4 Điểm Khác Biệt Giữa Ẩm Thực Phương Đông Và Phương Tây
Mục lục bài viết
Nền ẩm thực phương Đông và phương Tây luôn có những nét khác biệt từ quan niệm ẩm thực cho đến hình thức trình bày. Chính điểm khác biệt đó tạo nên sự hứng thú và tò mò cho thực khách. Hãy cùng điểm qua xem những khác biệt đó là gì nhé!
1. Quan niệm ẩm thực
Nếu quan niệm về ẩm thực của phương Tây đề cao chất lượng và được xem là “quan niệm ẩm thực lý tính” thì phương Đông ngược lại hướng đến “quan niệm ẩm thực cảm tính”. Điều này có thể được nhìn nhận rõ nét qua sự so sánh về hình thể của người phương Tây và người phương Đông.
Người phương Tây có hình thể vượt trội hơn hẳn do thói quen ăn uống hàng ngày đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể về calo và vitamin,… Họ là những người quan tâm đến sức khỏe nên việc ăn uống đầy đủ là một yếu tố bắt buộc, nhưng cũng vì thế mà hương vị không quá ngon hoặc đôi khi không đa dạng. Những thành phần như bơ, sữa và trứng được sử dụng hầu hết ở mỗi món ăn vì mang lại một nguồn năng lượng và dinh dưỡng dồi dào – những thành phần này ít thấy trong thực đơn của người phương Đông vì độ béo ngậy.
Ngược lại, người phương Đông coi trọng về mặt hình thức vì đã “ngấm vào máu” nhiều phong tục, tập quán và lễ giáo từ xưa đến nay. Có thể thấy rõ qua một bàn tiệc để cúng tổ tiên, thường bao gồm nhiều món với đầy đủ màu sắc và được trang trí bắt mắt. Người phương Đông ưu tiên tính ngon miệng nên luôn có sự phong phú trong món ăn nhưng lại thiếu đi sự quan tâm về dinh dưỡng vì vậy thường có thể hình thấp bé hơn hẳn.
2. Thành phần nguyên liệu và gia vị
Nguyên liệu thường được người phương Tây chọn lọc kỹ càng sao cho phù hợp với món ăn và đảm bảo chất dinh dưỡng nhất. Về gia vị thường chỉ sử dụng 1-2 loại chính là muối và tiêu xay, hạn chế hoặc thay thế việc sử dụng đường bằng cách dùng độ ngọt tự nhiên có trong thành phần nguyên liệu như rau, củ, quả, thịt, cá, tôm,… Họ tin rằng việc sử dụng quá nhiều gia vị khác nhau làm mất bản chất của món ăn, qua đó tạo nên một món ăn phương Tây có hương vị nhẹ, thoang thoảng mùi hương, không mạnh như phương Đông.
Ngoài ra, nước sốt được xem là một nét đặc trưng nổi bật ở văn hóa ẩm thực phương Tây. Mỗi món ăn sẽ có một loại nước sốt riêng, ví dụ như beef steak sẽ được cắt thành nhiều mảng to dùng chung với sốt steak vị vang đỏ, ăn kèm với một ít salad để cân bằng.
Trong khi đó, người phương Đông vốn được biết đến với sự đa dạng về nguyên liệu và gia vị. Một món ăn thường được nêm nếm với nhiều gia vị khác nhau từ muối, đường, bột ngọt, nước mắt, nước tương, sa tế,… Ngoài ra, khi sử dụng các món ăn, thay vì sử dụng nước sốt như phương Tây, họ có xu hướng kèm thêm một loại nước chấm để làm đậm đà món ăn.
3. Văn hóa ăn uống
Người phương Tây thường dùng bữa ăn theo thứ tự, mở đầu bằng một phần soup hoặc một món ăn khai vị nhẹ, tiếp theo đến món chính và cuối cùng có thể tráng miệng với một chiếc bánh táo.
Thịt là một phần quan trọng trong món ăn, thịt bò và thịt cừu là hai loại được ưa thích và sử dụng trong món chính ăn kèm với bánh mì. Họ cũng ưu tiên sử dụng các đồ ăn được làm sẵn hoặc đóng hộp để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn cung cấp cho họ dinh dưỡng cần thiết. Văn hóa còn có sự khác biệt khi người phương Tây thường dùng dao, nĩa để có thể ăn từng miếng nhỏ và hạn chế tuyệt đối việc trò chuyện trên bàn ăn.
Trái ngược hoàn toàn, người phương Đông thường ăn cùng nhau và nói chuyện về cuộc sống hàng ngày để tạo được sự gần gũi giữa các thành viên. Đũa và thìa là vật dụng chủ yếu giúp họ lấy thức ăn. Một bữa ăn truyền thống của người phương Đông sẽ bao gồm cơm, một món ăn mặn, rau và canh. Ngoài ra, các hoa quả tự nhiên vào cuối buổi ăn cũng được ưu tiên lựa chọn.
4. Hình thức trình bày món ăn
Người phương Tây ưu tiên sự đơn giản và nhanh gọn trong việc trang trí thức ăn cũng bởi vì họ có quan niệm về chất lượng hơn là thẩm mỹ. Ngược lại, người phương Đông lại rất tỉ mỉ và phục vụ đồ ăn sau khi đã có sự trang trí công phu. Họ thường sử dụng đa dạng nguyên liệu nên việc một món ăn có nhiều màu sắc, tạo hình bắt mắt là điều hiển nhiên.
Ngày nay, ranh giới giữa các nước ngày càng mờ dần, việc giao thoa nhiều nền ẩm thực với nhau cũng bắt đầu rõ nét. Cả người phương Tây và phương Đông đều bắt đầu chấp nhận và học hỏi ẩm thực. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, thì mỗi nền văn hóa ẩm thực đều mang đến một cái nhìn mới mẻ và đặc sắc cho thực khách.