3 câu hỏi lớn về văn hoá Việt Nam

Đỗ Trung Lai

  –  

Chủ nhật, 01/10/2017 07:00 (GMT+7)

Tôi đã dự nhiều cuộc hội thảo các cấp về văn hóa. Tiếc thay, không biết do “phổ” đề tài quá rộng hay do chuẩn bị chưa kỹ mà đa số các tham luận lại thường sa vào phần lý luận chung về văn hóa, những vấn đề mà ở các bách khoa thư, người ta viết đã lâu rồi!

3 câu hỏi lớn về văn hoá Việt Nam

Lẽ ra, hội thảo phải nghiêng về phương diện thực hành hơn và nên xoay quanh 3 câu hỏi:

1. Văn hóa Việt Nam là gì? (cả vật thể và phi vật thể)

2. Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?

3. Làm thế nào để văn hóa ấy, bản sắc ấy phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, mà vẫn là động lực của dân ta trong tương lai?

Câu hỏi thứ nhất đòi hỏi sự thống kê, phân loại, đặt tên, giải nghĩa, giải mã… để biết đâu là văn hóa Việt nguyên thủy, bản địa; đâu là kết quả của giao thoa văn hóa Việt với văn hóa Trung Hoa, với văn hóa Ấn Độ, Chăm, Khơ-me; đâu là kết quả giao thoa của văn hóa Việt – Pháp và phương Tây, Việt – Mỹ và khối Anh ngữ, Việt – Nga và khối Xla-vơ… từ kiến trúc, ngôn ngữ, lối sống, canh tác, kỹ nghệ, nghệ thuật, giáo dục… cho đến ẩm thực, quần áo, thậm chí bệnh tật.

Câu hỏi thứ hai đòi hỏi sự phân tích, lọc lựa để làm “chứng minh thư văn hóa” cho người Việt, với những đặc điểm “nhận dạng” không thể lẫn. Đó là những yếu tố văn hóa bản địa riêng biệt, những yếu tố văn hóa khác đã được Việt hóa một cách đặc sắc như chữ Nôm, cách phát âm Hán – Việt (hay Việt – Hán?), chữ quốc ngữ, đến quần áo bà ba, áo dài Bắc – Trung – Nam… thậm chí, quần lá tọa và sự “can thiệp” của cái dây thun.

Câu hỏi thứ ba, trả lời được có nghĩa là đã có chiến lược và chính sách văn hóa rồi.

Chỉ khi làm được như vậy, thì ta mới biết cái gì cần giữ, cần bỏ; mới biết cần giáo hóa cho con cháu thế nào, từ ở gia đình đến ở nhà trường, khi hòa nhập với thế giới, thậm chí cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, trán họ luôn sáng ngời nét Việt.

Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra vai trò của văn hóa, chỉ ra phương châm xây dựng một “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhưng chính giới trí thức nước ta phải trả lời được 3 câu hỏi trên. Còn nếu chỉ hội thảo lý luận chung mãi, thì vừa tốn tiền bạc và thì giờ, vừa không thấy cây mà cũng chẳng thấy rừng, và sẽ mãi mắc cái bệnh “lơ mơ muôn thuở’.

Rồi sau khi trả lời được 3 câu hỏi trên, thì chính giới trí thức ta lại phải viết ra mấy hạng sách: Hạng dài kỳ và kỹ dùng cho nghiên cứu và tham khảo; hạng phổ thông để dạy con cháu trong trường; hạng “bình dân” để ai là người Việt thì cũng nhớ tóm tắt… Từ đó mới có “hương ước”, “khế ước xã hội”, gia giáo, “mới so với cũ” và “không cũ so với mới” mà ngày nay và mai sau đều cần dùng.

Mong sao các nhà nghiên cứu của chúng ta sớm làm được việc ấy. Nó rất cần cho quốc kế dân sinh, cho cả hôm nay và cả ngày mai.