3 yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp FPT và chuyện lãnh đạo “sợ” Tết

3 thành tố tạo nên văn hóa FPT

Sáng 6/8, trong “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bà Bùi Nguyễn Phương Châu – Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa FPT.

Theo bà Phương Châu, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay tổng doanh thu của Tập đoàn FPT hơn 1 tỷ USD, nếu tính cả khối bán lẻ vừa tách ra năm 2017 thì con số lên đến hơn 50 nghìn tỷ đồng. Từ 13 thành viên, tổng nhân sự của FPT hiện giờ hơn 36 nghìn người.

Nói về văn hóa doanh nghiệp FPT, bà Phương Châu nhìn nhận được cấu thành từ 3 thành tố.

Thứ nhất, văn hóa FPT xuất phát chính từ sứ mệnh của công ty được xác lập ngay từ khi thành lập, theo bà Phương Châu đây chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Tập đoàn.

“Với 1 doanh nghiệp, khi bắt đầu kinh doanh, chúng ta tìm các sản phẩm dịch vụ đáp ứng cho thị trường, nhưng nhiều lúc chúng ta quên mất chúng ta hoạt động, tồn tại để làm gì, phục vụ điều gì? Với FPT, kể từ ngày mới thành lập, ban lãnh đạo công ty đã xác định sứ mệnh rất rõ ràng để cho mỗi thành viên ai cũng đều hoạt động hướng tới sứ mệnh này”, Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT nói. Đồng thời nhấn mạnh, sứ mệnh của Tập đoàn đã được Chủ tịch Trương Gia Bình đưa ra ngay từ ngày đầu thành lập, đó là: “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”.

Thứ hai, văn hóa FPT được đúc kết thành hệ thống giá trị cốt lõi. Trong đó đòi hỏi mỗi cán bộ nhân viên phải tuân thủ, gìn giữ, phát huy, và liên tục đưa vào thực hành thực tiễn các giá trị này.

Điều quan trọng hơn, theo bà Phương Châu đó là thành tố thứ 3.

“Tất cả sứ mệnh, hệ thống giá trị cốt lõi đó được đưa vào vận hành trong thực tế như thế nào? Bởi vì có thể thực tế hành động hoàn toàn không liên quan đến tầm nhìn, định hướng của công ty đưa ra. Chính vì vậy đòi hỏi thực tiễn phải rất nhất quán với hệ thống giá trị cốt lõi, với sứ mệnh của công ty”, bà Phương Châu chia sẻ.

Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng

Từ sứ mệnh, tầm nhìn rất rõ ràng ngay từ đầu khởi nghiệp, FPT đã hệ thống hóa thành 6 giá trị cốt lõi “Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng”.

Theo Giám đốc truyền thông Tập đoàn FPT, giá trị đầu tiên là Tôn – tôn trọng cá nhân. Mỗi thành viên của FPT được quyền là chính mình, được phát triển theo đam mê của mình. Đặc biệt là được lắng nghe, được nói các ý kiến của mình với cấp trên.

Đổi – chính là đổi mới. Bà Phương Châu lý giải, điều này đồng nghĩa với việc FPT rất coi trọng giá trị của việc học hành, coi trọng giá trị sáng tạo của mỗi cán bộ nhân viên. Đồng – mỗi người FPT coi các đồng nghiệp của mình là đồng đội, sẻ chia lúc khó khăn, đồng tâm đoàn kết trong suốt quá trình làm việc.

“Với FPT, lãnh đạo chính là linh hồn, là người duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy 3 giá trị cốt lõi cuối cùng dành riêng cho những người đứng đầu”, bà Phương Châu nhấn mạnh.

Trong đó, Chí – tức là chí công. Lãnh đạo không được trù úm, trù dập cấp dưới. Đây chính là nền tảng tạo dựng niềm tin cho nhân viên. Ngoài ra, người đứng đầu phải biết làm Gương, tức là gương mẫu. Đây là 1 yêu cầu cực kỳ quan trọng, vì với FPT, trong mọi hoạt động lãnh đạo đều là người “đi trên tuyến đầu”. Cuối cùng, Sáng chính là sáng suốt. Lãnh đạo FPT phải là người có tầm nhìn xa, có khát vọng đặt ra những mục tiêu mới để có thể dẫn dắt Tập đoàn phát triển.

Lãnh đạo “sợ” Tết

Quay lại chia sẻ về sứ mệnh của FPT, bà Phương Châu nhấn mạnh về 4 chữ “tổ chức kiểu mới”. Vào năm 1988 FPT đã xác định đây là 1 tổ chức không có tham nhũng, không có “đi sếp”.

“Cá nhân tôi làm ở FPT 20 năm, thậm chí có rất nhiều nhà của sếp tôi cũng chưa biết. Chính điều này làm chúng tôi có thể tâm huyết để thực hiện bất cứ điều gì, và biết chắc chắn rằng tất cả những điều mà lãnh đạo yêu cầu mình làm xuất phát từ lợi ích của công ty, không phải vì lợi ích của bất cứ cá nhân nào”, bà Phương Châu giãi bày, và cho biết các lãnh đạo ở FPT rất “sợ” Tết.

Nguyên nhân, vì vào thời điểm đó lãnh đạo phải có quà, phải đưa đi ăn, phải tổ chức vui chơi cho nhân viên. Mà tất cả những chi phí đó phải từ tiền cá nhân chứ không được lấy tiền của Tập đoàn.

Ngoài ra, khi có bất cứ 1 hoạt động nào của Tập đoàn, lãnh đạo phải là người thực hiện đầu tiên. Khi có lỗi lầm nào, lãnh đạo cũng là người chịu trách nhiệm trước nhất.

Theo Giám đốc truyền thông Tập đoàn, chính điều này khiến cho không khí làm việc tại FPT trở nên dân chủ. “Các sếp luôn là chủ đề trong các hội diễn của chúng tôi. Ở đó nhân viên có thể phản ứng tất cả các chính sách, quyết định của cấp trên. Trong khi đó lãnh đạo phải chấp nhận, phải đối diện với những điều trên để có thể cải thiện, điều chỉnh hoạt động của mình”, bà Phương Châu nói.