30 điểm vẫn trượt đại học: Rối do có quá nhiều cách tuyển sinh

Đạt 26,75 điểm ở tổ hợp khối D1, Nguyễn Hà, học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội) hy vọng mức điểm này sẽ giúp Hà chọn được ngành học yêu thích. Thí sinh (TS) này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học (ĐH): Kinh tế quốc dân, Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Ngoài ra, để an toàn, Hà còn đăng ký thêm một số ngành của Trường ĐH Thương mại.

Đề thi thiếu phân hóa

[external_link_head]

Khi các trường công bố điểm chuẩn, TS này suy sụp khi em trượt cả chục nguyện vọng đã đăng ký. Hà chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng cuối cùng là vào Trường ĐH Thương mại.

Năm nay, điểm chuẩn của các trường ĐH tăng mạnh, cá biệt có trường tăng đến 11 điểm, nhiều TS đành phải ngậm ngùi tiếc nuối vì không thể đỗ vào ngành học mình yêu thích. Dù đã lường trước, TS Nguyễn Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không ngờ với mức điểm 26 tổ hợp khối D nhưng chỉ đỗ được một trường ĐH ngoài công lập là ĐH Thăng Long, Hà Nội. Hải cho biết em đam mê học luật, nhưng các nguyện vọng vào Trường ĐH Luật Hà Nội và Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đều đã trượt. “Không thể ngờ với kết quả như vậy mà em lại chỉ đỗ vào ngành kế toán của Trường ĐH Thăng Long” – Hải buồn bã nói.

Thủ khoa khối C của TP Đà Nẵng năm nay đạt 28 điểm với điểm số 3 môn: ngữ văn 9 điểm, lịch sử 9,5 điểm, địa lý 9,5 điểm. Với mức điểm này, em Tăng Thị Thùy Dang hoàn toàn tự tin có thể dễ dàng trúng tuyển vào nhiều trường. Nhưng thực tế, thủ khoa Đà Nẵng chỉ thừa vỏn vẹn 0,1 điểm để trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao. Điều này đồng nghĩa với tất cả TS xét tuyển khối C còn lại của TP Đà Nẵng nếu không có điểm cộng thì không thể vào trường ĐH này.

Lý giải về việc điểm chuẩn “bùng nổ” khiến nhiều TS được mỗi môn 9-10 điểm vẫn trượt ĐH, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng một phần do đề thi chưa có tính phân hóa cao. Do 2 năm nay, TS phải học trực tuyến nhiều đợt nên khi ra đề, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cân nhắc để phù hợp với tính chất một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thêm vào đó, các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỉ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm…, trong khi TS lại tăng nguyện vọng vào ngành “hot” của các trường hàng đầu.

GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, nói do dịch Covid-19 đã khiến cả vạn TS có kế hoạch đi du học phải dừng lại. “Các em này kết quả thi rất tốt, đặc biệt là ngoại ngữ, nên cũng khiến điểm chuẩn của các ngành xét bằng điểm thi ngoại ngữ tăng lên” – GS Hoàng Anh Tuấn cho hay.

[external_link offset=1]

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục Học Mãi, cho rằng ngoài nguyên nhân chính là sự phân hóa của đề thi kém hơn trước và sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển làm giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi, đẩy điểm chuẩn tăng mạnh hơn trước.

30 điểm vẫn trượt đại học: Rối do có quá nhiều cách tuyển sinh

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TP HCM năm 2021 (Ảnh: TẤN THẠNH)

Thông tin tuyển sinh không hỗ trợ tốt TS

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết nhìn chung mặt bằng điểm trúng tuyển bằng phương thức điểm thi THPT đều tăng so với năm 2020 ở hầu hết các nhóm ngành và các trường. Có 2 lý do quan trọng là phổ điểm thi THPT năm 2021 tăng và chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm so với năm 2020. “Điểm chuẩn năm nay tăng cao vì các trường có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, đa dạng đối tượng tuyển sinh đã công bố và xác nhận nhập học trước đó nên tỉ lệ dành cho phương thức thi tốt nghiệp THPT thấp hơn những năm trước” – ông Nhân lý giải.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng các trường đã dùng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhằm phủ lấp chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ dành lại không nhiều chỉ tiêu cho điểm thi THPT, thậm chí là rất ít. Các TS có thể đã không nhìn thấy xu hướng này, cộng với điểm thi THPT khá cao, nên đã không tham dự các phương thức khác, hoặc thậm chí không xác nhận nhập học để chờ đợi kết quả tuyển sinh bằng điểm THPT. Việc các trường không công bố rõ ràng các chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức THPT góp phần làm cho thông tin tuyển sinh không minh bạch, không hỗ trợ tốt TS trong việc lựa chọn nguyện vọng của mình.

Chuyên gia này nhận định có thể TS và xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cách thức đối xử với thứ tự nguyện vọng thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm; đó là điểm chuẩn của các nguyện vọng sẽ tăng dần theo thứ tự ưu tiên. Ở tuyển sinh ĐH, các nguyện vọng được đối xử như nhau bất kể thứ tự ưu tiên. Chỉ khi nào một TS trúng tuyển nhiều hơn một nguyện vọng, nguyện vọng có ưu tiên cao nhất được giữ lại để xác định trúng tuyển. “Khả năng là có nhiều TS đã dùng quá ít nguyện vọng và đã vội vã chuyển đổi nguyện vọng của nhóm “mơ ước” sang thành nhóm “kỳ vọng” và làm cho các ngành có điểm chuẩn năm 2020 không quá cao đã tăng lên đột biến trong năm nay” – PGS-TS Bùi Hoài Thắng nhận định.

Trường ĐH sẽ không tuyển được đúng người

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho rằng điểm thi THPT không giúp phân hóa TS để xét tuyển vào ĐH. Có nhiều TS có cùng, hoặc gần điểm số ở các mức điểm THPT có thể làm công tác tuyển sinh không còn chính xác. Có thể việc này giúp các trường bảo đảm được chỉ tiêu tuyển sinh với phổ điểm chuẩn “đẹp” nhưng cũng có thể không giúp tuyển sinh được “đúng người”.

Bức tranh điểm chuẩn cũng cho thấy sự mất cân đối về ngành nghề. Thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định do không được tư vấn, thông tin, định hướng một cách đầy đủ, đa số TS chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, phong trào và chỉ tập trung vào một số ít nhóm ngành về kinh tế, y – dược và liên quan tới công nghệ thông tin… khiến cho điểm chuẩn tăng rất mạnh, thậm chí cả ở những trường chưa có truyền thống đào tạo hay thế mạnh về những ngành này.

[external_link offset=2]

Tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường

Ngày 17-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về điểm chuẩn năm nay tăng mạnh ở các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường năm nay tuyển sinh với kết quả khá tốt so với năm trước. Dựa trên phân tích số thí sinh tuyển được trên số chỉ tiêu, có thể thấy những thay đổi đáng kể.

Theo ông Sơn, việc tăng điểm chuẩn một số ngành, khối là do số thí sinh đăng ký dự thi tăng từ 900.000 lên 0969756783, tăng hơn 11% so với 2020. Trong khi đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000, từ 643.000 lên 795.000, tăng khoảng 24% so với 2020. Có thể dịch Covid-19 đã khiến các em không thể đi du học, dẫn đến số thí sinh tăng lên. Khi tỉ lệ thí sinh trên số chỉ tiêu tăng như thế thì việc tăng điểm chuẩn là bình thường. Ngoài ra, thí sinh đã chọn ngành thực tế hơn, kỹ hơn. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265 ngành (khoảng 8%), trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành. Khối Kỹ thuật – Công nghệ tăng nhiều nhất với 70 ngành, sư phạm 64 ngành, sau đó tới khối Kinh doanh và Quản lý 42 ngành, Khoa học xã hội và Nhân văn 32 ngành, Pháp luật 10 ngành. Nguyên nhân cuối cùng, đó là phân tích phổ điểm thi cho thấy môn tiếng Anh năm nay tăng nhiều so với năm trước. Điều này cũng làm cho điểm chuẩn tăng lên.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, xét tuyển ĐH là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương thức để thí sinh có thể chọn nhiều ngành, nhiều trường thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh. Với các em điểm cao mà vẫn trượt, đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng các trường còn nhiều hình thức xét tuyển bổ sung và TS sẽ cơ hội trúng tuyển bằng những hình thức xét tuyển khác.

Năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ có những phương án để các trường tăng quyền tự chủ, tổ chức những kỳ thi phối hợp với nhau, bổ sung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, việc tổ chức kỹ thi này sẽ phải nhẹ nhàng, không tăng áp lực cho cả thí sinh và xã hội.

Y.Anh

[external_footer]