Nối tiếp văn hoá Sơn Vi là văn hoá Hoà Bình (lấy tên tỉnh Hoà Bình – nơi phát hiện những di tích đầu tiên của nền văn hoá này). Về niên đại, văn hoá Hoà Bình cách ngày nay 11.000 năm, tức vào đầu thời Toàn Tần. Trên đất Thanh Hoá, trung tâm dân cư lúc này vẫn tập trung ở địa bàn vùng núi phía Tây, thuộc các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc… Họ thường sống trong các hang động, các núi đá vôi rộng, thoáng đãng và gần sông, suối lớn. Các nhà khảo cổ học đã xác định họ chính là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân văn hoá Sơn Vi ở Thanh Hoá, và chính họ – cư dân văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá, đã tiếp tục phát triển, làm nên văn hoá Bắc Sơn sau này.

Nối tiếp văn hoá Sơn Vi là văn hoá Hoà Bình (lấy tên tỉnh Hoà Bình – nơi phát hiện những di tích đầu tiên của nền văn hoá này). Về niên đại, văn hoá Hoà Bình cách ngày nay 11.000 năm, tức vào đầu thời Toàn Tần. Trên đất Thanh Hoá, trung tâm dân cư lúc này vẫn tập trung ở địa bàn vùng núi phía Tây, thuộc các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc… Họ thường sống trong các hang động, các núi đá vôi rộng, thoáng đãng và gần sông, suối lớn. Các nhà khảo cổ học đã xác định họ chính là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân văn hoá Sơn Vi ở Thanh Hoá, và chính họ – cư dân văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá, đã tiếp tục phát triển, làm nên văn hoá Bắc Sơn sau này. I. Những vết tích của văn hoá hoà bình. 1. Hang Con Moong (xã Thành Yên – huyện Thạch Thành). Ðây là một hang rộng, nền hang cao hơn 40m so với chân núi hiện tại và rộng hơn 300 m2. Người nguyên thuỷ cư trú trên khoảng diện tích 100 m2 tại cửa hướng Tây Nam, liên tục từ thời văn hoá Sơn Vi đến văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Các nhà khảo cổ đã thu được rất nhiều hiện vật nằm lẫn trong đống vỏ nhuyễn thể và mùn thực vật mà người nguyên thuỷ đã thải ra trong quá trình sinh hoạt. Về công cụ bằng đá: cư dân văn hoá Hoà Bình ở Con Moong vẫn giữ truyền thống văn hoá Sơn Vi: dùng đá cuội để chế tác công cụ, nhưng kỹ thuật chế tác công cụ của họ rất phát triển, kể cả loại hình lẫn phương pháp chế tác. Công cụ kiểu Xumatơra(3) (Sumatralithe) có hình bầu dục hay hình hạnh nhân, lưỡi được tạo xung quanh rìa hòn cuội bằng cả thủ pháp ghè tỉa, để có độ sắc bén hơn; có chức năng sử dụng rất đa dạng: có thể dùng cắt, chặt, nạo….từ thịt, xương thú đến tre, nứa, gỗ. Rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn trong bộ sưu tập công cụ của họ ở Thanh Hoá; người ta thường chặt cuội hoặc chặt đôi những công cụ hình bầu dục để tạo rìu ngắn; chức năng của rìu ngắn cũng rất đa dạng. Rìu dài hình hạnh nhân hay hình bầu dục của cư dân văn hoá Hoà Bình có nhiều khả năng được sử dụng như những chiếc cuốc đá. Mảnh tước ở Con Moong có số lượng không nhiều, nhưng phần lớn đã được gia công để tạo thành công cụ nạo, dao đá, với rìa đá rất sắc. Chày nghiền, bàn nghiền cũng là những công cụ được tìm thấy khá nhiều. Chủ nhân Con Moong cũng chế tác và sử dụng công cụ bằng xương thú với kỹ thuật chọn nguyên liệu và chế tác phát triển khá cao: người ta chỉ lựa chọn xương ống của động vật có vú – loại xương có cấu tạo sợi nhiều hơn cấu tạo xốp – để chế tác công cụ và đã mài nhẵn đầu. Thức ăn rất phong phú, đa dạng: trong tầng văn hoá, các nhà khảo cổ học đã thu được 85m3 vỏ nhuyễn thể như trùng trục, trai, ốc…và các loại xương thú rất phong phú. Chôn người chết theo tư thế nằm nghiêng chân co như cư dân văn hoá Sơn Vi giai đoạn trước, nhưng họ đã chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ và đều chôn theo công cụ. 2. Di chỉ mái đá Ðiều và các di chỉ khác: Cũng như ở Con Moong, mái đá Ðiều là một di chỉ chứa đựng nhiều lớp văn hoá thuộc các thời đại đồ đá khác nhau. Niên đại lớp văn hóa Hoà Bình của Mái đá Ðiều là 8.200 ± 70 năm, cách ngày nay. Các nhà khảo cổ học đã thu được rất nhiều công cụ bằng đá đặc trưng kiểu Hoà Bình. Ðáng chú ý là rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn. Chày nghiền, bàn nghiền cũng chiếm tỉ lệ đáng kể. Riêng công cụ bằng mảmh tước, ở một số địa điểm đã xuất hiện kĩ thuật mài đá. ở các di chỉ mái đá Bát Mọt, hang Mộc Trạch, hang To đã tìm được nhiều mảnh vỏ trai xà cừ lớn mà công dụng có thể được chủ nhân văn hoá Hoà Bình sử dụng như những lưỡi dao, nạo để vót tre nứa và nạo thịt thú. Một đặc điểm chung nữa là tại các di chỉ văn hoá này, tầng văn hoá đều rất dày, chứng tỏ sự cư trú lâu dài của con người như Con Moong: 3,5m, mái đá Ðiều: gần 4m, mái đá Làng Bon: 3,7m, hang Ðiền Hạ III: 3,8m, mái đá chòm Ðồng Ðông: 3,5m; chứa đựng một khối lượng vỏ nhuyễn thể rất lớn lẫn trong lớp đất màu nâu hoặc đen chứa mùn thực vật. Cư trú trong các hang động, mái đá tương đối cao, có nơi rất cao (như Con Moong), cư dân Hoà Bình ở Thanh Hoá chắc rằng, ngoài những công cụ bằng đá, đã sử dụng một số lượng không ít các công cụ và đồ dùng được chế tác từ các loại cây cối, nhất là tre, nứa, song, mây… Ðể đựng các loại nhuyễn thể lượm nhặt từ sông, suối đem về nơi cư trú. Các nhà khảo học đã phát hiện được nhiều mộ táng của người Hoà Bình ở Thanh Hoá. Ðã tìm thấy ở hang Lộc Thịnh, mái đá Làng Bon, mái đá làng chòm Ðồng Ðông… các di cốt, xương, răng bị vỡ, mủn. Ðáng chú ý nhất là các di tích Con Moong (2 mộ), mái đá Ðiều (13 mộ), mái đá Mộc Long (5 mộ), hang Chùa (3 mộ). Phần lớn những mộ này còn nguyên vẹn và cho thấy tư thế chôn nằm nghiêng co bó gối, bôi thổ hoàng, kè đá giữa mộ và chôn theo hiện vật làm đồ tuỳ táng, là cách thức mai táng phổ biến trong tập tục của người Hoà Bình. Chủ nhân của văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá đã tiến tới tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Các công xã thị tộc thường cư trú trong một vùng đất nhất định. Trong mỗi hang động là một thị tộc cư trú bao gồm nhiều gia đình nhỏ với vợ chồng, con cái. Dấu tích bếp lửa ở giai đoạn được tìm thấy có quy mô nhỏ hơn giai đoạn trước và số lượng cũng tăng hơn. Kinh tế hái lượm ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống, bởi vậy, vai trò và vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Với môi trường sinh sống gần sông, suối, khai thác thức ăn đa nguồn, định cư lâu dài, cư dân văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá đã chuyển từ cuộc sống hái lượm – săn bắt sang thu hoạch định kỳ theo mùa. Ðó là mầm mống sơ khai của nền kinh tế sản xuất nông nghiệp: người ta bắt đầu chăm sóc và trồng trọt một số loài cây có củ, quả như rau, đậu, bầu bí… và thuần dưỡng chó. Những quan niệm tôn giáo sơ khai, mầm nghệ thuật – sự tìm kiếm cái đẹp cũng nảy sỉnh trong quá trình lao động kiếm sống và vui chơi giải chí. Ðó là những thành quả sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội của cư dân văn hoá Hoà Bình xứ Thanh và với thành quả ấy, họ đã thực sự góp phần vào cách mạng đá mới. Sau hơn 70 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam cũng như ở Thanh Hoá đã cho thấy một cái nhìn tổng quan về lịch sử Thanh Hoá thời đại đồ đá mới: đó là sự phát triển liên tục, nội tại từ cư dân văn hoá núi Ðọ đến Sơn Vi và văn hoá Hoà Bình. II. Đồ gốm xuất hiện và cư dân văn hoá bắc sơn ở Thanh hoá: Tại Thanh Hoá, dấu vết văn hoá Bắc Sơn đã được phát hiện trong các lớp văn hoá muộn của các di chỉ mái đá Thạch Sơn, mái đá chòm Ðồng Ðông, hang Lộc Thịnh, mái đá Ðiều, hang Mỹ Tế, mái đá làng Bon, làng Ðiền Hạ III…và đặc biệt rõ ở hang Con Moong- thuộc lớp trên cùng, có niên đại khoảng 7.000 năm cách ngày nay. Chủ nhân văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá cũng như ở nơi khác, đã đưa kỹ thuật chế tác công cụ bằng đá đến trình độ cao: họ đã biết và phổ biến kỹ thuật mài đá. Ðã tìm thấy trong các di chỉ Bắc Sơn ở Thanh Hoá những bàn mài bằng sa thạch bên cạnh rất nhiều chày nghiền, bàn nghiền. Những chiếc rìu mài lưỡi Bắc Sơn ra đời đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề nông đã thai nghén từ văn hoá Hoà Bình. Nhưng thành tưụ kĩ thuật lớn nhất của cư dân văn hoá Bắc Sơn là phát minh ra đồ gốm. Mặc dù còn rất thô sơ về chất liệu, hình dáng, hoa văn, độ nung còn thấp, nhưng cũng đã tạo cho nền kinh tế sản xuất sơ khai của chủ nhân văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá phát triển hơn hẳn nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của văn hoá Hoà Bình. Tuy nhiên kinh tế sản xuất chưa thể chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống của người Bắc Sơn. Hái lượm và săn bắn vẫn đóng vai trò chính trong đời sống của họ: trong các hang động nơi họ cư trú, tầng văn hoá vẫn chất đầy vỏ nhuyễn thể và xương cốt động vật (lớp văn hoá Bắc Sơn ở Con Moong – lớp trên cùng- có độ dày từ mặt đất từ 0,2m – 1,2m, đã thu được tới 60m3 vỏ nhuyễn thể). Xã hội người nguyên thuỷ văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá đã phát triển chế độ thị tộc mẫu hệ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế sản xuất, người nguyên thuỷ văn hoá Bắc Sơn ngày càng lệ thuộc vào thành quả của hoạt động hái lượm và chăm sóc cây trồng. Ðó là những công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận, và ngày càng nắm vị trí chủ đạo trong kinh tế; vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. III. Cư dân văn hoá đa bút chiếm lĩnh đồng bằng và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Vào hậu kì thời đại đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 – 7.000 năm, sau nhiều đợt biển tiến, biển lùi, sang thế Hôlôxen, đồng bằng sông Mã đã hình thành tương đối ổn định với tài nguyên phong phú, đầy hấp dẫn, đã lôi cuốn chủ nhân văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn ở vùng núi rời khỏi các hang động – nơi cư trú hàng ngàn năm, tiến xuống khai phá miền đồng bằng trước chân núi. Nền nông nghiệp trồng lúa nước ra đời. Cùng với dân cư văn hoá Hạ Long ở phía Bắc, văn hoá Quỳnh Văn ở phía Nam, người nguyên thuỷ ở Thanh Hoá làm nên một nền văn hoá Ða Bút độc đáo, làm phong phú thêm diện mạo văn hoá của các bộ lạc nguyên thuỷ sinh sống trên toàn cõi Bắc Việt Nam. 1. Văn hoá Ða Bút: Theo hiểu biết hiện nay, văn hoá Ða Bút gồm hệ thống các di chỉ Ða Bút (xã Vĩnh Tân), Bản Thuỷ (xã Vĩnh Thịnh), làng Còng (xã Vĩnh Hưng) thuộc huyện Vĩnh Lộc, Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và gò Trũng (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc). Khai quật và nghiên cứu hệ thống di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng chủ nhân của văn hoá Ða Bút theo quá trình lùi dần của biển, ngày càng chiếm lĩnh vùng đồng bằng ven biển Thanh Hoá. Kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ văn hoá Ða Bút cho thấy cư dân nguyên thuỷ giai đoạn này đã bước vào thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ phát triển. Nhờ nông nghiệp lúa nước được đẩy mạnh, đời sống đã ổn định, dân số tăng nhanh, đồng thời các nghề thủ công phục vụ sản xuất nông nghiệp và đánh cá được mở rộng.