2 công tố viên tranh luận với hơn 70 luật sư

Phiên tòa xét xử Năm Cam có lực lượng hùng hậu hơn 70 luật sư tham gia, một số bị cáo có thâm niên công tác trong ngành pháp luật, và xét xử phải theo tinh thần cải cách tư pháp. Ông Trịnh Minh Tân, đại diện VKSND TP HCM giữ vai trò công tố tại tòa, đã trao đổi với báo chí về việc chuẩn bị cho phiên tòa này.

– Chỉ có 2 kiểm sát viên tham gia đọc cáo trạng vụ Năm Cam. Trong khi đó, số luật sư tham gia bào chữa đã hơn 70. Tổ công tố chuẩn bị cho cuộc “đối đầu” này thế nào?

– Chỉ có tranh luận chứ không có “đối đầu” giữa kiểm sát viên và luật sư. Pháp luật thì chỉ có một, lý lẽ nào đúng, phù hợp với quy định của luật thì toà sẽ chấp nhận. Điều quan trọng là khi tranh luận phải đảm bảo thực sự dân chủ và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời kiểm sát viên phải luôn thể hiện mình đang ở vị trí công quyền, thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố tại phiên toà.

Quả thực là quá sức khi phải tranh luận với quá nhiều luật sư. Nhưng để có phiên toà này, cơ quan điều tra, VKS và toà án đã tập trung một lực lượng hùng hậu để tiến hành các bước tố tụng theo luật định nhằm chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Đó là điều mà các kiểm sát viên yên tâm.

– Tâm trạng của ông khi giữ quyền công tố tại một phiên toà mà nhiều bị cáo từng là lãnh đạo ngành như Phạm Sỹ Chiến, hoặc đồng nghiệp Nguyễn Bá Phong, Nguyễn Thập Nhất, Lâm Xuân Phát… hay những người khá gắn bó với ngành kiểm sát như Nguyễn Mạnh Trung, Nguyễn Minh Ngọc…?

– Tâm trạng thì có, nhưng chúng tôi xác định phải làm việc với tinh thần: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

– Cáo trạng vụ này do VKSND Tối cao thực hiện, còn phần luận tội lại do VKSND TP HCM trình bày. Liệu VKSND TP HCM có gặp khó khăn khi thực hiện?

– Khó khăn là quá đông bị cáo, quá nhiều tội danh. Vì thế chúng tôi chỉ có thể nói là cố gắng thể hiện đầy đủ quan điểm truy tố của VKSND Tối cao.

Số trang của phần luận tội chưa nói được bao nhiêu về nội dung vụ án, vì còn phải căn cứ vào quá trình xét hỏi của HĐXX, kiểm sát viên và người bào chữa. Sau đó, chúng tôi mới quyết định tiến hành luận tội như thế nào cho phù hợp.

– TAND TP HCM đã tổ chức 2 phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp. Phiên xử vụ án Năm Cam và đồng bọn sẽ là phiên toà mẫu thứ ba. Như vậy chắc sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì đã có kinh nghiệm qua các phiên tòa trước đó?

– “Phiên toà mẫu” là phiên toà thế nào? Trong tay chúng tôi chưa hề có văn bản nào quy định về “phiên toà mẫu”. Theo tôi, không thể tổ chức phiên toà hình sự theo “ý tưởng” mà tất cả đều phải được tiến hành theo trình tự luật định. Vì thế không có “phiên toà mẫu” thứ ba.

Hai phiên toà vừa qua là sự phối hợp rất tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm. Kết quả cho thấy sự cố gắng lớn của HĐXX và các kiểm sát viên. Họ đều làm đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định. Đây là nội dung phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của ngành kiểm sát nói chung và VKSND TP HCM nói riêng. Kinh nghiệp nghề nghiệp thì phải học hỏi lẫn nhau. Nhưng phương pháp tác nghiệp đối với từng vụ án cụ thể thì không nên bắt chước, vì không vụ án nào giống vụ án nào.

– Có người cho rằng, chủ tọa phiên toà cũng như HĐXX là trọng tài ngồi phán xét kết quả tranh tụng giữa VKS và luật sư. Tổ công tố vụ án Năm Cam nghĩ sao?

– Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên toà hình sự là nội dung phấn đấu theo tinh thần Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là thực hiện chức năng của VKS và toà án tại phiên toà cho đến thời điểm này không có gì thay đổi. Luật quy định toà án là cơ quan xét xử và HĐXX vẫn phải tiến hành các bước tố tụng như luật định. Kiểm sát viên ngoài chức năng thực hành quyền công tố còn phải thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của toà án và những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử. Những thay đổi chỉ được thực hiện trong tương lai khi Bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi. Không có ai đi gắn động cơ phản lực cho máy bay cánh quạt cả.

(Theo Người Lao Động)