Công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam – Những xu hướng và hiện tượng

Đó là chủ đề của Tọa đàm do Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN tổ chức ngày 10/11/2022 vừa qua. Đây là một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2022 (VFCD) do Đại học RMIT chủ trì cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và các đối tác phối hợp tổ chức, với chuỗi sự kiện diễn ra từ 7-20/11/2022 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã và đang được chú trọng và đẩy mạnh ở Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập và phát triển không ngừng của đất nước. Ban tổ chức mong muốn, tọa đàm là diễn đàn để các chuyên giao thảo luận về các vấn đề liên quan đến công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội ở các lĩnh vực du lịch, trò chơi điện tử, công nghệ thực tế ảo…

Phát biểu đề dẫn, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành Nguyễn Văn Hiệu, cho biết, thực tế sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới đã cho thấy đây là một xu thế phát triển chủ đạo trong tương lai. Những giá trị dựa trên ý tưởng sáng tạo, mới lạ sẽ tốt hơn là các nguồn lực truyền thống như: đất đai, lao động và vốn. Theo thống kê, từ năm 2001, công nghiệp văn hóa sáng tạo đã đóng góp 2,2 tỷ USD vào nền kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 5% và thu hút 4,5% lực lượng lao động, tạo ra 1,4% tổng doanh thu cho các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục thống kê, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo mới chỉ chiếm 3,61% khi tỷ lệ lao động trong ngành này là 3,51%. Đánh giá trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ đang ngày càng phát triển song hành cùng nền tảng văn hóa giàu bản sắc thì tỷ lệ nói trên là rất thấp. Một trong những nguyên nhân nổi cộm được giới chuyên gia đề cập đến chính là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo còn thiếu và yếu. Điều đó đòi hỏi vai trò lớn của giáo dục đại học trong nền công nghiệp này, đây cũng là một trong những xu hướng được đề cập tới.

Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại tọa đàm

Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Do vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thiết kế mô hình đào tạo với điểm nhấn là các kỹ năng và tư duy liên ngành, liên lĩnh vực và có khả năng tham gia nhiều vị trí khác nhau trong các hoạt động sáng tạo. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục đại học là nơi trao đổi, đối thoại giữa những người sáng tạo nghệ thuật với doanh nghiệp và gắn kết việc sáng tạo với khởi nghiệp kinh doanh. Hoạt động sáng tạo không thuần túy là nghệ thuật mà còn gắn với kinh tế, kinh doanh, tạo ra thu nhập từ đó. 

Tại Khoa Các khoa học liên ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy, kiến thức liên ngành giúp sinh viên có khả năng sáng tạo tốt hơn, phù hợp với nhiều vị trí trong lĩnh vực công việc thực tế đang đặc biệt được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Khoa Các khoa học liên ngành cũng liên tục tìm kiếm các cơ hội thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp, tăng cường trải nghiệp thực tế vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam. 

TS. Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành với bài tham luận về công nghiệp văn hóa dưới góc nhìn du lịch

Công nghiệp văn hóa sáng tạo dưới góc nhìn của du lịch, TS. Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành nhận định, cần có sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch sáng tạo để thu hút khách du lịch. Sự sáng tạo đó cần bắt đầu từ nguồn lực nội tại, sức hấp dẫn tự thân của những địa phương làm du lịch mà không phải là định hướng từ công ty lữ hành. Những sáng tạo trong sản phẩm du lịch của làng nghề Bát Tràng là những ví dụ chân thực được đề cập tới.

Qua góc nhìn, phân tích của các chuyên gia, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo… đã cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo rất tiềm năng nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn. 

Chuyên gia cũng đồng thời giải đáp thắc mắc của khách mời, sinh viên, những đối tượng quan tâm đến ngành công nghiệp này. Những khía cạnh, liên hệ Việt Nam và thế giới được diễn giả chia sẻ tỉ mỉ, đồng thời đề xuất các giải pháp, khuyến khích sự tham gia sáng tạo, đào tạo nhân lực để hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam. 

>>> Các tin tức liên quan:

– Sinh viên ngành Quản trị thương hiệu trải nghiệm thực tế tại một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam

– Cử nhân Quản trị Tài nguyên di sản: Chuyên gia từ các khoa học liên ngành

– Cử nhân Quản trị thương hiệu: Khẳng định giá trị thương hiệu

– Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại: Thách thức và triển vọng”- Đào tạo và nghiên cứu liên ngành là một trong những hướng ưu tiên của ĐHQGHN

– VNU-SIS: 44 học viên cao học được công nhận học vị Thạc sĩ khoa học liên ngành

– VNU – SIS: Chào đón 219 tân sinh viên vào 02 chương trình đào tạo đại học đầu tiên

 Thanh Thảo – VNU Media

Xem tin bài theo thời gian :

Xem tin bài theo thời gian :