11 quyển sách hay về văn hóa Việt Nam cực kỳ đầy đủ và sâu sắc – Readvii
Bằng lối tiếp cận đơn giản và dễ hiểu, 11 quyển sách hay về văn hóa Việt Nam sẽ giúp bạn đọc có một cảm nhận xuyên suốt về văn hóa các vùng miền Việt Nam trong suốt chiều dài của lịch sử.
Mục lục bài viết
Văn Hóa Việt Nam Truyền Thống: Một Góc Nhìn
Ở Việt Nam, trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Chúng ta đang được động viên, khích lệ, mà cũng đồng thời đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa.
Trong một hoàn cảnh, tình huống đặc biệt như vậy, có lẽ một sự quay về, nhận diện và suy ngẫm nghiêm túc về nền văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ là một điều bổ ích không thừa, nếu không muốn nói là cần thiết. Nền văn hóa truyền thống đã từng ngự trị hàng thiên niên kỷ trong một xã hội hầu như rất ít thay đổi, sau đó lại chịu những va đập và biến động lớn trong hơn một thế kỷ qua, đã có bộ mặt đích thực như thế nào, xu thế chuyển biến ra sao? Nó đã để lại cho chúng ta những giá trị gì cần phải kế thừa và những hệ lụy gì cần phải gạt bỏ?
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam truyền thống: một góc nhìn” sẽ là một tài liệu rất có giá trị trong công cuộc học tập, nghiên cứu và quảng bá lịch sử văn hóa Việt Nam. Do đó, đối tượng của cuốn sách là vô cùng rộng rãi, bao gồm các tầng lớp học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu cùng tất cả những ai yêu mến và nhiệt huyết với nền văn hóa nước nhà.
Việt Nam Văn Hóa Sử Cương
Việt Nam văn hoá sử cương là một trong những công trình quan trọng nhất của học giả Đào Duy Anh. Trên quan niệm súc tích “văn hóa là sinh hoạt”, Đào Duy Anh đã bao quát tất cả các mảng sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị – xã hội, và sinh hoạt trí thức, do đó đã tóm tắt, phác họa và minh định được ở chừng mực nào đó lược sử văn hóa của người Việt như một dân tộc, một văn hóa. Nhưng còn hơn thế, ông chỉ ra cả những biến đổi của văn hóa Việt Nam ở thời đoạn Âu hóa, với sự rạn vỡ, hoặc biến đổi của những giá trị cũ và sự lên ngôi của những giá trị mới.
Học giả Đào Duy Anh đã rất khiêm nhường khi coi cuốn sách chỉ là thu thập tài liệu và sắp xếp thành hệ thống cho những ai muốn “ôn lại cái vốn văn hóa nước nhà”. Trên thực tế, việc trình bày cuốn sách đầy khoa học, khái quát mà cụ thể, việc tham khảo rộng rãi sách vở liên quan đã cho thấy khả năng xuất chúng của ông, cũng như thái độ nghiêm cẩn trong công việc. Bởi vậy, Việt Nam văn hóa sử cương luôn được đánh giá là một trong những công trình đặt nền tảng cho sự hình thành ngành văn hóa học Việt Nam hiện đại.
Gợi ý
- Những cuốn sách hay về sơn mài nét nghệ thuật độc đáo của hội họa Việt Nam
Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam
Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam góp phần xây dựng một ngành khoa học đang trên đà hình thành là văn hóa học, nhằm cung cấp một số khái niệm để nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam.
Việt Nam Phong Tục
Ấn bản đầy đủ nhất của “Việt Nam phong tục” – tập khảo cứu toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt xưa của học giả Phan Kế Bính. Tập sách có thêm phần chú giải, hiệu chỉnh giúp độc giả ngày nay có thể hiểu rõ hơn tác phẩm.
“Việt Nam phong tục” là một nghiên cứu khá kĩ lưỡng, bức tranh toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt, từ phong tục trong gia đình, làng xã đến phong tục quốc gia, xã hội được viết với văn phong hiện đại dù vẫn chịu ảnh hưởng của lối viết biền ngẫu đăng đối trong văn học cổ. Mỗi chương, mục đều được tác giả trình bày và diễn giải khúc chiết, ngắn gọn, rõ ràng với quan điểm khá tân tiến so với những người cùng thời.
Ấn bản “Việt Nam phong tục” của NXB Kim Đồng được in bìa cứng với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ.
“Ta ngoảnh lại mà xem những tục cũ thì tỏ ra nhiều điều ngày trước là hay mà bây giờ hóa ra hủ bại lắm rồi.
Đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế.
Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy.”
(Tựa, Việt Nam phong tục)
Cửa Sổ Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam
Trong tâm trí của nhiều người đương thời, tên tuổi Hà Văn Tấn được ghi nhận như một nhà khoa học đầu đàn trong lĩnh vực khảo cổ học, một trong những ngành khoa học đòi hỏi trình độ chính xác cao; và ở đó ông đã thu được những thành tựu khả quan.
Song bên cạnh khảo cổ học, Hà Văn Tấn cũng đã viết nhiều về lịch sử trung đại Việt Nam, và đi vào một số hiện tượng văn hóa tiêu biểu như đình, chùa, văn hóa Phật giá Rồi ông mở rộng ra một số vấn đề trọng yếu như bản sắc dân tộc, giao lưu văn hóa cổ, hoặc thử đề nghị một cách nhìn biện chứng đối với truyền thống.
Gợi ý
- 5 quyển sách hay về hát bội mang giá trị văn hoá dân tộc đặc sắc
Di Sản Văn Hóa Việt Nam Dưới Góc Nhìn Lịch Sử
Giới thiệu tổng thể lịch sử, di sản văn hóa Việt Nam và một số trung tâm văn hóa Thăng Long – Hà Nội, trung tâm văn hóa Phú Xuân – Huế, những trung tâm quyền lực thời Bắc thuộc, trung tâm văn hóa thời Trần và một số vùng văn hóa như xứ Thanh, xứ Nghệ Tĩnh, vùng đất Nam bộ.
Bộ sách Đặc Trưng Văn Hóa các vùng miền Việt Nam
Bộ sách gồm 7 tập:
- Đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc
- Đặc trưng văn hóa vùng Đông Bắc
- Đặc trưng văn hóa vùng Đồng Bằng Sông Hồng
- Đặc trưng văn hóa vùng Bắc Trung Bộ
- Đặc trưng văn hóa vùng Nam Trung Bộ
- Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên
- Đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ
Quyển sách là kết quả của các chuyến điều tra điền dã dân tộc học kết hợp với nguồn tài liệu thống kê ở Trung ương và các địa phương, bên cạnh đó nhóm tác giả có sử dụng nguồn tư liệu đã công bố trên các sách báo, tạp chí và Internet.Tuy chưa đầy đủ, nhưng qua các trang viết của cuốn sách hy vọng phần nào cung cấp cho bạn đọc những nét đặc trưng nhất của văn hóa vùng, miền.
Gợi ý
- 9 quyển sách hay về kinh tế Việt Nam đáng để đọc, để nghiên cứu
Văn Minh Vật Chất Của Người Việt
Cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng cung cấp cho ta một lịch sử của dân tộc và đất nước mình, qua các đồ vật do con người từng sống, từng lao động để có thể sống, tồn tại, phát triển, thịnh vượng, suy vong, trầm luân, đau khổ và hạnh phúc… từ ngày trên đất này có con người cho đến hôm nay.
Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng. “ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM” giúp bạn tìm hiểu và khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đó là cả một quá trình lịch sử mà ông cha ta đã khai thác tự nhiên và cùng với nó là thực đơn bữa ăn hàng ngày bình dị của biết bao thế hệ con người.
Không chỉ thế cuốn sách còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng. Dù ở đâu thì các món ăn cũng được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và tạo thành những nét văn hóa ẩm thực riêng.
Đất Lề Quê Thói
Một cuốn sách về phong tục Việt Nam khá đầy đủ và sâu sắc. Cuốn sách bao gồm 12 chương, mỗi chương gồm nhiều mục nhỏ. Cách phân chương rất mạch lạc và tiện cho người đọc khi cần tham chiếu, nhưng điều đáng giá của cuốn sách là ở chỗ những vấn đề văn hoá được đề cập một cách tự nhiên, lời văn duyên dáng mà vẫn mộc mạc. Tác giả còn làm sống lại kho tàng ca dao, tục ngữ, thơ, vè…, và cũng chính những câu ca dao, tục ngữ, thơ, vè….lại làm người đọc dễ nhớ, dễ thuộc.
Được viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, Đất lề quê thói xứng đáng được xem như một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa và phong tục cổ truyền Việt Nam. Qua từng trang sách, độc giả như được mời thả bước trong một bảo tàng dân tộc học mà tác giả là người hướng dẫn tận tình, sâu sắc, vừa duyên dáng, hóm hỉnh, để cùng trở về một không gian sống tuy gần gụi thân quen lại như đã thành quá khứ xa xôi tự thuở nào. Đâu chỉ là những câu chuyện về tâm tính người Việt, tục ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ cỗ bàn hay nguồn gốc những kiêng khem mê tín… mà cả một thế giới tinh thần người Việt với những gìn giữ và thích nghi, thay đổi qua bao nhiêu thế hệ, lạc hậu mà phong phú, và vẫn giàu thành kính được tái hiện đầy đủ trong Đất lề quê thói.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, trong bối cảnh cuộc sống vật chất và các giá trị đã thay đổi quá nhanh, quá nhiều qua mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết, tác phẩm của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu càng cho thấy đất lề, quê thói vẫn ăn sâu vào tiềm thức người Việt.
Tính Hiện Đại Và Sự Chuyển Biến Văn Hóa Việt Nam Thời Kỳ Cận Đại
Tính hiện đại trong quan hệ với văn hóa Việt Nam cận đại, sự chuyển biến trong một số lĩnh vực văn hóa Việt Nam cận đại, sự xuất hiện những loại hình văn hóa mới, tiếp biến văn hóa phương Tây trong một số loại hình văn hóa truyền thống.