kinh tế khác có chỉ số lạm phát tăng tới 2 điểm %. Số liệu mới nhất do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố đầu tháng 12 cho thấy, giá cả tại Mỹ tăng 6,8% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tỷ lệ lạm phát tại EU, Anh cũng ở mức trên 4%, cao nhất trong 1 thập niên trở lại đây.

Theo quan điểm của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất. Nhưng tính đến thời điểm này, “lạm phát nhất thời” đã tồn tại lâu hơn rất nhiều dự báo của FED. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát toàn cầu năm 2021 tăng khá mạnh, lên mức 3,2% trước khi hạ nhiệt vào năm 2022 (khoảng 3%) và 2,5% trong 3 năm sau đó.

Tuy nhiên, có thể nói, dù có những yếu tố cản trở, song với bước phục hồi trong năm 2021, nền kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo ổn định như trước đại dịch. 

2. Khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới

leftcenterrightdel

 Tình trạng thiếu hụt năng lượng trên quy mô toàn cầu đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới. (Ảnh: marketwatch.com)

Tình trạng thiếu hụt năng lượng trên quy mô toàn cầu đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới. Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 – dẫn tới nhu cầu năng lượng tăng cao – là nguyên nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã diễn ra sau một năm giảm hoạt động khai thác than, dầu mỏ và khí đốt. Các nhà phân tích lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cao trên toàn thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của các nước.

Giá khí đốt tăng gấp 3 lần kể từ đầu năm. Giá dầu mỏ tăng hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt đã tác động nặng nề tới đời sống người dân. Đây là những gì mà thế giới đã và đang chứng kiến trong năm 2021 trong bối cảnh hầu hết các nước chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với COVID-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn tới cuộc khủng hoảng trên, gồm: mùa đông dài và lạnh bất thường ở châu Âu vào đầu năm nay làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt, một loạt cơn bão buộc các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh phải đóng cửa, hay sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào nguồn năng lượng khí tự nhiên…

Chuyên gia phân tích Craig Erlam của OANDA nhận định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tới, trong khi những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ là một trong số rất nhiều “cơn gió ngược” mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. 

3. Gần 140 quốc gia tán thành mức thuế doanh nghiệp toàn cầu

leftcenterrightdel

Gần 140 quốc gia của OECD đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu.
(Ảnh: EPA-EFE)  

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15% đã được gần 140 quốc gia (chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu) nhất trí. Theo giới chuyên gia kinh tế, đây là một bước tiến mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, chấm dứt cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp giữa các nước.

OECD cho hay, các nước đang kỳ vọng sẽ đưa thỏa thuận đột phá này thành một công ước được ký kết vào năm 2022 và có hiệu lực vào năm 2023.

Theo đó, từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ thuế.

Thỏa thuận trên cũng sẽ giúp tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và thu lời nhiều nhất trên khắp thế giới, bảo đảm rằng các công ty này trả phần thuế công bằng dù các công ty vận hành và sinh lợi nhuận ở đâu.

4. Tàu Ever Given mắc kẹt tại Kênh đào Suez, thế giới thiệt hại hàng tỷ USD

leftcenterrightdel

Tàu Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez trong gần một tuần. (Ảnh:  AFP) 

Ngày 23/3/2021, tàu của Ever Given – một trong những tàu container lớn nhất thế giới – trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu đã bị mắc cạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez. Sự việc này đã khiến nền giao thương toàn cầu phải chịu thiệt hại hàng tỷ USD.

Tàu Ever Given là một siêu tàu chở hàng dài hơn 400m, nặng hơn 220.000 tấn, có thể chở tối đa 20.000 container. Ở thời điểm mắc kẹt, con tàu đang chở tổng cộng 18.300 container. Con tàu được vận hành bởi công ty tàu biển Evergreen Marine có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc).

Sự cố với tàu Ever Given đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn chịu nhiều thiếu hụt và chậm trễ trong quá trình vận chuyển kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm ngoái. Trong thời gian Ever Given mắc kẹt, gần 500 tàu chở hàng khác cũng phải “án binh bất động” chờ con tàu khổng lồ được giải cứu. Giám đốc Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết, vụ ách tắc giao thông ở Kênh đào Suez đã khiến chính phủ Ai Cập phải thiệt hại 14 triệu USD tiền phí cầu đường mỗi ngày.

Công ty bảo hiểm Allianz uớc tính, nền giao thương toàn cầu phải chịu thiệt hại dao động trong khoảng 6 – 10 tỷ USD mỗi tuần, đồng thời, độ tăng trưởng giao thương cũng giảm 0,2% – 0,4%. Chi phí thuê tàu từ châu Á tới Trung Đông tăng thêm tới 47%, lên 2,2 triệu USD. Vụ mắc kẹt lịch sử không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế khổng lồ mà còn tác động không nhỏ tới đời sống người dân.

5. Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thiện

leftcenterrightdel

Sơ đồ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Ảnh: Bloomberg)

Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là dự án đường ống dẫn khí đốt dài 1.230km, nối từ khu vực Ust-Luga (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Đây là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 có công suất vận chuyển 55 tỷ mét khối khí mỗi năm và tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Dự án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021. Tháng 10 vừa qua, Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án thông báo đã hoàn tất quy trình dẫn đầy khí đốt cho đường ống đầu tiên trong dự án. Theo dự kiến, dự án Nord Stream 2 đã sẵn sàng đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Phát biểu tại diễn đàn Tuần Năng lượng Nga hôm 14/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Theo Phó Thủ tướng Novak, thời điểm vận hành chính thức dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức phụ thuộc vào cơ quan quản lý châu Âu. Ông Novak nhấn mạnh rằng việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 2 có thể được thực hiện ngay sau khi cơ quan quản lý châu Âu cấp giấy phép.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng. Tuy nhiên, ngày 16/11, Cơ quan Quản lý Năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) thông báo tạm thời đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vì công ty điều hành dự án này Nord Stream 2G chưa tuân thủ luật pháp Đức.

6. Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP được phê chuẩn

leftcenterrightdel

RCEP được ký kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản,
Australia, New Zealand và Hàn Quốc. (Ảnh: freshplaza.com) 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 06 nước ASEAN và 03 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN. Đến ngày 02 /11/2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

7. Bất ổn hậu Brexit

leftcenterrightdel

 Các rắc rối hậu Brexit được nhiều chuyên gia nhận định là “câu chuyện không hồi kết”.
(Ảnh: AFP)

Những bất đồng về Nghị định thư Bắc Ireland đã khiến quan hệ Brussels và London trở nên căng thẳng, đe dọa dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại có thể khiến quan hệ song phương “bị đình trệ”.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, có hiệu lực kể từ tháng 1/2021, nhằm tránh việc thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Theo nghị định thư này, tất cả hàng hóa và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập vào Bắc Ireland từ các vùng lãnh thổ còn lại của Anh phải được kiểm tra để đảm bảo những sản phẩm này đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm của EU.

Anh cho rằng, việc kiểm tra hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland gây ra tình trạng tắc nghẽn, phát sinh nhiều thủ tục, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cho vùng này và nhiều doanh nghiệp thậm chí tuyên bố giảm quy mô hoặc chấm dứt các hoạt động giao thương tới Bắc Ireland.

Vào tháng 10/2021, EU đã đề nghị cắt giảm 80% các thủ tục kiểm tra đối với thực phẩm, sản phẩm thực vật và động vật từ Anh đến Bắc Ireland, đồng thời giảm một nửa thủ tục giấy tờ đối với các công ty vận tải. Tuy nhiên, Anh đang thúc đẩy nỗ lực đàm phán lại toàn bộ nghị định thư.

Các rắc rối hậu Brexit được nhiều chuyên gia nhận định là “câu chuyện không hồi kết”. Hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Anh bắt đầu tiến trình rời khỏi EU, nước này và EU vẫn tiếp tục nhiều cuộc đàm phán về các điều khoản “ly hôn” đầy khó khăn và trắc trở.

8. Trung Quốc vượt Mỹ đứng đầu thế giới về tài sản ròng

leftcenterrightdel

Quang cảnh thành phố Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo cập nhật của Viện McKinsey Toàn cầu (McKinsey Global Institute), tổng giá trị tại sản ròng của Trung Quốc trong năm 2020 đã đạt 120.000 nghìn tỷ USD, vượt con số 89 nghìn tỷ USD của Mỹ khi thị trường bất động sản phát triển mạnh thúc đẩy giá trị bất động sản tăng lên. Với con số này, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có giá trị tài sản ròng lớn nhất thế giới.

Báo cáo của McKensey khảo sát 10 nước chiếm 60% thu nhập của toàn thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Canada, Australia, Anh, Mexico và Thụy Điển. Tổng giá trị tải sản ròng của nhóm này đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000, lên mức 510.000 tỷ USD trong năm 2020.

Giá trị tài sản ròng – giá trị của tổng tài sản trừ đi nợ phải trả của Trung Quốc sau 20 năm đã tăng tới 17 lần, từ mức 7.000 tỷ USD lên 120.000 tỷ USD và chiếm 23% tổng giá trị tài sản ròng toàn cầu trong năm 2020. Mỹ xếp thứ hai, với 17%, kế đến là Nhật Bản, với 35.000 tỷ USD, chiếm 7% tổng giá trị tài sản ròng toàn thế giới.

Tổng giá trị tài sản ròng của Trung Quốc trong năm 2020 bằng 130% tổng giá trị tài sản ròng của Mỹ. Trung Quốc là nước thứ hai soán ngôi Mỹ. Lần trước đó là vào năm 1990, khi tổng giá trị tài sản ròng của Nhật Bản chiếm 23% giá trị toàn cầu, hơn mức 22% của Mỹ. Đó cũng là thời điểm bong bóng bất động sản tại Nhật Bản lên đỉnh điểm. Giá trị tài sản ròng của Nhật Bản lúc đó lớn gấp 8,3 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần với mức 8,2 lần của Trung Quốc trong năm 2020.

9. Tiền kỹ thuật số bùng nổ

leftcenterrightdel

 Tiền điện tử Bitcoin. (Ảnh: golegal)

Từ chỗ chỉ được xem như một hiện tượng nhất thời và không có tương lai, tiền kỹ thuật số đã phát triển bùng nổ trong năm 2021.

Theo công ty cung cấp dữ liệu và phần mềm tài chính PitchBook Data Inc, trong năm 2021 các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đổ khoảng 30 tỷ USD vào tiền kỹ thuật số, nhiều hơn số vốn đầu tư vào công nghệ mới hơn 10 năm tuổi này trong tất cả các năm trước cộng lại. Con số trên cao gấp gần bốn lần mức “đỉnh” trước đó là khoảng 8 tỷ USD ghi nhận vào năm 2018, sau khi bitcoin có mức tăng đột phá hơn 1.300% trong năm 2017. Trong đó, có khoảng 7,2 tỷ USD trong số 30 tỷ USD được bơm vào không gian tiền điện tử vào năm 2021 đến từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ.

Tiền kỹ thuật số đang dần bước vào dòng chính của ngành tài chính toàn cầu khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang nghiên cứu phát hành đồng tiền số riêng cho nước mình.

Những ý kiến ủng hộ cho rằng tiền kỹ thuật số là tương lai của tiền tệ nhờ các ưu thế vượt trội như không phụ thuộc vào tài khoản ngân hàng, không mất phí giao dịch, giao dịch nhanh hơn, an toàn hơn và tiện cho các nhà quản lý truy xuất nguồn tiền.

Theo giới chuyên gia, thị trường tiền điện tử tiếp tục duy trì sức mạnh và ngày càng phổ biến vì nó được các nhà đầu tư chấp nhận nhiều hơn và với nhiều người chơi hơn tham gia vào lĩnh vực này, điều này tạo ra sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ.

10. Tuần lễ Cấp cao APEC đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau COVID-19

leftcenterrightdel

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC  tại hội nghị không chính thức
tháng 7/2021. (Ảnh: APEC 2021)

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 diễn ra từ ngày 8 – 12/11 theo hình thức trực tuyến. New Zealand đã hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch APEC năm 2021 và chuyển giao trọng trách trong năm 2022 cho Thái Lan.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng”, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Tuần lễ Cấp cao APEC 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức mới do sự tái bùng phát của tịch COVID-19 với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, tiên phong trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, mở, thịnh vượng và tự cường.

Theo đó, APEC ủng hộ nỗ lực toàn cầu về chia sẻ và tiếp cận bình đẳng vaccine, mở rộng sản xuất và cung ứng vaccine, tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, APEC cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, phát triển kinh tế số, phối hợp trong mở cửa đi lại qua biên giới và bảo đảm phòng chống dịch.

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định tổ chức có vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương giúp thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn./.