20 năm Di sản Văn hóa thế giới Hội An | Du lịch | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
20 năm Di sản Văn hóa thế giới Hội An
Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Hội An – Di sản Văn hóa thế giới
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Nơi đây từng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội An vẫn giữ được gần như nguyên trạng với 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu… Điều này khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Từ bao đời nay thị dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”. Hàng ngày cuộc sống đời thường diễn ra ngay trong lòng phố cổ; từng công trình kiến trúc cổ đều in đậm, hằn sâu nếp sống, lối sống văn hóa đặc trưng của con người Hội An. Mô hình chung trong kiến trúc các ngôi nhà này thường theo kiểu hình ống được nối với nhau bằng nhiều nếp chạy dài từ phố này sang phố khác. Mặt tiền hẹp thường là nơi buôn bán, giữa có sân, nhà sau là nơi chứa hàng và sinh hoạt, cuối cùng là cửa sau thông ra đường phố hoặc bờ sông. Nhà được kết cấu khung gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch hoặc đá. Cửa trước đều có đôi mắt cửa, đó là hai cái núm gỗ tròn chạm hình âm dương, bát quái hay mặt hổ, rồng. Trang trí nội thất trong nhà rất cầu kỳ và đẹp mắt.
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Với những giá trị đó, Hội An không chỉ vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, mà còn nhiều lần được các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới vinh danh. Trong đó, CNN (mạng truyền hình cáp nổi tiếng của Mỹ), cũng từng hết lời ca ngợi Hội An là một trong những phố cổ đẹp nhất của Đông Nam Á. Gần đây nhất, tháng 7-2019, với số điểm cao nhất 90.39 điểm, Hội An được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel and Leisure bầu chọn là thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019. Và Hội An cũng là điểm du lịch Việt Nam đầu tiên được Google Doodle vinh danh trên trang chủ.
Bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ
Trong 20 năm Hội An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa của nhân loại, chính quyền và người dân nơi đây đã bảo vệ và bảo tồn gần như nguyên vẹn di sản văn hóa tiêu biểu này. Hội An đã và đang là một mẫu hình tiêu biểu ở châu Á làm tốt công tác bảo tồn di sản, gắn với việc kết nối giữa lịch sử với hiện tại.
Khác với nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO xếp hạng, Hội An có gần 100 ngàn cư dân với hàng vạn gia đình sống trong lòng di sản. Chính những ngôi nhà cổ và lối sinh hoạt đậm chất văn hóa của người Hội An xưa là thực thể sống của di sản này và không ai khác, chính người Hội An là chủ nhân của di tích và chính họ là những người nắm giữ phần hồn của di sản.
Phố cổ Hội An không có tiếng động cơ gầm rú, cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn mầu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Ảnh: TTXVN
Là di sản sống nên chính quyền Hội An đã quản lý đô thị cổ không chỉ bằng luật di sản mà dựa vào quy ước, quy chế mang đặc trưng riêng.
Hội An đã thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn di tích. Cùng với nguồn vốn của nhà nước, người dân địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để tu sửa các di tích thuộc sở hữu tư nhân.
Ngoài việc đầu tư tu bổ tôn tạo di tích từ các nguồn vốn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong vùng nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa, kết hợp các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản với việc tạo thu nhập cho nhân dân địa phương nơi có di sản, để nhân dân địa phương được hưởng lợi từ di sản.
Cùng với đó, các chương trình hợp tác quốc tế đã được thực hiện khá liên tục với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Một số lớp tập huấn, hướng dẫn công tác tu bổ, bảo tồn di tích đã được tổ chức. Phía Nhật Bản đã cử chuyên gia trực tiếp trùng tu một số công trình kiến trúc cổ ở đây.
Ngoài ra, rất nhiều hội thảo, nghiên cứu khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế thường xuyên được tổ chức để tìm kiếm và mở rộng phương thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản bền vững. Hội An đã chia sẻ cùng các thành phố di sản trong khu vực và trên thế giới nhiều kinh nghiệm quý trên cả hai mặt bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Kết quả công tác quản lý, bảo tồn di tích ở Hội An trong những năm qua đã được đánh giá cao, được UNESCO trao tặng các giải thưởng “Thành tựu đặc biệt về bảo tồn làng mộc Kim Bồng-Hội An”, giải thưởng “Hợp tác tu bổ các ngôi nhà cổ ở Việt Nam”…
Đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, trở thành nguồn lực quan trọng để đưa kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố phát triển vượt bậc. Tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng nhanh, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân Hội An được thay đổi, nâng cao rõ rệt.
Những năm gần đây, ngành thương mại dịch vụ, du lịch Hội An chiếm tỷ trọng trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Từ năm 1999 đến nay, tốc độ phát triển du lịch bình quân đạt từ 15%-20%. Riêng 5 năm gần đây (2013-2018), lượng khách đến Hội An đã tăng gần gấp 3 lần. Năm 2018, lần đầu tiên Hội An đón gần 5 triệu lượt khách tham quan lưu trú. 6 tháng đầu năm 2019, đã có khoảng 3 triệu lượt khách đến Hội An, tăng 15,62% so với cùng kỳ. Hội An tiếp tục khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch như là điểm đến nổi trội của Việt Nam và thế giới với gần 30 danh hiệu tôn vinh.
Mặc dù Hội An đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng di sản vẫn đứng trước những nguy cơ, thách thức, đó là tác động của môi trường, tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch… điều này tác động mạnh lên tính toàn vẹn, giá trị văn hóa và cảnh quan khu phố cổ… Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa thế giới Hội An luôn cần sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Lan Bình (tổng hợp)