3 Cách cắm hoa huệ trang nhã, thanh tao dành cho mùa lễ Vu Lan
Hoa huệ trắng là loài hoa mang vẻ đẹp thanh cao, trang nhã rất phù hợp với những gia đình thích phong cách nhẹ nhàng hay dành cho những ngày lễ tôn nghiêm. Chẳng hạn như mùa Vu Lan sắp đến, hoa huệ trắng sẽ được sự săn lùng từ mọi người. Hòa cùng bầu không khí đó chúng tôi xin chia sẻ đến quý bạn đọc 3 cách cắm hoa huệ vừa sang vừa tinh tế ngay dưới đây!
Mục lục bài viết
Ý nghĩa của hoa huệ
Ngoài cái tên thân thuộc mà ai cũng biết thì hoa huệ còn có một cái tên vô cùng mỹ miều đó là hoa dạ lan hương, chắc hẳn nhiều người lần đầu nghe qua tên này chẳng biết là hoa huệ đâu nhỉ. Ngoài vẻ mỹ miều, đoan trang thì cái tên này còn mang ý nghĩa là tỏa hương thơm vào ban đêm.
Vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo của hoa huệ
Bên ngoài hoa huệ mang vẻ đẹp trang nhã thể hiện sâu sắc lòng trung thành, sự tinh khiết và tái sinh. Màu trắng của hoa huệ mang ý nghĩa thanh khiết, trong sáng nên vào những ngày lễ của Phật giáo thường lựa chọn hoa huệ để dâng Phật.
Hơn hết, với những người con công giáo hoa huệ trắng có ý nghĩa rất đặc biệt vì người con của công giáo dùng hoa huệ trắng để tượng trưng cho Đức mẹ đồng trinh. Bên cạnh đó, hoa huệ có nhiều màu sắc, mỗi màu sẽ mang một ý nghĩa tốt lành khác nhau:
Hoa huệ sọc hồng: Thể hiện ý nghĩa của sự tham vọng, sự kiên cường trước mọi thử thách.
Hoa huệ vàng: Mang ý nghĩa biểu trưng cho sức khỏe, sự hồi phục thần kỳ.
Hoa huệ đỏ: Biểu tượng của đam mê tuổi trẻ, tình yêu viên mãn. Thích hợp dùng trong ngày cưới.
Tổng hợp các cách cắm hoa huệ đẹp và thanh tao
Mùa Vu Lan sắp đến hãy bỏ túi ngay các cách cắm hoa huệ trắng để dâng Phật dưới đây nhé:
Cách cắm hoa huệ dáng Phật nghìn tay
Với dáng cắm Phật nghìn tay đòi hỏi người cắm phải thực sự có tay nghề cao và điêu luyện, bởi vì cách cắm hoa huệ này khá phức tạp. Chị em cần chuẩn bị các dụng cụ cắm hoa dưới đây:
60 cành hoa huệ trắng
Bình cắm hoa cao bằng sứ
1 đĩa sâu lòng có mút xốp
Đặt chiếc đĩa sâu lòng lên miệng bình và cố định nó lại bằng băng dán để khi cắm, hoa trong bình không bị ngã. Sau đó, bạn cho cành hoa thẳng nhất, cao nhất cắm ở vị trí trung tâm. Tiếp đến, cắm các bông còn lại cắm bên cạnh cành hoa chính và cắm theo dáng dẻ quạt.
Cách cắm hoa huệ theo dáng Phật nghìn tay vô cùng sang trọng, bắt mắt
Cắm khéo léo cho các đầu nụ chụm vào nhau tạo dáng những ngón tay Phật đang chụm lại. Cứ thế cắm lần lượt từng hàng cho đến hết hoa. Cần chú ý khoảng cách giữa các cành hoa, không nên cắm sát quá sẽ không có không gian khi hoa nở.
Thông thường, cách cắm hoa huệ dáng Phật nghìn tay thường được trưng tại các chùa, đình có không gian lớn, thoáng đãng. Vì cắm theo kiểu dáng này thì bình hoa sẽ rất to và đặt ở những không gian rộng rãi thì mới có thể khoe hết vẻ đẹp và mùi thơm của bình hoa.
Cách cắm hoa huệ dâng bàn thờ
Thêm một gợi ích cách cắm hoa huệ để dâng lên bàn thờ gia tiên siêu đẹp và đơn giản mọi người không nên bỏ qua. Mọi người cần chuẩn bị các dụng cụ phục vụ việc cắm hoa như sau: Hoa huệ, bình cắm, xốp, lá dừa,…
Để giúp hoa được đứng vững và tươi lâu hơn thì ta nên dùng xốp để cắm hoa, ta ngâm xốp với nước cho ngấm sau đó đem đi gọt cho vừa với miệng bình. Cố định miếng xốp vào miệng bình thật chắc chắn để tránh làm ngã cả hoa.
Đầu tiên, bạn cắt những cành lá dừa theo dáng hình chóp và cắm chiếc lá cao nhất vào giữa miếng xốp làm vị trí trung tâm. Cắm các cành hoa đối xứng 2 bên và sao cho thấp hơn cành lá chính 5cm. Cứ cắm như vậy cho đến hết và tạo thành vòng tròn đều nhau.
Một bình hoa vô cùng thu hút ánh mắt người nhìn
Tiếp đến, chọn 8 cành huệ trắng cắm vào giữa bình, chọn bông cao nhất cắm phía trước và bằng cành lá chính. Những cành tiếp đến thì cắm thấp ⅔ cành lá chính là được. Để bình hoa có dáng Kim Tự Tháp thì mọi người cắt cành huệ với vị trí so le nhau và cắm thấp dần về phía hướng đáy của miếng xốp.
Các cành hoa huệ đều chĩa ra ngoài, tầng thấp nhất thì cho các cành huệ hướng xuống phía dưới để che phủ miếng xốp. Tầng thứ 2, thứ 3 chĩa lên trên. Vậy là đã hoàn thành cách cắm hoa huệ dâng bàn thờ vô cùng trang nghiêm, lịch sự.
Cách cắm hoa huệ với hoa ly
Nếu bạn muốn bình hoa thêm sinh động và rực rỡ hơn thì có thể kết hợp hoa ly vào cách cắm hoa huệ. Các dụng cụ cần chuẩn bị cho cách cắm này là: Hoa huệ, hoa ly, lá dừa, cành thiết mộc lan, bình cắm,…
Đầu tiên, bạn tiến hành cắt lá dừa theo dáng hình chóp và có chiều dài cao hơn chiều cao của bình hoa 10cm. Chọn 3 cành lá dừa cao nhất cắm đan chéo nhau theo hình dẻ quạt, quay sống lá dừa lên mặt trước để có thể nhìn thấy được. 4 cành lá dừa còn lại thì cắm thấp hơn và cũng quay ngược sống lá dừa về phía trước.
Tiến hành cắt xéo cành lá thiết mộc lan theo dáng hình chóp, sau đó dùng 10 – 12 lá cắm vào chính giữa và thấp hơn ⅔ lá dừa trung tâm. Chiều cao của những cành hoa ly chị em cắm bằng với những cành lá dừa theo hướng thấp dần và chừa một khoảng ở giữa cho hoa ly trung tâm. Chọn 3 cành hoa ly đẹp nhất, đã nở cắm vào chính giữa.
Sự kết hợp hài hòa giữa hoa ly và hoa huệ
Những cành huệ trắng mọi người điểm thêm 2 bên thành bình theo hướng chĩa ngang để tạo cảm giác nhẹ nhàng và hài hòa cho tổng thể bình hoa. Nếu thấy trên bình hoa vẫn còn chỗ trống, mọi người sử dụng lá măng hay lá điểm xuyến cắm vào những chỗ trống cho phủ kín cả bình hoa.
Mẹo giữ hoa huệ được tươi lâu
Nghệ thuật cắm hoa không chỉ nằm ở cách cắm hoa huệ mà còn phải biết cách làm sao để giữ hoa tươi lâu. Đặc biệt là với hoa huệ, thường được chọn là loài hoa dùng để dâng Phật dâng gia tiên thì luôn đòi hỏi hoa phải giữ được lâu.
Chọn mua hoa đẹp, đạt chuẩn
Để có thể chưng được lâu thì mọi người nên lựa chọn những cành hoa huệ còn tươi nguyên vừa hé nụ, đừng nở quá. Nếu được thì nên lựa chọn mua những cành còn nguyên gốc, những nhánh hoa còn có nguyên những cánh đài, cánh sương bên phía ngoài.
Chọn những cành khỏe, cứng cáp để giúp giữ hoa được tươi lâu hơn
Dùng tay chạm nhẹ vào cánh hoa để kiểm tra xem cánh hoa còn cứng và tươi mới hay không. Đừng mua những cành hoa mà đã mất cánh sương hay những bông hoa đã bị mềm, chứng tỏ những cành hoa đó đã để lâu, hoa cũ không còn tươi, dập nát.
Cắt hoa
Sử dụng kéo cắt một nhát thật bén để vết cắt không bị ảnh hưởng đến cành hoa, tránh gây cành hoa bị tổn thương. Cắt xéo cành hoa 1 góc 45 độ để kích thích và tăng cường bề mặt hút nước, mặt cắt cành không nên đặt sát xuống đáy bình để giữ hoa được lâu tàn.
Bạn nên tỉa bớt các cành lá phía dưới, các cành lá ngập trong nước để tránh gây hư úng, thối gốc do nước bị nhiễm khuẩn. Trước khi cắm, bạn nên rửa sạch bình và gốc hoa để loại bỏ bớt các loại vi khuẩn, cặn bẩn bám trên bình và cành hoa.
Thay nước bình hoa thường xuyên
Để giúp hoa được tươi và hạn chế việc hư, thối gốc thì mọi người nên thường xuyên thay nước 2 lần một ngày. Không cần để nước quá nhiều trong bình cắm, chỉ cần để nước cao hơn vết cắt 5cm là được.
Thường xuyên thay nước hoa để hoa được tươi và chơi được lâu hơn
Bạn có thể hòa tan một số dung dịch như nước súc miệng, nước cốt chanh, giấm táo, đường trắng hay các loại thuốc dưỡng hoa pha loãng vào nước cắm để giúp hoa tươi lâu hơn và ức chế được các loại vi khuẩn có trong nước.
Nơi đặt bình hoa
Không nên đặt bình hoa vào những nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu rọi vào hay những nơi có gió. Không đặt bình hoa gần những thiết bị tỏa nhiệt vì nhiệt nóng sẽ khiến hoa bị mất nước và rất nhanh tàn. Nên đặt bình hoa ở những nơi thoáng mát, có ánh sáng để hoa có thể giữ được lâu hơn.
Lời kết
Với 3 cách cắm hoa huệ đã được ShopHoaVip chia sẻ ở trên hy vọng sẽ giúp mọi người có thêm những kiểu cắm cho những ngày lễ sắp đến, đặc biệt là lễ Vu Lan. Một bình huệ trắng thanh tao, nhã nhặn chắc chắn sẽ khiến tâm hồn của bạn được nhẹ nhàng hơn!