23 tháng chạp: Người Việt chuẩn bị mâm cúng ông Táo, bài khấn thế nào?
Ngày 23 tháng chạp, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng ông Táo về trời, có nhà cúng ban ngày, nhà cúng ban đêm. Vậy cách chuẩn bị mâm cúng ông Táo, bài khấn thế nào?
Do vậy, việc chuẩn bị mâm cúng ông Táo về trời cũng được nhiều gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng.
Mục lục bài viết
Cách chuẩn bị mâm cúng ông Táo
Theo một số tài liệu, mâm cúng ông Táo về trời ngày 23 tháng chạp không thể thiếu cá chép vàng. Người ta cho rằng đây là loài cá chép ngày trước sống ở thiên đình, nhưng do phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian tu hành.
Mỗi năm vào dịp 23 tháng chạp, cá chép hóa rồng đưa ông Táo về trời để trình báo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra ở trần gian. Thông thường, các gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép nhỏ, để vào chậu nước để cúng. Nhưng ngày nay, nhiều nhà cũng sử dụng cá chép giấy hoặc mua nhiều cá hơn để đem đi phóng sinh đúng ngày này.
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), mâm cúng ông Táo thường có các món ăn truyền thống như: gà luộc, xôi gấc, chân giò, rượu, trầu cau, vàng mã và con cá chép sống đặt trong chậu nước.
Một số gia đình sẽ có thêm 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, canh mọc, món xào, chè, hoa quả, ấm trà, trầu, nem rán, canh măng… Thậm chí, với những gia đình không có nhiều thời gian để chuẩn bị thì có thể đặt những mâm cúng được chuẩn bị sẵn.
Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, có nhà thì đặt mâm cúng trên bàn thờ, thêm mâm khác ở ngay bếp.
Lễ vật cúng ông Táo của nhiều gia đình Việt cũng thường có thêm 3 chiếc mũ (chuyện 2 ông 1 bà). Theo đó, mũ dành cho 2 ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Các mũ thường được làm với màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, cũng có những nơi đơn giản bằng cách cúng tượng trưng 1 chiếc mũ kèm theo áo và đôi hia.
Cúng ông Táo thường được thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng chạp. Nhưng ngày nay vì bận rộn nên nhiều gia đình cúng ông Táo từ đêm 22 tháng chạp, có nhà chọn thời điểm đúng 0 giờ ngày 23, dùng cá chép giấy.
Sau khi thắp hương, những đồ vàng mã sẽ được đốt đi, có gia đình đốt kèm cả bài vị cũ, rồi lập bài vị mới. Những nhà cúng cá chép sống thì sau khi thắp hương, sẽ mang cá ra sông, ao gần nhà để thả. Việc thả cá vừa có ý nghĩa đưa ông Táo về trời, vừa mang ý nghĩa làm việc thiện, phóng sinh nhân ngày cuối năm.
Bài khấn ông Táo về trời
Theo cuốn Tìm hiểu phong tục, nghi lễ thờ cúng của người Việt và các bài văn khấn thường dùng của tác giả Nguyễn Phương tuyển chọn, sau khi bày lễ, thắp hương thì khấn, bài khấn đưa ông Táo về trời như sau. (bài khấn có tính chất tham khảo):
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân.
Hôm nay ngày… tháng… năm… số nhà… đệ tử họ tên…
Lòng thành khấn nguyện sắm lễ đầy đủ lễ vật cúng tiễn Táo quân, cầu xin tam vị Táo quân, Táo phủ Thần quân, nội gia viên trạch, ngoại gia viên trạch, kim vì tín chủ, đệ tử họ tên… (vợ chồng)
Vái cùng chủ vị long thần, ngũ phương cai quản ngôi gia số nhà… độ cho đệ tử năm cũ… đã hết, năm mới… sắp bước qua, cung tiễn ngày về tâu qua Ngọc Đế, năm cũ đã qua, năm mới bước vào, cho con vô sự, mọi điều may mắn, thuận lợi bình an, làm ăn phát đạt, sức khỏe nhẹ nhàng, tiêu trừ bệnh tật, thân tâm an lạc. Cầu nguyện gia đình an vui khỏe mạnh, cuối năm giao thừa, thỉnh rước ngài về ngự trong gia trạch, bảo hộ độ trì một năm an lạc.
Nam mô a di đà Phật (3 lần).
Sau khi cúng xong thì rót rượu, hơn nửa tuần nhang thì bắt đầu đốt giấy. Khi lễ cúng hoàn tất thì tắt đèn, không nhang khói cho đến ngày rước Táo quân mới bật đèn cúng kiếng trở lại.