4 khác biệt trong gia đình Việt xưa và nay
Ngày nay, vì đủ kiểu lý do, bữa cơm tối đầm ấm, quây quần giữa các thành viên ngày càng bị xao nhãng.
>> 5 nghịch lý trong gia đình hiện đại
>> Để tình yêu ‘bất tử’ cùng hôn nhân
1. Quy mô gia đình
Ngày càng ít gia đình có nhiều thế hệ sống chung với nhau.
Trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái. “Tứ đại đồng đường” là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc “thoát ly” ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nề nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết kính trên, nhường dưới.
Xã hội ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ tuổi thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không chấp nhận hy sinh nên khó lòng sống hài hòa với nhà chồng. Lựa chọn sống riêng vì thế ngày càng nhiều.
2. Bữa cơm
Bữa cơm quây quần đầy đủ thành viên luôn là niềm hạnh phúc với những người già.
Với các gia đình xưa, bữa cơm luôn được chú trọng. Trong giai đoạn đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày làm việc. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày.
Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con rồi đi chợ nấu cơm. Tuy nhiên, bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận làm thêm giờ, lúc thì con phải đi học thêm… Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau, khoảng thời gian tận hưởng và chia sẻ cùng nhau dường như rất ít.
3. Nề nếp sinh hoạt
Khi sống trong gia đình tứ đại đồng đường, mọi nề nếp, gia phong đều được người già giữ gìn và duy trì. Các cụ luôn dùng những câu răn dạy của người xưa để giúp con cháu giữ được nề nếp như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “kính trên, nhường dưới”… Chính nhờ có các cụ mà con cháu biết nhìn nhau mà sống. Hơn nữa, cuộc sống xưa đơn giản, chưa có sự can thiệp của các công nghệ hiện đại, con người ít có sự lựa chọn.
Nhịp sống công nghiệp ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ có nhiều sự tự do hơn khi sống riêng. Khi không thích nấu nướng, họ có thể chọn ăn ngoài hàng hoặc gọi đồ ăn về nhà. Với những gia đình chưa có con, chỉ có hai người thì sự thoải mái càng lớn hơn. Đôi khi, căn bếp cả tuần không “đỏ lửa” và các cặp vợ chồng cũng không lấy đó làm lo lắng.
Các cặp vợ chồng trẻ sống riêng thường thoải mái hơn trong việc duy trì nề nếp sinh hoạt, ăn uống…
4. Sự khác biệt giữa hai thế hệ
Giữa một phía quyết giữ bằng được mọi giá trị truyền thống và một bên ra sức phá bỏ, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn. Người già luôn đem những câu chuyện ngày xa xưa ra làm chuẩn mực để dạy dỗ thế hệ trẻ, còn người trẻ thì cho đó là lạc hậu, cổ lỗ sĩ, không biết tiếp nhận cái mới. Tiếng nói chung giữa hai thế hệ ngày càng ít đi.
Gia đình, dù ở thế hệ nào, cũng đều hướng tới giá trị hạnh phúc của mỗi con người sống trong đó. Dù hiện đại hay truyền thống, thì bố mẹ cũng luôn hy sinh và làm mọi thứ để con cái được hạnh phúc.
Thái An
Ảnh: Inmagine