10 sự kiện nổi bật nhất trong làng công nghệ thế giới năm 2018
1. Facebook và hàng loạt vụ làm rò rỉ thông tin người dùng
Năm 2018 có lẽ là một năm đáng quên của Facebook khi lòng tin của người dùng với mạng xã hội này đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau hàng loạt vụ làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng.
Giữa tháng 3 vừa qua, Facebook đã bị lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi hơn 87 triệu người dùng mạng xã hội này trên toàn cầu bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, bị lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân trái phép mà họ không hề hay biết. Các dữ liệu được lấy cắp từ năm 2015 nhưng phải đến 2018 sự việc mới được công bố.
Những dữ liệu này sau đó đã được sử dụng để phân tích và lôi kéo các cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, khi Cambridge Analytica được thuê vào mùa hè 2016 cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Đến cuối tháng 3, khi vụ bê bối Cambridge Analytica chưa được xoa dịu, Facebook lại một lần nữa khiến người dùng cảm thấy phẫn nộ khi thừa nhận âm thầm thu thập lịch sử cuộc gọi và tin nhắn trên smartphone chạy nền tảng Android có cài đặt ứng dụng Facebook.
Tháng 10/2018, Facebook một lần nữa lâm vào khủng hoảng khi mắc phải một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, cho phép hacker chiếm đoạt được mã truy cập của 30 triệu tài khoản người dùng để các tin tặc có quyền truy cập vào trang cá nhân của người dùng, trong số đó 29 triệu tài khoản đã bị hacker chiếm đoạt các thông tin liên lạc cơ bản (tên, địa chỉ email hoặc số điện thoại của người dùng) và thêm nhiều thông tin khác như giới tính, tôn giáo, địa điểm, thông tin về thiết bị người dùng đang sử dụng và lịch sử tìm kiếm trên Facebook.
Giữa tháng 12 vừa qua, Facebook một lần nữa khiến nhiều người dùng phải giật mình khi tiết lộ một lỗi xảy ra hồi tháng 9/2018, cho phép các nhà phát triển ứng dụng bên ngoài có thể truy cập vào các hình ảnh riêng tư của người dùng, bao gồm những hình ảnh mà người dùng chia sẻ lên mục Facebook Stories (chức năng “tin của bạn”, vốn chỉ cho phép bạn bè trên Facebook xem được) và thậm chí có thể xem được cả những hình ảnh mà người dùng chỉ mới dự định đăng tải lên Facebook nhưng chưa bấm nút chia sẻ (nghĩa là đã chọn ảnh để đăng lên Facebook, quá trình tải ảnh lên Facebook đã hoàn tất nhưng người dùng sau đó hủy bỏ quá trình này); thay vì chỉ được phép truy cập các hình ảnh được người dùng chia sẻ lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai.
Ước tính 6,8 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi lỗi gây rò rỉ ảnh riêng tư này.
Mọi rắc rối vẫn chưa dừng lại với Facebook, khi gần đây nhất mạng xã hội này đã thừa nhận cho phép bên thứ 3, bao gồm các dịch vụ như Netflix hay Spotify… truy cập vào nội dung tin nhắn riêng tư của hàng triệu người dùng Facebook trên toàn cầu. Mặc dù Facebook khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các công ty này lạm dụng nội dung tin nhắn cho mục đích xấu, nhưng việc cho phép người ngoài đọc các nội dung tin nhắn riêng tư đã khiến nhiều người dùng phẫn nộ.
Có thể nói 2018 là một năm đầy sóng gió của Facebook. Bên cạnh việc làm mất đi lòng tin từ phía người dùng, Facebook cũng phải đối mặt với vấn đề nội bộ lục đục khi nhiều lời kêu gọi nhà sáng lập Mark Zuckerberg rời khỏi chiếc ghế CEO của mạng xã hội này. Tuy nhiên đáp lại lời chỉ trích nhằm vào mình, Mark Zuckerberg cho biết vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ CEO Facebook để giúp công ty vượt qua những sóng gió hiện tại.
2. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các ông lớn công nghệ lao đao
Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của báo giới và có tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Không nằm ngoài vòng xoáy này, các ông lớn công nghệ ở cả Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy sức ép ngày một đè nặng lên đôi vai của họ.
Trong đó, Trung Quốc có phần yếu thế hơn vì là nước xuất khẩu. Có thể thấy Mỹ luôn hành động trước còn Trung Quốc là bên đáp trả, phản ứng với mỗi động thái của Mỹ. Tuy nhiên do các doanh nghiệp Trung Quốc không tạo quá nhiều ảnh hưởng trên đất Mỹ, do đó lợi thế trong chiến tranh thương mại vẫn đang nằm trong tay Mỹ.
Một sự việc gây chấn động trong năm 2018 là Mỹ buộc ZTE phải tạm dừng “các hoạt động kinh doanh chính” sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp cấm các công ty của Mỹ bán các linh kiện hay cung cấp dịch vụ cho hãng điện tử Trung Quốc cho đến năm 2025.
Lệnh cấm đã được áp dụng sau khi ZTE phá vỡ thỏa thuận vì đã vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa và công nghệ của Mỹ đến Iran, vi phạm các lệnh cấm vận của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một “ông lớn” Trung Quốc khác là Huawei cũng gặp nhiều rắc rối với chính phủ Mỹ trong năm 2018, khi từng bị “rà soát” vì nghi ngờ có những hợp tác ngầm với chính phủ Trung Quốc, cũng như sử dụng thiết bị của họ để do thám người Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Apple và đối tác đại diện cho phía Mỹ cũng rơi vào cảnh “lao đao” khi Tổng thống Trump đề xuất tăng mức thuế quan 10% áp dụng trên các mặt hàng thiết bị di động như iPhone và MacBook sản xuất từ Trung Quốc.
Những sự việc này hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều diễn biến căng thẳng cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vào năm 2019.
3. Thị trường tiền ảo lao dốc chóng mặt, nhiều khối tài sản bị “bốc hơi”
Trái với đợt tăng kỷ lục cuối 2017 cùng kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2018, Bitcoin, Ethereum, cũng như các đồng tiền ảo khác đã liên tục rớt giá kể từ tháng 2, và giờ đây chuẩn bị khép lại một năm đầy ảm đạm.
Sự suy thoái của thị trường tiền ảo cũng đang tạo ra nhiều hiệu ứng xấu trong thị trường. Nhiều doanh nghiệp blockchain đã buộc phải đóng cửa hoặc sa thải nhân viên để tồn tại. Trong đó đáng chú ý phải kể tới hãng sản xuất máy đào tiền ảo Bitmain – kẻ được mệnh danh là một trong những “cá voi” lớn nhất, từng được Forbes định giá lên tới 12 tỷ USD.
Sau những thành công “chói lọi” hồi đầu năm, Bitmain bắt đầu sụt giảm doanh thu do những biến động của thị trường tiền ảo. Báo cáo Q2/2018 cho biết công ty này đã mất hơn 700 triệu USD chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, và dự đoán sẽ bị thu nhập ròng âm vào cuối năm nay.
Trong khi giá trị Bitcoin cùng các đồng tiền ảo khác rớt “thê thảm”, thì những vụ việc lừa đảo, tấn công mạng, tống tiền,… liên quan tới loại hình này lại tăng mạnh, đỉnh điểm là vụ tấn công có quy mô lớn vào đầu tháng 11 khiến cộng đồng mạng “chao đảo” với ước tính khoảng 700.000 website bị ảnh hưởng.
Giữa tháng 12, nhiều doanh nghiệp, trường học và các địa điểm thương mại ở Mỹ, Canada, New Zealand đã phải di tản sau khi nhận được lời đe dọa đánh bom, yêu cầu tiền chuộc Bitcoin từ các nhóm tội phạm lừa đảo.
Giới tội phạm theo đó, đã chuyển sang sử dụng Bitcoin và ví điện tử thay vì các hình thức tống tiền phổ thông khác như chuyển khoản, tiền mặt,… Ưu điểm của phương thức này, dưới góc độ của kẻ tống tiền, đó là có thể được diễn ra trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Việc không thể truy xuất ai đã chuyển Bitcoin cho ai, ai đã mua gì bằng Bitcoin, tất cả chỉ là những dòng lưu trữ mơ hồ được ghi chép lại trong những cuốn sổ cái (blockchain), đồng tiền ảo này hiện là cách an toàn nhất để tội phạm có thể nhận tiền chuộc mà không bị cảnh sát xác định danh tính.
4. Huawei vượt Apple trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới
Năm 2018 là một năm đầy biến động của thị trường smartphone trên toàn cầu, nổi bật trong đó là sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng smartphone đến từ Trung Quốc.
Sau một thời gian dài liên tục nắm giữ hai vị trí cao nhất về mặt doanh số trên thị trường smartphone, Samsung và Apple đã có bước chững lại trong năm 2018 và thậm chí Apple đã bị Huawei qua mặt để trở thành hãng smartphone lớn thứ hai trên thế giới.
Huawei cũng là hãng smartphone có mức tăng trưởng cao nhất trong năm qua, khi tính riêng trong quý III/2018, Huawei đã đạt mức tăng trưởng 32,9% về mặt doanh số so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 14,6% thị phần trên thị trường smartphone quý III/2018, tạo khoảng cách với Apple ở vị trí thứ 3 với mức thị phần 13,2%.
Mới đây Huawei đã hoàn thành mục tiêu bán được 200 triệu smartphone trên toàn cầu trong năm 2018, đồng thời đưa ra lời thách thức sẽ chiếm “ngôi vương” của Samsung trên thị trường smartphone trong thời gian tới. Điều này hứa hẹn một “cuộc đua” hấp dẫn giữa Huawei và Samsung trên thị trường smartphone trong năm 2019 và giới công nghệ sẽ chờ đợi xem liệu Huawei có lật đổ được Samsung hay không.
Ngoài Huawei thì các hãng smartphone Trung Quốc khác như Xiaomi, Oppo hay Lenovo… cũng có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường smartphone trong năm qua.
5. Ông chủ Jack Ma của Alibaba bất ngờ tuyên bố “về hưu” sớm
Tháng 9/2018, tỷ phú Jack Ma – người truyền cảm hứng cho biết bao bạn trẻ cũng như các doanh nghiệp trên thế giới, đã bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ hưu để tập trung vào hoạt động từ thiện.
Ma cho biết quá trình chuyển đổi người lãnh đạo của tập đoàn Alibaba sẽ diễn ra trong năm tới, và người nắm giữ vai trò trò Chủ tịch Tập đoàn là Daniel Zhang, hiện là giám đốc điều hành.
Chia sẻ với báo chí, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc thừa nhận đang dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để làm từ thiện. Một trong những hoạt động từ thiện đáng chú ý của Ma đó là thành lập Quỹ mang tên ông vào năm 2014, chủ yếu dành riêng cho việc cải thiện hệ thống giáo dục của Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Jack Ma cho biết ông chỉ tình cờ bước vào thế giới kinh doanh khi thành lập Alibaba gần 20 năm trước, nhưng đã trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất trong lịch sử khi đưa thương hiệu này trở thành một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới và giúp bản thân ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản 38,6 tỷ USD (tính đến tháng 8/2018).
“Có rất nhiều điều tôi có thể học từ Bill Gates. Tôi có thể không giàu như ông ấy, nhưng một điều tôi có thể làm tốt hơn đó là nghỉ hưu sớm hơn”, Jack Ma chia sẻ trong buổi phỏng vấn.
Jack Ma, người từng là giáo viên tiếng Anh trước khi sáng lập Alibaba, cũng chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ một ngày nào đó, và chẳng bao lâu nữa đâu, tôi sẽ quay lại dạy học. Đây là điều tôi nghĩ tôi có thể làm tốt hơn là CEO của Alibaba”.
6. “Sếp Amazon” trở thành người giàu nhất trong lịch sử với khối tài sản ước tính 150 tỷ USD
Ít giờ sau khi bước vào ngày Prime Day (16/7) – đợt khuyến mãi lớn nhất của Amazon, CEO Jeff Bezos đã chính thức trở thành người giàu nhất trong lịch sử hiện đại dựa trên mức tăng giá trị cổ phiếu của công ty.
Cụ thể, khối tài sản của CEO Bezos trong ngày hôm đó đã tăng lên trên mức 150 tỷ USD. Đây là kỷ lục chưa từng được thiết lập trước đây, dù là với Bill Gates – tỷ phú luôn dẫn đầu danh sách trong gần một thập kỷ qua, hay thậm chí là trong thời điểm diễn ra bong bóng tài chính dot-com.
Chia sẻ về bí quyết để trở thành tỷ phú giàu trong lịch sử, Jeff Bezos luôn cho rằng nỗ lực quyết tâm và lòng dũng cảm “dám thử” là điều quan trọng nhất.”Cuộc sống luôn có đầy những rủi ro khác nhau. Khi bạn 80 tuổi và bắt đầu nghĩ về những điều mà mình hối tiếc trong cuộc sống, thì hầu hết trong số đó là những thứ chúng ta đã không làm. Chúng là những quyết định thiếu sót và sai lầm”, ông nói.
Jeff Bezos lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 11/2017, khi ông thực hiện một cú bứt phá ngoạn mục trước Bill Gates để vươn lên trong bảng xếp hạng.
Trong khi Bill Gates gần như không còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh và chỉ tập trung trong lĩnh vực đầu tư, từ thiện, thì khối tài sản của Jeff Bezos tăng mạnh không ngừng. So với thời điểm 1 năm trước, tài sản ước tính của Jeff đã tăng hơn 50%.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định số tài sản của Jeff Bezos vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa và thiết lập nhiều kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong tương lai do đà tăng trưởng ấn tượng của Amazon, cũng như nền thương mại điện tử toàn cầu – đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hay khu vực Đông Nam Á.
7. Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei bất ngờ bị bắt giữ
Đầu tháng 12, báo giới quốc tế đón nhận một tin gây chấn động khi bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, bị giới chức Canada bắt giữ khi đang chờ chuyến bay ở Vancouver hôm 1/12.
Những cáo buộc sau đó được đưa ra, cho rằng bà Meng Wanzhou đã cố tình vi phạm lệnh trừng phạt Washington áp dụng lên Iran. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối động thái của Mỹ và Canada, tạo nên căng thẳng giữa 2 cường quốc và mối đe dọa tới chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Theo thông tin từ tòa án Canada, xuất phát từ một nguồn tin năm 2013 của Reuters rằng Huawei đã dùng công ty Skycom Tech có trụ sở ở Hong Kong để thực hiện các phi vụ làm ăn với Iran bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu, Mỹ đã mở một cuộc điều tra Huawei. Huawei ban đầu phủ nhận vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào.
Bà Meng hiện đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bị chứng minh là có tội, bà có thể bị tù tới 30 năm.
8. Apple trở thành hãng công nghệ đạt giá trị nghìn tỷ USD đầu tiên trong lịch sử
Năm 2018 cũng là một năm đầy biến động của Apple.
Sau khi Apple công bố báo cáo tài chính quý II/2018 (quý III/2018 theo lịch tài khóa của công ty), với mức doanh thu và lợi nhuận đều lớn hơn so với những dự đoán trước đó của các nhà phân tích thị trường, điều này đã giúp cho cổ phiếu của Apple vọt và giúp cho giá trị vốn hóa thị trường của công ty cán mốc một ngàn tỷ USD.
Apple đã trở thành công ty đầu tiên của Mỹ, hãng công nghệ đầu tiên trên thế giới và là công ty thứ 2 trong lịch sử có giá trị thị trường vượt quá mốc nghìn tỷ USD. Trước đó công ty đầu tiên trong lịch sử đạt được cột mốc quan trọng này là PetroChina, khi công ty dầu khí của Trung Quốc này đã vượt mốc giá trị nghìn tỷ USD vào tháng 11/2007, tuy nhiên PetroChina đã không giữ được cột mốc này được lâu.
Khác với PetroChina, Apple đã nắm giữ được cột mốc nghìn tỷ USD khá lâu và thậm chí còn vượt qua được cột mốc này khi giá cổ phiếu của Apple vẫn giữ ở mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ.
Tuy nhiên mọi chuyện không hoàn toàn suôn sẻ với Apple trong năm 2018. Sau khi ra mắt bộ 3 iPhone mới, bao gồm iPhone XS, XS Max và XR, với mức giá được đẩy lên cao một cách đáng kể, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy doanh số của iPhone không còn cao như kỳ vọng của Apple. Bản thân Apple cũng có những động thái cho thấy doanh số của iPhone đang bị sụt giảm, bao gồm việc trợ giá khi nâng cấp iPhone, ngừng cung cấp thông tin về doanh số iPhone tại báo cáo doanh thu hàng tháng… điều này đã khiến cho cổ phiếu Apple sụt giảm mạnh xuống dưới mức giá trị nghìn tỷ USD.
Không chỉ mất đi cột mốc giá trị thị trường nghìn tỷ USD, hiện tại Apple cũng mất đi danh hiệu công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, khi bị Microsoft vượt qua và chiếm lấy vị trí này, đẩy Apple xuống vị trí thứ 2 và khoảng cách giữa hai công ty đang ngày càng được nới rộng.
Bước sang năm 2019, chắc hẳn Apple sẽ phải đau đầu để tìm giải pháp đẩy mạnh doanh số iPhone, hoặc tìm cách giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận do chiếc smartphone này mang lại.
9. Phát hiện lỗi bảo mật nghiêm trọng trên hàng tỷ máy tính và thiết bị di động
Đầu tháng 1/2018, các chuyên gia bảo mật đã phát hiện 2 lỗ hổng nghiêm trọng trên phần lớn vi xử lý của Intel, Apple và một số vi xử lý của AMD, ARM. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tỷ máy tính và thiết bị di động sử dụng những vi xử lý này đang bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.
Hai lỗi bảo mật có tên gọi Meltdown và Spectre cho phép tin tặc lấy cắp toàn bộ dữ liệu lưu trên bộ nhớ của máy tính cá nhân, thiết bị di động hay máy chủ… đang sử dụng các loại vi xử lý của Intel, AMD hay ARM.
Trong đó Meltdown ảnh hưởng đến hầu hết vi xử lý được sản xuất bởi Intel và Apple, đồng nghĩa với việc khoảng 90% máy tính cá nhân và máy chủ bị ảnh hưởng bởi lỗi này vì hiện Intel vẫn đang là hãng sản xuất vi xử lý lớn nhất dành cho máy tính. Ngoài ra các thiết bị di động của Apple như iPhone, iPad cũng bị ảnh hưởng bởi lỗi này.
Lỗi bảo mật Spectre ảnh hưởng đến vi xử lý một số vi xử lý ARM đang sử dụng trên smartphone và máy tính bảng, cùng một số vi xử lý khác của Intel và ADM sử dụng trên máy tính. Hacker có thể khai thác lỗi bảo mật này để lấy cắp một số thông tin nhạy cảm trên thiết bị của người dùng.
Về cơ bản, lỗi bảo mật Spectre ít nguy hiểm hơn Meldown và mức độ ảnh hưởng ít hơn, nhưng lại khó để khắc phục hơn. Theo các chuyên gia, để khắc phục lỗi bảo mật Spectre sẽ đòi hỏi phải thiết kế lại vi xử lý, trong khi đó để khắc phục lỗi Meltdown sẽ cần phải phát hành bản vá lỗi bằng phần mềm, tuy nhiên điều này cũng sẽ làm chậm hiệu suất của máy tính từ 20 đến 30% so với trước. Trong khi đó lỗi bảo mật Spectre lại rất khó để khắc phục vì Spectre khai thác lỗ hổng trong thiết kế được sử dụng bởi nhiều nhà sản xuất vi xử lý trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm cả Intel, AMD và ARM.
Lỗi bảo mật Spectre không thể được vá thông qua bản vá lỗi mà sẽ phải chờ cho đến khi thế hệ vi xử lý tiếp theo được phát hành ra thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các máy tính sử dụng thế hệ vi xử lý cũ có thể sẽ phải “sống chung” với lỗi Spectre. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cũng trấn an người dùng rằng Spectre là một lỗi bảo mật rất khó để khai thác.
10 . Sự “trỗi dậy” của trí tuệ nhân tạo
“Trí tuệ nhân tạo” (AI – Artificial Intelligence hay machine intelligence) không phải là khái niệm quá mới mẻ, nhưng năm 2018 chứng kiến sự “bùng nổ” của trí tuệ nhân tạo khi tính năng này được tích hợp ngày càng nhiều vào các thiết bị công nghệ.
Chẳng hạn trên thị trường smartphone, trước đây AI thường chỉ tích hợp vào các mẫu smartphone cao cấp, thì trong năm 2018, AI lại trở thành một tính năng cơ bản khi các mẫu smartphone tầm trung cũng được trang bị tính năng này. Các mẫu smartphone được tích hợp AI như khả năng nhận diện khung cảnh để chụp ảnh đẹp hơn, vi xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo để xử lý các tác vụ của người dùng nhanh chóng hơn… đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Ngoài smartphone, các thiết bị công nghệ được tích hợp trí tuệ nhân tạo hoặc máy học để hoạt động thông minh hơn cũng trở nên phổ biến, như các thiết bị Internet cho vạn vật (Internet of Things) như loa thông minh, khóa cửa thông minh, SmartTV… hoặc thậm chí là các đồ gia dụng ít ai nghĩ đến như máy giặt, tủ lạnh, robot hút bụi… cũng đã được tích hợp trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn và hiểu ý người dùng hơn.
Có thể nói 2018 là một năm “bùng nổ” của trí tuệ nhân tạo và không quá ngạc nhiên nếu bước sang năm 2019, công nghệ này sẽ càng được phát triển lên mức cao hơn, phổ biến hơn để người dùng trên toàn cầu có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn.
Sức mạnh số