Cán bộ ngân hàng học theo lời Bác dặn: Rèn đức, luyện nghề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm với lời dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân.

Ngày 20-2-1952, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính toàn quốc lần thứ 5, Bác viết: “Cán bộ kinh tế – tài chính phụ trách nhiều tiền của… Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến… tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ… làm cho mặt trận kinh tế – tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”. Như vậy, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng với các  yêu cầu “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu”, vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định hướng dẫn người dân sử dụng máy CRM gửi/rút tiền tự động. Cán bộ Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định hướng dẫn người dân sử dụng máy CRM gửi/rút tiền tự động.

Thấm nhuần lời dạy của Bác và nhận thức được con người là yếu tố quyết định, là gốc rễ của mọi vấn đề, trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngân hàng đã luôn chú trọng công tác đào tạo, giáo dục rèn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong 5 quan điểm phát triển – là yếu tố nền tảng, động lực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam, là thành tố chính then chốt rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng so với khu vực và thế giới.

Nhớ lời Bác dạy, ở tỉnh ta, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chi nhánh NHNN tỉnh, các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 chuyên đề các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hàng tháng tại chi bộ, sinh hoạt định kỳ của đơn vị, đảm bảo gắn sát với tình hình hoạt động thực tiễn. Đổi mới toàn diện công tác giao kế hoạch, triển khai bộ chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động; chuẩn hóa mô hình tổ chức; triển khai đồng bộ và hiệu quả các dự án nâng cao năng lực quản trị và hoạt động; đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị nguồn nhân lực, cơ chế bổ nhiệm; bước đầu thực hiện quản trị rủi ro một cách toàn diện theo chuẩn mực quốc tế thông qua triển khai Hiệp ước vốn Basel. Bên cạnh đó, Vietcombank Chi nhánh Nam Định cũng triển khai nhiều hình thức khác như tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động… để tuyên truyền, nâng cao ý thức, đạo đức của cán bộ. Trong đó, cuộc vận động học tập và làm theo Bác những năm qua đã mang lại một nhận thức mới, giản dị nhưng rất quan trọng là “học tập và làm theo Bác là công việc của mỗi người và mọi người”. Đó là sự khẳng định về một nguyên tắc thực hành đạo đức, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tự mình rèn luyện đạo đức của mỗi người. Hướng dẫn mọi cán bộ, nhân viên thực hành và học tập tuân theo “Sổ tay Văn hoá Vietcombank”, giữ gìn bản sắc văn hoá Vietcombank với 5 giá trị cơ bản: “Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới -Bền vững – Nhân văn”. Xây dựng hình ảnh cán bộ, nhân viên Vietcombank gắn liền với đạo đức và trách nhiệm: Tôn trọng pháp luật và quy định nội bộ; Trung thành, luôn vì lợi ích Vietcombank; Trung thực – Công bằng – Liêm khiết – Tận tâm – Cầu tiến. Cùng với đó là tác phong làm việc chuyên nghiệp, lịch sự và tận tình; mỗi cán bộ Vietcombank phải không ngừng phấn đấu học hỏi cả về kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, chăm chỉ rèn luyện vì “trăm hay không bằng tay quen” đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tác trong thời gian nhanh nhất.  Với số lượng gần 250 đoàn viên, Đoàn Thanh niên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Nam Định luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tất cả các phong trào thi đua của đơn vị. Với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thời gian qua, tuổi trẻ Agribank chi nhánh tỉnh luôn hoàn thành tốt những chương trình, kế hoạch hoạt động được giao. Tùy theo vị trí công việc được giao, mỗi đoàn viên đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trong và ngoài công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, mỗi đoàn viên, thanh niên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển bền vững của đơn vị trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhiều hoạt động ý nghĩa như tham gia hiến máu tình nguyện, đẩy mạnh các hoạt động vì môi trường; hưởng ứng chương trình “Agribank – Vì tương lai xanh” nhằm truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường; dọn dẹp vệ sinh cơ quan, phát động chương trình trồng cây xanh, thăm hỏi, tặng quà các thương bệnh binh, đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ mồ côi nhân dịp lễ, tết đã tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm chất người cán bộ, nhân viên Agribank “Trung thực, kỷ cương, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”.

Để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng tiếp tục tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tính tuân thủ, sự cẩn trọng, liêm chính, tận tâm, chuyên cần, ý thức bảo mật thông tin; chủ động tìm tòi, sáng tạo thể hiện tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định, quy tắc nói trên để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành, tuân thủ của cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn hóa và đạo đức công vụ thông qua những hình thức thiết thực như: các buổi nói chuyện, trao đổi chuyên đề, các cuộc thi viết, thi tìm hiểu… để việc trau dồi đạo đức trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của cán bộ ngân hàng./.

baonamdinh.com.vn