25 Món Ngon Ngày Tết Dễ Làm 2021: Đầy Đủ 3 Miền Bắc, Trung, Nam
Món ngon ngày Tết là một phần không thể thiếu trong những ngày xuân dặm ngõ. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là những món ăn quen thuộc hiện hữu trong bất kỳ một gia đình nào. Như một phần tất yếu, người ta lại háo hức chuẩn bị những gì mang hương vị mà chỉ ngày xuân mới có, với hi vọng một năm mới đủ đầy.
Món ngon ngày Tết qua bộ ảnh Food Art illustration
1. Món ngon ngày Tết miền Nam
1.1 Thịt kho tàu miền Nam
Với những đứa trẻ miền Nam thì món thịt kho tàu có lẽ đã quá quen thuộc. Vào những ngày 29,30 Tết bà ngoại hay mẹ đã bắt đầu chuẩn bị nồi thịt kho tàu cho ngày Tết truyền thống sắp đến. Chẳng biết từ khi nào mà hương vị quen thuộc này đã có mặt ở mọi căn bếp ở ba miền Nam, Bắc. Món thịt kho tàu tuy đơn giản nhưng lại chiếm một vị trí quan trọng trong mâm cơm ngày Tết. Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy toả ra từ nồi thịt kho là đã thấy Tết cận kề.
1.1.1 Nguyên liệu nấu thịt kho tàu
- Thịt lợn ba chỉ
- Trứng cút, trứng gà hoặc trứng vịt
- Nước mắm ngon, nước màu (có thể tự làm hoặc mua sẵn)
- Nước dừa tươi
- Tỏi, ớt, hành lá
- Các gia vị: muối, đường, tiêu, bột ngọt, dầu ăn.
1.1.2 Cách làm thịt kho tàu
Ướp thịt
Ướp thịt ít nhất từ 30′ đến 1 tiếng với nước mắm, đường, tiêu, bột ngọt, tỏi băm, ớt cùng chút dầu ăn cho thấm vị. Sau đó để thịt ngấm trong vòng 30′ trở lên.
Luộc trứng
Trong lúc chờ thịt thấm vị, bạn có thể bắt bếp luộc trứng. Để trứng dễ bóc vỏ hơn bạn nên cho chút muối và dấm gạo vào nồi luộc trứng. Mẹo nhỏ mách bạn là nếu muốn bóc vỏ trứng nhanh hơn thì có thể cho trứng vào một cái hộp nhựa, đậy nắp và lắc nhẹ sẽ dễ bóc hơn rất nhiều.
Chưng nước màu
Để nồi thịt kho tàu có màu đẹp mắt và thơm hơn thì tất nhiên phải cần đến nước màu. Bạn có thể tự nấu nước màu hoặc mua sẵn tại các siêu thị, chợ. Nếu chưa có nước màu sẵn thì bạn có thể nấu theo cách dưới đây.
Cho đường vào nồi đun đến khi chuyển màu cánh gián là được. Thêm lượng nước đủ để kho thịt và chút dầu ăn để khi đun đường không bị cháy.
Kho thịt
Bắt nồi lên bếp, sau đó thêm dầu ăn và cho thịt đã ướp vào đảo đến khi thịt săn lại. Tiếp đó bạn đổ nước dừa và nước màu đã chưng vào nồi thịt. Ban đầu ở lửa lớn để thịt chín nhanh, sau vặn lửa nhỏ liu riu để thịt chín dần và mềm hơn.
Khi thịt đã mềm, cho trứng đã luộc vào nồi kho chung. Không nên bỏ trứng vào quá sớm bởi như thế sẽ làm trứng bị chai vỏ và cứng. Thường người ta sẽ cho trứng vào kho 15 phút trước khi tắt bếp. Cuối cùng nêm nếm lại nồi thịt kho tàu nếu thấy chưa chuẩn vị cho lắm.
Thịt kho có thể ăn cùng với cơm trắng, bánh mì hay bánh tét đều ngon. Từ bọn trẻ con, người lớn cho tới cụ già ai nấy đều thích. Thường vào ngày Tết, các bà các mẹ sẽ nấu một nồi thịt to để ăn tới mấy ngày. Bởi lẽ theo quan niệm của nhiều người Tết phải dư ra thì cả năm mới có dư. Vì thế trong ký ức của nhiều đứa trẻ, chỉ cần thấy thịt kho tàu thì có lẽ ngày Tết đã cận kề rồi.
1.2 Bánh tét ngọt miền Nam
Nếu như miền Bắc có bánh chưng xanh hình vuông hay miền Trung là bánh tét dài, vị mặn ăn cùng củ kiệu ngâm thì bánh tét dài ở miền Nam lại thiên về vị ngọt.
Bánh tét ngon là phần bánh khi mở ra không dính với lá, nếp dẻo thơm và nhân vừa ăn. Bánh tét ngọt ở miền Nam ngày nay đa dạng hơn từ hương vị cho tới cách gói. Ngoài màu xanh quen thuộc thì còn có cả bánh tét màu tím làm từ lá cẩm hay bánh tét màu vàng,… hấp dẫn và bắt mắt vô cùng.
1.3 Món ngon ngày Tết Mứt dừa non
Đối với người miền Nam thì mứt dừa là món ngon ngày Tết miền Nam quen thuộc và cũng dễ làm. Đặc biệt nhất tại xứ sở Bến Tre ở miền đất phương Nam thì dừa lại ngon hơn bao giờ hết.
1.3.1 Cách làm mứt dừa
Những trái dừa già được nạo lấy cơm sau đó cắt mỏng, rửa sạch và để ráo nước. Tiếp đến người ta ủ thêm vài lớp đường và để cho thấm vị trong vòng 1 đến 2 canh giờ.
Đến công đoạn rim mứt, than phải cháy đều và không quá lớn cũng không quá nhỏ. Dừa được đảo liên tục trên chảo nóng cho đến khi khô thì mang xuống. Dừa rim ngon có màu trắng của đường, beo béo của dừa và ngọt thanh vừa phải. Ngày nay mứt dừa được biến tấu hình ảnh với nhiều màu sắc khác nhau như xanh lá dứa, vàng, đỏ của gấc hay tim tím của lá cẩm vừa bắt mắt vừa tăng vị ngon cho loại mứt này.
1.4 Canh khổ qua nhồi thịt
Như cái tên đã thể hiện tất cả, “khổ qua” là món ngon ngày Tết luôn có mặt trong bữa cơm gia đình miền Nam và một vài nơi khác. Với mong muốn những khó khăn và cơ cực sẽ qua đi trong năm mới, và những điều may mắn thuận lợi nhất sẽ đến. Vị đắng của khổ qua lại khiến nhiều người không thích nhưng nếu đã trót lỡ thích thì lại thấy món ăn này ngon hết sẩy.
1.4.1 Cách làm khổ qua nhồi thịt ngày Tết
Khổ qua được nạo bỏ đi phần ruột bên trong, sau đó nhồi thêm hỗn hợp thịt băm, bún, nấm mộc nhĩ, các loại gia vị. Để cho chắc chắn người ta còn buộc thêm cọng hành lá bên ngoài khổ qua để giúp cố định và khi hầm không bị bung nhân ra ngoài.
Đun sôi nước dùng từ nước hầm xương (hoặc bạn có thể dùng nước thường và nêm nếm gia vị). Khi nước sôi lần lượt xếp khổ qua vào trong nồi và hầm cho chín đều. Một mẹo vặt nho nhỏ trong nấu ăn là bạn nhớ vớt hết bọt cho nước dùng được trong và nồi khổ qua sẽ bắt mắt hơn.
Khổ qua sau khi múc ra tô được trang trí thêm chút hành lá, ngò rí và tiêu xay để tăng thêm độ thơm cho món ăn ngày Tết dễ làm này.
1.5 Khô gà lá chanh – Món ăn vặt ngày Tết
Với người dân miền Nam thì khô gà lá chanh là món ngon ngày Tết để ăn vặt ngon nhất. Bên cạnh những loại bánh mứt thông thường thì khô gà lá chanh làm giảm độ ngán trong những ngày mà “thứ gì cũng ngon”.
1.5.1 Cách làm khô gà lá chanh
Ức gà rửa sạch cho vào nồi, đổ nước lạnh sắp sắp ngang mặt gà. Sau đó cho thêm với sả chẻ nhỏ, gừng, lá chanh, muối và luộc chín với lửa vừa vừa. Khi vớt thịt ra thì xả qua nước lạnh, đợi thịt nguội thì xé nhỏ miếng vừa ăn.
Trộn đều thịt gà đã xé với tỏi, gừng, riềng, nghệ, ớt, sả, lá chanh băm nhỏ cùng các gia vị khác. Lưu ý khô gà sau khi hoàn thành sẽ có vị mặn hơn do đó lúc nêm nếm gia vị bạn nên nêm nhạt một chút.
Có nhiều cách để làm khô gà lá chanh như cho vào lò nướng, lò vi sóng, làm khô bằng chảo chống dính hay cả nồi cơm điện đều được. Nếu nhà bạn có lò nướng thì có thể cho khô gà vào khay giấy bạc, trải đều ra để gà chín đều hơn. Làm nóng lò nướng trước, sau đó nướng với nhiệt độ từ 150 đến 200 độ C với thời gian khoảng 15 phút. Thành phẩm khô gà sau khi hoàn thành sẽ có màu vàng đẹp mắt, lá chanh giòn thơm rất đặc trưng.
1.6 Lạp xưởng món ngon ngày Tết
Trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam hay miền Tây thì không thể thiếu sự góp mặt của lạp xưởng. Món ngon ngày Tết dễ làm này được chế biến qua nhiều cách khác nhau như chiên áp chảo, nướng hay dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn khác. Ngày xưa chỉ đến dịp Tết thì lạp xưởng mới được bày bán nhiều nhưng ngày nay món ăn xuất phát từ Trung Hoa này được bày bán khắp mọi nơi.
Bạn có thể bắt gặp ở các chợ lớn, nhỏ hay các siêu thị đều có. Do vậy mà món ăn này dần phổ biển trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình hơn. Tết đến nhà nào hầu như ít nhiều cũng có lạp xưởng trữ sẵn. Người ta nhâm nhi lạp xưởng sau khi nướng hay chiên với chút dưa chua hay củ kiệu muối ngon hết ý.
1.7 Củ kiệu tôm khô
Không chỉ ở miền Trung chuộng củ kiệu ngày Tết mà củ kiệu cũng được yêu thích ở miền Nam. Nhưng người ta lại không dùng củ kiệu với bánh tét mà thường ăn chung với tôm khô như một phần không thể thiếu. Dù chỉ là món ăn kèm nhưng dường lại không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, tôm được chọn làm món ngon ngày Tết dễ làm này là loại tôm khô nguyên chất còn giữ được độ ngọt. Trong những bữa cơm thì thông thường dĩa củ kiệu tôm khô được đặt giữa mâm để mọi người cùng nhau thưởng thức.
2. Món ngon ngày Tết miền Trung
Ngày Tết là dịp để mọi người vây quần bên nhau và đặc biệt không thể thiếu những bữa cơm gia đình. Mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung không thể không kể đến bánh tét truyền thống, dưa món, bánh thuẫn, nem chua và chả lụa thơm ngon.
2.1 Bánh thuẫn đong đầy ký ức
Với những đứa trẻ miền Trung thì bánh thuẫn là món ngon ngày Tết đong đầy nhiều ký ức. Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều 26, 27 Tết tụ tập ở nhà ngoại hay nhà nội để đổ bánh. Bởi lẽ bà là những người có kinh nghiệm nhất trong gia đình về việc làm bánh ngày Tết. Bon trẻ như tôi thì ngồi vây quần gần với lò đổ bánh, khi bà vừa mở nắp ra để xem bánh nở hay chưa thì chúng tôi vui mừng reo lên. Và tất nhiên những mẻ bánh đầu tiên luôn dành cho bọn con nít đang háo hức không tả. Lớn hơn một chút chúng tôi có thể phụ bà đổ bánh rồi.
Để có những chiếc bánh đẹp mắt và ngon nhất là cả một quá trình cũng như kinh nghiệm lâu đời của người đổ. Bạn phải cân nhắc bao nhiêu ký bột, ký đường, trứng gà để khi đổ bánh mới nở. Rồi canh lửa xung quanh lò dưới và trên nắp như thế nào để bánh không cháy hay chỉ chín một bên. Tất cả trong trí nhớ của tôi là một bầu trời nghệ thuật của mẹ, của dì và của bà ngồi canh từng chiếc bánh cho ngày Tết.
2.2 Bánh in món ngon ngày Tết dễ làm
Cũng như bánh thuẩn thì bánh in là món bánh được yêu thích nhưng lại dễ làm hơn rất nhiều.
2.2.1 Cách làm Bánh in ngày Tết
Bột năng và bột nếp được rang chung với lá dứa, sau đó trộn với nước đường đun sôi để nguội cho đến khi bột thấm hết nước đường. Cho bột vào khuôn, nén chặt và giữ trong vòng 15 phút rồi lấy bánh ra khỏi khuôn là xong. Ngoài bánh truyền thống thì bánh in còn được biến tấu thêm bánh in đậu xanh với cách làm tương tự nhưng thêm nhân đậu xanh ở khúc giữa bánh đẹp mắt và thơm ngon.
2.3 Bánh đậu xanh trái cây ngũ sắc
Bánh đậu xanh trái cây ngũ sắc là một trong những món ngon ngày Tết miền trung rất được trẻ con yêu thích. Ít ai biết loại bánh này ngày xưa được dùng để tiến vua do đó có hình dáng và màu sắc rất bắt mắt. Bánh được làm chủ yếu từ đậu xanh, bên ngoài được tô vẽ đủ màu sắc theo hình dáng nhiều loại trái cây. Ngày nay bánh đậu xanh hình trái cây phổ biến hơn, có mặt trên các mâm cỗ, bữa tiệc, mâm ngũ quả ngày Tết.
2.4 Nem chua Bình Định
Nếu ai đó hỏi tôi nem chua ở đâu đúng vị và ngon nhất thì tôi sẽ trả lời là nem miền Trung và đặc biệt là nem chua Chợ Huyện Bình Định. Mỗi một nơi nem sẽ có cách làm và mang hương vị đặc trưng riêng. Thế nhưng nem ở miền Trung có màu hồng bắt mắt, nem được gói trong lá ổi và có vị chua chua rất ngon. Nếu đã từng thử qua món nem chua thần thánh ở xứ Nẫu thì bạn sẽ thấy không nơi đâu có được hương vị đặc biệt này.
2.5 Cóc, xoài, me ngâm
Ngày Tết có mứt, có bánh tét hay cách làm củ kiệu chua ngọt thì người miền Trung lại có thêm món xoài, cóc hay me ngâm. Món ngon ngày Tết mà từ trẻ con cho tới người lớn đều thích. Vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay đã chinh phục vị giác mọi thực khách. Tuy món ăn này rất dễ làm và có thể thực hiện vào ngày thường nhưng cứ phải đến Tết thì mới ngon. Ngon có lẽ một phần ở cái không khí sum họp, náo nhiệt một năm mới có một lần.
2.5.1 Cách làm cóc ngâm, xoài ngâm
Cóc non, xoài hay me xanh đem gọt sạch vỏ sau đó cắt vừa ăn (với me thì để nguyên trái ngâm mới ngon và đẹp). Với mỗi loại trái cây bạn nên ngâm riêng để hương vị ngon hơn. Sau khi ngâm muối, vớt để ráo và ngâm với nước đường (bạn có thể nấu nước đường hoặc ngâm với đường sống), thêm muối, ớt trái cắt nhỏ hay ớt bột đều được vào nước đường để nguội. Cho cóc vào một hũ thủy tinh hoặc hũ nhựa, từ từ đổ nước đường đã pha vào và để trong vòng 2 đến 5 ngày là đã dùng được.
2.6 Chả lụa, chả bò ngày Tết
Chả lụa, chả bò là những món ngon ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ người miền Trung. Miếng chả bò dai dai ăn kèm với muối tiêu thơm ngon khó cưỡng. Dĩa chả lụa hay chả bò với chén tương ớt hay muối tiêu ở giữa sẽ được chủ nhà chuẩn bị sẵn. Chỉ cần có khách đến thăm xuân sẽ kêu mấy đứa nhỏ bưng lên đãi khách.
Chẳng biết vì sao ngày thường chả lụa được ăn kèm bánh mì hay trong nhiều dịp khác. Nhưng cứ Tết đến thì nhà nào cũng có từ 1 hay 2 ký chả để cúng ông bà, tổ tiên hay đãi khách. Chắc vì món ăn này để được lâu, không cần phải chế biến cầu kì và có thể ăn ngay. Chả lụa ăn cùng bánh tét, bánh mì, cơm nóng hay chỉ để chấm tương ớt, muối tiêu thôi cũng ngon rồi.
2.7 Món ngon ngày Tết có Bánh tét
Đối với người miền Trung thì bánh tét có lẽ là món ngon ngày Tết nhà nhà đều phải có. Bánh tét miền Trung được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn bánh tét được cắt theo khoanh vừa đủ ăn bằng sợi dây lạt. Thông thường bánh tét sẽ được dùng chung với dưa món, củ kiệu ngâm chua ngọt. Nhưng sau vài ngày Tết đã ngán với bánh tét dùng ngay thì người ta lại đem rán lên cực ngon. Cứ thế mà bánh tét được biến tấu suốt những ngày Tết hợp khẩu vị với từng người ăn.
Bọn trẻ chúng tôi chỉ nhớ những đêm 29,30 Tết tập trung ngồi vây quần bên nồi bánh tét. Vừa ngồi canh bánh chín giúp ông, bà vừa xoa xoa bàn tay cho ấm. Cái không khí ấm áp đó chỉ có những ngày gần Tết mới hiện hữu, làm nao lòng biết bao người con xa xứ.
2.8 Mứt gừng vị cay nồng
Nếu miền Nam có mứt dừa đặc trưng thì người miền Trung có mứt gừng cay cay để khoe ngày Tết. Vị cay nồng của gừng kết hợp với độ ngọt vừa phải của đường dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong mâm bánh mứt đầu năm. Những ngày Tết ở miền Trung có chút se se lạnh do đó việc ngậm miếng mứt gừng the the đầu lưỡi, cảm giác ấm nồng lan tỏa khắp người rất tuyệt.
2.9 Thịt ngâm mắm quen thuộc
Với người dân miền Trung, thịt ngâm mắm đã quá quen thuộc và hầu như phải có trong bữa cơm đầu năm của nhiều gia đình. Thịt bò hay thịt lợn tùy thích sau khi luộc sẽ được ngâm trong nước nắm đường đã được pha nấu theo tỷ lệ nhất định. Những hũ thịt ngâm sau khi để khoảng 3,4 ngày được thái lát ăn kèm với củ kiệu, dưa món không gì sánh bằng.
2.10 Dưa món đủ màu sắc
Bạn không thể phủ nhận bữa cơm ngày Tết thường nhiều đạm và nhanh ngán, do đó dưa món là sự lựa chọn tuyệt vời khi ăn kèm. Dưa món là sự kết hợp của đu đủ, củ kiệu, cà rốt, dưa leo, su hào,… Món ngon ngày Tết dễ làm thường được ăn kèm với bánh tét, các loại thịt hay cơm nóng.
3. Món ngon ngày Tết miền Bắc
Ẩm thực luôn được coi trọng hàng đầu trong mỗi dịp Tết đến xuân về với các món ngon mang đậm hương vị truyền thống. Mâm cỗ ngày xuân ở miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng xanh, thịt nấu đông, nem chua rán và cả thịt bò kho quế,…
3.1 Bánh chưng xanh ăn kèm dưa hành
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Bánh chưng xanh là món ăn ngày Tết đặc trưng, là hương vị cổ truyền không thể thiếu. Với ý nghĩa cầu mong một năm mới đủ đầy, ấm no hạnh phúc bánh chưng được làm bởi những người có bàn tay thật khéo léo, tỉ mỉ. Lớp ngoài bánh chưng được làm từ nếp dẻo truyền thống, nhân bên trong gồm thịt lợn, đậu xanh. Sau khi gói xong sẽ luộc bánh trong vòng 14 đến 16 tiếng. Bánh chưng ở miền Bắc thường được ăn kèm với dưa hành cho giảm độ ngấy trong những ngày Tết.
3.2 Mứt sen trần ngọt bùi chuẩn vị
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân miền Bắc lại tranh thủ làm mứt sen trần truyền thống ngon chuẩn vị. Để có được mứt sen thơm ngon và chuẩn vị, những người làm món ngon ngày Tết miền Bắc này phải thật tinh tế và đầy nghệ thuật. Những hạt sen khô từ mùa hè, các bà các cô các chị đêm ninh thật kỹ. Sau đó mang đi nhào đường cho ngấm hoàn toàn vào viên mứt sen. Không thừa đường ra bên ngoài mà cũng không quá ít đường.
Mứt sen trần khi đưa vào miệng có vị ngọt ngọt, bùi bùi thơm ngon. Những hạt sen bé xíu, tròn tròn màu vàng óng ánh bọc một lớp đường vừa đủ bên ngoài. Hơn thế nữa với người dân miền Bắc, người ta thường nhâm nhi tách trà và thưởng thức đĩa mứt sen truyền thống giản dị nhưng lại thanh cao.
3.3 Thịt nấu đông trong tiết trời se lạnh
Món ngon ngày Tết ở miền Bắc truyền thống và nổi tiếng nhất có lẽ là món thịt đông nghe lạ lạ. Thịt nấu đông được ăn cùng với cơm nóng chấm nước mắm ớt nguyên chất, hay ăn kèm với dưa món củ kiệu là ngon nhất. Ngày xuân tiết trời se se lạnh mà được ăn thịt nấu đông ngon chuẩn vị thì còn gì sánh bằng. Với người dân miền Bắc thì đây là món ăn ngày Tết mang đầy kỷ niệm và mang cả hương vị đầu năm mới.
3.4 Nem chua rán – Món ngon ngày Tết dễ làm
Nhắc đến món ngon ngày Tết miền Bắc thì không thể thiếu món nem chua rán. Khác với miền Trung chuộng nem chua gói lá ổi thì người dân miền Bắc lại yêu thích món nem chua rán lên giòn giòn thơm ngon hơn. Ngày nay có nhiều loại nem như nem rán hải sản, nem rán chay,… nhưng nem rán truyền thống vẫn được mọi người yêu thích nhất, đặc biệt trong dịp Lễ hay Tết.
3.5 Canh măng lưỡi lợn đầu năm
Vào mùa măng, người ta thường lên núi hái măng để về phơi khô. Những mẻ măng ngon nhất được lựa chọn kỹ lưỡng, sau đó phơi khô và không hề qua chất bảo quản. Vào dịp năm mới, canh măng lưỡi lợn là món ngon ngày Tết nhất định phải có với người dân miền Bắc.
3.5.1 Cách nấu canh măng lưỡi lợn
- Măng khô được ngâm nước khoảng 3 ngày, nên thường xuyên thay nước để măng sạch và mềm dẻo hơn.
- Rửa sạch lại măng qua một lần nữa, sau đó xé sợi nhỏ vừa ăn (không nên to quá, cũng không nên nhỏ quá sẽ mất ngon). Xào măng với hành phi thơm khoảng 20 đến 30 phút cho măng thấm gia vị.
- Với xương giò, bạn đun qua nước sôi một lần để sạch sẽ sau đó rửa qua một nước lạnh. Thêm gia vị và xào cho xương giò thơm, ngon hơn.
- Đổ nước vào ngập xương giò, thêm măng đã xào vào hầm khoảng 10 – 15 phút cho thật nhừ. Nêm nếm thêm gia vị vừa ăn, thêm chút hành ngò, tiêu là bạn đã có món canh măng lưỡi lợn ngon tuyệt trong ngày Tết này rồi.
3.6 Thịt bò kho quế sự kết hợp hoàn hảo
Từ ngày 29 Tết, món ngon ngày Tết miền Bắc đặc biệt này đã được chuẩn bị. Thịt bò kho quế là sự kết hợp giữa vị ngọt của thịt bò, hương thơm béo ngậy của mỡ heo và vị cay nồng của quế.
3.6.1 Cách làm thịt bò kho quế
- Thịt bò nạm được ướp chung với nước cốt tỏi, thêm gia vị trong vòng 15 phút.
- Tiếp đến bạn rửa sạch mỡ heo và để ráo. Cắt thành từng lát bằng với chiều rộng của thịt bò. Sau đó ướp mỡ heo khoảng 15 – 20 phút với rượu trắng, hành, tỏi.
- Khi cả thịt bò và mỡ heo đã thấm gia vị. Bạn đặt mỡ heo lên trên bề mặt miếng thịt bò, cuộn tròn lại rồi dùng dây chỉ hoặc dây lạt quấn xung quanh để cố định.
- Xếp thịt vào nồi, thêm các gia vị khác, một miếng quế nhỏ đã rang thơm, nước dừa để tăng độ ngọt cho món ăn ngày Tết dễ làm. Đun nồi thịt bò với lửa nhỏ. Đến khi nước cạn dần, bạn cho một chút dầu hào vào để tạo màu cho món ăn. Nêm nếm gia vị lại một lần nữa cho chuẩn và đun tiếp trong 5 đến 7 phút là đã hoàn thành món thịt bò kho quế.
3.7 Chè kho miền Bắc
Chè kho có vị ngọt mát, thơm bùi của đậu xanh, dừa sợi, vừng rang ăn kèm. Nhâm nhi cùng với tách trà nóng trong tiết trời se lạnh đầu năm là sự kết hợp hết ý. Chè kho khá giống với món chè đậu xanh ta thường thấy. Nhưng điểm khác biệt là chè kho có độ kết dính hơn, còn chè đậu xanh khi để nguội sẽ bị nứt ở bề mặt. Khi cho chè kho ra đĩa, người ta rắc thêm chút vừng rang để món ăn đẹp mắt và thơm hơn. Món ngon ngày Tết ở miền Bắc này tuy không sang trọng hay cao quý như nhiều mỹ vị khác nhưng lại rất được mong đợi mỗi độ xuân sang.
Ngày Tết đến, người thì háo hức để được đi du lịch Tết, người thì bận sắm sửa quần áo cho thật xinh đẹp trong dịp đầu năm. Nhưng cũng có những người dành thời gian để làm nên những món ngon ngày Tết thật trọn vị. Suy cho cùng tất cả những điều đó đều để hòa vào không khí ấm cúng, sum vầy cuối năm và để chào đón một năm mới với hi vọng đủ đầy. Chúc bạn có một năm mới thật an khang, thịnh vượng và có những bữa cơm ngày Tết thật trọn vị.
Trúc Phương.