14 công trình Di tích quốc gia và vấn đề bảo tồn – Tạp chí Kiến Trúc
Tính đến thời điểm này, Thủ đô Hà Nội có số lượng lớn di tích được vinh danh ở cấp quốc gia đặc biệt và quốc gia: 14/95 di tích quốc gia đặc biệt (14%) và 1.185/3.463 di tích quốc gia của cả nước (34%). Các di tích này phân bố khá đậm đặc, đa dạng về loại hình, niên đại, phong phú về chất liệu, bảo tồn nhiều cổ vật, bảo vật quốc gia, là niềm vinh dự, tự hào của người dân Thủ đô nhưng cũng đặt ra cho Thành phố Hà Nội trách nhiệm nặng nề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà các bậc tiền nhân đã trao truyền lại cho chúng ta.
Thách thức lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này là bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển khi mà đô thị đang thay đổi từng ngày. Cụ thể như: việc cải tạo chỉnh trang đô thị cần song hành với việc bảo tồn di sản đô thị; Bảo đảm lợi ích của người dân, cộng đồng sống trong di sản, bảo tồn các giá trị truyền thống trong cuộc sống đô thị hiện đại…Bên cạnh đó, nhu cầu bảo tồn giá trị của hàng ngàn di tích được làm bằng các vật liệu hữu cơ đã và đang xuống cấp ngày càng lớn trong khi nguồn lực kinh phí đầu tư cho công tác này chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế…
Vượt qua các thách thức, nhằm bảo tồn và phát huy tốt các di sản của Thủ đô, trước hết là các di tích Quốc gia đặc biệt, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, các đơn vị quản lý trực tiếp các di tích chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động đáp ứng được việc bảo tồn nguyên vẹn những giá trị tiêu biểu của di sản để phục vụ cộng đồng, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút sự quan tâm của nhân dân, đồng bào trong nước và khách quốc tế tới di tích, tạo cơ hội cho sự phát triển du lịch của Thủ đô.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cấp bách trên, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã và đang nỗ lực tăng cường hoàn thiện công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nói chung, các di tích Quốc gia đặc biệt nói riêng; Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Thủ đô; Hoàn thiện bộ máy quản lý di tích ở các cấp, quan tâm hơn nữa đến công tác tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại cán bộ đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành di sản văn hóa; Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị, hình ảnh di sản văn hóa của Thủ đô, động viên toàn xã hội quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo đúng quy định của pháp luật; Tăng cường đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ưu tiên đầu tư dứt điểm cho các di tích Quốc gia đặc biệt; Chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Nghiên cứu, đánh giá các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt; Nghiên cứu, lập hồ sơ, tư liệu hóa và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể gắn với các di tích quốc gia đặc biệt đồng thời đầu tư chiều sâu cho việc duy trì một số ngành nghề thủ công và lễ hội, nghệ thuật trình diễn tiêu biểu độc đáo tại các di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để di tích được bảo tồn và phát huy giá trị đúng theo quy định của nhà nước và phong tục tập quán tốt đẹp ở cơ sở.
Đối với các di tích quốc gia đặc biệt mà hiện nay chưa có bộ máy riêng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện có trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến công tác quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, cơ quan chuyên ngành của thành phố cũng cần cử cán bộ tăng cường, hỗ trợ về chuyên môn và đầu tư kinh phí khi cần thiết.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa và Thể thao trong việc lập và triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư, xây dựng nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, giảm bớt và tiến tới loại bỏ những quy hoạch, dự án xây dựng ảnh hưởng xấu đến các di sản văn hóa của Thủ đô.
Thực tế cho thấy các di tích được vinh danh đã tạo cơ hội cho sự phát triển của Thủ đô qua việc quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế, sự thu hút đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực không ngừng để bảo tồn tốt, phát huy bền vững giá trị của các di sản đó và trao truyền lại cho các thế hệ mai sau, xứng đáng với niềm tin của Chính phủ, của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
TCKT trân trọng giới thiệu với bạn đọc 14 di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Mục lục bài viết
1. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Di tích lịch sử
QĐ số 1272/QĐ – TTg ngày 12/8/2009
2. Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội (quận Hai Bà trưng) – Di tích lịch sử và khảo cổ
QĐ số 1272/QĐ – TTg ngày 12/8/2009
3. Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) – Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
QĐ số 548/QĐ – TTg ngày 10/5/2012
4. Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP Hà Nội)
QĐ số 1419/QĐ – TTg ngày 27/9/2012
5. Di tích lịch sử và danh lam tháng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)
QĐ số 2383/QĐ – TTg ngày 9/12/2013
6. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)
QĐ số 2408/QĐ – TTg ngày 31/12/2014
7. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, TP Hà Nội)
QĐ số 2383/QĐ – TTg ngày 9/12/2013
8. Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, TP Hà Nội)
QĐ số 2383/QĐ – TTg ngày 9/12/2013
9. Di tích lịch sử Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội)
QĐ số 2383/QĐ – TTg ngày 9/12/2013
10. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách
(huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). QĐ số 2408/QĐ – TTg ngày 31/12/2014
11. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)
QĐ số 2408/QĐ – TTg ngày 31/12/2014
12. Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội)
QĐ số 2408/QĐ – TTg ngày 31/12/2014
13. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương, huyện Mỹ Đức)
QĐ số 2082/QĐ – TTg ngày 25/12/2017
14. Di tích kiến trúc, nghệ thuật Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm)
QĐ số 2082/QĐ – TTg ngày 25/12/2017
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)